Hoa Kỳ: Các nhà lập pháp lưỡng đảng công bố dự luật bảo vệ hệ thống AI khỏi Trung Quốc
Đạo luật ENFORCE sẽ cấp thẩm quyền pháp lý cho Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) được áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất cảng lên các hệ thống AI, chẳng hạn như dừng chuyển giao hệ thống AI cho Trung Quốc.
Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng đã giới thiệu một dự luật nhằm ngăn chặn các quốc gia thù địch — vốn đe dọa đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ — khai thác các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
Đạo luật có tiêu đề “Đạo luật Tăng cường Khuôn khổ Quốc gia về Xuất cảng Quan trọng ở Hải ngoại” hay được gọi là Đạo luật ENFORCE (Enhancing National Frameworks for Overseas Critical Exports Act) sẽ cho phép chính phủ liên bang áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất cảng để bảo vệ các hệ thống AI trong tương lai khỏi những kẻ thù của Hoa Kỳ.
“Nếu không hành động thì sẽ có nguy cơ nghiêm trọng xảy ra một cuộc tấn công mạng trong tương lai có thể do các công nghệ AI thực hiện nhắm vào nước Mỹ. Theo luật hiện hành, cộng đồng an ninh quốc gia của chúng ta không có thẩm quyền cần thiết để ngăn chặn Đảng Cộng sản Trung Quốc, quân đội của họ, và các công ty mà họ trực tiếp kiểm soát mua lại các hệ thống AI vốn có thể trợ giúp các cuộc tấn công mạng trong tương lai nhắm vào Hoa Kỳ,” Dân biểu Raja Krishnamoorth (Dân Chủ-Illinois), thành viên cấp cao trong Ủy ban Đặc biệt về Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố hôm 10/05.
“Đạo luật ENFORCE sẽ giải quyết mối đe dọa này bằng cách bảo đảm rằng Cục Công nghiệp và An ninh có thẩm quyền cần thiết để giải quyết các rủi ro bảo mật do AI và việc chuyển giao công nghệ gây ra, bảo đảm rằng các công nghệ của Mỹ, các nhà nghiên cứu, và công ty của Mỹ không trợ giúp cho quân đội và nhà nước giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông nói thêm.
Đạo luật ENFORCE sẽ sửa đổi Đạo luật Cải tổ Kiểm soát Xuất cảng năm 2018 (ECRA), cấp cho Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại thẩm quyền áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất cảng đối với AI và các công nghệ mới phát triển. Những đạo luật này đều nhằm mục đích ngăn chặn các quốc gia thù địch tiềm ẩn tiếp cận công nghệ có thể được sử dụng để chống lại Hoa Kỳ.
Theo các nhà lập pháp, với thẩm quyền hiện tại của mình, BIS chỉ có thể sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất cảng để ngăn chặn việc xuất cảng chất bán dẫn tân tiến (dùng cho quá trình sản xuất hệ thống AI) và các thiết bị khác để sản xuất các chất bán dẫn này. Tuy nhiên, BIS lại thiếu thẩm quyền để quản lý việc chuyển giao hệ thống AI. Tình huống này cho thấy rằng một công ty AI của Hoa Kỳ có thể bán hệ thống AI tân tiến nhất của mình cho Trung Quốc — một thương vụ có thể đe dọa đến an ninh quốc gia — mà không cần giấy phép, trong khi BIS lại không thể can thiệp.
Đạo luật ENFORCE sẽ cấp thẩm quyền pháp lý cho BIS được áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất cảng lên các hệ thống AI, chẳng hạn như dừng chuyển giao hệ thống AI cho Trung Quốc. Đạo luật này cấp thẩm quyền cho BIS được ủy quyền cấp giấy phép xuất cảng hệ thống AI hoặc các công nghệ mới phát triển khác liên quan đến an ninh quốc gia. Chẳng hạn như, họ có thể yêu cầu các phòng thí nghiệm AI của Mỹ tiến hành kiểm tra an ninh trước khi hợp tác với các phòng thí nghiệm AI có liên kết với quân đội Trung Quốc.
“Trí tuệ nhân tạo là một công nghệ căn bản của tương lai với tiềm năng định hướng nền kinh tế, lối sống, và an ninh quốc gia của chúng ta. Đạo luật này sẽ bảo vệ người dân Mỹ và giúp ngăn chặn những thành tựu đổi mới của đất nước chúng ta rơi vào tay quốc gia thù địch của chúng ta,” Dân biểu John Moolenaar (Cộng Hòa-Michigan), Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về ĐCSTQ cho biết.
Dự luật này được bảo trợ bởi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), Dân biểu John Moolenaar (Cộng Hòa-Michigan), Dân biểu Raja Krishnamoorth (Dân Chủ-Illinois), và Dân biểu Susan Wild (Dân Chủ-Pennsylvania).
Các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư vào AI của Trung Quốc
Cuộc đua giành ưu thế về AI là lĩnh vực công nghệ mới nhất trong cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và chính quyền Trung Quốc. Báo cáo Sức mạnh Trung Quốc năm 2022 của Ngũ Giác Đài cho thấy quân đội Trung Quốc đang tìm cách mở rộng việc sử dụng AI và các công nghệ tân tiến để nâng cao năng lực chiến đấu thế hệ tiếp theo.
Theo một báo cáo hồi năm ngoái (2023) của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới phát triển, từ năm 2015 đến năm 2021, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã rót 40.2 tỷ USD vào 251 công ty AI Trung Quốc, chiếm 37% tổng số tiền đầu tư mà tất cả các công ty AI Trung Quốc gọi vốn được.
Trong báo cáo điều tra hồi tháng Hai, Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ đã phát hiện ra rằng 5 công ty đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ đã đầu tư 1.9 tỷ USD vào các công ty AI của Trung Quốc.
“Các khoản đầu tư của Hoa Kỳ rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và thành công ban đầu của một số công ty bán dẫn và AI lớn nhất và tai tiếng nhất [của Trung Quốc], mà nhiều công ty trong số đó hiện đang bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen vì lo ngại an ninh quốc gia, và nhiều công ty trong số đó được chính quyền [Trung Quốc] hậu thuẫn,” báo cáo nêu rõ.
Cũng theo báo cáo, đáng chú ý là cuộc điều tra này cho thấy các khoản đầu tư đó đã nâng cao các mục tiêu chiến lược của ĐCSTQ trong khi trực tiếp làm suy giảm vị thế của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
“Báo cáo này cho thấy rằng việc Hoa Kỳ đầu tư vốn vào các lĩnh vực quan trọng ở hải ngoại đã nâng cao các ưu tiên chiến lược [của Trung Quốc] trong khi làm suy yếu chiến lược của Hoa Kỳ đối với [Trung Quốc],” báo cáo viết.
Báo cáo này đề nghị thêm các hạn chế đối với việc đầu tư ra hải ngoại vào các công nghệ quan trọng và mới phát triển của Trung Quốc như AI, chất bán dẫn, và điện toán lượng tử.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times