Các chuyên gia: ĐCSTQ đang sử dụng những thủ đoạn ‘xảo quyệt’ để tấn công tôn giáo ở Hồng Kông
‘Hệ tư tưởng của ĐCSTQ và tôn giáo không thể tương hợp với nhau.’
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang sử dụng những thủ đoạn “xảo quyệt” và “tinh vi” để đàn áp tự do tôn giáo ở Hồng Kông, theo ông Benedict Rogers, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Hong Kong Watch.
Nền tự do tín ngưỡng “đang bị đe dọa và ngày càng trầm trọng hơn ở Hồng Kông,” ông Rogers cho biết.
“Tại sao vậy? Hồng Kông vẫn là một thành phố quốc tế cơ mà … việc đóng cửa các trường học và nhà thờ Cơ Đốc Giáo có thể vẫn khiến cho những người ngoại quốc sống xa xứ không khỏi bàng hoàng và ảnh hưởng đến cả hình ảnh quốc tế của thành phố này. Vậy nên, ĐCSTQ có thể hạn chế tự do tôn giáo bằng cách sử dụng các thủ đoạn xảo quyệt như: làm hỏng nền giáo dục Cơ Đốc Giáo và kiểm soát hoàn toàn các nhà thờ mà không cần phải thật sự đóng cửa những nơi này,” ông nói tại một sự kiện do Trung tâm Trung Quốc của Viện Hudson tổ chức hôm 15/11.
Tấn công ‘xảo quyệt’ và ‘tinh vi’
Bình luận của ông Rogers được đưa ra vài ngày sau khi nhóm nhân quyền Hong Kong Watch có trụ sở tại Anh công bố một báo cáo nêu chi tiết việc chính quyền cộng sản Trung Quốc phá hoại tự do tôn giáo ở thuộc địa cũ của Anh quốc như thế nào khi Bắc Kinh thắt chặt sự kiểm soát đối với nơi này.
“ĐCSTQ đang sử dụng… những chiêu bài quỷ quyệt hơn, tinh vi hơn để đạt được mục đích tương tự,” ông nói.
Có nhan đề “Bán linh hồn mình: Các mối đe dọa rình rập nền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở Hồng Kông,” báo cáo nêu ra tác động của luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt, trong đó hình sự hóa bất cứ điều gì mà ĐCSTQ coi là ly khai, lật đổ, khủng bố, và thông đồng với ngoại quốc. Những người bị kết tội vi phạm luật này có thể phải đối mặt với án tù chung thân.
Luật này đã khiến cho nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo phải tự kiểm duyệt bản thân mình.
“Bây giờ hầu như không thể tìm thấy giáo sĩ nào ở Hồng Kông thuyết giảng bất cứ điều gì một cách rõ ràng hoặc thậm chí chỉ là ngụ ý liên quan đến nhân quyền, phẩm giá con người, tự do, hay công lý trong các bài thuyết giáo của họ,” ông Rogers, tác giả của báo cáo mới nhất từ nhóm nhân quyền này, cho biết.
Với hơn 60% trường học được chính quyền tài trợ ở Hồng Kông do các tổ chức giáo hội điều hành, ông Rogers bày tỏ lo ngại rằng tự do tôn giáo trong lĩnh vực giáo dục đang bị đe dọa do luật an ninh quốc gia, vốn đã trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh từ khi mới 6 tuổi theo một chương trình giảng dạy được cải tiến.
Ông Rogers nêu ra rằng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm “Hán hóa” các tôn giáo đã bành trướng sang Hồng Kông. Chiến dịch này do lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình phát động lần đầu tiên năm 2015, liên quan đến việc chỉnh đốn tôn giáo hoặc niềm tin tín ngưỡng theo hệ tư tưởng cộng sản Trung Quốc và, quan trọng nhất, là khiến các tín đồ phải trung thành với Đảng.
Ông Rogers cho biết chính quyền đã trừng phạt một số giáo sĩ nổi tiếng trong thành phố. Hồi năm ngoái, Hồng y Trần Nhật Quân, cựu lãnh đạo Giáo hội Công Giáo ở Hồng Kông đã bị bắt, cùng với bốn người khác, vì một quỹ hiện đã giải tán nhằm trợ giúp những người biểu tình ủng hộ dân chủ bị giam giữ. Mục sư Garry Pang Moon-yuen bị bỏ tù một năm vì tội xúi giục nổi loạn với cáo buộc làm gián đoạn một phiên tòa liên quan đến buổi cầu nguyện tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn.
“Quý vị có thể nói, à, họ đã bị bắt, bị bỏ tù, hoặc bị đe dọa vì các hoạt động chính trị ủng hộ dân chủ chứ không phải trực tiếp là các hoạt động tôn giáo của họ. Tuy nhiên, việc hạn chế tự do tín ngưỡng của họ liên quan đến tự do tôn giáo vì họ là những người ủng hộ nền dân chủ được truyền cảm hứng và được soi dẫn bằng niềm tin tôn giáo của họ,” ông Rogers nói.
‘Đó là vấn đề thương mại’
Bà Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson, liên kết quyết định của Bắc Kinh sử dụng luật an ninh quốc gia để tấn công các tôn giáo ở Hồng Kông với những rắc rối kinh tế mà quốc gia này phải đối mặt.
“Đó là về thương mại. Trung Quốc hiện đang trải qua thời kỳ suy thoái,” bà Shea nói, đồng thời lưu ý rằng dân số quốc gia này đang giảm dần, đặt ra thách thức đối với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khôi phục nền kinh tế yếu kém khi đầu tư ngoại quốc rút đi.
