Kỳ 13: Long tộc thời Lê
Rồng là một con vật thần thoại vô cùng phổ biến trong cả hai nền văn minh Đông và Tây. Nếu ở văn minh Tây Phương, rồng hiện thân cho cái ác, được xem như một loài quái vật thì ở Đông Phương rồng lại là một loài Thần thú cao quý, đứng đầu tứ linh, là hiện thân của Long vương, là biểu tượng của Thiên tử con Trời tại nhân gian. Truyền thuyết về Rồng tại phương Đông có nhiều vô số, vậy thì con Rồng là có thật hay tưởng tượng? Và nếu Lạc Long Quân, vị khai tổ đáng kính của tộc Việt là vua Rồng, vậy thì long tộc của Ngài là dân tộc như thế nào, có thật hay không?
EpochTimes Tiếng Việt trân trọng giới thiệu chuyên đề lịch sử TRUYỀN KỲ VỀ LONG TỘC VÀ LONG MẠCH ĐẠI VIỆT. Thông qua sử liệu và các câu chuyện truyền thuyết, hy vọng sẽ mang đến cho quý độc giả góc nhìn toàn cảnh về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt.Là một triều đại thịnh trị bậc nhất cổ kim với các vị vua hiền minh tín Phật, nên không khó hiểu khi các thành viên Long tộc lại hiện diện thường xuyên nhất trong thời đại này.
Kỳ 11: Long tộc thời Trần – Truyền kỳ về những vị vua đắc Đạo
Kỳ 12: Long tộc thời Trần – Cuộc Nam chinh huyền thoại
Một triều đại tái lập sự huy hoàng sau 20 năm mất nước. Đáng tiếc là không còn lưu giữ nhiều những giá trị Phật giáo, nhưng đây lại là triều đại Nho giáo huy hoàng và lâu dài của nước ta.
Hình tượng rồng thời Lê
Thời đại Lê sơ có thể coi là thời kỳ phục hưng của nền quân chủ Đại Việt sau hơn 20 năm mất nước. Đây cũng là thời mà Phật giáo hầu như không can dự vào chính sự của quốc gia, mà thay vào đó là nền quân chủ trung ương tập quyền theo kiểu Nho giáo. Về cơ bản mà nhận xét thì con rồng nhà Lê hoàn toàn thoát khỏi phong cách của rồng Lý Trần mà trở thành một con rồng thuần dương, tượng trưng cho uy quyền thống trị và dùng binh uy để bình định tứ phương, mở rộng lãnh thổ. Nói cách khác là một con rồng tượng trưng cho quân sự chứ không nói về văn trị và võ công như Lý Trần.
Hình dáng của con rồng nhà Lê sơ phát triển trên cơ sở tiếp thu của rồng thời Trần, cơ bản vẫn là dạng thân uốn cứng cáp, to khoẻ, nhưng mào và sừng ở đầu tạo hình trông dữ hơn. Đầu rồng nhà Lê to, có hai nhánh sừng nhô cao, mắt lồi, bờm mượt cuộn ra sau. Lưng rồng nhô hình vây nhọn theo khúc uốn. Một tay rồng cầm lấy râu. Chân Rồng chạm năm móng sắc nhọn, các hình xoắn trang trí bên thân Rồng, kết hợp với mây đao lửa. Hình tượng rồng toát ra trang nghiêm, với râu bờm và sừng nổi cao dũng mãnh uy quyền, nhìn tổng thể như hình dáng một vị hoàng đế đang ngồi trên ngai cao để bách quan triều bái, thiên hạ hướng về mà quy phục.
Kể từ thời Lê sơ trở về sau ta sẽ không còn thấy hình tượng vòi rồng tạo mưa trên mũi rồng như nhà Lý, mây đao lửa sẽ dài to hơn và nhiều hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phát triển nền văn hóa nông nghiệp và tâm linh sẽ không còn là trọng tâm của các triều đại từ nhà Lê về sau, mà thay vào đó là sự củng cố quyền uy của hoàng đế và mở rộng lãnh thổ to lớn hơn.
