Kỳ 6: Long mạch thời Đinh Lê – công đức ngàn năm của hai triều đại
Rồng là một con vật thần thoại vô cùng phổ biến trong cả hai nền văn minh Đông và Tây. Nếu ở văn minh Tây Phương, rồng hiện thân cho cái ác, được xem như một loài quái vật thì ở Đông Phương rồng lại là một loài Thần thú cao quý, đứng đầu tứ linh, là hiện thân của Long vương, là biểu tượng của Thiên tử con Trời tại nhân gian. Truyền thuyết về Rồng tại phương Đông có nhiều vô số, vậy thì con Rồng là có thật hay tưởng tượng? Và nếu Lạc Long Quân, vị khai tổ đáng kính của tộc Việt là vua Rồng, vậy thì long tộc của Ngài là dân tộc như thế nào, có thật hay không?
EpochTimes Tiếng Việt trân trọng giới thiệu chuyên đề lịch sử TRUYỀN KỲ VỀ LONG TỘC VÀ LONG MẠCH ĐẠI VIỆT. Thông qua sử liệu và các câu chuyện truyền thuyết, hy vọng sẽ mang đến cho quý độc giả góc nhìn toàn cảnh về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt.
Kỳ 1:Truyền kỳ về long tộc và long mạch Đại Việt
Kỳ 2: Long tộc, long mạch và sự hình thành triều đại
Kỳ 3: Long tộc, long mạch và khí số quốc gia
Kỳ 4: Long tộc và long mạch thời Văn Lang
Kỳ 5: Long tộc và long mạch thời Văn Lang
Long mạch thời Đinh Lê, công đức ngàn năm của hai triều đại
Một quốc gia non trẻ nhờ Thiên thượng bảo hộ mà thuận lợi lập quốc, thoát khỏi sự cai trị của đế quốc Trung Hoa khổng lồ, vì thế luôn sống trong cảnh nơm nớp lo bị thôn tính một lần nữa. Muốn bảo trì nền thái bình nghìn năm, cần phải có giải pháp sâu xa cao rộng hơn là tu chỉnh quân đội và củng cố quyền lực. Khó khăn này may mắn đã được hai triều đại ngắn ngủi Đinh Lê giải quyết ngoạn mục, đặt nền móng cho sự phát triển độc lập vững chắc của quốc gia Đại Việt mãi về sau.
Hoằng dương Phật Pháp, tạo nền thái bình cho muôn đời sau
Thời Đinh Lê, đặc biệt là thời Lê Hoàn, nước ta vừa mới độc lập khỏi Trung Hoa, là một nước nhỏ yếu không có nhiều tiềm lực. Trong khi đó nước Tống vừa mới thống nhất, binh lực và quốc lực hùng hậu gấp ngàn lần, ấy thế mà lại đại bại trong cuộc chiến xâm lăng. Lý giải chiến công ấy bằng binh pháp hay trận địa thì rất nhiều người đã làm, người viết trong bài này để muốn nhắc đến một khía cạnh khác đã giúp cho Đại Việt không những bình an qua binh lửa mà còn hùng mạnh cho đến gần 400 năm sau. Đó chính là sức mạnh tâm linh, sự bảo hộ của ông Trời dành cho các triều đại có công hoằng dương Phật Pháp.
Khởi đầu là triều Đinh, Đinh Tiên Hoàng khi lên ngôi là người đầu tiên tôn sùng Phật pháp, thậm chí đã lập nên triều đình có hàng chức quan dành riêng cho các nhà sư gọi là Tăng đạo. “Năm Thái Bình thứ 2 bắt đầu định phẩm cho văn võ Tăng đạo. Tăng thống Ngô Chân Lưu được vua ban hiệu là Khuông Việt đại sư” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Trong thời mà Nho gia và nền tảng nhân tài triều đình còn mỏng, các thiền sư như Khuông Việt đại sư, Pháp Thuận là những cánh tay trợ giúp đắc lực cho các vua từ việc trị quốc cho đến tiếp đãi sứ thần Bắc quốc.
Năm Đinh hợi Thiên Phúc thứ 8 (987) Tống lại sai Lý Giác đến san phong. Bấy giờ, vua sai Pháp sư tên Thuận giả làm người chèo đò, điđón. Giác rất giỏi văn chương. Lúc ấy, gặp khi có hai con ngỗng bơi trên mặt sông, Giác vui ngâm:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
(Tạm dịch):
Ngỗng ngỗng đôi con ngỗng
Ngoảnh mặt ngó ven trời.
Pháp sư đang lúc cầm chèo, cũng tiếp vần đọc:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
(Tạm dịch):
“Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Nhà tiền Lê còn làm được một công trạng vô cùng lớn cho sự phát triển của Chính Pháp suốt cả nghìn năm sau, đó là đem về được Cửu Kinh và Đại Tạng Kinh từ Trung Hoa.
“Niên hiệu Ứng Thiên thứ 14 (1008), sau khi nước ta đã hòa với Tống rồi, vua Đại Hành sắc ông Minh Xưởng và ông Hoàng Thành Nhã sang sứ nước Trung Hoa, cống hiến đồ thổ sản và xin vua Tống ban cho bộ “Cửu kinh” và “Đại Tạng kinh”. Vua Tống trao cho những bộ ấy và cho sứ giả đưa về. Đó là lần đầu tiên nước ta cho người sang cầu kinh bên Trung Hoa vậy”.
(Việt Nam Phật giáo sử lược)
Với tấm lòng nhất tâm hướng Phật và hồng truyền Chính Pháp, lẽ dĩ nhiên Thiên thượng phải bảo hộ cho hoàng triều nhà Lê và nước Nam qua những lần binh lửa. Không những long tộc mà còn có cả Hộ pháp thiên vương của Phật môn cũng phụng mệnh bảo vệ nước Nam.
