Hãy lấy ý kiến y tế thứ hai, thậm chí là thứ ba
Y học là một chuyên ngành vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật với vô vàn tình huống lâm sàng khác biệt.
Có một nói đùa mang tính kinh điển về ý kiến thứ hai (2nd option) trong y khoa rằng: Quý vị sẽ gọi một bác sĩ tốt nghiệp hạng bét là gì? Tất nhiên vẫn là bác sĩ thôi [nhưng quý vị chắc cũng dễ nhận ra sự khác biệt về chuyên môn với bác sĩ tốt nghiệp loại ưu phải không?]. Vì vậy, ý kiến thứ hai, thậm chí có thể là ý kiến thứ ba cho một quyết định can thiệp sức khỏe là điều quý vị nên cân nhắc.
P.L là một phụ nữ 42 tuổi đáng yêu, cô có hai đứa con và không có ý định sinh thêm nữa. Cô bị ra máu kinh nguyệt ngày càng nhiều và thường xuyên hơn. Chảy máu nhiều khiến cô bị thiếu máu, và hemoglobin của cô tụt xuống 8.8 (giá trị bình thường từ 12 – 15). Cô đã rất kiệt sức và muốn chấm dứt tình trạng này. Tôi là người tư vấn thứ ba của cô ấy.
Bác sĩ đầu tiên của cô đề nghị cô cần phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung và nói rằng tình trạng chảy máu của cô là do u xơ tử cung (khối u lành tính bên trong tử cung). Bác sĩ thứ hai muốn cho cô ấy sử dụng thuốc để “thu nhỏ” khối u xơ và ngăn chặn tình trạng chảy máu. Sau đó là đến lượt tôi.
Cô đã thất bại trong nhiều lần khi thử sử dụng các đơn thuốc tránh thai khác nhau, và cô cảm thấy mệt mỏi khi phải thử nhiều loại thuốc như vậy. Cô đã đọc về các loại thuốc làm thu nhỏ khối u xơ để ngăn chặn chảy máu và thấy lo sợ về những tác dụng phụ có thể xảy ra. Cô cũng biết rằng cô không muốn cắt bỏ tử cung của mình. P.L chưa sẵn sàng đầu hàng trước một giải pháp quyết liệt như vậy.
Cô cũng rất thông minh và hiểu rằng cô sẽ không tới kỳ mãn kinh cho đến khi khoảng 51 tuổi. Người bác sĩ thứ hai cũng không sai khi đề xuất những loại thuốc mới, nhưng P.L không cảm thấy thoải mái với liệu pháp kéo dài như vậy, còn chưa kể đến các tác dụng phụ của thuốc.
Chảy máu tử cung bất thường hay chảy máu tử cung chức năng được chia thành hai loại, các đợt chảy máu cấp tính và các đợt chảy máu kinh niên. Trường hợp của P.L là chảy máu kinh niên. Cô đã làm sinh thiết nội mạc tử cung (niêm mạc tử cung), và kết quả âm tính, có nghĩa là cô không bị ung thư. Cô đã trải qua một số lần siêu âm vùng khung chậu, cho thấy một số khối u xơ nhỏ, trong đó một khối u nhỏ có kích thước 1 cm trong khoang tử cung. Cô cũng có kết quả chụp MRI âm tính, và xét nghiệm máu của cô không có vấn đề gì về đông máu. [Vậy nên] tôi nghĩ tất cả những gì cô ấy cần chỉ đơn giản là một ca cắt bỏ nội mạc tử cung.
Theo Ủy ban Bản tin Thực hành, Bản tin Thực hành Phụ khoa 128 về chẩn đoán chảy máu tử cung bất thường ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, có từ 10% đến 30% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản có tình trạng chảy máu tử cung bất thường. Có rất nhiều phương pháp điều trị, từ việc sử dụng nhiều liệu pháp y tế khác nhau, đơn giản như thuốc tránh thai hoặc các loại hormon khác đến acid tranexamic (giúp giảm lượng máu chảy đến gần một nửa), hoặc cắt bỏ tử cung.
Phá hủy tách nội mạc tử cung nằm trong các liệu pháp xâm lấn mức độ trung bình. P.L đã chọn phương pháp phá hủy nội mạc tử cung này, và vấn đề của cô đã được giải quyết.
Tôi không phải có ý nói rằng ý kiến của tôi là đúng đắn. Mà cả ba phương án do ba bác sĩ đưa ra đều tốt, nhưng các giải pháp cần phải phù hợp với bệnh nhân: ý kiến từ người thứ hai và thậm chí thứ ba đều quan trọng.
