Oklahoma: Chuyến thăm của nhà ngoại giao Trung Quốc cho thấy mối liên hệ giữa ĐCSTQ và tội phạm có tổ chức
Theo một bản tin mới của hai hãng thông tấn ProPublica và The Frontier, một vị tổng lãnh sự Trung Quốc thuộc đại sứ quán nước này ở Hoa Thịnh Đốn bị cáo buộc có liên hệ với các thành viên tội phạm có tổ chức người Trung Quốc vốn đã bị kết án ở Oklahoma.
Đây là mảnh ghép mới nhất trong một bức tranh ngày càng trở nên lớn hơn mỗi ngày. Tại sao chính phủ Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta tiếp tục ủng hộ mối liên hệ có lịch sử lâu dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với các nhóm tội phạm quốc tế, bao gồm các nhóm tội phạm Mexico và hội Tam Hoàng Trung Quốc, ở Đông Nam Á, châu Âu, và châu Mỹ Latinh?
Nhóm phóng viên gần đây nhất phơi bày mối liên hệ giữa ĐCSTQ và tội phạm có tổ chức là ông Sebastian Rotella và bà Kirsten Berg của ProPublica, cũng như ông Garrett Yalch và ông Clifton Adcock của The Frontier. Họ viết rằng “Sau một vụ sát nhân hàng loạt tại một trang trại cần sa” ở Oklahoma, “một nhà ngoại giao Trung Quốc đã đến thăm một tổ chức đang là đối tượng điều tra.”
Họ viết, mặc dù một số cuộc điều tra này chắc chắn có nguyên nhân do cơ quan chấp pháp có thành kiến với người Á Châu, nhưng các cuộc gặp gỡ giữa các nhà ngoại giao của ĐCSTQ và những tên tội phạm bị kết án đã “phản ánh mô hình liên hệ quốc tế giữa các quan chức Trung Quốc và các tổ chức bị tình nghi là mạng lưới tội phạm.”
Trong một bài báo trước đó, chính các tác giả này đã phát hiện ra rằng, “Từ California đến Maine, tội phạm có tổ chức của Trung Quốc đã thống trị phần lớn hoạt động buôn bán cần sa bất hợp pháp [tại Mỹ]. … Cùng với sự phát triển bùng nổ của ngành tội phạm này, các băng đảng xã hội đen đã gây ra tình trạng vô luật pháp: bạo lực, buôn bán ma túy, rửa tiền, cờ bạc, hối lộ, gian lận tài liệu, gian lận ngân hàng, hủy hoại môi trường, và trộm cắp điện nước.”
Theo một nghiên cứu của Viện Brookings được công bố hồi tháng Một, các nhân viên chấp pháp từ trước đến nay đều tin rằng “các nhóm tội phạm có liên quan đến Trung Quốc thực hiện giám sát cộng đồng người Hoa ở hải ngoại và hành động như những người thực thi thay mặt cho chính quyền Trung Quốc những hoạt động ngoài vòng pháp luật chống lại những người lên tiếng và có hành động phản đối chính quyền Trung Quốc và ĐCSTQ.” Vì vậy, theo nghiên cứu, ĐCSTQ đã mở rộng sự bao che và quyền lực của mình cho tội phạm có tổ chức một cách không chính thức.
Trớ trêu thay, nhóm hoạt động bảo vệ nhân quyền Safeguard Defenders phát hiện rằng các băng nhóm tội phạm này có thể có được sự trợ giúp từ hơn 100 “đồn công an” Trung Quốc ở hải ngoại tại 53 quốc gia. Tại Ý và Tây Ban Nha, theo báo cáo của ông Rotella, các nhân vật xã hội đen của Trung Quốc thậm chí còn góp sức thành lập một số đồn công an như vậy.
Ngoài ra còn có nhiều báo cáo về mối liên hệ của ĐCSTQ với tội phạm có tổ chức ở châu Á, bao gồm cả tội phạm tại các quần đảo Nam Thái Bình Dương. Một bản tin năm 2018 của ông J. Michael Cole cho thấy ĐCSTQ đã sử dụng “các nhóm côn đồ ủy nhiệm để gây rối loạn cho Đài Loan và Hồng Kông.”
