Hồng Kông trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn của ĐCSTQ cho Nga
Sau khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine hồi năm 2022, số lượng công ty mới ghi danh với tên ‘Russia (Nga)’ ở Hồng Kông đã tăng lên.
Một lượng dữ liệu đáng kể cho thấy Hồng Kông đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghệ cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho Nga, trong đó có chất bán dẫn.
Một nhà phân tích về Trung Quốc cho biết ĐCSTQ đã khiến Hồng Kông hoàn toàn thuộc về Hoa lục, chứ không còn đóng vai trò trung gian nữa. Chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken có thể đưa ra tối hậu thư cuối cùng: nếu ĐCSTQ tiếp tục ủng hộ Nga, một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khác sẽ bắt đầu với những lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn. Và tới lúc đó, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ sẽ áp dụng cho cả Hồng Kông.
Khi gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào hôm 26/04, ông Blinken đã bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh cung cấp các linh kiện “thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc của Nga nhắm vào Ukraine”.
Ông nói: “Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu các máy công cụ, vi điện tử, nitrocellulose, những chất rất quan trọng để sản xuất đạn dược và thuốc phóng hoả tiễn cũng như các mặt hàng có công dụng kép khác mà Moscow đang sử dụng để củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình.”
Báo cáo năm 2023 của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho thấy Hồng Kông đóng vai trò là một trung tâm trung chuyển trong mạng lưới mua sắm bất hợp pháp của Nga, chuyển các linh kiện vi điện tử được sản xuất tại phương Tây cho các doanh nghiệp liên quan đến quân đội Nga. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, xuất cảng mạch tích hợp của Hồng Kông sang Nga đã tăng vọt, với giá trị xuất cảng chất bán dẫn đạt xấp xỉ 400 triệu USD vào năm 2022, chỉ đứng sau Trung Quốc và vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác giao dịch chất bán dẫn với Nga.
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Export Genius của Ấn Độ, ghi chép nhập cảng chất bán dẫn của Nga cho thấy từ ngày 24/02 đến ngày 31/12/2022, trong 3,292 giao dịch có giá trị ít nhất từ 100,000 USD trở lên, khoảng 70% trong số đó liên quan đến các sản phẩm do các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn Mỹ sản xuất, tổng giá trị khoảng 740 triệu USD.
Trong số các giao dịch này, có 1,774 (khoảng 75%) được vận chuyển từ Hồng Kông hoặc Hoa Lục. Nhiều công ty trong số đó có quy mô vừa và nhỏ, một số mới được thành lập sau khi Nga xâm lược Ukraine. Tổng giá trị của những giao dịch này đạt 570 triệu USD, cho thấy lượng xuất cảng vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ sang Nga từ Hồng Kông và Hoa Lục đã tăng gấp 10 lần so với trước thời điểm diễn ra cuộc chiến Nga-Ukraine.
Dựa trên dữ liệu do tổ chức phi chính phủ Silverado Policy tại Hoa Thịnh Đốn cung cấp, tính theo giá trị giao dịch, từ tháng 03 đến tháng 12/2022, xuất cảng vi mạch bán dẫn từ Trung Quốc và Hồng Kông chiếm gần 90% tổng giá trị vi mạch bán dẫn nhập cảng vào Nga.
Dữ liệu hải quan Nga do C4ADS, một tổ chức điều tra phi lợi nhuận thu thập, cho thấy các lô hàng vi mạch bán dẫn cao cấp đến Nga đã tăng mạnh trong nửa đầu năm 2023, rất nhiều trong số đó được vận chuyển qua Hồng Kông.
Từ tháng 01 đến tháng 05/2023, hơn 200 doanh nghiệp Nga đã nhận được 17,000 vi mạch bán dẫn TI trị giá 25 triệu USD từ công ty bán dẫn Texas Instruments Inc. (TI) của Hoa Kỳ, trong đó hai công ty nhận được lượng vi mạch bán dẫn lớn nhất là NPP Itelma và VMK. Những vi mạch bán dẫn mà những công ty này nhận được đã đi qua quy trình sản xuất của hai công ty Hồng Kông, vốn đã bị Hoa Kỳ trừng phạt hồi tháng 10/2023 vì cung cấp cho các công ty liên quan đến quân sự ở Nga.
TI và một công ty bán dẫn khác của Mỹ quốc là Analog Devices đều phủ nhận việc bán vi mạch bán dẫn trực tiếp cho các công ty ở Hồng Kông.
Các công ty mới có tên ‘Russia (Nga)’ tăng đột biến
Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022, số lượng công ty mới ghi danh có tên “Russia (Nga)” ở Hồng Kông đã tăng lên.
