‘Giữ cho lý tưởng còn mãi’: Buổi thắp nến ở Hoa Thịnh Đốn tưởng niệm các sinh viên Trung Quốc thiệt mạng trong vụ thảm sát Thiên An Môn
HOA THỊNH ĐỐN — Một người đàn ông Trung Quốc đứng lặng lẽ một mình tại Đài tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa cộng sản vào lúc chạng vạng ngày 02/06. Đó là một dịp được tổ chức hàng năm. Một buổi thắp nến tưởng niệm các sinh viên đã thiệt mạng ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 04/06/1989 sắp bắt đầu.
Ông James Wang, một người sống sót sau phong trào dân chủ của sinh viên Trung Quốc vốn kết thúc bằng cuộc đồ sát ở Thiên An Môn, đã rời Quảng trường vào đêm ngày 03/06/1989, sau khi loa phóng thanh của quân đội cảnh báo những sinh viên đã chiếm đóng ở đó trong nhiều tuần rằng binh lính sắp “dọn sạch chiến trường.”
Ngay sau đó, cuộc tàn sát đã bắt đầu. Đến sáng sớm ngày 04/06, xe tăng và quân đội đã dọn sạch khu vực này. Hàng trăm sinh viên, nếu không muốn nói là nhiều hơn, đã thiệt mạng.
Ông James Vương là bí danh mà ông sử dụng để bảo đảm an toàn cho mình. Khi tham gia phong trào này, ông không ngờ rằng mình và các sinh viên khác sẽ trở thành tội phạm trong mắt Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Thay vào đó, ông đã hy vọng rằng ĐCSTQ, đặc biệt là Bí thư Đảng có tư tưởng cải cách lúc bấy giờ là Triệu Tử Dương, sẽ đưa Trung Quốc đi theo hướng cải cách nhiều hơn, và cuối cùng là nền dân chủ. Theo tư tưởng như vậy thì những nỗ lực của sinh viên sẽ đóng vai trò là một lực đẩy bổ sung.
Ông Triệu Tử Dương đã bày tỏ sự cảm thông với những sinh viên biểu tình, và ông đã bị quản thúc tại gia 16 năm cho đến khi ông qua đời vào năm 2005.
Giờ đây, ông Vương không còn cho rằng ĐCSTQ sẽ mang lại nền dân chủ cho Trung Quốc. Thậm chí ông không muốn kêu gọi ĐCSTQ khôi phục thanh danh của những sinh viên đã bị tàn sát ở Quảng trường Thiên An Môn. “ĐCSTQ xấu xa, còn những sinh viên này là những người tốt,” ông nói với The Epoch Times. “Làm sao kẻ xấu có thể khôi phục thanh danh cho người tốt được chứ?”
Theo quan điểm của ông Vương, ngày 04/06 là biểu tượng cho sự khao khát dân chủ và tự do của người dân Trung Quốc. Niềm khát khao về một đất nước Trung Quốc tốt đẹp hơn vẫn cháy bỏng trong lòng ông.
Ông xem tự do và hạnh phúc của người dân là chỉ số chính để đo lường sự tiến bộ của Trung Quốc, và vị thế của Trung Quốc được thể hiện qua tình trạng sổ thông hành Trung Quốc: số lượng các quốc gia sẵn sàng tiếp nhận du khách Trung Quốc mà không cần thị thực. Ông nói rằng các hàng không mẫu hạm và chiến đấu cơ không hẳn giúp Trung Quốc có được sự tín nhiệm và tôn trọng của cộng đồng quốc tế, nhưng những người dân hạnh phúc sẽ làm được điều đó.
‘Kẻ đã nhiều lần đàn áp đức tin’
Ông Frank Wolf, ủy viên của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) kiêm cựu nghị sĩ tiểu bang Virginia, nói với The Epoch Times rằng việc tưởng nhớ vụ thảm sát Thiên An Môn là “rất có ý nghĩa” bởi vì sự đàn áp của ĐCSTQ đối với người dân Trung Quốc “thực sự bắt đầu bằng cuộc đàn áp ở Thiên An Môn. Vì vậy, đó là một vấn đề lớn, và người dân Mỹ cảm nhận rõ rệt về điều đó.”
Nói chuyện trước những người tham gia buổi lễ thắp nến tưởng niệm này, ông đã gọi ĐCSTQ là “kẻ đã nhiều lần đàn áp đức tin,” khi nhắc đến cuộc đàn áp của đảng này đối với các tín đồ Cơ Đốc Giáo, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công.
Trong chuyến thăm đến Nhà tù Số 1 Thành phố Bắc Kinh năm 1991, ông Wolf biết được rằng cơ sở này đã giam giữ 40 tù nhân đã tham gia cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn hồi tháng 06/1989. Nhà xưởng của nhà tù này bắt những người bị giam giữ làm tất để xuất cảng.
