Chiến tranh dưới đáy biển của Trung Quốc: Khủng hoảng, đối trọng, và nguy cơ chiến tranh mới
Chiến tranh dưới đáy biển là một loại xung đột vũ trang hỗn hợp mới nhắm vào cơ sở hạ tầng dưới đáy đại dương như cáp điện và viễn thông dưới biển, cũng như hệ thống vận chuyển và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Loại chiến tranh này đang nổi lên như một thành phần quan trọng trong các hoạt động của Trung Quốc nhằm giành chiến thắng trong các cuộc chiến tương lai.
Ông Tập Cận Bình đã nói trong hội nghị hai năm một lần về khoa học và công nghệ của các viện nghiên cứu hàng đầu Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 30/5/2016 rằng, “Nếu chúng ta hy vọng có được những nguồn tài nguyên ngầm chưa được biết đến ở vùng biển sâu, thì chúng ta phải tiến vào và khám phá vùng biển sâu, cũng như làm chủ các công nghệ then chốt để thăm dò biển sâu.”
Kể từ đó, năng lực thực hiện các hoạt động dưới biển của Trung Quốc – và đặc biệt là năng lực quân sự của quốc gia này – đã tiến một bước dài, đặc biệt là đối với Đài Loan. Theo một bài báo gần đây của Reuters, tình hình này đã thúc đẩy Hoa Kỳ khôi phục chương trình do thám tàu ngầm thời Chiến tranh Lạnh, bao gồm việc cải tổ các mạng lưới giám sát bí mật dưới biển lớn nhất kể từ những năm 1950.
Đài Loan không phải là lãnh thổ duy nhất phải đối mặt với mối đe dọa chiến tranh dưới đáy biển của Trung Quốc, và các chuyên gia đã nói với The Epoch Times rằng Bắc Kinh đang sử dụng các hoạt động quân sự dưới biển của mình để thúc đẩy nghị trình ở Biển Đông—củng cố và mở rộng dấu ấn chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Họ nói rằng Hoa Kỳ và các đồng minh cần phải cùng nhau xây dựng một hệ thống tích hợp để chống lại mối đe dọa này.
“Nếu có lợi thế về (quân sự, thương mại, chính trị) ở một nơi nào đó trên thế giới và xa hơn nữa, thì Trung Quốc sẽ theo đuổi lợi thế đó. Đáy biển là một ‘lãnh địa’ nữa mà Trung Quốc sẽ tìm cách thống trị về mặt quân sự,” ông Grant Newsham, sĩ quan Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã về hưu và là nhà nghiên cứu cao cấp tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, đồng thời là tác giả của cuốn sách mới có nhan đề, “Khi Trung Quốc tấn công: Lời cảnh báo đối với Mỹ quốc.” (When China Attacks: A Warning to America)
Theo ông Newsham, Hoa Kỳ có khả năng hoạt động dưới đáy biển hiệu quả hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Trên thực tế, chiến tranh dưới đáy biển không có gì là mới mẻ và đã tồn tại từ lâu ở Mỹ quốc. Chiến tranh dưới đáy biển bắt đầu từ những năm 1960 với việc khai triển chiến dịch của Hải quân Hoa Kỳ mang tên Ivy Bells, một nỗ lực chung giữa Hải quân, CIA, và NSA nhằm giám sát các tuyến liên lạc dưới biển của Liên Xô.
Khi các cơ sở hạ tầng công cộng và tài sản quân sự dưới đáy biển tăng lên về quy mô và độ phức tạp trên toàn cầu, với số lượng đường ống, đường cáp quang và cáp điện đi qua các đại dương ngày càng tăng, thì các quốc gia khác cũng nỗ lực mở rộng năng lực tác chiến dưới đáy biển của họ. Tuy nhiên, các chuyên gia đang kêu gọi sự thận trọng trước các hoạt động đang phát triển của Trung Quốc xuất phát từ các nghị trình bành trướng của họ.