Đây cũng là thời kỳ mà Đại Việt sẽ bắt đầu xuất hiện nhiều cuộc chiến tranh với cả trong và ngoài nước hơn bất kỳ thời đại nào trước đó. Các mây đao lửa này có thể coi như sự phô diễn của pháp lực và quyền uy của rồng hay thiên tử thời Lê. Có điều trùng hợp là khi các mây đao lửa này ngắn lại (rồng Lê TK 17) và gần như biến mất hoàn toàn ở hình tượng rồng Lê TK 18 ( Lê trung hưng) thì cái ngai vàng vua Lê thực chất cũng chỉ còn mang tính hình thức.
Nam phương suy vi, 20 năm mất nước
Sau khi văn minh long tộc Thần Nông lên đến đỉnh cao vào hai triều Lý Trần thì đến giai đoạn suy vi theo như lý Âm Dương của vũ trụ “thịnh cực tất phản”. Nhà Minh đã thành công đô hộ nước ta 20 năm, đốt phá cướp và xóa bỏ hầu hết những thành tựu của dòng họ rồng nhánh Thần Nông. Bề mặt là Trung Hoa đô hộ Việt Nam, nhưng phía không gian tâm linh thì chính là sự giao phong nghìn năm giữa long tộc hệ Hiên Viên phương Bắc và Thần Nông phương Nam.
Họ Hiên Viên đã bị chặn đứng ở biên thùy phía Bắc qua hai triều Lý Trần nay nhân cơ hội họ Thần Nông suy bại mà thành công chiếm lấy. Nguyên do cũng bởi vì các hoàng đế nhà Trần từ sau Minh Tông đã không còn là người tu hành Chính Pháp, đam mê tửu sắc nên dòng họ và quốc gia không còn được sự bảo hộ từ long tộc và thiên thượng. Hai mươi năm đô hộ Bắc quốc là bài học xót xa cho con cháu Long quân vậy.
Trời cho ngôi long mạch, khơi lại giống Rồng tiên
Nhà Minh là triều đại duy nhất trong vòng 1000 năm trở lại đây thành công chiếm nước và áp đặt đô hộ lên Đại Việt. Bản thân các vua Minh cũng rất tin tưởng và tinh thông vào thuật Phong thủy long mạch, đã cẩn thận đặc phái riêng Thượng thư Hoàng Phúc tinh thông phong thủy kỳ môn sang nước Nam vừa để truyền bá Hán học và nhân tiện chiểu theo các mô tả trong tấu chương của Cao Biền thời Đường mà trấn yểm và hủy đi các long mạch phát đế vương của nước ta. Mục đích là để cho nước Nam đời đời thuộc về Bắc quốc.
Tuy nhiên đó là ý muốn ngông cuồng của con người, hình thế Đại Việt và Trung Hoa đã hình thành kết cục Lưỡng Nghi phân làm 2 cực Bắc Nam nên sự thịnh suy của 2 nước sẽ hoàn toàn trái ngược nhau. Nhưng vì là Lưỡng Nghi nên sẽ không xảy ra chuyện nước này xâm chiếm nước kia mà thành công được, vì cõi đất Nam này Thượng thiên đã phong cho con cháu Long Quân vốn là hậu duệ của long tộc hệ Thần Nông cũng như phương Bắc là của long tộc hệ Hiên Viên. Cho nên ý chỉ của Minh Thành Tổ chỉ là ảo mộng mà thôi.
Sau 20 năm đau thương vì đô hộ, Thiên thượng cuối cùng cũng đã an bài cho nước Đại Việt trở mình và ban ngôi long mạch quý cho dòng họ Lê đất Thanh Hóa. Chuyện này từng được chính Thượng thư Hoàng Phúc của nhà Minh tiên đoán được trước đó nhiều năm. Số là vào thời cuối nhà Hồ có vị tiến sĩ tên là Lê Cảnh Tuân vì viết bài văn Vạn Ngôn Thư chống lại quân Minh xâm lược nên hai cha con bị bắt giải qua Yên Kinh và chết ở đó. Hai người con trai của ông ở lại Thăng Long, sau đó được Hoàng Phúc mến tài nhận làm con nuôi và hết lòng nuôi dạy.
