Lịch sử thú vị của những chú chim mồi thủ công – một loại hình nghệ thuật dân gian Hoa Kỳ
Lịch sử của những chú chim mồi ở Hoa Kỳ, từ dụng cụ hỗ trợ của thợ săn trở thành một tác phẩm nghệ thuật.
Những chú chim mồi xuất hiện bắt nguồn từ những nỗ lực của con người để săn bắt các loài thủy cầm. Cho dù là đi săn bằng lưới, bẫy hoặc súng săn, những người thợ săn đều coi chim mồi quan trọng như thuyền bè, vật ngụy trang hay súng hơi vậy. Khi vũ khí được cải thiện và dân số gia tăng trong những năm cuối của thế kỷ 19, ngày càng có nhiều người đi săn các loài chim nước để làm thức ăn hoặc để chơi thể thao, và từ đó nhu cầu về chim mồi đã gia tăng. Chú chim mồi được yêu cầu chế tạo sao cho nhìn từ xa phải thật giống – chim mồi càng giống thật, cuộc săn sẽ càng thành công.
Ngày nay, những chú chim mồi này là một loại hình nghệ thuật dân gian vô cùng quý báu và thường được tìm kiếm như là một vật sưu tầm, và nhiều cái trong số đó có giá trị rất cao. Từ cách làm thủ công xa xưa cho đến công nghệ hiện đại hóa ngày nay, những chú chim mồi được cách điệu và chạm khắc một cách tinh xảo, phản ánh tác động của công nghệ, môi trường, xã hội và kinh tế đến lối sống của người dân Hoa Kỳ.
Điều huyền diệu của những chuyến di trú
Khi những cơn gió rét lạnh của mùa thu thổi ngang qua Vịnh Chesapeake, chúng tôi một lần nữa lại được nghe thấy những âm thanh huy hoàng của bầy ngỗng Canada đang bay đi di trú vang vọng trong không khí. Nhìn lên bầu trời hoặc là nhìn ra những cánh đồng bắp đã thu hoạch, bạn có thể được chứng kiến những chuỗi dài các con ngỗng đang đập cánh bay lướt qua những khoảng không mênh mông đó. Người ta tự hỏi rằng điều gì đã bắt buộc những chú chim này phải bay hàng ngàn dặm mỗi năm để rời bỏ những vùng đất sinh sản của chúng ở phương Bắc để đến những địa khu mùa đông lạnh giá dọc theo Bờ Biển Atlantic, và rồi lại quay trở lại. Rồi làm thế nào mà chúng xác định được đường đi? Và làm thế nào để chúng biết là khi nào thì nên đi và khi nào thì cần quay trở về? Tất cả những câu trả lời này đều là bí ẩn của quá trình di trú của các loài chim.
Hành trình di trú từ Bắc đến Nam và ngược lại của các loài chim nước này rất có thể gắn liền với các điều kiện khí tượng, như nhiệt độ và áp suất khí quyển. Các loài chim di chuyển theo các tuyến đường cố định đến những khu vực cụ thể dựa theo nguồn thức ăn và nguồn nước, và các loài chim nước này quay trở lại cùng khu vực trú đông hàng năm là bởi vì các dấu ấn của chúng.
Đường bay Đại Tây Dương chào đón nhiều loài chim từ các nơi như vùng phía Đông của Bắc Cực, từ bờ biển Greenland, Labrador, Newfoundland, Vịnh Hudson, Yukon và các vùng khác của đất nước Canada và Hoa Kỳ. Hàng triệu con vịt, thiên nga và ngỗng di chuyển dọc theo các bờ biển và vịnh Chesapeake đang vào mùa đông cũng như những lòng sông ở tiểu bang North Carolina.
Khu vực Vịnh Chesapeake là một nam châm khổng lồ thu hút sự di trú của các loài chim nước. Những vùng nước kín này cung cấp cho chúng thức ăn và sự bảo vệ an toàn. Các loài thực vật thủy sinh lấp kín các vùng nước, và các cánh đồng sau thu hoạch vẫn còn vương vãi khá nhiều các hạt bắp. Một số lượng quá khổng lồ các loài chim đã tụ tập về nơi này đã tạo nên một nhu cầu to lớn về các món chim mồi phục vụ săn bắt trong nhiều thế kỷ qua.
Những loài thủy cầm ở Hoa Kỳ
Chữ “chim mồi” [decoy] có nguồn gốc từ tiếng Hà Lan “cage” (kooi) có nghĩa là cái lồng và chữ vịt hoặc chim (eend). Người Hà Lan đã mang theo những thứ này đến New Amsterdam – nơi mà ngày nay là tiểu bang New York – một phương pháp xa xưa về việc sử dụng chiếc lồng và những con vịt thuần hóa để bẫy chim hoang dã. Những chú chim thuần hóa được gọi là vịt lồng, hoặc là “de kooi eend”. Vào giữa thế kỷ thứ 19, từ ngữ chim mồi trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ với hàm nghĩa là “hình ảnh một chú chim được sử dụng để lôi kéo những chú chim hoang dã vào tầm bắn của súng săn.”
