Khi Tòa Bạch Ốc công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ hai hồi tháng 02/2022, các quan chức cấp cao cho biết “không có khu vực nào quan trọng hơn đối với Hoa Kỳ trong tương lai và rằng an ninh và thịnh vượng của Mỹ quốc phụ thuộc một cách căn bản vào tầm quan trọng như thế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Hai tuần sau, Nga xâm lược Ukraine. Tiếp đến, hồi tháng Mười năm ngoái, Hamas tấn công Israel. Cuối tháng Năm, Hoa Kỳ và Đức đã cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trên đất Nga bằng vũ khí mà họ cung cấp. Dự đoán trước nước đi này từ phía Hoa Kỳ và các nước NATO khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng một cuộc đệ tam thế chiến đã “cận kề mà không ai để ý thấy.”
Đồng thời, Hoa Kỳ đang vướng vào các cuộc xung đột leo thang ở cả ba mặt trận an ninh—châu Âu, Trung Đông, và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương—và mối quan hệ của các địch thủ ngoại quốc—Trung Quốc, Nga, Iran, và Bắc Hàn—đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục các chiến thuật vùng xám ở Biển Đông, quấy rối tàu thuyền của các nước khác mà không gây kích hoạt các hiệp ước phòng thủ của những nước này với Mỹ. Nhiều nhà lãnh đạo quân sự của Hoa Kỳ, trong đó có Đô đốc John Aquilino, cựu Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương đã về hưu hồi đầu tháng Năm, cảnh báo rằng Trung Quốc có ý định sẵn sàng xâm lược Đài Loan vào năm 2027.
Nga và Trung Quốc đã tăng đáng kể chi tiêu quân sự để sẵn sàng chiến đấu. Họ đã công bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn” ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine và hồi tháng Năm đã tái khẳng định điều đó.
Trung Quốc và Nga đã và đang tăng cường hợp tác hải quân qua các cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và hai tháng trước, cuộc tập trận quân sự chung Trung Quốc-Nga-Iran lần thứ tư đã được tiến hành trên Biển Ả Rập.
Iran đã cung cấp thiết bị bay điều khiển từ xa (drone) cho Nga, và Bắc Hàn đã gửi đạn pháo. Hồi tháng Tư, Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng Iran còn “vài tuần chứ không phải vài tháng” để có đủ uranium được làm giàu ở mức độ cao cho việc chế tạo bom hạt nhân.
Phải chăng hai cuộc chiến trong khu vực và các tình huống khẩn cấp liên quan đã khiến Hoa Kỳ mất tập trung vào ưu tiên của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương? Các quan chức chính phủ Hoa Kỳ nói rằng “không.”
Hôm 30/05, trả lời một câu hỏi của The Epoch Times, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vedant Patel cho biết: “Chúng tôi đã không ngừng chú ý khi nói đến những nỗ lực và sự tập trung của chúng tôi vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khu vực châu Á nói chung.” Ông nêu ra các hội nghị thượng đỉnh ba bên Hoa Kỳ-Nhật Bản-Nam Hàn và Hoa Kỳ-Nhật Bản-Philippines, cũng như các cuộc đàm phán ngoại giao với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin gọi các mạng lưới những mối quan hệ đối tác này là một “điểm hội tụ mới” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông đã thừa nhận những thách thức diễn ra đồng thời ở những nơi khác. “Tất nhiên, chúng tôi sẽ không hoạt động một cách cô lập,” ông nói hôm 31/05 tại một diễn đàn quốc phòng toàn cầu ở Singapore.
Ông nói rằng: “Bất chấp những cuộc đụng độ lịch sử này ở châu Âu và Trung Đông, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn là chiến trường ưu tiên của chúng tôi.”
Nhưng các nhà phân tích an ninh không lấy làm thuyết phục.
Bà Amy Mitchell, một đối tác sáng lập của công ty tư vấn địa chính trị Kilo Alpha Strategies, lưu ý rằng chiến lược của chính phủ trên cả ba châu lục hiện là ngăn chặn thay vì răn đe, về cơ bản coi mỗi châu lục như một hầm chứa riêng biệt. Bà Mitchell trước đây từng giữ các chức vụ cấp cao tại Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.