“Một lần Sư đi chơi núi Vệ linh ở quận Bình lỗ, thích phong cảnh vắng đẹp, bèn muốn lập am để ở. Đêm xuống nằm mộng thấy một vị thần, mình mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải đỡ bảo tháp, hơn mười người theo hầu, hình tướng dễ sợ, đến nói rằng: “Ta là Tỳ Sa Môn thiên vương, những người theo ta là Dạ xoa. Thiên đế có sắc sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phậtpháp thịnh hành. Ta có duyên với ngươi, nên đến đây báo cho ngươi biết”.
Sư kinh hãi thức dậy, nghe trong núi có tiếng kêu la ầm ĩ, lòng rất lấy làm lạ. Đến sáng Sư vào núi, thấy một cây to, cao khoảng mười trượng, cành lá sum sê, bên trên lại có mây xanh bao phủ, nhân đó sai thợ đến chặt. Đem về, khắc tượng như đã thấy trong mộng, để thờ.
Năm Thiên Phúc thứ 1 (981), binh Tống đến quấy nước ta. Vua biết rõ việc đó, liền sai Sư đến bàn thờ cầu đảo. Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ.” (Thiền uyển tập anh)
Khơi kênh nhà Lê, khởi nguồn long mạch phương Nam
Triều Đinh Lê lập quốc từ Hoa Lư ở miền Bắc, tuy nhiên long mạch ấy dùng để khai mở triều đại chống ngoại xâm thì rất tốt, nhưng dùng để phát triển quốc gia bền vững lâu dài thì không thể được. Vì long mạch Hoa Lư tuy hùng vĩ phần sơn, nhưng phần thủy thì rất thiếu hụt, nên 2 triều Đinh lẫn Lê đều ngắn ngủi, bạo phát bạo tàn. Do Lý Công Uẩn nhìn thấu điểm này nên quyết tâm dời đô ra Thăng Long là vì vậy.
Tuy triều Tiền Lê tồn tại ngắn ngủi, nhưng may mắn cho nước ta là vị vua sáng lập ra nó là Lê Hoàn lại là người có tầm nhìn vô cùng cao xa. Ngài đã nhìn ra sự hạn chế của đồng bằng Bắc Bộ do diện tích nhỏ hẹp và dễ ở vào thế lưỡng đầu thọ địch giữa Chăm Pa và Trung Hoa, một khi Chăm Pa hoàn toàn thần phục Bắc Triều và họ quyết tâm xâm lấn thì ta sẽ không thể chống lại nổi, vấn đề chỉ là thời gian. Do đó Nam tiến là con đường sống còn của duy nhất của dân Việt, nếu thất bại thì chỉ có vong quốc. Đế quốc Nam Chiếu diệt vong là ví dụ vô cùng sinh động cho chuyện này. Vì thế Lê Hoàn đã quyết định mở đường thủy thông xuống phía Nam đất Nghệ An, đến nay người ta gọi công trình này là Kênh nhà Lê. Nhờ có con đường thủy này mà các triều đại nước ta thuận lợi đem quân đánh Chăm Pa và khai phá xứ Thanh Nghệ, mở đường cho việc Nam tiến sau này xuống tận mũi Cà Mau.Nếu không có Kênh nhà Lê, thì lịch sử Việt Nam có lẽ đã phải viết lại rồi. Có thể nói con kênh này chính là góp phần khai thông long mạch của nước Việt xuống phương Nam vậy.
Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Quý Mùi (năm Thiên Phúc năm thứ 4 – 983, NV), khi vua đi đánh Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to, bèn sai người đào kênh. Khi đào xong kênh, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện”.
Đinh Lê là hai triều đại vô cùng ngắn ngủi trong sử Việt. Họ nổi lên như một ngôi sao băng vụt sáng trên nền trời Đại Việt trong những lúc nguy nan nhất, vô cùng đẹp đẽ huy hoàng mà lại chóng tàn. Ấy là do Thiên thượng muốn thế và phúc trạch của họ Đinh Lê cũng chỉ có ngần ấy. Thế nhưng sự bảo hộ của long tộc và Thiên thượng kể từ thời Đinh Lê cho đến thời Lý Trần một mạch 400 năm chỉ có tăng mà không giảm. Dân ta thành công đánh bại biết bao kẻ thù mà xây dựng nên những triều đại rực rỡ. Ấy là do đâu? Người viết cho rằng ấy là lòng tín Phật tín Pháp của các vua Đinh Lê đã gây nguồn cội Phúc đức lớn cho dân tộc, các triều đại sau càng đi theo con đường Chính Pháp đúng đắn đó nên được hưởng phúc báu. Công đức mở đường hoằng dương Chính Pháp gây mầm cho việc xây nên nền tảng thịnh trị muôn đời sau của các vua Đinh Lê quả thật là hùng vĩ bậc nhất cổ kim vậy.
(Ghi chú: Theo Wikipedia,Cửu kinh gồm: Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, Hiếu Kinh, Luận Ngữ, Mạnh Tử và Chu Lễ; là 9 bộ sách nền tảng của văn minh Trung Hoa lần đầu tiên nhập vào Việt Nam là do Lê Long Đĩnh lấy về. Còn kinh Đại Tạng là một bộ sách vĩ đại được rất nhiều thế hệ các cao tăng Trung Hoa sưu tầm và dịch thuật suốt 1.000 năm, từ thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ 10 mới in thành sách lần đầu tiên gồm 5.000 quyển.)
Đông Phong