Những chú chim mồi sớm nhất được cư dân ở Bắc Mỹ sử dụng là vào thời kỳ tiền Columbus, một sự kết hợp giữa các yếu tố để mở rộng nhu cầu về thủy cầm trong suốt giai đoạn hậu Nội Chiến ở Hoa Kỳ. Các loài chim di cư, bao gồm các loài như vịt lặn vai buồm và thiên nga nhỏ, sống rất nhiều ở đây, tuy nhiên việc tiếp cận và phân phối nguồn thức ăn dường như bất tận này là một vấn đề nan giải. Dân số phát triển quá nhanh góp phần thúc đẩy người dân Hoa Kỳ tìm ra nhiều cách để thu hoạch các cánh đồng của họ, việc mở rộng các tuyến đường sắt đã cung cấp thêm nhiều toa xe đông lạnh chở các loại thịt thủy cầm ngon lành này đến với các khu chợ nhộn nhịp ở các thành phố lớn bị chia cắt bởi các con sông, vịnh hay đầm phá.
Cùng lúc đó, súng săn được cải tiến liên tục đã giúp cho công việc săn bắn dễ dàng hơn. Từ đạn súng săn bằng giấy cho đến cơ cấu kích hoạt đòn bẩy, kích hoạt bằng bơm, và thậm chí là súng săn tự động, tốc độ bắn tăng cao và vũ khí trở nên vô cùng hiệu quả đến nổi các loài thủy cầm nhanh chóng lâm vào tình cảnh nguy hiểm, dẫn đến việc bắt buộc chính phủ phải thông qua Đạo Luật Chim Di Trú năm 1918.
Trước đó, bởi vì sự phong phú của tự nhiên cùng với sự tiến bộ công nghệ đã cho phép thu hoạch hàng ngàn con vịt mỗi năm. Trên các đồng bằng chịu tác động bởi thủy triều của Sông Susquehanna, các hộp ẩn nấp ngầm rất được ưa thích – đặc biệt bởi các thợ săn thương mại – và họ cần phải có 300-700 chú chim mồi mỗi lần đặt bẫy. Ước lượng có khoảng 75 hộp ngầm này đã được sử dụng trong khoảng từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Với số lượng từ 50 đến 100 chú chim mồi cho mỗi chiếc tàu ẩn nấp như thế, và một số lượng không thể tính toán các chiếc lều ẩn thân của thợ săn, đã có xấp xỉ đến hơn 20,000 chú chim mồi hoặc nhiều hơn nữa đã được sử dụng mỗi năm để hỗ trợ cho các hoạt động săn bắn này.
Sự phát triển nhanh chóng của thị trường và môn thể thao săn bắn thời kỳ hậu Nội Chiến đã thúc đẩy nhiều người bắt đầu sản xuất chim mồi, và sản phẩm thủ công này bắt đầu trở thành một ngành thương mại quan trọng. Bị ảnh hưởng bởi các sự khác biệt của vùng miền như nguồn nước, thời tiết, màu sơn, và phong cách truyền thống, mẫu thiết kế chim mồi được truyền lại qua nhiều thế hệ. Mỗi nghệ nhân đều có ý tưởng riêng về việc mỗi loại chim nước khác nhau có đặc điểm trông như thế nào.
Các hoạt động chế tạo chim mồi đã nhen nhóm từ những năm giữa thế kỷ thứ 19. Những chú chim mồi được cắt đục bằng tay bởi các công cụ chế tác gỗ đơn giản như cưa, thớt, bào và nhiều loại dao khác nhau. Với sự phổ biến ngày càng gia tăng của các loài thủy cầm trong thế kỷ 20, nhu cầu về chim mồi cũng gia tăng, và như thế, sự ảnh hưởng của công nghiệp hóa đặt ra ngay khi thị trường mở rộng vượt quá khả năng của các nhà sản xuất truyền thống.
Những doanh nhân quyết đoán, những người thợ săn, và những người thợ mộc cố gắng cải tiến và sản xuất hàng loạt các loại chim mồi. Những thợ điêu khắc truyền thống chuyển sang sử dụng các món dụng cụ cầm tay mạnh mẽ hơn để tăng năng suất. Trong khi đó vẫn có một số cơ sở chỉ thuê một vài công nhân và vẫn tiếp tục sử dụng các biện pháp điêu khắc gỗ truyền thống, một số nhà sản xuất khác thì sử dụng các dây chuyền sản xuất hàng loạt. Điểm chung của các nhà sản xuất ban đầu này là quảng cáo và vận chuyển đến khắp nơi trên toàn quốc các loại chim mồi đẹp nhất và chất lượng cao nhất của họ.