“Một đêm mưa bão làm đổ nhà cửa. Sáng sớm hôm sau, Hoàng Phúc thân ra ngoài thành để xem quang cảnh, buộc miệng đọc một câu rằng: ‘Tạc triêu phong vũ gia gia đồi hoại cựu viên tường’. Nghĩa là: hôm qua gió mưa, tường vách muôn nhà cùng đổ la liệt. Xét thấy câu thơ ứng khẩu trên đây, Hoàng Phúc có ý nói nước Nam ta đã bị xâm chiếm thế tất là phải tan hoang, vì thế Thúc Hiển (con Lê Cảnh Tuân) cũng ứng khẩu đối rằng: ‘ Kim nhật càn khôn xứ xứ phát vinh tân thảo mộc’. nghĩa là hôm nay trời đất cây cỏ khắp nơi tốt tươi.
Hoàng Phúc là người cao kiến, khi nghe học trò đối lại như vậy, thốt nhiên ngửa mặt lên trời than rằng: ‘Thôi! An Nam đã có thánh chúa giáng sinh tạo phương càn khôn (Đông Nam) nước Nam lại được trả về cho người nước Nam, chẳng bao lâu nữa ta cũng về Bắc quốc, vậy sao hai con không đi tìm người đó để lập công danh?’Anh em Thúc Hiển nghe lời Hoàng Phúc chỉ giáo như vậy bèn từ biệt thầy để vào Ái Châu tìm thánh chúa.” ( Công Dư Tiệp Ký- Vũ Phương Đề)
Long mạch trao người đại đức, Long quân ban tặng kiếm thần
Sau 20 năm đô hộ, đến lúc phương Nam chuyển mình thì Thiên thượng đã sai người xuống ban ngôi long mạch cần thiết cho triều đại mới quật khởi.
“Khi ấy nhà vua (tức Lê Lợi) sai người nhà cày ruộng ở xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi. Chợt thấy một nhà sư già, mặc áo trắng, từ thôn Đức Tề đi ra, thở dài mà rằng: – Quý hoá thay phiến đất này! Không có ai đáng dặn! Người nhà thấy thế, chạy về thưa rõ với nhà vua, nhà vua liền đuổi theo tìm hỏi chuyện đó. Có người báo rằng: – Sư già đã đi xa rồi.
Nhà vua vội đi theo đến trại Quần Đội, huyện Cổ Lôi, (tức huyện Lôi Dương ngày nay) thì thấy một cái thẻ tre, đề chữ, dịch nghĩa là: “Đức trời chịu mệnh. Tuổi giữa bốn mươi! Số kia đã định. Chưa tới … tiếc thay!”. Nhà vua thấy chữ đề mừng lắm, lại vội vàng đi theo. Khi ấy có rồng vàng che cho nhà vua! Bỗng nhà sư bảo nhà vua rằng: – Tôi từ bên Lào xuống đây, họ Trịnh, tên là sư núi Đá trắng. Hôm thấy ông khí tượng khác thường tất có thể làm nên việc lớn!
Nhà vua quỳ xuống thưa rằng: – Mạch đất ở miền đệ tử, tôi sang hèn ra thế nào xin thầy bảo rõ cho? Nhà sư nói: – Xứ Phật hoàng thuộc động Chiêu Nghi, có một khu đất chừng nửa sào, hình như quả quốc ấn. Phía tả có núi Thái Thất, núi Chí Linh (ở miền Lảo Mang); bên trong có đồi đất Bạn Tiên. Lấy Thiên Sơn làm án (ở xã An Khoái). Phía trước có nước Long Sơn, bên trong có nước Long Hồ là chỗ xoáy trôn ốc (ở thôn Như Ứng). Phía hữu nước vòng quanh tay Hổ. Bên ngoài núi xâu chuỗi hạt trai. Con trai sang không thể nói được nhưng con gái phiền có chuyện thất tiết. Tôi sợ con cháu ông về sau, có thế phân cư. Ngôi vua có lúc Trung Hưng. Mệnh trời có thể biết vậy. Nếu thầy giỏi biết lắng lại, thì trung hưng được năm trăm năm.
