Kinh tế suy thoái, người tiêu dùng Trung Quốc ngần ngại chi tiêu
Trong tuần cuối cùng của tháng Mười, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã sụt giảm, lĩnh vực sản xuất rơi vào tình trạng thu hẹp. Trong khi đó, tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ chậm lại, càng nhấn mạnh thêm trạng thái bấp bênh của nền kinh tế.
Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất giảm xuống 49.5. Con số này cho thấy sự thu hẹp, vì điểm dưới 50 thể hiện sự suy thoái. Chỉ số phi sản xuất đo lường hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ và xây dựng cũng giảm từ 51.7 xuống còn 50.6, mặc dù vẫn ở trên ngưỡng thu hẹp. Rõ ràng là nhu cầu đang giảm khi chỉ số đơn đặt hàng mới cho cả PMI sản xuất và phi sản xuất đều giảm xuống dưới 50.
Lĩnh vực địa ốc
Những thách thức quan trọng nhất về mặt cấu trúc trong nền kinh tế Trung Quốc là xoay quanh bong bóng địa ốc và các vấn đề nợ liên quan. Trong thập niên qua, đã có quá nhiều động lực để khởi công các dự án xây dựng mới thông qua các khoản vay thay vì ưu tiên bán hoặc hoàn thành các dự án hiện có. Trong khi đó, ở đất nước có dân số 1.4 tỷ người này, nhu cầu về nhà ở vẫn ở mức cao. Do đó, sự khan hiếm giả tạo này đã dẫn đến giá các căn hộ trong thị trường tăng vọt. Lĩnh vực địa ốc đã chiếm 20% nền kinh tế trong khi chỉ tạo việc làm cho 2% lực lượng lao động.
Nghịch lý thay, Trung Quốc có hàng triệu căn hộ không có người ở. Lý do mà giá vẫn ở mức cao một cách giả tạo và tình trạng dư thừa vẫn chưa được giải quyết là do các biện pháp kiểm soát giá mà các chính quyền địa phương áp đặt. Các nhà phát triển địa ốc Trung Quốc được yêu cầu báo giá với cơ quan quản lý nhà ở địa phương trước khi bán nhà. Chính quyền địa phương phụ thuộc rất nhiều vào việc bán đất để có được 80% doanh thu, khiến họ có động lực duy trì giá nhà đất cao. Ngoài ra, lĩnh vực địa ốc đóng vai trò là tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng trị giá hàng trăm tỷ, do đó, việc cho phép giá giảm sẽ dẫn đến tình trạng vỡ nợ tăng cao.
Giờ đây, khi Trung Quốc đang chật vật với tình trạng giảm tốc kinh tế nghiêm trọng và nhu cầu nhà ở sụt giảm đáng kể, các chính quyền địa phương đang miễn cưỡng cho phép giảm giá. Trong khi những người mua mới tiềm năng có thể hoan nghênh sự thay đổi này, thì các chủ sở hữu nhà ở hiện có lại vô cùng tức giận khi chứng kiến khoản tiền tiết kiệm cả đời của họ mất giá. Đối với nhiều gia đình Trung Quốc, phần lớn tài sản của họ gắn liền với địa ốc. Khi giá trị tài sản giảm sút, an ninh tài chính của người dân cũng giảm theo. Ở một số thành phố, giá nhà đã giảm tới 50% so với mức năm 2020 hoặc 2021. Tuy nhiên, khi các chủ nhà hiện tại yêu cầu chính quyền địa phương bồi thường thiệt hại cho họ, phản ứng của chính quyền là hướng dẫn các nhà phát triển vô hiệu hóa tất cả các hợp đồng mới.
Nạn thất nghiệp
Các nhà sản xuất bán hàng sang thị trường xuất cảng tiếp tục đối mặt với xu hướng giảm sút, thể hiện qua chỉ số đơn hàng xuất cảng mới. Thêm vào đó, khoảng 300 triệu lao động di cư ở Trung Quốc, những người chuyển từ khu vực nông thôn đến các trung tâm thành phố để làm việc tại nhà máy, hiện đang điêu đứng để bảo vệ việc làm. Những công nhân này không được tính vào số liệu thất nghiệp chính thức của Trung Quốc vì họ có hộ khẩu ở quê hoặc làng của họ. Con số 5% tỷ lệ thất nghiệp chính thức chỉ bao gồm người đi làm ở thành thị, do đó không bao gồm các vấn đề việc làm rộng lớn hơn mà lao động di cư phải đối mặt.
Khi cơ hội việc làm tiếp tục giảm đi, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi cạnh tranh cho các vị trí trong các cơ quan chính quyền cấp tỉnh và trung ương. Gần đây, đã có kỷ lục 2.83 triệu ứng viên tham gia kỳ thi công chức, chỉ cạnh tranh cho 39,000 vị trí. Các chính quyền địa phương đang phải gánh khoản nợ đáng kể và với việc doanh số bán đất sụt giảm, triển vọng phục hồi của họ rất ảm đạm trừ phi có sự can thiệp của chính quyền trung ương. Khu vực chính phủ không chỉ vốn dĩ đã quá cồng kềnh, mà hiện nay, trong thời kỳ mà những người trẻ tìm việc làm đang tìm kiếm các vị trí trong chính quyền, thì một số tỉnh lại đang gặp khó khăn với những thách thức về chi trả tiền lương trong khi những tỉnh khác thì đang cắt giảm việc làm.
‘Chi tiêu xuống cấp’
Kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng vào đầu tháng Mười thường mang lại sự thúc đẩy cho cả du lịch và chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên năm nay, số lượng khách du lịch tăng lên một phần là do các cá nhân Trung Quốc giàu có hơn chọn ở lại trong nước do chi tiêu cho kỳ nghỉ ở ngoại quốc giảm.
Mặc dù tổng chi tiêu trong giai đoạn này chỉ cao hơn một chút so với năm 2019 nhưng điều này không cho thấy sự phục hồi thực sự. Thay vào đó, mức chi tiêu nhỉnh hơn này cho thấy sự tăng trưởng bị mất trong ba năm. Điều này cũng ngụ ý rằng Trung Quốc phải dựa vào lượng khách du lịch lớn hơn trong năm nay để tạo ra doanh thu tương đương với năm 2019, càng nhấn mạnh thêm những hạn chế về tài chính của người dân.
Có thể hiểu được rằng người tiêu dùng Trung Quốc đang tìm kiếm các biện pháp cắt giảm chi phí, khi các nhà bán lẻ giảm giá giành được ưu thế trong khi các thương hiệu xa xỉ mất dần sự ưa chuộng. Trong năm tháng đầu năm, chi tiêu bán lẻ của Trung Quốc đã tăng 9.3% khi các hạn chế liên quan đến COVID-19 được dỡ bỏ, nhưng sự phục hồi rõ ràng này hiện đã bị đình trệ.
Thuật ngữ “chi tiêu xuống cấp” đang là xu hướng trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Weibo. Các nhà bán lẻ truyền thống như Alibaba và JD.com đã chứng kiến doanh số sụt giảm, trong khi các trang mua sắm giảm giá như Pinduoduo đang gia tăng. Người tiêu dùng cũng đang lựa chọn các nhãn hiệu mỹ phẩm và thời trang nội địa rẻ hơn so với các nhãn hiệu ngoại. Meituan, một nền tảng của Trung Quốc cung cấp dịch vụ giao hàng và thực phẩm, đã báo cáo lượng đơn đặt hàng giảm do người tiêu dùng tìm cách tránh trả thêm phí giao hàng.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times