BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Hồng Kông chuẩn bị thông qua Điều 23, siết chặt hơn nữa quyền kiểm soát của Bắc Kinh
Các chuyên gia lo ngại luật mới này sẽ phá vỡ chút tự do còn sót lại trong thành phố này và khiến các doanh nghiệp ngoại quốc lo sợ.
Viễn cảnh về Điều 23 trong bộ Luật Cơ bản, từng gây chấn động Hồng Kông năm 2003, giờ đây đang trở thành hiện thực dưới sự cai trị của chính quyền Hồng Kông do Bắc Kinh kiểm soát.
Ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu), trưởng đặc khu Hồng Kông, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 30/01: “Mặc dù xã hội nhìn chung có vẻ bình lặng và rất an toàn, nhưng chúng ta vẫn phải đề phòng những hành vi phá hoại tiềm ẩn và các trào lưu ngầm đang lập mưu đồ gây rối, đặc biệt là một số ý tưởng về ‘Hồng Kông độc lập’ vẫn đang in hằn trong tâm trí một số người.”
Điều 23, được nêu trong Luật Cơ bản của Hồng Kông được ban hành sau khi Hồng Kông được Anh quốc trao trả cho chính quyền Trung Quốc vào năm 1997, quy định Hồng Kông phải tự viết luật an ninh quốc gia của riêng mình. Nỗ lực thực hiện điều này vào năm 2003 đã dẫn đến những cuộc biểu tình quy mô lớn, khiến chính phủ phải gác lại điều luật này.
Sau khi các cuộc biểu tình đòi dân chủ khiến hàng trăm nghìn người Hồng Kông xuống đường vào năm 2019, Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia để trừng phạt bốn tội lớn: ly khai, lật đổ, khủng bố, và thông đồng với thế lực ngoại quốc.
Giờ đây, dưới một chính quyền do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lựa chọn, Hồng Kông một lần nữa đang tìm cách thông qua Điều 23, vốn là điều luật mà giới chức trách cho rằng sẽ bù đắp những thiếu sót mà luật an ninh quốc gia để lại. Thời gian đóng góp ý kiến kéo dài bốn tuần sẽ diễn ra trước cuộc biểu quyết về luật này của cơ quan lập pháp thân Bắc Kinh của Hồng Kông.
Luật an ninh quốc gia mới sẽ bao gồm năm tội danh: phản quốc, nổi dậy, đánh cắp bí mật nhà nước và gián điệp, các hoạt động phá hoại gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, và can thiệp từ bên ngoài.
Pháp lệnh mới bổ sung thêm tội danh “can thiệp từ bên ngoài” này sẽ cấm bất kỳ cá nhân nào hợp tác với các thế lực ngoại quốc để can thiệp vào các cuộc bầu cử, cơ quan lập pháp, và tư pháp của Hồng Kông.
Đối với câu hỏi “Tại sao lại là lúc này?” Ông Lý trả lời: “Những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia — là có thực. Chúng ta đã trải qua tất cả những mối đe dọa này. Chúng ta đã phải chịu đựng những mối đe dọa đó một cách tồi tệ. Ai trong chúng ta cũng đều rất đau lòng. Chúng ta vẫn còn nhớ nỗi đau buồn đấy. Chúng ta không muốn trải qua trải nghiệm đau đớn đó một lần nữa.” Vị trưởng đặc khu này đề cập đến những đặc vụ nước ngoài, những người “có thể vẫn đang hoạt động tại Hồng Kông.”
“Chúng ta không thể chờ đợi được nữa,” ông Lý bày tỏ. “Chúng ta đã chờ đợi 26 năm rồi.”
Giải thích: Điều 23 là gì?
Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984 đặt ra các điều kiện theo đó Hồng Kông sẽ được chuyển giao cho Trung Quốc kiểm soát và trở thành phố tự trị sau khi bàn giao. Hiệp ước này bảo đảm mức độ tự trị cao cho Hồng Kông, được quy định trong Luật Cơ bản, một hiến pháp thu nhỏ mà vốn là bản kế hoạch chi tiết cho thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ.”
Sau khi ký hiệp ước, ĐCSTQ mong muốn thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho việc khôi phục chủ quyền đối với Hồng Kông. Điều 23 của Luật Cơ bản là một phần của khuôn khổ pháp lý đó, quy định rằng Hồng Kông phải tự ban hành luật của riêng mình để cấm bảy loại hành vi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, bao gồm tội “phản quốc, ly khai, xúi giục nổi loạn, lật đổ Chính quyền Nhân dân Trung ương, hoặc đánh cắp bí mật nhà nước.”