Một di sản được điêu khắc trên gỗ
Những nhà sản xuất thường cố gắng để tạo ra những chú chim mồi tốt hơn bằng các loại vật liệu khác mà không phải gỗ. Thời kỳ hậu Đệ Nhất Thế Chiến đã chứng kiến giai đoạn chuyển đổi đầu tiên từ những chú chim mồi bằng gỗ sang quy trình sản xuất hàng loạt bằng các vật liệu khác. Sự dịch chuyển này đã thay đổi toàn bộ ngày công nghiệp chim mồi. Tiếp sau đó là Đệ Nhị Thế Chiến, những món bẫy chim này đã được làm từ cây bần, vải, giấy bìa cứng, và cả bằng nhựa cũng đã xuất hiện. Rất nhiều trong số các loại mới này đã được cấp bằng sáng chế, và mỗi cái trong số chúng đều hứa hẹn sẽ thu hút nhiều hơn các loại thủy cầm này. Khi giá cả của những chú chim bằng gỗ này ngày càng gia tăng, thì những loại vật liệu khác bắt đầu trở nên phổ biến và dần dần chiếm lĩnh ở các giàn săn bắn. Những chú chim mồi khắc bằng gỗ không thể nào cạnh tranh về tính kinh tế với các chú chim mồi bằng nhựa, và như thế, công việc của những nghệ nhân điêu khắc này cũng đã chuyển đổi từ làm dụng cụ hỗ trợ săn bắn thành sáng tạo nghệ thuật điêu khắc gỗ.
Người ta dần dần nhận ra giá trị nghệ thuật của các loại chim mồi bằng gỗ này. Những người thợ truyền thống chăm chút chúng sao cho giống như thật, ví dụ như điêu khắc chúng với những đôi cánh đang bay hoặc đang quay đầu. Một số người khác thì chế tác các mô hình thu nhỏ để minh họa cho công việc của họ. Những “con vịt lạ mắt” này, như Lem Ward đã gọi là những món đồ trang trí đầu tiên, đã bắt đầu được bán với giá cao. Vào thời gian đó, những nghệ nhân điêu khắc đã nâng cấp kỹ thuật của họ bằng cách sử dụng các dụng cụ đốt cháy gỗ để làm các chi tiết như lông chim, hoặc là phát triển một kỹ thuật mới như các dụng cụ nha khoa để làm cho các chú chim mồi trở nên càng giống như thật đến nỗi sẽ rất khó khăn để phân biệt chúng với những con chim thật.
Nghệ thuật của những chú chim mồi bằng gỗ này luôn thay đổi. Ngày nay chim mồi là một sự pha trộn giữa cách làm truyền thống và sự phản ánh một cách tỉ mỉ các chi tiết nhỏ. Có khá nhiều mẫu chim mồi gỗ không được làm ra để phục vụ săn bắn, thậm chí rất nhiều là như thế. Nghề thủ công tiếp tục là một sự kết nối giữa con người và tự nhiên, cả về hình thức lẫn chức năng sử dụng.
Những chú chim mồi bằng gỗ này đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước khi các nhà sưu tập trân quý chúng như là một loại hình nghệ thuật lịch sử – một trong những loại hình nghệ thuật dân gian lâu đời nhất Hoa Kỳ – với tiềm năng về giá trị thẩm mỹ vượt xa giá trị về chức năng của chúng. Một số những chú chim mồi này được bày bán ở các cửa hàng Bayman’s như một loại dụng cụ đơn giản, trong khi một số khác thì trở thành mẫu hình minh họa cho những chú chim thật. Cuối cùng, thì vật liệu và phong cách cũng không quan trọng bằng quá trình sản xuất và hiệu quả tổng thể. Khi mà những chú chim mồi này thể hiện được cả hình dáng và linh hồn của một chú chim thật, thì chúng ta gọi đó là nghệ thuật.
Kẻ Lang Thang
Tôi chỉ là một chú chim mồi cũ kỹ
Chẳng mảy may nhận được chút vinh quang nào
Cánh và đầu tôi đầy lỗ đạn
Từ rất nhiều khẩu súng săn
Nhà của tôi là những dòng sông
Tôi nổi trôi theo thủy triều lên xuống
Không mái nhà để làm nơi trú ẩn
Chẳng nơi nào có thể dung thân
Tôi đã trải qua cơn thịnh nộ của mùa đông nơi hoang dã
Bị thiêu đốt dưới sức nóng của mặt trời
Cứ trôi dạt, trôi dạt và trôi dạt
Miệt mài trôi dạt với thủy triều
Rồi tôi được nhặt bởi một nhà sưu tầm lơ đễnh
Người ấy đã cho tôi một mái nhà
Nhưng nơi ở mới lại không phải là dòng sông
Nơi mà tôi có thể tự mình bềnh bồng
Tôi muốn quay về nơi bờ sông
Nơi có những đám mây treo ngay trên đầu
Và được những hạt mưa ve vuốt
Và tận hưởng sự mềm mại của tuyết.
– Lem Ward , Chrisfield, Maryland
Bài viết này đã được xuất bản chính thức trên tạp chí American Essence.
Ghi chú của dịch giả:
Anh em nhà Lemuel T. Ward (1897–1984) và Steven W. Ward (1895–1976), đến từ Crisfield, Maryland nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc chim mồi nghệ thuật. Năm 2013, trong một phiên đấu giá tại New York, tác phẩm của họ đã được bán với giá 51,000 đô la Mỹ.