Hiểu về cuộc tranh chấp Biển Đông
Trong bối cảnh sức mạnh quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gia tăng trong những năm gần đây, nhà cầm quyền này đã vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông bằng cách thực hiện một loạt nghị trình độc đoán theo cách giải thích đơn phương của họ về chủ quyền vùng biển này. Khi Indonesia và Việt Nam bày tỏ các mối lo ngại sâu sắc về các cuộc tập trận và tuần tra bằng tuần duyên hạm quy mô lớn của Trung Quốc trên Biển Bắc Natuna, hôm 28/12/2022, cuối cùng Indonesia và Trung Quốc đã kết thúc các cuộc đàm phán về các đường ranh giới của Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ), sau 12 năm đàm phán căng thẳng. Ngay sau đó, tàu Hải Cảnh Trung Quốc (CCG) 5901 đã đi vào khu vực này.
Indonesia cử một chiến hạm theo dõi một tuần duyên hạm Trung Quốc
Hôm 14/01, ông Laksamana Muhammad Ali, người đứng đầu hải quân Indonesia, nói với Reuters rằng một chiến hạm, một tuần duyên hạm, và một phi cơ không người lái đã được khai triển tới Biển Bắc Natuna để giám sát một tàu hải cảnh Trung Quốc vốn đã hoạt động trong một vùng biển giàu tài nguyên mà cả Indonesia và Trung Quốc đều tuyên bố là của mình.
Theo Reuters, Indonesian Ocean Justice Initiative (Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia) cho biết tàu CCG 5901 đã đi vào Biển Natuna kể từ ngày 30/12/2022, đặc biệt là gần mỏ khí Tuna Bloc và mỏ dầu khí Chim Sáo của Việt Nam.
Các hệ thống giám sát tàu (VMS) cho thấy rằng CCG 5901 đã khởi hành từ Tam Á, một thành phố duyên hải ở tỉnh Hải Nam, vào ngày 16/12/2022 và đến vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia vào ngày 30/12/2022.
Sau khi Indonesia và Việt Nam kết thúc các cuộc đàm phán về đường ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của cả hai nước hồi tháng 12/2022, Indonesia sau đó đã đưa ra kế hoạch thăm dò và khoan đầu tiên của họ tại mỏ dầu khí Tuna.
Mỏ dầu khí Tuna, nằm ở giữa Indonesia và Việt Nam, được một chi nhánh Indonesia thuộc công ty Harbor Energy của Vương quốc Anh phát hiện. Khoản đầu tư này lên tới 3 tỷ USD. Hoạt động xuất cảng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2026, và sản lượng ước tính đạt 115 triệu feet khối tiêu chuẩn mỗi ngày (MMSCFD) vào năm 2027.
Tuna Bloc nằm trong toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và cách vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 13 km (8 dặm). Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc tuyên bố “các quyền lịch sử” đối với vùng biển mà họ vạch ra trong đường chín đoạn hình chữ U xung quanh Biển Đông trên bản đồ chính thức về lãnh thổ của mình mặc dù Tuna Bloc cách Trung Quốc 1,000 dặm (1,609 km). Hồi năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye đã kiên quyết bác bỏ các yêu sách hàng hải mở rộng của ĐCSTQ là “không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.”
Mặc cho Trung Quốc bác bỏ phán quyết nói trên, hồi năm 2017, Indonesia đã đổi tên phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông thành Biển Bắc Natuna, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hồi năm 2021, các nhà cung cấp đã được phép khai triển các giếng khoan trong khu vực thăm dò và khoan của mỏ Tuna Gas để thử nghiệm về trữ lượng. Họ đã bị các tuần duyên hạm của Trung Quốc theo dõi. Những tàu này đã ra lệnh cho họ ngừng khoan cũng như thăm dò đồng thời tuyên bố khu vực này là của Trung Quốc.
Những thách thức hàng hải của ĐCSTQ ở Biển Đông đang phá hoại trật tự quốc tế
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở thành một lực lượng kinh tế và quân sự lớn trên thế giới. Trong những năm gần đây, họ đã cải tổ quá trình khuếch trương quân sự ở Biển Đông của mình, đi ngược lại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông, đồng thời thực hiện một loạt nghị trình độc đoán ở Biển Đông. ĐCSTQ đã có những thay đổi về căn bản đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và thực hiện các hành động thể theo cách giải thích của họ về thẩm quyền đối với Biển Đông.