“Đó là thời kỳ mà họ đang cố gắng duy trì nền kinh tế và trung tâm tài chính như Hồng Kông đã từng như vậy,” bà nói.
Bà Shea nói thêm rằng, nếu những tín đồ Cơ Đốc Giáo ở Hồng Kông bị giam giữ tùy tiện hoặc cưỡng bức triệt sản, giống như các chiến thuật mà chính quyền này sử dụng để “Hán hóa” người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương phía Tây Trung Quốc, thì điều đó sẽ làm tổn hại đến hình ảnh của Hồng Kông và trông “rất tồi tệ” đối với phương Tây.
Tuy nhiên, bà Shea nhận thấy rằng các cơ quan truyền thông thân Bắc Kinh ở Hồng Kông, như Đại Công Báo (Ta Kung Pao), đã tìm cách biện minh cho những nỗ lực của ĐCSTQ, cho rằng Cơ Đốc Giáo không tương hợp với Trung Quốc vì tôn giáo này không thờ cúng tổ tiên.
“Nhưng nếu quý vị nhìn vào các tôn giáo Á Châu, họ thực sự không khá hơn chút nào, thậm chí còn tệ hơn nhiều,” bà nói.
Bà Shea cho thấy chiến dịch “xóa sổ” của ĐCSTQ nhắm vào Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng dạy đạo đức dựa trên nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đang diễn ra này là do cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động vào năm 1999 sau khi chính quyền ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học. Nhìn thấy sự phổ biến ngày càng gia tăng của môn tập là mối đe dọa đối với sự cai trị của Đảng, ông Giang đã ra lệnh “xóa sổ” Pháp Luân Công, khiến cho hàng triệu học viên bị tống vào các cơ sở giam giữ trên khắp đại lục, nơi họ bị tra tấn, tẩy não, lao động nô lệ và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Xóa bỏ đức tin
Trong khi người dân Hồng Kông vẫn có thể tập luyện Pháp Luân Công hoặc đến những nơi thờ cúng như nhà thờ và thánh đường Hồi Giáo, bà Olivia Enos, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson, cảnh báo rằng người dân Hồng Kông có thể phải đối mặt với số phận tương tự như những người dân ở đại lục.
Lấy người Duy Ngô Nhĩ làm ví dụ, bà Enos cho biết trước khi chính quyền ông Tập tăng cường cuộc đàn áp thì họ chịu ít hình thức áp bức hơn. Giờ đây, nhiều chính phủ phương Tây đã chính thức dán nhãn cho cuộc đàn áp của chính quyền này là “tội ác diệt chủng.”
“Tôi nghĩ rằng ĐCSTQ sẽ không dừng cuộc đàn áp này lại, kỳ thực là vậy.”
Ông Nury Turkel, chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, tin rằng mục tiêu đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ “nguy hiểm hơn nhiều” so với việc đốt thánh giá hoặc phá hủy nơi thờ cúng.
Ông nêu ra mối liên hệ mà ông Tập đưa ra giữa việc quản lý tôn giáo và an ninh quốc gia, gọi đó là cái cớ cho hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền này.
“Nếu quý vị nhìn lại cách ông Tập Cận Bình nói về tôn giáo trong bối cảnh bị ngoại quốc bao vây kể từ năm 2012, ông ấy đã truyền đạt tín hiệu về nghị trình chính sách liên quan,” ông Turkel nói.
Năm 2014, thông qua Chiến lược An ninh Quốc gia, ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc đang đối mặt với những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng, và ĐCSTQ phải tiêu diệt những mối đe dọa đó trước khi chúng phá hủy sự cai trị của họ và cản trở kế hoạch vĩ đại cho tương lai của họ, theo ông Turkel.
Nhân danh an ninh quốc gia, ĐCSTQ đã tăng cường giám sát và hạn chế ở Tân Cương, nơi đó có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và nhiều nhóm thiểu số Hồi Giáo khác đã bị đưa đến một mạng lưới rộng lớn các trại giam giữ và chịu sự truyền bá tư tưởng và cưỡng bức lao động. Chính quyền gọi đó là các trường cải tạo và liên kết cuộc đàn áp này với việc chống khủng bố.
Chính quyền Trung Quốc áp dụng lập luận tương tự ở Hồng Kông. Ông Turkel lưu ý rằng báo cáo của Hong Kong Watch đã phát hiện ra rằng một số nhà lãnh đạo tôn giáo có mối liên hệ với thế giới bên ngoài đã bị coi là mối đe dọa tiềm tàng hoặc kẻ xúi giục chính biến.
‘Phép ẩn dụ y học’
Theo ông Turkel, để duy trì sự kìm kẹp cứng rắn của mình đối với tôn giáo, ĐCSTQ thường đối xử với những người có đức tin như thể họ mắc “bệnh tâm thần.”
Ông lưu ý rằng khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, “thế giới không hề lên tiếng.” Những nỗ lực này hiện đang mở rộng sang người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, với các quan chức tuyên bố rằng người Duy Ngô Nhĩ “mắc các bệnh truyền nhiễm và chính quyền phải chữa trị trước khi bệnh lan rộng sang các cơ quan quan trọng của nhà nước.”
“Họ đang sử dụng kiểu ẩn dụ y học đó, không chỉ xúc phạm những người tu tập mà còn tiêu diệt niềm tin tôn giáo một cách rất khéo léo và tinh vi vì giới lãnh đạo ĐCSTQ thực sự tin rằng những người tu tập thiếu lòng trung thành với ĐCSTQ,” ông Turkel nói.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times