Tuy nhiên, điều luật được quy định này đã không được thực hiện kể từ khi bàn giao chủ quyền Hồng Kông vào năm 1997.
Đến năm 1985, cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ đã thành lập một “Ủy ban soạn thảo Luật Cơ bản Hồng Kông” gồm 59 thành viên. Tuy nhiên, dự thảo đầu tiên của Luật Cơ bản được đánh giá là quá mơ hồ và có phạm vi quá rộng.
Ủy ban soạn thảo này đã bổ sung thêm cụm từ “tự thiết lập luật pháp của riêng mình” vào bản dự thảo thứ hai để chính quyền Hồng Kông chỉ có thể thiết lập luật pháp khi họ thấy cần thiết.
Việc soạn thảo các điều khoản liên quan trùng hợp với phong trào Thiên An Môn năm 1989. Để tăng cường quyền kiểm soát đối với trung tâm tài chính Á Châu này, ĐCSTQ lại một lần nữa đưa ra tội lật đổ cũng như bổ sung một điều khoản liên quan đến các tổ chức chính trị vào bản soạn thảo lại nói trên.
ĐCSTQ vẫn không ngừng thúc đẩy việc hoàn thiện quá trình ban hành Điều 23. Tuy nhiên, quy trình ban hành điều luật này đã gây ra nhiều tranh cãi lớn, và nhiều xung đột đã nảy sinh.
Phạm vi rộng hơn Luật An ninh Quốc gia
Kể từ khi luật an ninh quốc gia được áp dụng khi ông Lý lên nắm quyền vào năm 2022, một số người có thể thắc mắc tại sao ông lại háo hức hiện thực hóa Điều 23 đến vậy.
Nhà bình luận thời sự Vương Ngạn Nhiên (Wang Anran) nói với The Epoch Times: “Một lý do là gần đây, toàn bộ xã hội quốc tế đang chỉ trích luật an ninh quốc gia Hồng Kông. Nhiều quốc gia phương Tây đang đặt nghi vấn về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông.”
Ông Vương cho biết ông tin rằng, nếu xét đến sự chú ý tiêu cực mà luật an ninh quốc gia nhận được, thì Điều 23 có thể là một giải pháp thay thế.
trong số bảy tội danh được quy định tại Điều 23, thì luật an ninh quốc gia được thực thi vào năm 2020 hiện chỉ đề cập đến hai tội là tội ly khai và tội lật đổ quyền lực nhà nước. Vì vậy, hai luật này được mong đợi sẽ hoạt động bổ trợ cho nhau.
Theo dự kiến, nếu việc ban hành Điều 23 được hoàn thành thì phạm vi áp dụng sẽ rộng hơn phạm vi được ấn định ban đầu. Lấy ví dụ, định nghĩa về bí mật nhà nước sẽ được mở rộng hơn và phù hợp hơn với các điều luật mơ hồ về gián điệp và bí mật nhà nước của Trung Quốc. Đề xướng của luật này cho rằng định nghĩa hiện tại của Hồng Kông về bí mật nhà nước là “không đủ rộng lớn.”
Đã có những lo ngại rằng Điều 23 sẽ khiến môi trường kinh doanh tại Hồng Kông tiếp tục xấu đi. Điều luật đó sẽ bao gồm cả các vấn đề kinh tế trong định nghĩa về an ninh quốc gia của thành phố này.
“Nếu một doanh nghiệp hoặc tổ chức có mối liên hệ nhất định với một chính phủ ngoại quốc, thì họ có thể bị bắt giữ,” ông Dương Ngải Văn (Simon Ngai Man Young), một giáo sư tại Khoa Luật của Đại học Hồng Kông, cho biết. “Hơn hết, dù là doanh nghiệp kinh doanh hay liên doanh, nguồn vốn của họ có thể sẽ bị kiểm tra kỹ càng hơn nữa.”
Ông Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah), phó giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Ý kiến Dư luận Hồng Kông, lập luận rằng chính quyền Hồng Kông hiện đang mở rộng phạm vi của Điều 23 để bao gồm cả vấn đề về ‘chống đối mềm’ (ngấm ngầm gây hỗn loạn), an ninh mạng, và thông tin giả.
Ông nói với The Epoch Times: “Việc thi hành luật an ninh quốc gia hiện nay đã dẫn đến việc hình sự hóa mọi thứ, và việc giới thiệu Điều 23 này đang trở thành một công cụ và vũ khí bổ sung để chế độ bạo lực này đàn áp công chúng.”
Điều luật năm 2003 có nhắm vào Pháp Luân Công không?
Các nguồn tin thân cận với các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ đã nói rằng vào năm 2003, khi chính quyền thúc đẩy Điều 23, mục tiêu mà họ muốn nhắm đến là cộng đồng học viên Pháp Luân Công ở Hồng Kông.