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã phát hành một báo cáo tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết họ sẽ thúc đẩy tiến trình ổn định trong việc xây dựng trên các đảo và rạn san hô ở Biển Đông.
Ngày 21/06/2012, Quốc vụ viện của ĐCSTQ đã thành lập chính quyền thành phố Tam Sa trên Đảo Phú Lâm (Woody Island), nhằm đạt được quyền tài phán đối với một số đảo, bao gồm Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands), Quần đảo Trung Sa (Macclesfield Islands), và Quần đảo Trường Sa (Spratly Islands). Năm 2013, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu cải tạo quy mô lớn trên bảy đảo thuộc Quần đảo Trường Sa, thường được gọi là hoạt động “bồi đất và cải tạo.”
Sau ba năm, bảy đảo nhỏ này đã được bồi đắp thành các hòn đảo lớn. Họ đã xây dựng các tòa nhà đồ sộ bao gồm một ngọn hải đăng, tiểu đoàn, nhà máy điện, tháp radar, trạm liên lạc, và nhà máy khử muối.
ĐCSTQ cũng xây dựng một bến cảng, phi trường, nhà chứa phi cơ, bệnh viện, và các khu thể thao cho các mục đích quân sự và dân sự trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef, còn được gọi là Panganiban Reef), Đá Su Bi (Subi Reef), và Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef). Họ đã thành lập một khu vực đô thị vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông.
Họ đã đặt Biển Đông dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ với ba hòn đảo nhân tạo và mở rộng Đảo Phú Lâm, nơi có thành phố Tam Sa. Theo tuyên bố chính thức của ĐCSTQ, các hòn đảo này tương đương với bốn siêu hàng không mẫu hạm không thể chìm.
Năm 2018, chiến hạm tuần tra của nhà cầm quyền này và đối tác của họ đã duy trì thế bế tắc trong một vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam kéo dài suốt nhiều tháng. Tàu nghiên cứu khoa học của Trung Quốc đã tiến hành các cuộc thăm dò địa chấn tại vùng biển tranh chấp chồng lấn với khu vực dầu khí của Việt Nam.
Tháng 05/2019, một cuộc đối đầu giữa tàu nghiên cứu khoa học của Trung Quốc và một chiến hạm Malaysia, trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, đã kéo dài một tháng tại khu vực tiếp giáp với một tàu khoan Malaysia của doanh nghiệp quốc doanh đang hoạt động Petronas.
Vào tháng 04/2019 và tháng 06/2019, một chiến hạm của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã được nhìn thấy gần Bãi cạn Scarborough (còn được gọi là Panatag). Philippines đã đụng độ với ĐCSTQ về khu vực tranh chấp này ở Biển Đông mà Philippines và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền. Sau khi chiếm đóng khu vực này bằng vũ lực, ĐCSTQ đã cố gắng buộc Philippines chấp nhận chủ quyền của họ đối với khu vực này như một việc đã rồi.
Tình hình quốc tế thay đổi khi thế giới bắt đầu theo dõi Biển Đông
Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng các chiến lược “duy trì hiện trạng” và “tránh xung đột” trong nhiều thập niên ở Biển Đông do họ có những hạn chế về sức mạnh kinh tế và quân sự.
Tháng 04/1994, một tàu nghiên cứu và thăm dò đất liền và biển sâu đã đi từ Quảng Châu đến Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) để tiến hành thăm dò và khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, dưới sự cản trở nghiêm trọng của Việt Nam, nhóm này đã phải rời đi. Tháng 05/1997, chiến hạm tuần tra của ĐCSTQ đã phải rút khỏi một khu vực của Bãi cạn Scarborough sau ba ngày bế tắc với đối tác Philippines.
Tuy nhiên, tình hình quốc tế ở Biển Đông đang bị chính quyền Trung Quốc phá hoại và thế giới đã bày tỏ các mối lo ngại sâu sắc về vấn đề này.