Bà nói rằng Hoa Kỳ cần phải thích ứng với bối cảnh đã thay đổi mà trong đó các địch thủ đang liên kết giữa các khu vực, với tiền đề là bất kỳ thay đổi nào cũng có thể bùng phát và lan rộng bất cứ lúc nào.
Bà nói với The Epoch Times: “Một tâm lý không sẵn sàng để thừa nhận các đối thủ của chúng ta đang tổ chức lại và hợp tác cùng nhau như thế nào sẽ chỉ khiến Hoa Kỳ chuốc lấy thảm họa.”
Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ bị quá tải bởi họ phải bổ sung kho dự trữ bị vơi đi vì Ukraine, sản xuất vũ khí cho Ukraine, và giải quyết phần đơn hàng bán vũ khí cho Đài Loan chưa thực hiện được, theo ông Eric Gomez, một thành viên cấp cao tại Viện Cato, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn. Ông ước tính phần đơn hàng chưa thực hiện được cho Đài Loan vào khoảng 20 tỷ USD, ngang bằng với ngân sách quốc phòng hàng năm của hòn đảo này.
Công chúng không rõ quy mô viện trợ cho Israel sau cuộc tấn công ngày 07/10/2023 của Hamas. Chính phủ đã gửi hơn 100 khoản viện trợ quân sự cho Israel. Nhưng chỉ có hai lần gửi, tổng trị giá 250 triệu USD, là vượt quá mức buộc phải thông báo trước Quốc hội.
Trong gói viện trợ ngoại quốc trị giá 95 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đã ký hồi tháng Tư, Hoa Kỳ cung cấp 14 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, 16 tỷ USD cho Israel, và 2 tỷ USD cho Đài Loan.
Nhận thấy thách thức trong việc đáp ứng các nhu cầu cung cấp quân sự, hồi tháng Một, Bộ Quốc phòng đã ban hành chiến lược công nghiệp quốc phòng lần đầu tiên. Tuy nhiên, nhiều loại vũ khí mà Đài Loan cần phải mất khoảng 3 năm để giao hàng kể từ khi ký hợp đồng.
Bà Mitchell hoan nghênh nỗ lực tăng cường sản xuất này nhưng bà còn cho biết thêm: “Câu hỏi sẽ được đặt ra—là liệu có quá ít, quá muộn hay không? Liệu ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ đã sẵn sàng để tăng trưởng nhanh chóng như trong Đệ nhị Thế chiến chưa? Và có lẽ quan trọng nhất là, liệu các mốc thời gian có khớp nhau không?”
Việc trang bị vũ khí cho Đài Loan chỉ là thứ yếu
Việc bảo đảm Đài Loan có đủ vũ khí và kho dự trữ đạn dược là việc thiết yếu để giúp quốc đảo này có thể tự vệ trước sự xâm lược của Trung Quốc trong khoảng thời gian trước khi nhận được cứu trợ.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu cấp bách từ Ukraine và Israel, Hoa Kỳ vẫn chưa thể giải quyết được các đơn hàng cung cấp vũ khí chưa thực hiện được từ năm 2019 cho Đài Loan.
Vào tháng 12/2022, Dân biểu Don Bacon (Cộng Hòa-Nebraska), một thành viên của Ủy ban Quân vụ, cho biết Hoa Kỳ đã chịu trách nhiệm với cam kết cung cấp các thiết bị phòng thủ trị giá 19 tỷ USD cho Đài Loan; theo Defense News, vào tháng 04/2022, ngay sau khi chiến sự Ukraine nổ ra, đơn hàng chưa thực hiện được có trị giá 14 tỷ USD.
Ông Gomez cho biết ước tính mới nhất của ông dựa trên các nguồn tin công khai là 20 tỷ USD. Con số này chênh lệch cao hơn 500 triệu USD so với ước tính hồi tháng 11/2023 của ông, bởi vì kể từ khi đó, Đài Loan đã mua thêm Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao (HIMAR), một bệ phóng phi đạn mạnh mẽ.
Mặc dù Ukraine và Đài Loan mua phần lớn vũ khí và đạn dược thông qua các nguồn riêng biệt, nhưng nhu cầu về vũ khí và đạn dược của họ rất giống nhau. Israel cũng cần vũ khí. Nhưng quy mô của chiến sự Ukraine có tác động lớn hơn nhiều.