Ý kiến thứ hai trong ngoại khoa có khác biệt một chút so với nội khoa, nhưng cả hai đều rất quan trọng để cải thiện kết quả [điều trị] của bệnh nhân.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 trên tạp chí PLOS One đã phát hiện ra một chẩn đoán mới trong 13% số bệnh nhân. Một phương pháp điều trị mới (chủ yếu là kê đơn thuốc mới) được áp dụng trên 56% bệnh nhân. Điều thú vị không phải là ở con số 13% bệnh nhân có chẩn đoán mới, mà ngay cả trong những bệnh nhân đã xác nhận chẩn đoán đầu tiên, chỉ có 28% bệnh nhân mất hoặc cải thiện các triệu chứng.
Ở một khía cạnh then chốt là bệnh học (nguyên nhân, cơ chế, triệu chứng bệnh), hầu hết bệnh nhân không nhận ra tầm quan trọng của ý kiến từ bác sĩ thứ hai hoặc thậm chí thứ ba. Bệnh nhân có thể hoài nghi về chẩn đoán hoặc kế hoạch điều trị của bác sĩ nội khoa hay bác sĩ phẫu thuật, nhưng tất các các bác sĩ đều luôn dựa trên những phát hiện về bệnh học như kết luận cuối cùng để đưa ra quyết định.
Theo một tổng quan nghiên cứu được công bố trên tạp chí Bệnh học Lâm sàng năm 2018, “Tỷ lệ chẩn đoán không chính xác (không phù hợp về cơ bản) dao động từ 3% đến 9% ở các nhóm bệnh khác nhau, với tỷ lệ trung bình cao nhất là bệnh phẩm phụ khoa, da liễu và tiêu hoá.”
Tôi không đề xuất việc hỏi ý kiến thứ hai cho mỗi lần đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, bạn nên cởi mở khi áp dụng đề xuất này trong trường hợp bạn cần một kế hoạch điều trị quan trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của bạn.
Đừng ngại khi hỏi ý kiến từ bác sĩ thứ hai, và tốt hơn là không phải từ đồng nghiệp của bác sĩ đầu tiên trong cùng một phòng khám. Hãy tìm một bác sĩ có trình độ độc lập thông qua bạn bè hoặc công ty bảo hiểm của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết rằng ý kiến của bác sĩ thứ hai cũng có thể sai. Vì vậy, bạn nên hỏi thêm ý kiến của bác sĩ thứ ba. Y học vẫn là một nghệ thuật kết hợp với khoa học.
Trên thực tế, tôi cung cấp cho bệnh nhân của mình tất cả các phương án khi quyết định kế hoạch điều trị, ngay cả khi tôi không muốn sử dụng một trong những phương án đó. Sau đó, họ sẽ hỏi tôi về các phương án, và họ có thể hỏi ý kiến về đề xuất của tôi. Nếu sau tất cả những điều đó, họ vẫn còn nghi ngờ, tôi sẽ nói với họ nên đi hỏi ý kiến của bác sĩ thứ hai để bảo đảm rằng họ không còn giải pháp nào khác. Với bệnh nhân ung thư, tôi sẽ giới thiệu họ đến với bác sĩ phẫu thuật, người có thể tự xem xét về mặt bệnh học trước khi đưa ra kế hoạch điều trị cuối cùng.
Ý kiến thứ hai là rất quan trọng, đặc biệt đối với điều trị bệnh ung thư. Nhưng hãy lưu ý rằng nên lấy ý kiến thứ hai từ bác sĩ có trình độ chuyên môn được đào tạo về y khoa chứ không phải từ bác sĩ Google.
Một vài tháng sau cuộc phẫu thuật của P.L, cô đã gửi cho tôi một cốc cà phê, trên đó có ghi “Xin chào bác sĩ, tôi đã tự chẩn đoán bệnh của mình qua mạng. Tôi chỉ đến đây để lấy ý kiến thứ hai.”
Tiến sĩ Peter Weiss là khách mời thường xuyên của các đài truyền hình địa phương và quốc gia, báo chí và đài phát thanh. Ông là trợ lý giáo sư lâm sàng sản phụ khoa tại Trường Y David Geffen tại UCLA trong 30 năm, ông đã nghỉ việc để có thể hỗ trợ về mặt lâm sàng cho người có nhu cầu trong đại dịch COVID. Ông cũng là cố vấn chăm sóc sức khỏe quốc gia cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 của thượng nghị sĩ John McCain.
Ghi chú của dịch giả:
Ý kiến thứ hai (2nd opinion): là ý kiến của một bác sĩ khác bác sĩ mà bệnh nhân trước đây đã gặp để có thêm thông tin hoặc nghe quan điểm khác nhau.