Theo học giả người Pháp Emmanuel Jourda, người mà ông Rotella trích dẫn, ĐCSTQ “đưa những nhân vật quyền lực nhất, giàu có nhất, thành công nhất ra ngoại quốc và công nhận họ là giai tầng quý tộc trong cộng đồng hải ngoại.” Ông cho biết thêm rằng “việc họ kiếm tiền bằng cách nào không quan trọng. Thỏa thuận, dù có được công khai nói ra hay không, thì đều là: ‘Các vị thu thập thông tin tình báo về cộng đồng này, chúng tôi cho phép các vị làm công việc của mình. Dù đó là việc làm hợp pháp hay bất hợp pháp.”
Các “đồn công an” chìm đã hoạt động ở Hoa Kỳ và Canada, nơi ký giả điều tra Sam Cooper đã phát hiện ra mối liên hệ giữa hội Tam Hoàng Hồng Kông, các chính trị gia Canada, và Bắc Kinh.
Một “đồn công an” ở hải ngoại được thành lập tại khu Chinatown của Manhattan bị cáo buộc đã quấy rối những người Hoa bất đồng chính kiến trong khu vực. Đồn công an này đã bị đóng cửa hồi năm 2022 sau khi những người bị tình nghi là tội phạm này phát hiện ra rằng một cuộc điều tra liên bang đang diễn ra. Hai người trong số họ đã bị bắt, cùng với tội tiêu hủy bằng chứng.
Báo cáo của ProPublica và Frontier cho thấy sự trợ giúp tài chính và chỉ thị cho mạng lưới cần sa Trung Quốc ở Oklahoma cũng hội tụ ở thành phố New York. Theo các tác giả, khu Chinatown ở Flushing, Queens, đã “nổi tiếng là pháo đài của các trùm tội phạm Trung Quốc với phạm vi hoạt động trên toàn quốc, đến nỗi trong lực lượng chấp pháp có câu rằng: ‘Mọi con đường đều dẫn tới Flushing.’”
Kể từ những năm 1930 mafia Ý đã điều hành hoạt động buôn bán heroin ở New York. Các băng nhóm người Hoa ở New York bắt đầu hoạt động mạnh mẽ sớm nhất là từ đầu những năm 1970. Họ lợi dụng các cánh đồng thuốc phiện ở Miến Điện (Myanmar) và Lào cũng như mạng lưới giao thương vận tải biển qua Thái Lan và Hồng Kông. Vào thời điểm đó cả Đài Loan và Liên Xô đều lên án ĐCSTQ, cáo buộc rằng Bắc Kinh đã tạo thuận lợi cho việc buôn bán heroin sang Hoa Kỳ, châu Âu, và châu Phi.
Vào cuối những năm 1980, FBI đã bắt giữ và bỏ tù hầu hết các mafia người Mỹ gốc Ý. Theo một cuộc điều tra của New York Times vào năm 1987, hội Tam Hoàng Trung Quốc sau đó đã tiếp quản, mang theo một loại heroin tên là “bạch phiến” (phương Tây gọi là “Trung Quốc Trắng” hay “China White”) “vẫn còn được bọc trong những tờ báo Trung Quốc.” Phần lớn ma tuý đến từ những kẻ buôn Miến Điện, bao gồm cả “các lực lượng vũ trang của các lãnh chúa Miến Điện, những người theo các phong trào độc lập sắc tộc, phiến quân Cộng sản Miến Điện, và các tướng lĩnh Quốc Dân Đảng rút khỏi miền nam Trung Quốc sau cuộc cách mạng cộng sản năm 1949.”
Nhưng lịch sử của mối liên hệ giữa hội Tam Hoàng và ĐCSTQ thậm chí còn xa xưa hơn nữa. Theo nhà sử học N.J. Ryan, hội Tam Hoàng có mối liên hệ với cả những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và ĐCSTQ ở Trung Quốc và Đông Nam Á trước những năm 1940. Tuy nhiên, ít nhất cho đến cuộc cách mạng năm 1949 ở Trung Quốc, thì hội Tam Hoàng vẫn thân những người theo chủ nghĩa dân tộc hơn những người cộng sản. Sau cuộc cách mạng, ĐCSTQ đã nhắm vào hội Tam Hoàng ở Hoa lục, nên phần lớn hội này đã chuyển đến Hồng Kông, nơi những nỗ lực của người Anh trong việc triệt phá họ ít hiệu quả hơn. Đến năm 1992, khi ngày ĐCSTQ kiểm soát Hồng Kông đến gần, ĐCSTQ bắt đầu lôi kéo hội Tam Hoàng, lôi kéo họ chống lại những người bất đồng chính kiến ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc.