Ukraine đã nhận được viện trợ từ Quyền Rút từ Ngân sách Viện trợ của Tổng thống (PDA), lấy từ kho dự trữ của Hoa Kỳ, và về cơ bản là một khoản quyên góp. Mặt khác, Đài Loan nhận được các chuyến hàng quân sự mà họ cần từ chương trình Bán Thiết bị Quân sự ra Ngoại quốc (FMS) mà theo đó cần phải thông qua một tiến trình mua bán lâu dài hơn và chính quy hơn. Những mặt hàng mà Đài Loan mua không nằm trong kho dự trữ của Hoa Kỳ.
Ông Alex Velez-Green, cố vấn chính sách cấp cao tại Trung tâm An ninh Quốc gia Allison của Quỹ Di sản, cho biết chiến lược ban đầu của chính phủ Hoa Kỳ là viện trợ cho Ukraine bằng cách sử dụng kho dự trữ của Hoa Kỳ, và có thêm thời gian để sản xuất thêm dự trữ mới cho Đài Loan bằng chương trình FMS.
“Tuy nhiên vấn đề là việc này chỉ có hiệu quả nếu chúng ta có thể giải quyết mọi việc ở Ukraine một cách nhanh chóng, và có đủ thời gian để sản xuất những vũ khí mới để gửi đến Đài Loan,” ông nói với The Epoch Times.
“Thật không may, Ukraine đã trở thành một cuộc chiến dai dẳng; có lẽ khó có thể kết thúc sớm. Và cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Đài Loan có thể diễn ra bất cứ lúc nào — hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn mà rất có thể Bắc Kinh sẽ quyết định xâm lược. Và việc đó chỉ có thể tăng lên thuận theo thời gian mà thôi.”
Nga đã phân bổ khoảng 1/3 chi tiêu chính phủ năm 2024 cho quốc phòng, cho thấy quốc gia này đang quen dần với cuộc chiến dai dẳng ở Ukraine. Ông Velez-Green nhận định chiến sự Nga-Ukraine là “một cuộc chiến với quy mô công nghiệp” bởi vì “Nga đã điều động nền kinh tế vào một vị thế sẵn sàng tham chiến bằng cách tăng cường sản xuất quốc phòng.”
Ông cho rằng chính phủ Hoa Kỳ đương nhiệm nên sẵn sàng “chấp nhận rủi ro ở Ukraine” kể từ khi họ nhấn mạnh rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là chiến trường an ninh quốc gia quan trọng nhất.
Ông cho biết điều đó không có nghĩa là ngừng viện trợ cho Ukraine, nhưng Hoa Kỳ cần “dựa vào các đồng minh NATO nhiều hơn trong tình cảnh của Ukraine.”
Kể từ tháng 12/2021, Hoa Kỳ công bố số tiền viện trợ cho Ukraine qua Quyền Rút từ Ngân sách Viện trợ của Tổng thống là khoảng 28 tỷ USD, và qua Sáng kiến Viện trợ An ninh Ukraine là 19 tỷ USD. Gói viện trợ từ sáng kiến viện trợ mà TT Biden ký hồi Tháng Tư đã thêm vào khoảng 13.8 tỷ USD.
Chương trình viện trợ này cho phép tài trợ cho các loại vũ khí mới do Hoa Kỳ sản xuất và những vũ khí được bán được trên thị trường toàn cầu để gửi đến Ukraine. Tòa Bạch Ốc đang cố gắng thu hút được sự ủng hộ của Quốc hội để đề xướng một sáng kiến tương tự cho Đài Loan.
Nhiều loại vũ khí nằm trong đơn hàng bán vũ khí cho Đài Loan chưa thực hiện được đã được gửi đến Ukraine, gồm có: chiến đấu cơ F-16, xe tăng Abrams, và phi đạn và hệ thống phòng thủ duyên hải chống hạm Harpoon, với giá trị lần lượt là 8 tỷ USD, 2 tỷ USD, và 2.5 tỷ USD.
Theo ông Gomez, nếu không bị trì hoãn thì hơn một nửa đơn hàng này, trong đó có chiến đấu cơ F-16, thiết bị bay điều khiển từ xa, HIMAR, và xe tăng — sẽ được vận chuyển đến Đài Loan vào cuối năm 2026.