Nhà sư nói rồi, nhà vua liền đem di cốt đức Hoàng khảo táng vào chỗ ấy. Tới giờ Dần, về đến thôn Hạ Dao Xá nhà sư bèn hóa bay lên trời! Nhân lập chỗ ấy làm điện Du Tiên. Còn động Chiêu Nghi thì làm am nhỏ (tức là nơi một Phật hoàng). Đó là gốc của sự phát tích vậy”. (Lam Sơn thực lục)
Sau khi được trời ban ngôi long mạch, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, đức Long quân bèn tìm cách trao tận tay thanh kiếm thần để giúp nhà vua chiến thắng quân Minh.Huyền thoại đó đến nay vẫn còn ghi dấu với sự tích “hồ Hoàn Kiếm” huyền thoại.
“Năm ấy, sau một trận đánh lớn, Lê Lợi đem quân về trú tại một làng nhỏ ven sông Hồng. Nhân lúc rỗi rãi, mấy người lính của Lê Lợi bèn rủ nhau đi đánh cá. Họ chọn một khúc sông sâu để thả lưới. Vừa buông lưới được một lúc, họ đã thấy mặt nước sông xao động. Đoán chắc là đã có cá to mắc lưới, họ bèn bảo nhau kéo lưới lên thì thấy trong lưới chỉ có một thanh gươm. Ngạc nhiên, mọi người xúm lại gỡ thanh gươm ra khỏi lưới rồi chuyền tay nhau xem. Thấy đó là một thanh gươm chuôi nạm ngọc rất đẹp, một người lên tiếng:
–Không hiểu ai có thanh gươm quý thế này mà lại để rơi xuống sông nhỉ?
Vừa dứt lời thì từ mặt sông có tiếng nói vọng lên:–Thanh gươm đó là của ta. Ta cho Lê Lợi mượn để giết giặc Minh, các ngươi hãy mang thanh gươm đó về dâng cho Lê Lợi.
Đột nhiên nghe tiếng nói lạ, mấy người lính hoảng sợ đưa mắt nhìn nhau. Người lớn tuổi nhất hỏi:
– Nhưng người là ai? Tên người là gì? Xin cho chúng tôi biết để chúng tôi còn về thưa lại với chủ tướng Lê Lợi.
Tiếng nói lúc này lại từ mặt sông vọng lên. Lần này rành rọt hơn:
Ta là Long Quân. Lưỡi gươm ấy là lưỡi gươm thần ta cho Lê Lợi mượn để giết giặc Minh. Các người hãy mang thanh gươm này về dâng cho Lê Lợi.Lê Lợi đã dùng thanh gươm đó đánh cho giặc Minh thua chạy tơi bời. Nhiều trận, quân giặc chết như rạ. Về sau giặc Minh sợ quá, cả quân lẫn tướng phải kéo nhau ra xin hàng Lê Lợi. Từ đấy, nhân dân ta mới được sống yên vui.
Một năm sau, nhân ngày trời trong, gió mát, Lê Lợi cùng các quan đi thuyền dạo chơi trên hồ Tả Vọng. Thuyền vừa đến giữa hồ thì bỗng thấy một con rùa vàng rất to từ dưới nước nhô lên. Mọi người hoảng sợ nhưng sau thấy rùa vàng không có ý làm hại ai thì mọi người mới yên tâm.
Rùa vàng nổi hẳn mình lên mặt nước, hướng về phía thuyền vua gật đầu ba cái chào vua Lê rồi nói:
– Xin nhà vua trả gươm cho Long Quân.
Thoạt nghe rùa vàng đòi gươm, Lê Lợi rất ngạc nhiên nhưng sau nhớ lại thanh gươm mấy người lính đã dâng cho mình dạo nọ, Lê Lợi mới hiểu ra. Ông liền quay lại rút thanh gươm vẫn đeo bên mình ra khỏi vỏ. Thì lạ chưa, thanh gươm rời khỏi tay nhà vua, bay vụt về phía rùa vàng. Nhanh như cắt, rùa vàng há miệng đớp lấy thanh gươm rồi lặn xuống nước.
Từ đó, để tỏ lòng ghi nhớ công ơn của Long Quân đã cho mình mượn gươm thần giết giặc, Lê Lợi bèn đổi tên hồ Tả Vọng thành hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm.” (Truyện truyền thuyết Việt Nam)
Đông Phong
(Còn tiếp)