Ông kêu gọi chính phủ Tổng thống Biden và Quốc hội cấm mọi hoạt động vận động hành lang nhân danh ĐCSTQ ở Mỹ. “Từ thời các Chính phủ Eisenhower, Kennedy, Carter, và Reagan, không thể tưởng tượng nổi có bất kỳ công ty danh tiếng nào lại nhận Liên Xô là khách hàng,” ông nói tại buổi lễ tưởng niệm này. “Tuy nhiên, ngày nay, những nhà vận động hành lang và các công ty luật đại diện cho chính phủ cộng sản Trung Quốc và các công ty do Trung Quốc kiểm soát đã kiếm được những khoản lợi nhuận kếch xù, tẩy sạch tội lỗi cho những vụ áp bức và mục tiêu của ĐCSTQ.”
‘Giữ cho lý tưởng còn mãi’
Ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli), chủ tịch nhóm vận động Sáng kiến Quyền lực Công dân cho Trung Quốc, nhận thấy tinh thần của phong trào dân chủ sinh viên năm 1989 đã được tiếp nối trong phong trào Giấy Trắng hồi cuối năm ngoái (2022). Một vụ hỏa hoạn gây thiệt mạng tại một tòa chung cư cao tầng ở Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), thủ phủ của khu vực Tân Cương thuộc miền tây Trung Quốc, đã dẫn đến các cuộc biểu tình hồi tháng 11/2022. Người dân quy trách nhiệm cho các biện pháp kiểm soát đại dịch đã khiến việc ứng cứu vụ hỏa hoạn bị trì hoãn, từ đó gây ra thương vong. Nhiều người tin rằng số người thiệt mạng cao hơn nhiều con số chính thức là 10 người.
Người dân đã cầm một tờ giấy trắng để phản đối các biện pháp phong tỏa hà khắc do COVID của ĐCSTQ và việc thiếu tự do ngôn luận. Hơn 19 thành phố, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải, đã chứng kiến các cuộc biểu tình bùng phát để tưởng nhớ những người đã khuất và bày tỏ sự bất bình.
“Giống như các sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn đã làm cách đây nhiều thập niên, các nhà hoạt động trẻ tuổi ngày nay đang đòi hỏi sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, và sự tự do chính trị,” ông Dương nói tại sự kiện. “Phong trào Giấy Trắng lặp lại tinh thần của phong trào Thiên An Môn; điều đó như một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ đang diễn ra ở Trung Quốc, và những lý tưởng của phong trào Thiên An Môn vẫn còn âm vang sâu sắc trong lòng người dân Trung Quốc.”
Một trong số những người tham gia sự kiện này là anh Takahiro, đến từ Trung Quốc. Anh đã đến đây hồi năm ngoái để theo học tại một trường đại học ở vùng đô thị Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Anh đã chấp nhận phỏng vấn với điều kiện sử dụng bí danh vì muốn bảo vệ thân nhân vẫn còn ở Trung Quốc.
Buổi thắp nến tưởng niệm này là lần đầu tiên anh đích thân tưởng niệm những người đã ra đi trong vụ thảm sát Thiên An Môn. Anh cho biết anh tham gia sự kiện này với “những cảm xúc lẫn lộn.” Anh nói với The Epoch Times: “Số phận của đất nước Trung Quốc đầy rẫy những khổ nạn,” và nói thêm rằng ý nghĩa của buổi cầu nguyện là “giữ cho những lý tưởng này còn mãi.”
Theo quan điểm của anh, xã hội quốc tế không cảnh giác đầy đủ trước sự độc hại của ĐCSTQ.
“Là một người mang sổ thông hành Trung Quốc, tôi thấy có phần mâu thuẫn,” anh nói, đồng thời cho biết thêm rằng anh không rõ là mình mong muốn chính xác Hoa Kỳ sẽ làm gì với Trung Quốc. “Quá nhiều sự đàn áp quốc tế đối với ĐCSTQ sẽ ảnh hưởng đến tôi. Tuy nhiên, nếu chính sách ngăn chặn này không đủ mạnh mẽ, thì sẽ không có hiệu quả.”
Phong trào dân chủ sinh viên đã xảy ra trước khi anh chào đời. Anh bày tỏ rằng anh ngưỡng mộ những sinh viên đã hy sinh vì dân chủ ở Trung Quốc và nghĩ rằng họ quá ngây thơ khi tin rằng ĐCSTQ sẽ lắng nghe và thay đổi. Tuy nhiên, anh thừa nhận rằng môi trường xã hội vào những năm 1980 có thể đã rất khác [so với hiện nay].
Ông Brian Kern, một người Mỹ đã ở Trung Quốc năm 1989 và ở Hồng Kông trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2019 và năm 2020, vẫn nhớ về đất nước Trung Quốc hồi tháng 06/1989.
Sau đó, ông Kern, một thành viên của DC4HK, một nhóm hoạt động có trụ sở tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn nhằm thúc đẩy tự do ở Hồng Kông, đã dạy Anh ngữ tại một trường đại học ở Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc. Ông cho biết hầu hết các sinh viên của ông đã tham gia phong trào dân chủ này thông qua việc biểu tình ở địa phương hoặc ở Bắc Kinh. Theo ông, kết quả là, một số người đã bị sát hại ở Bắc Kinh, và nhiều người sau đó đã bị trả thù bằng cách bị chỉ định đến các đơn vị làm việc ở những vùng xa xôi sau khi tốt nghiệp.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times