Hội nghị ba bên ‘lịch sử’ tìm cách củng cố mối bang giao Nhật Bản-Nam Hàn trước mối đe dọa từ Trung Quốc
HOA THỊNH ĐỐN—Theo các nhà quan sát chính sách ngoại giao, cách đây vài tháng, một cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Nam Hàn tại Trại David sẽ là điều không thể tưởng tượng được, nếu xét đến căng thẳng kéo dài hàng thế kỷ giữa hai quốc gia này.
Tuy nhiên, đến ngày 18/08, viễn cảnh khó tin này sẽ trở thành hiện thực.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ tiếp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol tại Trại David ở Maryland hôm 18/08 để thảo luận về những lo ngại ba bên trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và Bắc Hàn. Đây sẽ là cuộc gặp độc lập đầu tiên giữa Hoa Kỳ và hai đồng minh đến từ Bắc Á.
Theo Tòa Bạch Ốc, hội nghị thượng đỉnh này là “một cột mốc lịch sử,” vì đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của các nhà lãnh đạo ngoại quốc tới Trại David kể từ năm 2015.
Trại David, một địa điểm nghỉ dưỡng bên sườn núi của các tổng thống Hoa Kỳ, là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử và ngoại giao quan trọng trong những năm qua.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết trong cuộc họp báo hôm 16/08, Tổng thống “đã lựa chọn một cách rất có chủ ý” khi mời cả hai nhà lãnh đạo này tới Trại David để tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với các nhà lãnh đạo ngoại quốc trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Cuộc họp này “đánh dấu một bước ngoặt và công nhận rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới và nhiều tham vọng hơn của liên kết đối tác ba bên, qua đó chúng ta cùng nhau giải quyết những thách thức khu vực và thách thức toàn cầu chưa từng có,” bà Karine Jean-Pierre nói.
Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ công bố một số kết quả của hội nghị thượng đỉnh này, trong đó có thỏa thuận về cải thiện chia sẻ thông tin tình báo, tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung, và thiết lập đường dây nóng về khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo này cũng sẽ công bố một tuyên bố chung về các nguyên tắc của ba quốc gia, được gọi là “Camp David Principles” (Các nguyên tắc Trại David).
“Tôi nghĩ, đúng ra mà nói rằng vài tháng trước, cả Tổng thống Yoon lẫn Thủ tướng Kishida có thể hơi không thoải mái với viễn cảnh hội đàm ở Trại David,” ông Christopher Johnstone, Trưởng phòng nghiên cứu Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết trong một cuộc họp báo hôm 14/08.
Ông Johnstone nói, “Nhưng hiện tại chúng ta đang ở một giai đoạn rất khác. Mối bang giao giữa hai quốc gia này đã được cải thiện rõ rệt kể từ tháng Ba nhờ nỗ lực của chính các nhà lãnh đạo này.”
Theo Tòa Bạch Ốc, cuộc hội đàm này là kết quả trực tiếp của “khả năng lãnh đạo can trường” của Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Nam Hàn.
Những mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Nam Hàn
Việc tranh chấp giữa hai quốc gia này bắt đầu từ thời Nhật Bản đô hộ Triều Tiên từ năm 1910–1945. Thời kỳ này ghi dấu việc người Triều Tiên bị đối xử một cách khác nghiệt, trong đó có việc bị lao động cưỡng bức, và “phụ nữ mua vui,” hay nói cách khác phụ nữ Triều Tiên bị quân đội Nhật Bản bắt làm nô lệ tình dục. Nam Hàn đã liên tục yêu cầu Nhật Bản phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những bất công lịch sử đó, trong đó có cả việc đưa ra lời xin lỗi chính thức và bồi thường cho các nạn nhân còn sống và gia đình của họ.
Bất chấp lời xin lỗi chính thức và việc thành lập quỹ hỗ trợ nạn nhân từ phía Nhật Bản, người Nam Hàn cho rằng những hành động này vẫn là chưa đủ.