Theo ông Aki Sakabe-Mori, Giáo sư tại Đại học Tsukuba, chính sách biển sâu của Trung Quốc được nêu rõ trong Kế hoạch 5 năm (2016-2020) về đổi mới khoa học của chính quyền cộng sản, trong đó coi công nghệ biển sâu là một “công nghệ cao chiến lược phục vụ an ninh quốc gia.”
Trong khi nói trước khán giả tại cuộc hội thảo “Chiến lược Hàng hải của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – Khám phá các Phương án dành cho các Cường quốc Hàng hải Tầm trung” tại Quỹ Hàng hải Quốc gia New Delhi hôm 11/09, ông Sakabe-Mori nói: “Xây dựng hệ thống giám sát đại dương theo thời gian thực đã được coi là dự án quốc gia có tầm quan trọng lớn nhất trong các tài liệu quy hoạch quốc gia của [Bắc Kinh].”
Ông Newsham tin rằng Hoa Kỳ và các đồng minh có thể đã không tập trung nhiều vào mối đe dọa từ Trung Quốc như lẽ ra họ nên làm. “Có lẽ họ đã đánh giá thấp những gì mà PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] dự định làm và có khả năng làm,” ông nói.
Cùng với căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc – cũng như giữa Trung Quốc với Đài Loan, giữa Trung Quốc và các quốc gia khác ở Biển Đông – các chuyên gia cho rằng trong thời điểm căng thẳng gia tăng, chiến tranh dưới đáy biển có thể xuất hiện như một chiến địa mang tính quyết định.
Ông Newsham cho biết, “Người ta cho rằng các tàu Trung Quốc đã cắt cáp Internet nối Quần đảo Mã Tổ (Matsu) và Đài Loan trong năm nay, và có thể họ cũng đã làm như vậy trước đây. Trung Quốc giả vờ rằng đó là một tai nạn.”
Ba lý do
Theo các chuyên gia, đáy biển rất quan trọng vì ba lý do: tàu ngầm có thể ẩn nấp gần đáy biển hoặc trong các khu vực địa hình đặc trưng ở đáy biển, cáp và đường ống kỹ thuật số liên lục địa chạy dọc đáy biển, và đáy biển cũng là nguồn cung cấp khoáng sản tiềm năng chưa được khai thác vốn đang ngày càng khó tìm thấy hơn trên đất liền.
Ông Satoru Nagao, một thành viên không thường trú tại Viện Hudson, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng những yếu tố này cũng tạo nên bối cảnh cho cuộc chiến dưới đáy biển của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan.
“Trung Quốc đang cố gắng cô lập Đài Loan,” ông Nagao cho hay. “Nếu Trung Quốc khai triển đủ lực lượng quân sự ở phía Thái Bình Dương, thì người dân Đài Loan sẽ bị cắt đứt khỏi Nhật Bản, Philippines, và Hoa Kỳ. Tình huống bị cô lập như vậy sẽ thử thách lòng dũng cảm của người dân Đài Loan và có thể khiến họ dễ dàng chấp nhận lời đề nghị thống nhất của Trung Quốc hơn.”
Ông Newsham cho rằng bằng cách sử dụng các hoạt động dưới đáy biển, Trung Quốc có khả năng che mắt kẻ thù bằng cách cắt cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc quan trọng cũng như các đường ống dưới biển của họ.
“Các tàu Trung Quốc đã và đang giám sát các tuyến cáp dưới biển ở Liên bang Micronesia (FSM) – với một trong những tuyến cáp được Chính phủ Hoa Kỳ – và Palau sử dụng nhiều nhất trong thời gian gần đây. Cả chính phủ FSM và Palau đều phàn nàn, nhưng không thể làm gì khác,” ông Newsham nói, đồng thời cho biết thêm rằng người Trung Quốc đã lập bản đồ các tuyến cáp này trong nhiều năm nay và rằng các tàu “khảo sát” này đã và đang hoạt động trên khắp Thái Bình Dương.
Phó Đô đốc đã về hưu đồng thời là cựu Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Tích hợp của Ấn Độ Shekhar Sinha cho biết bản sắc tư tưởng của chính quyền Trung Quốc cũng sẽ đóng một vai trò trong việc xác định năng lực tác chiến dưới đáy biển của quốc gia này.
