PHÂN TÍCH: Thời hạn cho việc khai triển ID kỹ thuật số sắp đến, tuy nhiên chỉ có 8% người Indonesia tham gia
Mục tiêu của chính phủ Indonesia là có 220 triệu công dân ghi danh ID kỹ thuật số tính đến hết tháng 06/2024.
Kế hoạch đầy tham vọng nhằm yêu cầu mọi người dân ở Indonesia đều mang theo một thẻ căn cước (ID) kỹ thuật số trên điện thoại di động tính đến hết tháng 06/2024 có vẻ như sẽ có cách biệt đáng kể so với mục tiêu đề ra, với các nguồn chính thức báo cáo tỷ lệ sử dụng chỉ là 8% tính đến hết tháng Hai năm nay.
Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, với GDP danh nghĩa là 1.05 ngàn tỷ USD. Nền kinh tế kỹ thuật số của nước này được dự đoán sẽ tăng lên 130 tỷ USD vào năm 2025.
Identitas Kependudukan Digital (IKD), hay Nhận dạng Kỹ thuật số Dân cư, được quảng cáo là giúp hàng triệu người Indonesia dễ tiếp cận hơn với các dịch vụ công cộng, đặc biệt là những người ở vùng sâu vùng xa.
Một nửa tổng dân số của nước này sống ở khu vực nông thôn, năm 2022 số cư dân sống ở nông thôn là 115,892,393 người.
Về công dụng ví kỹ thuật số, thi công cụ này có thể được sử dụng cho mọi thứ từ ngân hàng đến các vé sự kiện.
Một “dịch vụ thanh toán kỹ thuật số tức thời” kết hợp các dịch vụ chuyển tiền như GoPay, OVO, LinkAja, DANA, và cổng thanh toán quốc gia QRIS cũng là một phần của dự án này.
Sáng kiến này được Ngân hàng Thế giới cung cấp vốn, ngân hàng đã cho chính phủ Indonesia vay 250 triệu USD.
Tỷ lệ sử dụng ứng dụng thấp do khả năng tiếp cận tài chính kém
Nhưng với chưa đầy 8 triệu trong số 220 triệu người dự kiến sẽ kích hoạt ID kỹ thuật số cho đến nay, thì chính phủ nước này vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu vào cuối tháng Sáu năm nay.
Mục tiêu đó được đặt ra theo tuyên bố của cựu Tổng thống Joko Widodo hồi năm 2018.
Người Indonesia thường thiếu khả năng tiếp cận — hoặc chọn không sử dụng — công nghệ: ước tính khoảng một nửa dân số trưởng thành không được tiếp cận ngân hàng, và dân số có chỉ số hiểu biết tài chính thấp ở mức 40%.
Trước đó Indonesia đã có một hệ thống nhận dạng kỹ thuật số gọi là e-KTP, viết tắt của “Electronic-Kartu Tanda Penduduk,” hoặc “Thẻ Nhận dạng Cư dân Điện tử.”
Thẻ e-KTP là một thẻ thông minh (có gắn chip bên trong) chứa mã số nhận dạng 16 chữ số duy nhất được gán cho mỗi công dân và cư dân Indonesia. Thẻ này được giới thiệu vào năm 2011 để thay thế hệ thống nhận dạng trên giấy trước đây.
Chính phủ Indonesia khẳng định rằng hệ thống mới của họ sẽ tốt hơn. Ứng dụng này sẽ lưu trữ nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau mà người dân Indonesia cần phải mang theo, chẳng hạn như thẻ e-KTP và thẻ KK (gia đình), thẻ nhận dạng trẻ em (KIA), và giấy khai sinh.
