Kế hoạch kỹ thuật số mới làm dấy lên lo ngại rằng Hoa lục kiểm soát Hồng Kông, Macau nhiều hơn
“Khu vực Vịnh Kỹ thuật số” của Bắc Kinh nhấn mạnh “sự tích hợp sâu sắc trong lĩnh vực quản trị xã hội.”
Việc Bắc Kinh quảng bá “Khu vực Vịnh Kỹ thuật số” để thống nhất việc xác minh danh tính cho cư dân Hồng Kông và Macau với Hoa lục đã khiến nhiều người lo ngại.
Hôm 21/11, chính quyền tỉnh Quảng Đông ban hành một kế hoạch hành động ba năm để xây dựng “Khu vực Vịnh Kỹ thuật số.” Kế hoạch này nêu rõ các dịch vụ hành chính trên khắp Quảng Đông, Hồng Kông, và Macau sẽ được tích hợp trước năm 2025.
Việc tích hợp này sẽ áp dụng việc nhận dạng chung về danh tính và chữ ký điện tử cho cư dân của ba khu vực này, nhằm thiết lập kết nối liền mạch trong các hệ thống, dữ liệu, và thông tin xác thực trên khắp Khu vực Vịnh Lớn.
Kế hoạch này cũng đề xướng thành lập “Khu vực Đặc biệt về Dữ liệu Hồng Kông-Macau,” nơi cư dân Hồng Kông và Macau có thể giải quyết các đơn ghi danh khác nhau sử dụng giấy phép đi lại ở Hoa lục của họ qua các thiết bị điện tử. Ngoài ra, kế hoạch này còn bao gồm các điều khoản nhằm thiết lập các trung tâm dữ liệu thuê ngoài và cung cấp các dịch vụ dữ liệu xuyên ranh giới giữa ba khu vực.
Theo ông Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), một nhà phân tích độc lập về chính trị Trung Quốc, kế hoạch mới này, nhấn mạnh “sự tích hợp sâu sắc trong lĩnh vực quản trị xã hội,” trên thực tế có nghĩa là quản lý thống nhất hoạt động của cư dân và an ninh giữa ba khu vực này.
Ông xem đây là một bước đi được thúc đẩy bởi những nỗ lực duy trì sự ổn định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn đòi hỏi phải hợp nhất các hệ thống hiện có và giám sát toàn diện, có thể liên quan đến việc chuyển hồ sơ và dữ liệu cá nhân của cư dân Hồng Kông sang Hoa lục.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do: “Một khía cạnh quan trọng của việc tích hợp quản trị là phát hiện và kiểm soát sớm các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự ổn định.”
“Họ sẽ đối xử với cư dân Hồng Kông và Macau giống như cư dân Hoa lục. Để đạt được điều này, họ cần truy cập vào dữ liệu cơ bản của cá nhân quý vị. Bằng cách quản lý số hóa thẻ căn cước, thì thông tin sinh trắc học của quý vị sẽ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu dân số của cơ quan công an, giống y như cư dân Hoa lục.”
“Họ cũng hướng đến kiểm soát mạng lưới quan hệ xã hội của quý vị và những thứ khác, thực thi từng bước một. Đối với Hồng Kông và Macau, đặc biệt là Hồng Kông, [điều này] nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một phong trào biểu tình phản đối luật dẫn độ lần thứ hai.”
Nhà bình luận độc lập kiêm ký giả Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) đã nói về chính sách mới theo quan điểm kinh tế, nêu lên thực tế là cư dân Hồng Kông và Macau trước đây được hưởng sự đối xử ưu đãi hơn những người dân Trung Quốc bình thường.
“Kể từ khi cải cách và mở cửa, đầu tư ngoại quốc được Hoa lục thu hút chủ yếu đến từ Hồng Kông, chiếm tới 70% tổng vốn đầu tư,” ông viết trong một bài đăng hôm 22/11 trên X, trước đây là Twitter.
“Năm 2019, Hoa lục đã lập một kỷ lục lịch sử trong việc sử dụng vốn ngoại quốc, trong đó vốn của Hồng Kông chiếm đến 70.9%. Năm 2018, Hoa lục thu hút được 128.46 tỷ USD vốn đầu tư ngoại quốc, trong đó vốn từ Hồng Kông lên đến 96.01 tỷ USD, chiếm 71.13%. Điều này nhấn mạnh rằng việc trở thành trung tâm tài chính toàn cầu không phải là một thành tựu có thể bị thay thế trong một đêm hoặc dành cho một thành phố nào khác ngoài Hồng Kông.
Ông Thái cho rằng chính vì vị thế đặc biệt của Hồng Kông mà [cựu lãnh đạo ĐCSTQ] Đặng Tiểu Bình đã hứa sẽ duy trì hệ thống chính trị của thành phố này không thay đổi trong 50 năm.
“Với việc thực thi chính thức Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông và ‘quá trình Hoa lục hóa’ nhanh chóng ở Hồng Kông và Macau, họ không còn sở hữu bất kỳ lợi thế nào về thể chế so với các thành phố như Quảng Châu và Thâm Quyến.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times