Ông Sinha nói với The Epoch Times, “Một quốc gia có công nghệ đột phá trong lĩnh vực dưới nước có thể dễ dàng gây tổn hại cho các hoạt động quốc tế một cách lén lút. Đó là lý do tại sao những kẻ độc tài toàn trị dẫn đầu trong việc thu được lợi ích từ các nguồn tài nguyên và ngăn chặn đối thủ sử dụng chính nguồn tài nguyên đó.”
Trung tướng đã về hưu P.C. Katoch, cựu tổng giám đốc hệ thống thông tin và là cựu chiến binh lực lượng đặc biệt trong quân đội Ấn Độ, gọi chiến tranh dưới đáy biển là “một dạng chiến tranh hỗn hợp (hybrid war) tàn khốc, dễ dàng cho kẻ tấn công nhưng vô cùng khó phòng thủ” trong một bài báo ông viết cho tạp chí quân đội SP’s Naval Forces.
Trung Quốc không chỉ hung hăng trong các yêu sách và thăm dò tài nguyên biển sâu mà gần đây còn gọi tên 19 thực thể dưới bề mặt – cách xa lục địa Trung Quốc ở phía tây Ấn Độ Dương – bằng tiếng Quan Thoại. Chúng bao gồm sáu thực thể nằm giữa bờ biển Oman và cảng Djibouti của Châu Phi, cũng như bốn thực thể ngoài khơi Madagascar.
Hồi chuông cảnh báo ở Biển Đông
Theo các chuyên gia, nghị trình bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đã chứng kiến các hoạt động dưới đáy biển của quốc gia này gia tăng ở vùng lãnh thổ tranh chấp, đe dọa tất cả các quốc gia trong khu vực.
Nhấn mạnh những lo ngại của Nhật Bản về các hoạt động biển sâu của Trung Quốc trong khu vực, ông Nagao dẫn lời cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã viết trong một bài báo do Project Syndicate xuất bản năm 2012 rằng hòa bình và ổn định là “không thể tách rời” với tự do hàng hải ở Thái Bình Dương.
“Biển Đông dường như sắp trở thành một ‘Hồ Bắc Kinh,’ mà các nhà phân tích cho rằng đối với Trung Quốc sẽ giống như Biển Okhotsk đối với nước Nga Xô Viết: một vùng biển đủ sâu để hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân đặt căn cứ cho các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, có khả năng phóng hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân,” ông Abe viết.
Ông Nagao cho rằng, ông Abe đã đưa ra nhận xét rất quan trọng, bởi khi Trung Quốc bắt đầu khai triển tàu ngầm trang bị hạt nhân ở Biển Đông, điều này đã tạo ra một tình thế rất nguy hiểm có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.
“Tổng thống Hoa Kỳ phải hết sức thận trọng để tránh tình huống xấu nhất, bởi vì nếu xảy ra xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông, và Hoa Kỳ tấn công các cơ sở của Trung Quốc ở đó, thì có khả năng thực sự rằng xung đột có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện,” ông Nagao nói.
Vì vậy, trong khi các chuyên gia kêu gọi cần có đối trọng đủ lớn trước các hoạt động biển sâu của Trung Quốc ở Biển Đông, họ lại lo lắng về điều có thể khiến tình huống vốn đã dễ bùng phát trở thành cuộc chiến toàn diện.
Đã có những vụ việc lẻ tẻ gây lo ngại, giống như sự việc xảy ra gần đây trên đảo Hoàng Nham đang tranh chấp trên bãi cạn Scarborough – một địa điểm ở Biển Đông đã chứng kiến nhiều năm căng thẳng liên tục giữa Trung Quốc và Philippines về vấn đề chủ quyền và các vấn đề về quyền đánh bắt cá.
Trung Quốc đã lắp đặt hàng rào nổi tại hòn đảo tranh chấp này, nhưng gần đây Philippines đã cắt hàng rào trong một “hoạt động đặc biệt.”