Liber Research Community, một tổ chức địa phương chuyên nghiên cứu sự phát triển của Hồng Kông đã kiểm tra danh sách các công ty mới ghi danh và những công ty đã đổi tên tại cơ quan Ghi danh Công ty.
Tổ chức này phát hiện rằng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02/2022 đến tháng 10/2022, đã có 35 công ty mới ghi danh tại Hồng Kông với tên “Russia”. Trong khi đó cùng thời kỳ năm 2021, chỉ có 13 công ty như vậy ghi danh, cho thấy “sự gia tăng đáng kể”.
Ngoài ra, mặc dù các công ty thuộc ngành rượu chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh sách trên, nhưng cũng có những công ty thuộc các ngành tương đối nhạy cảm, trong đó có nông nghiệp, hóa chất, năng lượng, và tài chính với một tỷ lệ đáng kể.
Hồi tháng 10/2022, ông Sherman Yan, đối tác quản lý của công ty luật ONC Lawyers của Hồng Kông nói với Bloomberg rằng, một số công ty lớn của Nga, bao gồm cả doanh nghiệp quốc doanh, đang tìm kiếm sự hợp tác với các công ty luật Hồng Kông để giúp Nga vào Hồng Kông. Họ hy vọng đây sẽ là một “khu vực pháp lý thân thiện hơn” so với New York và London, cũng như những nơi khác.
Ông Yan cho biết công ty của ông đã có các cuộc thảo luận sơ bộ với các khách hàng Nga, một số người trong số họ đang tìm cách thay đổi một số mục ghi danh sang Hồng Kông trong khi vẫn duy trì hoạt động kinh doanh của họ tại Nga.
Theo chuyên gia: Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ áp dụng cho cả Hồng Kông
Kể từ phong trào chống dẫn độ hồi năm 2019, ĐCSTQ ngày càng thắt chặt kiểm soát Hồng Kông và mức độ tự trị được hứa hẹn theo Luật Cơ bản dành cho “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông đang dần suy yếu. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, dưới sự ủy thác của ĐCSTQ, chính quyền Hồng Kông đã công khai coi thường các lệnh trừng phạt của phương Tây và cố tình nới lỏng kiểm soát xuất cảng.
Báo cáo của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết vị trí là một trung tâm thương mại trung lập kết nối Đông và Tây của Hồng Kông không còn giá trị nữa. Theo báo cáo này, “Tần suất giao dịch chất bán dẫn cao giữa Hồng Kông và Nga, cũng như sự khinh miệt công khai của chính quyền Hồng Kông đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây, đã tỏ rõ lòng trung thành của Hồng Kông: khu vực này đã hoàn toàn nằm trong trục Trung Quốc-Nga mới nổi.”
Hôm 29/03, chính phủ Tổng thống Biden đã công bố một bản luật được sửa đổi khác nhằm ngăn cản ĐCSTQ mua vi mạch bán dẫn AI và thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ. Luật này nhanh chóng có hiệu lực từ hôm 04/04, chưa đầy một tuần sau khi được công bố.
Bản sửa đổi dài 166 trang này bao gồm các hạn chế về xuất cảng chất bán dẫn sang Trung Quốc và các hạn chế đối với máy điện toán xách tay có chứa các vi mạch bán dẫn này. Có dấu hiệu cho thấy những hạn chế trên có thể được mở rộng để bao gồm cả các ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn lớn cấp thấp.
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một nhà bình luận và biên tập viên cao cấp của The Epoch Times Hoa ngữ, tin rằng ĐCSTQ đã coi Hồng Kông hoàn toàn thuộc về Hoa Lục, và Hồng Kông không còn đóng vai trò trung gian nữa.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Blinken có thể là cuộc đàm phán cuối cùng. Ông nói, nếu ĐCSTQ tiếp tục trợ giúp Nga, Hoa Kỳ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa.
Ông Thạch tin rằng Hoa Kỳ đang ngày càng hạn chế khả năng tiếp cận các sản phẩm công nghệ cao của ĐCSTQ và một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sắp xảy ra. Do đó, các lệnh trừng phạt thương mại trong tương lai của Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ và Nga, đặc biệt là các lệnh trừng phạt nghiêm khắc trong lĩnh vực công nghệ cao, chắc chắn sẽ áp dụng cho cả Hồng Kông.
Ông nói: “Hồng Kông, từng là một trung tâm siêu kết nối, rất có khả năng bị liên lụy và sẽ chịu thiệt hại lớn hơn trong tương lai”.
Bà Julia Ye là một phóng viên người Úc, gia nhập The Epoch Times vào năm 2021. Bà chủ yếu đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Bà tác nghiệp từ năm 2003.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times