Ông Velez-Green cảm thấy không lạc quan rằng số vũ khí và đạn dược này sẽ có sẵn để chuyển đến Đài Loan đủ nhanh.
“Công bằng mà nói, tôi không nghĩ rằng chúng ta có đủ thời gian để làm được điều này vào năm 2027,” ông cho biết, đồng thời dự đoán rằng Trung Quốc có thể sẽ tiến hành xâm lược Đài Loan trước năm 2027. Ngoài ra, sẽ cần có thời gian để Đài Loan có thể sẵn sàng chiến đấu bằng những vũ khí đó, chứ không dừng lại ở việc chuyển giao vũ khí.”
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ sử dụng Quyền Rút từ Ngân sách Viện trợ của Tổng thống dành cho Đài Loan, cung cấp viện trợ quân sự trị giá 345 triệu USD, và mở ra một nguồn mới để Đài Loan có được vũ khí của Hoa Kỳ. Bộ Quốc phòng đã đề xướng thêm 500 triệu USD vào ngân sách năm 2025.
Tuy nhiên, theo ông Gomez, việc sử dụng Quyền Rút từ Ngân sách Viện trợ của Tổng thống không bảo đảm được rằng vấn đề của Đài Loan sẽ được giải quyết. Ông cho biết Quyền Rút từ Ngân sách Viện trợ của Tổng thống cho phép tiếp cận kho vũ khí của Hoa Kỳ mà trong đó có thể gồm có các loại vũ khí khác với những gì mà Đài Loan cần: Đài Loan chủ yếu cần vũ khí tầm ngắn. Và lượng vũ khí trong kho đang đã giảm xuống sau hơn hai năm viện trợ cho Ukraine.
Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ phải đối diện với những thách thức của riêng mình trong bối cảnh nhiều yêu cầu cùng một lúc đến từ nhiều cuộc chiến và xung đột quân sự.
Tháng 05/2024, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ kiêm Đô đốc Hải quân Christopher W. Grady cho biết cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ đã bị thu hẹp trong nhiều năm qua, đồng thời chuyển sang trạng thái ‘Sản xuất Tức thời’ (Just-In-Time) mà theo đó không duy trì nhiều hàng tồn kho. Đồng thời, hệ thống vũ khí ngày càng trở nên phức tạp hơn và mất nhiều thời gian sản xuất hơn.
Ông cho biết Bộ Quốc phòng sẽ cần sớm tham gia cùng với các nhà thầu của mình và quyết định xem nên rút từ kho dự trữ của Hoa Kỳ hay sử dụng sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu quân sự.
Bà Mitchell cho biết sự độc quyền của Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng có thể khiến năng lực sản xuất các thiết bị quân sự của Hoa Kỳ giảm xuống nhanh chóng.
Nhưng bà Mitchell cho biết rằng Hoa Kỳ vẫn có lợi thế về mặt quân sự bởi vì “tính ổn định chung của lực lượng của chúng tôi vẫn rất bền vững” mặc dù số lượng tuyển binh đang giảm đi.
Bà cho rằng thách thức chính “sẽ là vận chuyển các thiết bị, đạn dược, và thực phẩm đến Đài Loan.”
“Điều đó sẽ trở thành một vấn đề vì chúng ta phải băng qua đại dương. Còn Trung Quốc thì không.”
Đài Loan nằm cách bờ biển phía đông nam Trung Quốc khoảng 120 dặm (193 km). Quần đảo Kim Môn của Đài Loan nằm cách Hoa lục chỉ khoảng 6 dặm (hơn 9 km).
Áp lực gia tăng từ Trung Quốc
Không giống với Hoa Kỳ, Trung Quốc không có sự hiện diện quân sự trên toàn cầu. Điều đó cho phép Hoa lục có thể tập trung nguồn lực quốc phòng nhắm vào Đài Loan.
Hai tháng trước, Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng thêm 7.2%, lên 222 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng như năm ngoái. Trung Quốc có hạm đội hải quân lớn nhất thế giới và chi tiêu quốc phòng đứng thứ hai toàn cầu.