“Tại sao điều này lại quan trọng là vì Philippines đã cố gắng ngăn chặn việc xây dựng của Trung Quốc. Nhưng trong trường hợp này, đáy biển rất quan trọng. Đáy biển là nơi ẩn náu của tàu ngầm. Đáy biển là nơi đặt cáp Internet nối các đảo nhân tạo của Trung Quốc và các cảm biến phát hiện tàu ngầm của kẻ địch,” ông Nagao cho hay và nói thêm nếu Trung Quốc chiếm đóng đáy biển thì sẽ ảnh hưởng đến cả Đài Loan và Biển Đông.
“Ở Ấn Độ Dương, tình hình cũng tương tự như vậy.”
Ông Nagao nói rằng việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông trên thực tế là một phần trong các hoạt động tác chiến dưới đáy biển của quốc gia này, bởi vì quốc gia này cần những hoạt động đó để khai triển các tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân ở đó.
“Sẽ không có tác dụng răn đe nếu tàu ngầm Mỹ quốc đóng quân cạnh tàu ngầm Trung Quốc và có thể đi ngang qua và nói ‘Xin chào.’ Nếu Trung Quốc muốn thiết lập khả năng răn đe, họ sẽ cần bảo đảm rằng các tàu ngầm của họ không bị bất kỳ con tàu, phi cơ hoặc cảm biến ngoại quốc nào phát hiện,” ông Nagao nói.
Điều này ngụ ý rằng hải quân Trung Quốc sẽ cố gắng ngăn chặn tất cả các tàu ngoại quốc có thể phát hiện ra tàu ngầm Trung Quốc đang đi vào khu vực mà quốc gia này gây ảnh hưởng ở Biển Đông.
Ông Nagao nói: “Quả thực, đó chính xác là những gì Trung Quốc đã đang làm. Trung Quốc đang từng bước mở rộng năng lực của mình. Bước đầu tiên của Trung Quốc là xây dựng các đảo nhân tạo làm căn cứ cho tàu ngầm.”
Ông mô tả các công trình xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông là một loại “Vạn Lý Trường Thành” mới, và cho biết Trung Quốc có thể cũng sẽ cố gắng xây dựng các pháo đài tương tự ở Biển Hoa Đông và xung quanh Đài Loan.
Đối phó với Trung Quốc
Các chuyên gia cho rằng các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hoạt động biển sâu của Trung Quốc cần phải cùng nhau chống lại nỗ lực kiểm soát đáy biển của chính quyền cộng sản này.
“Một điều mà người Mỹ và những người khác có thể làm một cách hữu ích liên quan đến việc khai thác dưới đáy biển. Cụ thể, họ có thể đưa ra lời khuyên hợp lý về pháp lý và kinh doanh cho các quốc gia đang được đề nghị thuê đáy biển để khai thác mỏ—và ngăn chặn những quốc gia mục tiêu này bị (người Trung Quốc) lừa,” ông Newsham nói.
Vị cựu chiến binh Mỹ này tin rằng cũng có thể có một số hy vọng rằng “sự hủy diệt được bảo đảm lẫn nhau” có thể ngăn cản Trung Quốc trở nên quá hung hăng trong các hoạt động biển sâu của họ.
Ông Nagao cho biết, để đối phó với việc Trung Quốc khai triển tàu ngầm ở Ấn Độ Dương, Nhật Bản đang hợp tác với Ấn Độ để lắp đặt tuyến cáp Internet dưới biển giữa lục địa Ấn Độ và lãnh thổ Ấn Độ thuộc quần đảo Andaman và Nicobar ở Ấn Độ Dương gần bờ biển Miến Điện.
Ông Nagao cho biết, “Tuyến cáp đó có nghĩa là căn cứ hải quân ở quần đảo Andaman và Nicobar sẽ nhận được thông tin từ Ấn Độ. Đồng thời, nếu các cảm biến chống ngầm được lắp dọc theo tuyến cáp, thì sẽ phát hiện được tàu ngầm của Trung Quốc.”
Ông cho rằng cần có cơ sở hạ tầng dưới đáy biển tương tự giữa các đồng minh của Hoa Kỳ và các quốc đảo ở Biển Hoa Đông và Nam Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times