Chiến đấu cơ Trung Quốc bay lượn quanh tàu Hà Lan, gây ra ‘tình thế không an toàn’ ở Biển Hoa Đông
Chiến đấu cơ Trung Quốc bay lượn xung quanh một khu trục hạm của Hà Lan và tiếp cận trực thăng của Hà Lan trong một cuộc tuần tra ở Biển Hoa Đông.
Cuối tuần qua (08-09/06), Bộ Quốc phòng Hà Lan loan báo về việc các chiến đấu cơ Trung Quốc bay lượn quanh một khu trục hạm của Hà Lan và tiếp cận trực thăng của Hà Lan trong một cuộc tuần tra ở Biển Hoa Đông, gây ra “tình thế rất có thể là không an toàn.”
Trong một thông cáo hôm 08/06, Bộ Quốc phòng Hà Lan nêu rõ rằng hai chiến đấu cơ Trung Quốc nhiều lần bay quanh khinh hạm HNLMS Tromp của họ khi khu trục hạm này đang tiến hành tuần tra ở Biển Hoa Đông nhằm trợ giúp một liên minh đa quốc gia của Liên Hiệp Quốc giám sát việc thi hành các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn.
Trực thăng chiến đấu NH90 của khinh hạm này đã bị hai chiến đấu cơ Trung Quốc và một trực thăng tiếp cận.
Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết: “Vụ việc xảy ra trên không phận quốc tế.”
HNLMS Tromp đang trên đường đến Nhật Bản và Hawaii để tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương diễn ra hai năm một lần, bắt đầu vào cuối tháng này (tháng Sáu).
Căng thẳng với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông
Sự việc xảy ra chỉ sau một ngày khi Tokyo phản đối chính quyền Trung Quốc sau khi bốn tàu Hải Cảnh Trung Quốc có vũ trang tiến vào vùng hải phận của Nhật Bản, gần các đảo đang trong tình trạng tranh chấp tại Biển Đông.
“Tôi không thể nói rõ được ý đồ của phía Trung Quốc là gì, nhưng sự xâm nhập của các tàu thuộc hải cảnh Trung Quốc vào lãnh thổ của chúng tôi là vi phạm luật pháp quốc tế,” Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hôm 07/06.
Tokyo kiểm soát quần đảo đang trong tình trạng tranh chấp mà họ gọi là Quần đảo Senkaku, nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này và gọi đó là Quần đảo Điếu Ngư. Căng thẳng leo thang vào năm 2012 khi chính phủ Nhật Bản mua lại một số hòn đảo từ một chủ sở hữu tư nhân Nhật Bản.
Hải cảnh Trung Quốc thừa nhận rằng họ đã tuần tra vùng biển này bằng tàu có mang theo vũ khí, đồng thời tuyên bố rằng cuộc tuần tra này là “hành động thường lệ” nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh, và các quyền hàng hải, và là “bước cần thiết” để đạt được hòa bình, ổn định, và phản đối “những hành động tiêu cực” gần đây của Nhật Bản.
Ông Hayashi cho biết Tokyo đã đưa ra một “kháng nghị mạnh mẽ” thông qua các đường ngoại giao kêu gọi một cuộc rút lui nhanh chóng khỏi khu vực này. Ông nhấn mạnh rằng bốn tàu Trung Quốc đã lưu lại khu vực này hơn một tiếng.
Ông cho biết, hồi tháng trước (tháng Năm), hải cảnh Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần quần đảo đang trong tình trạng tranh chấp do Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông trong 158 ngày liên tục, phá kỷ lục 157 ngày đạt được trước đó vào năm 2021.
Căng thẳng với Philippines, Việt Nam ở Biển Đông
Hôm 04/06, quân đội Philippines cho biết các tàu Trung Quốc đã chặn và thu giữ một trong bốn kiện hàng thực phẩm được thả bằng phi cơ xuống một tiền đồn của Philippines tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hôm 19/05.
Nguồn tiếp tế thực phẩm này dành cho Thủy quân lục chiến Philippines đóng trên tàu BRP Sierra Madre, một tàu hải quân cố ý neo đậu đóng vai trò là tiền đồn của Philippines tại Quần đảo Trường Sa đang trong tình trạng tranh chấp kể từ năm 1999.
Trong những tháng gần đây, đã có nhiều bản tin về các cuộc đối đầu ở Biển Đông giữa hai quốc gia này. Cuối tháng Ba, Philippines cáo buộc một tàu hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu Philippines, khiến ba thủy thủ bị thương.
Trong một vụ việc khác trước đó, có ít nhất bốn thành viên của thủy thủ đoàn Philippines đã bị thương do kính vỡ sau một cuộc tấn công bằng vòi rồng của Trung Quốc. Manila đã triệu tập một nhân viên ngoại giao Trung Quốc để kháng nghị vụ việc này và tuyên bố rằng vụ việc này đã tạo thành “những hành động gây hấn.”
Tháng trước, tại hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La được tổ chức thường niên ở Singapore, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã cảnh báo chính quyền Trung Quốc không nên vượt quá giới hạn để đi đến “một hành động gây chiến.”
Hôm 06/06, Việt Nam yêu cầu tàu khảo sát Hải Dương 26 của Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở khu vực Vịnh Bắc Bộ thuộc hải phận Việt Nam.