Khóa học dành cho cha mẹ (P.46): Bản chất của giáo dục là gì?
Lần trước tôi đã kể rằng tôi là giám khảo tình nguyện trong một trường học và phải viết giải thưởng cho hơn 100 tác phẩm. Đó là một quá trình rất thú vị và bản thân tôi cũng được thụ ích. Nhưng khi tôi viết những giải thưởng này, tôi phải mang theo hai con nhỏ đi cùng, còn mang theo cả bữa tối ở lại trường để làm việc vào ban đêm. Khi đó, các giáo viên khác tò mò không hiểu tôi đang làm những điều kỳ lạ gì?
Bản chất của giáo dục
Sự việc này sau đó đã giúp thầy hiệu trưởng của trường đạt giải “lãnh đạo xuất sắc”, tôi tin rằng mình đã giúp được một phần nào đó cho thầy. Sự việc này cũng giúp nhóm của ông khám phá ra bản chất của giáo dục – Tôn trọng đặc điểm của từng trẻ em. Câu này không chỉ áp dụng cho giáo dục, mà còn áp dụng cho mọi đội nhóm và mọi gia đình.
Kỳ thực, tôi đã được đào tạo để làm mọi việc một cách định tính – chính là nghĩ cho người khác. Cho nên khi tôi làm sự việc này không phải là để chứng thực bản thân giỏi như thế nào, sáng tạo ra sao. Tôi tin rằng vị hiệu trưởng mới rất có dũng khí, vừa mới nhậm chức đã sáng tạo một cuộc thi lớn như vậy. Ông ấy hẳn là có lý tưởng giáo dục cao thượng. Tôi cũng rất ủng hộ lý tưởng này, nên tôi cũng muốn giúp nhóm của ông cùng đồng tâm hiệp lực. Hơn nữa, tôi không nhận thù lao, tôi hoàn toàn phó xuất làm việc. Vậy vì sao tôi cần phải viết giải thưởng cho hơn 100 tác phẩm này? Bởi vì tôi biết việc này là điều rất khó đối với những giáo viên được đào tạo bởi hệ thống giáo dục truyền thống và cố định.
Người chiến thắng trong hệ thống
Trong thời đại của chúng ta, một lớp học có thể có 60-70 học sinh. Sau khi tốt nghiệp, có ít hơn ba người trong số đó thực sự tham gia vào công tác giáo dục với tư cách là giáo viên. Bởi vì hệ thống giáo dục phát triển theo khoa học hiện đại, những người làm giáo viên cần phải vượt qua rất nhiều kỳ thi, điểm số cũng phải rất cao. Trong hệ thống này, ngoại trừ số ít người theo học những trường đại học danh tiếng, số còn lại đã mất dần sự tự tin vào chính mình trong quá trình học tập.
Những giáo viên này đã quen là người chiến thắng trong hệ thống thi cử này, bạn muốn khiến họ nghĩ về vị trí hay phẩm chất của những người thua cuộc thì quá khó rồi! Nói chung, những gì mọi người nhìn thấy là 3 hoặc 5 học sinh đạt điểm cao ở đầu lớp. Giấy khen là của hạng nhất hạng nhì, còn muốn viết về đặc điểm của từng tác phẩm thì lấy đâu ra tên giấy khen? Không có từ điển như vậy trong tâm trí của những giáo viên bình thường. Nếu hiệu trưởng để cho các giáo viên này đến làm sự việc như vậy thì chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều sự bất bình.
Đồng thời, tôi cũng yêu cầu khi bất kỳ tác phẩm nào bị ban giám khảo từ chối thì ban giám khảo nên ghi lý do chứ không chỉ là dấu X. Đây là sự tôn trọng cơ bản đối với người sáng tạo. Nếu ban giám khảo không ghi được lý do thì tác phẩm đó không thể bị loại. Bởi vì cuộc thi này diễn ra trong trường học, là một quá trình giáo dục rất tinh tế và có hệ thống trong.
Quê hương của tôi ở đâu?
Sau khi hiệu trưởng đồng ý với những yêu cầu này, chúng tôi bắt đầu chấm điểm các tác phẩm. Khi tôi bước vào lớp học, có rất nhiều tác phẩm, một số rất thú vị, một số rất cô tịch, và một số tác phẩm mà quá trình sáng tác không được coi trọng lắm. Tôi có thể nhận ra ngay khi nhìn thoáng qua. Trong số đó có một bài được các giám khảo dán thẻ từ chối, chỉ cần thêm một thẻ nữa là sẽ bị loại. Bởi vì tác phẩm này được coi là “hoàn toàn không phù hợp với chủ đề”.