Trưởng đặc khu đầu tiên của Hồng Kông, ông Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-hwa), đã công khai đưa ra những bình luận tiêu cực về Pháp Luân Công vào năm 2001. Một năm sau, ông Đổng lại khởi xướng việc xây dựng luật để thực thi Điều 23. Việc ban hành Điều 23 vào thời điểm đó được xem là một nhiệm vụ chính trị mà cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, người khởi xướng cuộc đàn áp Pháp Luân Công, giao phó cho ông Đổng.
Trong đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 — thời điểm nền kinh tế Hồng Kông đang rơi vào suy thoái, cùng với việc đưa ra tài liệu tham vấn về việc ban hành Điều 23 — mối lo ngại của người dân về tương lai cũng như sự bất mãn của họ đối với ông Đổng đã lên đến mức cao chưa từng thấy.
Luật này được dự kiến sẽ thông qua vào ngày 09/07/2003. Khi ngày đó đến gần, Mặt trận Nhân quyền Dân sự, một tổ chức ủng hộ dân chủ, đã kêu gọi một cuộc biểu tình. Đến ngày 01/07, hơn 500,000 người đã xuống đường phản đối Điều 23 và yêu cầu ông Đổng từ chức.
Chính quyền đã rút lại dự luật này vào ngày 05/09 để “xoa dịu mối lo ngại của công chúng.” Hơn một năm sau, ông Đổng từ chức.
Củng cố quyền kiểm soát: Hợp tác lẫn nhau trong hoạt động chấp pháp
Điều 23 hiện đang được tiến hành nhanh chóng để trở thành luật, nhưng vẫn còn phải xem liệu điều luật này có bị gác lại hay không.
Trong khi đó, chính quyền Hồng Kông đã đưa ra luật cho phép công nhận qua lại các bản án trong các vụ án dân sự và thương mại giữa Trung Quốc và Hồng Kông.
Vào ngày 29/01, Pháp lệnh Phán quyết về Các Vấn đề Dân sự và Thương mại (Thực thi qua lại) của Hoa lục đã có hiệu lực. Theo tuyên bố của Sở Tư pháp Hồng Kông, thỏa thuận này giúp làm giảm bớt nhu cầu tái kiện tụng cùng một vụ án tại các tòa án ở Hồng Kông và Trung Quốc.
Ông Quý Đạt (Ji Da), nhà bình luận chính trị và cộng tác viên của Epoch Times cho biết, mặc dù mô tả của luật này là buộc phải thực thi “qua lại” (có sự hợp tác với nhau), nhưng luật này rõ ràng nhắm vào cơ quan tư pháp Hồng Kông.
Ông Quý nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times: “Mục đích là để Hồng Kông công nhận hệ thống tư pháp của Trung Quốc. Các phán quyết ở Hoa lục cũng có giá trị ở Hồng Kông.”
ĐCSTQ muốn giành lại quyền kiểm soát Hồng Kông vì nhiều lý do chiến lược
Ông Vương cho biết, pháp lệnh Các Phán quyết của Hoa lục, cùng với các hành động của ĐCSTQ xung quanh việc ban hành Điều 23, cho thấy ĐCSTQ rất mong muốn giành lại quyền kiểm soát Hồng Kông trước tình hình quốc tế căng thẳng hiện nay.
Trên bình diện quốc tế, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Nhật Bản về Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) vẫn đang tiếp diễn. Ngoài ra, các cuộc xung đột có thể nảy sinh bất cứ lúc nào trong khu vực Eo biển Đài Loan và Biển Đông. Theo ông Vương, vì lo ngại rằng Hồng Kông có thể là một nguồn gây bất ổn khác, cho nên việc ban hành Điều 23 vào thời điểm này chính là một cân nhắc chiến lược của ĐCSTQ.
Ông nói: “Khi Hồng Kông trải qua biến động lớn vào năm 2019, ĐCSTQ rất lo lắng về những yếu tố bất ổn này, đặc biệt là khi đảng này thừa nhận rằng Hồng Kông luôn là căn cứ chống cộng kết nối Hoa lục và hải ngoại. ĐCSTQ đã đề phòng bằng cách bổ nhiệm ông Lý Gia Siêu, cảnh sát trưởng, làm trưởng đặc khu.”
Chính quyền Hồng Kông dự kiến sẽ hoàn thành việc ban hành Điều 23 trước khi hội đồng lập pháp họp vào tháng Bảy. Thời gian tham vấn ngắn ngủi khiến công chúng lo ngại rằng giai đoạn lấy ý kiến này chỉ là làm cho đủ thủ tục.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times