Ông Teguh Setyabudi, giám đốc Tổng cục Ghi danh Dân số và Dân sự (Dukcapil) thuộc Bộ Nội vụ Indonesia cho biết, “Người dân có thể tiếp cận các dịch vụ của chính phủ và tư nhân dễ dàng hơn mà không cần phải đến các văn phòng chi nhánh của chính phủ để xác minh và hoàn thiện hồ sơ. Việc này mang lại lợi ích đáng kể, đặc biệt đối với những người sống ở vùng sâu vùng xa hoặc có khả năng di chuyển hạn chế.”
9 loại ID khác nhau
Không giống như thẻ căn cước vật lý, Nhận dạng Kỹ thuật số Dân cư (IKD) có thể được truy cập thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh. Trong quá trình kích hoạt, hệ thống này ghi lại dữ liệu cá nhân như số nhận dạng 16 chữ số hiện có của chủ sở hữu, ngày tháng năm sinh, và một bức ảnh của họ.
Mặc dù IKD có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất, bao quát mọi người dân Indonesia ở đất nước này từ khi sinh ra, nhưng đây chỉ là một trong chín “siêu ứng dụng” đang được phát triển theo chỉ thị của ông Widodo.
Các ứng dụng tích hợp này sẽ bao gồm các dịch vụ giáo dục, y tế, trợ giúp xã hội và cảnh sát, cũng như các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, và một nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia. Cũng sẽ có một ứng dụng dành cho các dịch vụ cổng dịch vụ công quyền, và một ứng dụng cung cấp các dịch vụ hành chính cho viên chức nhà nước.
Dưới áp lực của ông Widodo, người đứng đầu Tổng cục Ghi danh Dân số đã cố gắng đẩy nhanh quá trình kích hoạt.
Các chi nhánh khu vực của tổng cục này ở tất cả các huyện và thành phố đã mở các “trạm dịch vụ” chuyên dụng để phục vụ những người muốn kích hoạt IKD, và các nhân viên được gửi đến viếng thăm trực tiếp người dân trong cộng đồng.
Chính phủ cũng đã tiến hành các chiến dịch quảng bá công khai quy mô lớn về những lợi thế của IKD so với thẻ căn cước vật lý.
Một bài đăng trên Instagram và Twitter của Bộ Truyền thông và Thông tin có tiêu đề “Sayonara E-KTP, Chào mừng đến với IKD,” ban đầu đã thu hút được sự chú ý đáng kể của công chúng và trở nên lan tỏa nhưng sau đó đã bị xóa.
Ông Teguh gọi bài đăng đó là tin giả và cho biết bộ này đang điều tra nguồn gốc của bài đăng đó.
Những người chỉ trích đề xướng này cho rằng việc chuyển đổi kỹ thuật số là không cần thiết vì định dạng e-KTP hiện tại có thể được tối ưu hóa với cơ sở hạ tầng công nghệ tốt hơn, đơn giản hóa việc khai triển cho nhiều người dân hơn.
Ngay cả những người ủng hộ việc chuyển đổi kỹ thuật số cũng bày tỏ lo ngại về việc khai triển vội vàng.
Tuy nhiên, chính phủ Indonesia — ít nhất là cho tới thời điểm này — vẫn làm việc theo thời hạn đã định của mình.
Ông Teguh cho biết: “Chúng tôi kêu gọi công chúng kích hoạt ngay IKD vì IKD an toàn hơn khi sử dụng xác minh mật khẩu và mã sinh trắc học và không dễ bị mất hoặc hư hỏng.”
Các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xem ID kỹ thuật số là ưu tiên hàng đầu, với phần lớn đã khai triển hoặc đang có kế hoạch thực hiện một chương trình tương tự như của Indonesia.
Điều này một phần là do Đông Nam Á là một trong những mục tiêu chính của lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là hành vi trộm cắp danh tính.
Quỹ Rockefeller đã giới thiệu Cơ sở hạ tầng Công cộng Kỹ thuật số (DPI) (pdf) và khuyến khích các quốc gia đẩy nhanh việc giới thiệu cơ sở hạ tầng này.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times