Chủ đề lần này là “quê hương của tôi”, mà nơi đây là một thị trấn nhỏ trên núi, không có biển. Nhưng trong tác phẩm lại là một bờ biển, với một ngọn hải đăng và một người đàn ông ngồi trên thuyền câu cá. Đây có phù hợp với chủ đề không? Khi đó, tôi thấy tác phẩm được đặt ở góc lớp, bị dán thẻ từ chối. Thế là tôi đã nhờ hiệu trưởng tìm hiểu thông tin của học sinh này, đồng thời mong giáo viên chủ nhiệm lớp có thể đặc biệt chú ý đến em học sinh này nhiều hơn.
Sau khi tìm hiểu thông tin, hiệu trưởng mới biết rằng học sinh này chuyển trường đến từ một cảng cá nhỏ ven biển, do bố mẹ cháu đi làm ở thành phố nên đã gửi cháu cho ông bà nội. Thật ra tác phẩm của học sinh này không sai chủ đề, nhưng ban giám khảo lại đánh giá sai chủ đề, bởi vì ở đây làm sao có biển được?
Trong những tác phẩm khác, một số phụ huynh có điều kiện và trình độ hiểu biết cao nên đã mua nhiều vật liệu rất tinh tế cho con mình. Ví dụ, trong trường học có phòng trưng bày đồ cổ, họ cũng tạo ra mô hình từng món đồ như vậy, thực sự tạo nên một tác phẩm rất đẹp không thể buông tay. Còn có những học sinh có ông bà là cựu học sinh, tạo ra tác phẩm là ngôi trường của 100 năm về trước, quả thật là đẹp không thể diễn tả.
Còn tác phẩm của học sinh bị từ chối kia lại không có gì đặc biệt. Đó chỉ là những tờ giấy lẽ ra bị bỏ đi, được cậu bé tận dụng mặt sau còn trống để vẽ. Cậu bé dùng loại giấy đó và chỉ dùng bút chì để vẽ, không có màu sắc gì, nét vẽ cũng không thành thục. Nhưng tôi cảm nhận được rằng tâm của cậu bé đặt trong tác phẩm này. Vì vậy, tôi đã nói với hiệu trưởng rằng tác phẩm này tuyệt đối không thể bị loại. Một khi loại tác phẩm này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đẩy trái tim của một cháu bé ra xa. Đứa trẻ này sẽ không tìm thấy quê hương của mình, bởi vì quê hương của cậu không được nhà trường công nhận. Thử hỏi còn nơi nào có thể khiến cậu cảm giác được đó là quê hương của mình? Và đó có lẽ là con đường dẫn tới phạm tội, hoặc là ngục giam. Vì vậy, tôi nói với hiệu trưởng, mong ông có thể tìm gặp giáo viên chủ nhiệm của cậu bé và hy vọng giáo viên đó quan tâm đặc biệt đến cậu.
Không cần thù lao để làm việc tốt
Ngoài ra, khi đến trường để viết hơn 100 bằng khen này, tôi còn dắt theo người con thứ 2 và bế đứa thứ 3 trên tay, tự bắt xe và mang theo cơm tối đến trường. Sau khi trường tan học cũng là lúc tôi bắt đầu làm việc. Khi đó, có những giáo viên ở đó thường đứng bên ngoài cửa sổ nhìn xem tôi đang làm gì? Tại sao một bà mẹ hai con lại phải tự tay chuẩn bị bữa tối. Hơn nữa, tôi tuyệt đối không nhận bữa ăn tối từ nhà trường. Bởi vì tôi muốn cho thầy cô xem từ đầu đến cuối sự việc này. Mọi người không biết tôi là ai, tôi là một người mới của trường các bạn, nhưng tôi muốn giúp đỡ hiệu trưởng. Vì vậy, tôi muốn hoàn thành một lý tưởng giáo dục mà không có bất kỳ vướng bận điều gì, không liên quan đến bất kỳ khoản tiền nào. Tôi thậm chí còn tự trả tiền xe. Sau khi làm việc như vậy trong 2-3 ngày, tôi đã viết xong giải thưởng cho hơn 100 tác phẩm.
Cuối cùng, sau sự việc này, hiệu trưởng đã được Bộ Giáo dục khẳng định và đạt giải “lãnh đạo tập thể ưu tú”. Tôi biết rằng cho dù hiệu trưởng có năng lực đến đâu, nếu như không có một đội ngũ giáo viên thì sẽ không thể nào làm tốt công tác giáo dục được. Đây là điểm mấu chốt rất quan trọng để điều hành tốt trong hệ thống giáo dục. Nhiều giáo viên làm giám khảo cũng đã được truyền cảm hứng thông qua sự việc này. Họ chia sẻ rằng: Đây mới là giáo dục chân chính.
Đó là một lễ trao giải tuyệt vời. Cả trường đều có mặt ở đó, ngay cả một học sinh có thể đã bị loại cũng có một chỗ ngồi. Cậu bé không còn bị người khác bài xích hoặc chuyển sang trường khác. Hơn nữa, cậu còn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ thầy cô, thuận lợi suôn sẻ vững bước trên con đường học tập của mình.
(Còn tiếp)
Lý Âu biên tập
Tử Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