Theo một báo cáo gần đây của ông Mackenzie Eaglen tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, được đo lường bằng sức mua, chi tiêu quân sự tự báo cáo của Trung Quốc gần bằng ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ.
Ông Aquilino, khi đó là một chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, gọi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là “không rõ ràng.” Hồi tháng Tư ông cho biết rằng ông không tin con số 7.2% phản ánh tốc độ tăng trưởng thực tế.
“Vâng họ đã thực hiện phép tính đó; họ đã đưa ra lựa chọn có ý thức, mặc dù 30% nền kinh tế [Trung Quốc] đang chạm đáy để duy trì đầu tư vào năng lực quân sự. Điều đó khiến tôi lo ngại,” ông nói tại một sự kiện của Hội đồng Ngoại giao. Ông đang đề cập đến cơ sở hạ tầng và thị trường nhà ở được thúc đẩy bằng nợ vay của Trung Quốc chiếm một phần đáng kể trong GDP quốc gia.
Tại lễ nhậm chức hôm 20/05, tân Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), một ứng cử viên mà Đảng Cộng sản Trung Quốc không mấy ưa thích, cho biết Đài Loan sẽ “không nhượng bộ cũng không khiêu khích và duy trì hiện trạng” trong mối quan hệ với Hoa lục. Ông nói rằng Đài Loan và Hoa lục “không phụ thuộc lẫn nhau.”
Vài ngày sau đó, hôm 23 và 24/05, quân đội của chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận xung quanh Đài Loan. Họ nói rằng hành động này là “một hình phạt mạnh mẽ đối với các hành động ly khai của lực lượng đòi ‘độc lập cho Đài Loan.’”
Sau ngày đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Thiếu tướng Pat Ryder, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đã theo dõi chặt chẽ các cuộc tập trận quân sự chung của Quân Giải phóng Nhân dân ở Eo biển Đài Loan và xung quanh Đài Loan. Chúng tôi đã truyền đạt mối lo ngại của mình một cách công khai và thẳng thắn.”
Đô đốc Samuel Paparo, người hiện đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nói với tờ Nikkei của Nhật Bản rằng cuộc tập trận nói trên trông giống như “một cuộc diễn tập” để xâm chiếm Đài Loan.
Ông Quách Dục Nhân (Yujen Kuo), phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia, một tổ chức tư vấn hàng đầu ở Đài Loan, đồng ý với nhận định trên. Ông gọi cuộc tập trận này là “cuộc điều động quân sự cho những mục đích cụ thể.”
Sau cuộc tập trận hồi tháng 08/2022, ngay sau đó là chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa kỳ đương thời Nancy Pelosi, Trung Quốc vẫn duy trì 4 tàu hải quân bao vây Đài Loan.
“Người ta tin rằng các cuộc tập trận đã kết thúc [trong vài ngày]. Nhưng thực tế không phải vậy. Vâng, đó là kiểu cách của Trung Quốc khi cố gắng thể hiện dưới danh nghĩa tập trận quân sự,” ông Quách nói với The Epoch Times, đề cập đến chiến thuật của chính quyền Trung Quốc là kéo dài biên giới theo các chương trình có tên truyền bá tư tưởng.
Nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến việc huấn luyện binh lính “dù các trận chiến có diễn ra như thế nào,” một nguyên tắc đã định hướng cho cuộc cải tổ quân sự mà ông đưa ra vào năm 2015.
Trung Quốc đã và đang sử dụng các chiến thuật vùng xám—các hành động cưỡng ép trong phạm vi giữa hòa bình và chiến tranh—gần Đài Loan. Chính quyền Trung Quốc, quốc gia tuyên bố một cách bất hợp pháp chủ quyền đối với gần như toàn bộ tuyến đường biển đang tranh chấp, đã xây dựng một mạng lưới các đảo nhân tạo với các cơ sở quân sự trong khu vực. Tàu Trung Quốc ngày càng có những hành động gây hấn đối với tàu của các nước láng giềng, đặc biệt là Philippines.
Ông Quách cho biết những chiến thuật này “rất nguy hiểm.”
“Những chiến thuật vùng xám đó thực sự mang lại kinh nghiệm và cơ hội để huấn luyện chiến đấu cơ, tàu chở hàng, binh lính hải quân của họ ở tất cả các địa điểm có thể châm ngòi cho những trận chiến thực sự.”
