Hoa Kỳ: Lượng mua máy sản xuất vi mạch bán dẫn tăng vọt lên mức cao kỷ lục
Lượng máy sản xuất vi mạch bán dẫn máy điện toán mà Hoa Kỳ mua từ Đài Loan đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng Ba khi Hoa Kỳ tiếp tục xây dựng lại ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và một số nhà sản xuất lớn khác ở Đài Loan là những bên quan trọng trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn máy điện toán toàn cầu.
Bloomberg đưa tin, theo dữ liệu từ Bộ Tài chính của nước này, Đài Loan, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn cao cấp lớn nhất thế giới, đã chứng kiến xuất cảng máy sản xuất vi mạch của họ sang Hoa Kỳ tăng 42.6% trong tháng trước so với một năm trước đó lên mức cao mới 71.3 triệu USD.
Trong khi đó, xuất cảng sang Trung Quốc đại lục giảm mạnh 33.7% trong tháng giảm thứ chín liên tiếp do căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh.
Việc Đài Loan giảm xuất cảng máy móc sang Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy cuộc chiến công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất đang nóng lên.
Các mối đe dọa của ĐCSTQ đối với Đài Bắc đã khiến Mỹ phụ thuộc nhiều vào Đài Loan và các quốc gia Á Châu khác để có được những vi mạch bán dẫn thiết yếu ngày càng trở nên khó bảo vệ.
Những lo ngại lớn nhất về khả năng dễ bị tấn công của hòn đảo này, nơi ĐCSTQ tuyên bố là một tỉnh nổi loạn, đã thúc đẩy các quan chức Mỹ chuyển các thiết bị sản xuất vi mạch tiên tiến hơn sang lục địa Hoa Kỳ.
Đại dịch cũng cho thấy sự phụ thuộc của phương Tây vào vi mạch bán dẫn từ Đông Á với tình trạng thiếu hụt lớn chất bán dẫn gây ra tình trạng ngừng sản xuất trên toàn thế giới, sự đình trệ trong sản xuất công nghiệp, và gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.
Các nhà máy vi mạch bán dẫn ở Mỹ
TSMC sẽ xây dựng hai nhà máy chế tạo ở Arizona với 12 tỷ USD. Khoản tiền này đến từ các khoản trợ cấp của tiểu bang và tài trợ của chính phủ địa phương.
Công ty này đã công bố các kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất đầu tiên này hồi năm 2020, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2024 và ban đầu sẽ sản xuất 20,000 đĩa bán dẫn của vi mạch 5 nanomet tương đối tân tiến mỗi tháng.
Nhà máy thứ hai của TSMC ở Arizona sẽ sản xuất vi mạch 3nm tân tiến hơn.
Tòa Bạch Ốc đang sử dụng khoản trợ cấp 50 tỷ USD thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước.
TSMC có khả năng nhận được hàng tỷ USD trợ cấp từ đạo luật này.
Intel và Samsung của Nam Hàn cũng đã công bố kế hoạch xây dựng các cơ sở cao cấp tại Hoa Kỳ.
Chặn ĐCSTQ tiếp cận công nghệ nhạy cảm
Kể từ thời Chính phủ cựu Tổng thống Trump, chính phủ Hoa Kỳ đã thúc đẩy nỗ lực trên toàn thế giới nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ bán dẫn nhạy cảm và các công cụ để tạo ra chúng.
Chính phủ Tổng thống Biden đã tiếp tục nỗ lực hạn chế khả năng Bắc Kinh có được công nghệ và sản phẩm tân tiến, vốn có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp và quân sự.
Các nhà cung cấp của Mỹ như Công ty Applied Materials, Tập đoàn Lam Research, và Tập đoàn KLA đã bị cấm gửi một số công nghệ tân tiến nhất của họ đến Trung Quốc.
Hồi tháng Ba, chính phủ Hà Lan đã đồng ý chặn Trung Quốc tiếp cận một số công nghệ sản xuất vi mạch bán dẫn nhạy cảm nhất của quốc gia này.
Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Hợp tác Phát triển, ông Liesje Schreinemacher, nói với quốc hội Hà Lan hôm 08/03, rằng những hạn chế được đề nghị đối với việc ĐCSTQ tiếp cận thiết bị tân tiến sử dụng tia cực tím được thiết kế một cách tinh vi, để khắc mạch trên các vi mạch xử lý, là điều cần thiết dựa trên các lý do về an ninh và nhân quyền.
Tháng trước, Nhật Bản cũng đã đồng ý đặt ra các hạn chế mới đối với việc xuất cảng 23 loại công nghệ sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu.
Sau nhiều do dự, các quốc gia khác ở Âu Châu đang ngày càng ủng hộ việc ngăn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tiếp cận với công nghệ vi mạch được bảo vệ cẩn mật của mình, trong khi đang dần cố gắng đẩy mạnh sản xuất vi mạch bán dẫn của riêng họ.
Đức và Anh đều đã ngăn chặn việc các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc tiếp quản các công ty vi mạch bán dẫn hoặc nhà máy riêng lẻ trong những tháng gần đây.
Chương trình ĐCSTQ sụp đổ
Bắc Kinh đã phàn nàn về những hạn chế này, nói rằng chúng đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu và các lý do về an ninh quốc gia là không có thật.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn ngần ngại chưa trả đũa các công ty công nghệ Mỹ — có khả năng để tránh làm gián đoạn các ngành công nghiệp trong nước vốn sản xuất hầu hết điện thoại thông minh, máy tính bảng, và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác trên thế giới.
Tuy nhiên, trong một bài diễn văn vào tháng trước, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã cáo buộc Hoa Kỳ cố gắng ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc bằng một chiến dịch “ngăn chặn và đàn áp” và kêu gọi đảng của ông ta “can đảm đứng lên đấu tranh.”
Ông Tập đã ra lệnh cho chính quyền của mình tập trung vào việc sản xuất vi mạch máy điện toán tân tiến hơn, được sử dụng trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến chiến đấu cơ.
Bắc Kinh có xưởng đúc vi mạch bán dẫn của riêng mình nhưng họ chỉ có thể sản xuất bộ vi xử lý cấp thấp được sử dụng trong xe hơi và thiết bị gia dụng.
Trung Quốc buộc phải nhập cảng vi mạch tân tiến trị giá hơn 300 tỷ USD từ ngoại quốc mỗi năm.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times