Tại New York, mafia Ý đã bị đánh bại thông qua việc thực thi Đạo luật chống các Tổ chức bị Tội phạm Gây ảnh hưởng và Tham nhũng (RICO) kể từ những năm 1970. Tuy nhiên, theo Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), RICO đã không được tận dụng một cách hiệu quả để chống lại Hội Tam Hoàng hoặc ĐCSTQ, vốn dường như cũng chính là một dạng tội phạm có tổ chức. Cả luật chống khủng bố của Hoa Kỳ cũng chưa được sử dụng để chống lại ĐCSTQ, bên vốn đang không chỉ tạo thuận lợi cho những kẻ khủng bố mà tự thân họ còn có thể được xem như một tổ chức khủng bố.
Dựa trên báo cáo mới nhất, hiện vai trò của ĐCSTQ trong giới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có thể là giảm xung đột tội phạm giữa các băng nhóm, cũng như tạo điều kiện cho các mạng lưới tài chính tội phạm và khủng bố ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Mỹ Latinh, Trung Đông, và Đông Nam Á hoạt động. Điều này bao gồm khủng bố ủy nhiệm và tội phạm có tổ chức do Nga, Iran, và những kẻ buôn bán thuốc phiện và methamphetamine ở Miến Điện hậu thuẫn. Ngoài việc cung cấp tiền chất fentanyl cho các băng đảng Mexico thông qua việc kiểm soát nền kinh tế Trung Quốc, ĐCSTQ còn tạo thuận lợi cho hoạt động rửa tiền liên quan đến fentanyl cho các băng đảng này, cũng như các mạng lưới tội phạm Mỹ Latinh khác.
Tất cả những hoạt động tội phạm này của ĐCSTQ đều dẫn đến những tổn thương thực chất đối với những người dân và gia đình tại Hoa Kỳ. Vào những năm 1980, loại heroin “bạch phiến” nguyên chất đã góp phần làm tăng số ca tử vong do dùng thuốc quá liều so với loại ma túy yếu hơn mà mafia Ý bán. Nhưng số ca tử vong thời đó vẫn chưa là gì so với hơn 70,000 người Mỹ tử vong hàng năm do các loại thuốc phiện tổng hợp như fentanyl ngày nay.
Như có thể thấy rõ từ quỹ đạo lịch sử của cuộc chiến chống lại ĐCSTQ, chẳng hạn như Chiến tranh Triều Tiên, trong đó quân đội Hoa Kỳ và đồng minh chiến đấu trực diện với ĐCSTQ, Hoa Kỳ đang mất đi chỗ đứng. Trong cuộc chiến kéo dài ba năm đó, khoảng 36,000 lính Mỹ đã hy sinh để cứu lấy Nam Hàn. Giờ thì chỉ riêng số người Mỹ tử vong vì fentanyl đã cao hơn gấp đôi số đó, trong khi ĐCSTQ vẫn đang tăng cường thâm nhập vào thị trường và ảnh hưởng đến chính trường Mỹ mỗi ngày.
Việc ĐCSTQ liên kết với các mạng lưới ma túy bất hợp pháp gây tử vong cho người dân ở Hoa Kỳ không có gì đáng ngạc nhiên, vì bản thân ĐCSTQ đã bắt đầu và được cho là sẽ tiếp tục hoạt động như một tổ chức tội phạm và khủng bố có tổ chức. Các quan chức dân cử, giới học thuật, và giới truyền thông chính thống của chúng ta càng sớm hiểu được lòng căm ghét sâu đậm của ĐCSTQ đối với nước Mỹ và các giá trị của Mỹ — và bắt đầu phản đối ĐCSTQ một cách hiệu quả hơn bao nhiêu — thì chúng ta sẽ càng an toàn hơn bấy nhiêu.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times