Ngày 13/7/2020, trong một tuyên bố về quan điểm của Hoa Kỳ đối với các yêu sách hàng hải, Ngoại trưởng Michael R. Pompeo lần đầu tiên tuyên bố rằng “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không có cơ sở pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý chí của mình đối với khu vực này” và tố cáo Bắc Kinh bắt nạt các quốc gia ven biển Đông Nam Á ở Biển Đông để khai thác tài nguyên ngoài khơi, đơn phương khẳng định quyền thống trị, và thay thế luật pháp quốc tế bằng quy luật “lý lẽ thuộc về kẻ mạnh.”
Ngày 25/07/2020, trong một tuyên bố trước Tòa Trọng tài, Úc đã bác bỏ các yêu sách của ĐCSTQ đối với “các quyền lịch sử” và tiếp tục bác bỏ các yêu sách đối với “các quyền và lợi ích hàng hải” do “thực tiễn lịch sử” thiết lập vì những yêu sách này mâu thuẫn với UNCLOS và, trong phạm vi của sự không nhất quán đó, là không hợp lệ.
Ngay sau đó, Brunei, Malaysia, Philippines, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), và Việt Nam đã tiếp bước bác bỏ khoảng 90% các tuyên bố của ĐCSTQ về chủ quyền của nhà cầm quyền này đối với các vùng biển ở Biển Đông.
Ngày 02/08/2021, lần đầu tiên sau gần hai thập niên, Đức cử một khu trục hạm đến Biển Đông, mở rộng sự hiện diện quân sự của nước này trong khu vực. Các quan chức cho biết hải quân Đức sẽ gắn bó với các tuyến đường thương mại chung. Berlin đã nói rõ rằng sứ mệnh này sẽ nhằm nhấn mạnh thực tế rằng Đức không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh.
Cùng ngày hôm đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng ra lệnh khai triển lực lượng đặc nhiệm tới Biển Đông trong thời gian hai tháng. Các tàu của Hải quân Ấn Độ có ý định bảo đảm trật tự bình thường trong lĩnh vực hàng hải và “tăng cường mối bang giao hiện có giữa Ấn Độ và các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Tháng 08/2022, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự trong không phận và vùng biển xung quanh Đài Loan, đồng thời đe dọa lãnh hải của hòn đảo này để trả đũa việc Đài Bắc tiếp đón chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. Hơn nữa, nước này đã phóng hỏa tiễn ra vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Ngày 11/11/2022, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các nhà lãnh đạo Á Châu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Campuchia rằng Bắc Kinh đã liên tục và ngày càng có những hành động xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và làm leo thang những căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông.
Tháng 01/2023, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tổ chức một cuộc đàm thoại tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Cả hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, cũng như một thế giới hòa bình và thịnh vượng, và sự cần thiết của việc kiềm chế những thách thức ngày càng tăng từ phía ĐCSTQ.
Biển Đông và các hành động trước đây của chính quyền Trung Quốc trong khu vực
Được xem như một miền địa lý, Biển Đông gồm các vùng biển ở phía nam Trung Quốc, mà xung quanh là Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines, và Đài Loan. Kể từ khi các quốc gia tiếp giáp với Biển Đông giành được độc lập vào những năm 1950, trong một thời gian dài vẫn luôn tồn tại sự bất đồng về định nghĩa lãnh hải và quyền của các quốc gia trong các vùng biển khác nhau.
Liên Hiệp Quốc đã tổ chức các hội nghị có bàn về các tranh chấp ở Biển Đông. Đại diện của các quốc gia liên quan đã đạt được thỏa thuận cuối cùng vào năm 1982 và ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Công ước này có hiệu lực kể từ ngày 16/11/1994. Trung Quốc là một trong hơn 150 quốc gia đại diện cho tất cả các khu vực trên thế giới đã ký Công ước. UNCLOS là cột mốc phục vụ cho bộ quy tắc ứng xử hàng hải quốc tế mà cộng đồng quốc tế đã tuân theo kể từ khi công ước này có hiệu lực. Công ước thể hiện trong một văn kiện các quy tắc truyền thống cho việc sử dụng các đại dương và cũng cung cấp khuôn khổ để phát triển hơn nữa các lĩnh vực cụ thể của luật biển, bao gồm quần đảo, đường cơ sở lãnh hải, Vùng Đặc quyền Kinh tế, cùng sự phân định thềm lục địa và đáy biển.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times