“Tôi thấy cuộc gặp ở Trại David thật tuyệt vời,” là nội dung bài đăng của ông Dennis Wilder, giáo sư tại Đại học Georgetown, người từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush, trên nền tảng truyền thông xã hội X, trước đây gọi là Twitter. “Chúng tôi hầu như không thể mời hai nhà lãnh đạo của Nam Hàn và Nhật Bản đến gặp chúng tôi trong cùng một phòng.”
Theo ông Victor Cha, trưởng phòng nghiên cứu Nam Hàn tại CSIS, hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan, sự cưỡng bách về kinh tế, và các trù tính cho một chương trình vũ khí hạt nhân đã kết nối các quốc gia này lại với nhau.
Một yếu tố khác được ông Cha đề cập đến trong cuộc họp báo của CSIS, là chiến dịch hỏa tiễn của Bắc Hàn, bao gồm hai vụ thử hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn.
Một số chuyên gia tin rằng, mặc dù Trung Quốc có thể là trọng tâm chính của hội nghị thượng đỉnh và sẽ có nhiều cuộc thảo luận đằng sau những cuộc họp kín, nhưng tuyên bố ba bên có thể không có nội dung cụ thể liên quan đến Trung Quốc.
Trong một sự kiện của Viện Brookings hôm 16/08, ông Kurt Campbell, quan chức hàng đầu của Tòa Bạch Ốc, đảm trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho biết: “Những gì quý vị sẽ thấy vào thứ Sáu là một loạt các sáng kiến rất tham vọng nhằm tìm cách thắt chặt sự kết giao giữa ba bên, cả hiện tại lẫn tương lai.”
Trại David trước đây đã tổ chức một số hội nghị thượng đỉnh lịch sử. Hiệp định Trại David, một thỏa thuận hòa bình quan trọng giữa Israel và Ai Cập, đã được đàm phán ở trại này vào năm 1978 với sự ủng hộ của Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter. Ngay trước Giáng Sinh năm 1984, thủ tướng đương thời của Vương quốc Anh là bà Margaret Thatcher, đã đến viếng thăm khu nghỉ dưỡng này để gặp Tổng thống đương thời của Hoa Kỳ là ông Ronald Reagan. Cựu Tổng thống Barack Obama cũng đã chọn địa điểm này để tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-8 lần thứ 38 vào năm 2012.
Thông điệp gửi tới Trung Quốc
Diễn thuyết tại sự kiện Brookings, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết hội nghị thượng đỉnh Trại David của Tổng thống Biden sẽ cho thấy Trung Quốc đã sai khi tin rằng mối quan hệ ba bên này không thể cùng tồn tại.
“Thông điệp của chúng tôi là, ‘Chúng tôi là một sức mạnh vững chãi và hiện diện lâu dài ở Thái Bình Dương, và quý vị có thể đặt niềm tin lâu bền vào Mỹ quốc,” ông Emanuel nói, đồng thời lưu ý rằng hội nghị thượng đỉnh ba bên sẽ là “một bước tiến mang tính nền tảng cho lợi ích của Mỹ quốc.”
“Toàn bộ chiến lược của Trung Quốc dựa trên tiền đề rằng Mỹ và đồng minh số một và số hai của họ trong khu vực không thể ngồi đàm thoại cùng nhau và có chung quan điểm.”
Ông tiếp tục nói rằng sự răn đe có nhiều mặt.
“Chúng ta phải bắt đầu thay đổi và đưa ra một hình thức răn đe ở phạm vi rộng hơn. Hình thức răn đe đó có yếu tố kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, và tình báo,” ông Emmanuel nói. “Điều này, về mặt chính trị-ngoại giao, là một mức độ răn đe chính khi quý vị có sự tương trợ này, sự hợp tác này, và sự phối hợp này trong tương lai. Đó là một phần căn bản làm thay đổi mọi tính toán trong tương lai.”
Chính phủ ông Biden đã đối xử với Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh đơn thuần, trái ngược với việc gọi nước này là địch thủ.
Trong cuộc họp báo hôm 15/08 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Vedant Patel, phó phát ngôn viên chính của Bộ này, nhắc lại rằng Hoa Kỳ “không tìm kiếm xung đột hay đối đầu, hay Chiến tranh Lạnh mới” với Trung Quốc và rằng “chúng tôi không yêu cầu các quốc gia lựa chọn” giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times