Ông Quách, và ông Trần Lương Trị (Liang-chih Evans Chen), một nhà nghiên cứu cộng tác tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia chính thức của Đài Loan, cho rằng đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy chính phủ Hoa Kỳ, bắt đầu từ thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, đã xem vấn đề Đài Loan là một vấn đề an ninh quốc tế quan trọng.
Ông nói với The Epoch Times: “Nếu Đài Loan thất thủ, chuỗi đảo thứ nhất sẽ có một lỗ hổng lớn ngay chính giữa, đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ phải rút lui về chuỗi đảo thứ hai.”
Nhật Bản, Đài Loan, và Philippines neo giữ chuỗi đảo đầu tiên, và Nhật Bản, Guam, và Palau neo giữ chuỗi đảo thứ hai, theo chiến lược chuỗi đảo của Bộ Quốc phòng nhằm kiềm chế Trung Quốc và Nga ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hạn chế tiếp cận vùng biển.
Ông Trần cho biết nhiều người thuộc giới tinh hoa Đài Loan lo ngại về đơn hàng bán vũ khí chưa thực hiện được vì họ biết Đài Loan cần dự trữ thiết bị quân sự, thực phẩm, và năng lượng để duy trì cuộc tấn công ban đầu từ Trung Quốc.
Một tháng trước khi về hưu, ông Aquilino nói “không có cường quốc nào khác có thể điều phối và đồng bộ hóa các hoạt động toàn cầu trên mọi lĩnh vực với các đồng minh và đối tác của chúng ta như Hoa Kỳ — trong lòng biển, trên mặt biển, không phận biển, trong không gian, và không gian mạng,” khắp toàn cầu, một cách tức thời. Không quốc gia nào khác có thể làm được điều đó.”
Trả lời câu hỏi của The Epoch Times, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đại úy Matthew Comer, cho biết trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử, “Mặc dù các cuộc xung đột khác có thể làm tăng nhu cầu dự trữ đạn dược và vũ khí chính xác, nhưng sự khác biệt trong các vấn đề đặt ra không ảnh hưởng đến năng lực vũ khí giúp chúng ta có khả năng ngăn chặn hoặc chiếm ưu thế trong trận chiến lớn ở Thái Bình Dương.”
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã không phúc đáp yêu cầu bình luận từ The Epoch Times.
Ông Austin, đã gặp người đồng cấp Trung Quốc, Đô đốc Đổng Quân (Dong Jun), tại một diễn đàn quốc phòng ở Singapore hồi cuối tháng Năm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại.
“Tôi đã nói với ông Đổng rằng nếu ông ấy gọi cho tôi vì một vấn đề khẩn cấp, thì tôi sẽ nhận cuộc điện thoại đó, và tôi chắc chắn hy vọng rằng ông ấy cũng sẽ làm như vậy,” ông Austin nói. “Và tôi nghĩ rằng việc liên lạc như vậy sẽ giúp giữ cho mọi việc được đúng đắn và giúp chúng tôi hướng tới sự ổn định và an ninh cao hơn trong khu vực.”
Ông Quách cho rằng Hoa Kỳ từng chủ yếu sử dụng các đường hướng ngoại giao để giải quyết các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, vì lo ngại rằng việc giải quyết vấn đề trực tiếp sẽ làm leo thang xung đột trong khu vực. Về bản chất, ông coi điều đó giống như việc để Đài Loan, Nhật Bản, và Philippines tự bảo vệ mình trước sự xâm lược của Trung Quốc.
“Tôi không nghĩ đó là một ý tưởng hay vì khi PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) trở nên thông thuộc hơn với vùng trời và vùng biển xung quanh các đơn vị khai triển của Hoa Kỳ, thì điều đó sẽ mang lại cho họ lợi thế chiến trường tốt hơn so với lực lượng của Hoa Kỳ,” ông nói.
Ông Quách gợi ý rằng Hoa Kỳ nên đóng một vai trò trung tâm hơn trong việc điều phối các hành động phối hợp để chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, nói rằng không hành động như vậy cho thấy Hoa Kỳ thiếu nhận thức hoặc sự cảnh giác về chiến trường.