Giáo sư tài chính: Đạo luật Giảm Lạm Phát nên được đặt tên ‘ngược lại hoàn toàn’, sẽ có ‘tác động tai hại’
Một giáo sư tài chính cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NTD, Đạo luật Giảm Lạm Phát của Đảng Dân Chủ sẽ không làm giảm lạm phát như đã tuyên bố và có thể gây hại cho nền kinh tế Mỹ.
“Họ thực sự đã không đặt tên đúng cho đạo luật giảm lạm phát này, nó nên được đặt tên ngược lại hoàn toàn,” Giáo sư Michael Busler đến từ Đại học Stockton cho biết trong cuộc phỏng vấn. “Đạo luật này sẽ không làm giảm lạm phát cao của đất nước cũng như không làm tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế đã có hai quý liên tiếp tăng trưởng GDP âm, vốn cho thấy một cuộc suy thoái.”
Như vậy, nền kinh tế Mỹ hiện đang trong tình trạng lạm phát đình trệ, có nghĩa là “nền kinh tế đình trệ với lạm phát.” Ông Busler cho biết lần cuối cùng Hoa Kỳ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ là dưới thời chính phủ ông Carter (1977-1981).
Trong ba năm tài chính vừa qua, bao gồm cả năm tài chính hiện tại mà sẽ kết thúc vào tháng Chín, chính phủ liên bang sẽ chi nhiều hơn 7 ngàn tỷ USD so với thu nhập từ thuế của mình cho một quốc gia có nền kinh tế trị giá 23 ngàn tỷ USD. Vị giáo sư này nói, “Nhu cầu vượt mức đó rất thúc đẩy lạm phát.”
“Vì vậy, điều tồi tệ nhất để làm vào lúc này khi quý vị có nhu cầu vượt mức là tiếp tục chi tiêu chính phủ và làm tăng thêm nhu cầu dư thừa,” ông nói. “Điều đó sẽ làm cho vấn đề lạm phát trở nên tồi tệ hơn. Giờ họ sẽ tranh luận ‘Chúng tôi sẽ tăng thuế, để vấn đề lạm phát không trở nên tồi tệ hơn.’ Tất cả những gì mà việc tăng thuế sẽ làm là làm chậm quá trình phục hồi.”
Quay trở lại năm 1980, ông Busler cho biết, Fed đã tăng lãi suất và gây ra “một cuộc suy thoái để thoát khỏi suy thoái,” và cho biết thêm rằng vào năm 1982, Quốc hội đã cắt giảm thuế đáng kể, rồi sau đó Hoa Kỳ được hưởng 25 năm kinh tế mở rộng.
Để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng lạm phát đình trệ hiện nay, ông Busler cho rằng chính phủ cần giảm chi tiêu cũng như giảm thuế cho tất cả người dân và doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, Đạo luật Giảm Lạm Phát “hoàn toàn ngược lại” và sẽ có “những tác động tai hại.”
Nghị trình về khí hậu làm tổn thương người Mỹ
Trong cuộc phỏng vấn, ông Busler cũng chỉ trích các điều khoản về khí hậu trong Đạo luật Giảm Lạm Phát — cụ thể là các khoản tín thuế cho người Mỹ sử dụng năng lượng “xanh”. Ông chỉ ra rằng các khoản tín thuế như vậy là một nỗ lực để kích thích nhu cầu tại những chỗ “không có nhu cầu để kích thích.”
Ông Busler nói, “Nếu quý vị mua một chiếc xe điện với bất kỳ loại tín thuế nào ở đó, thì điều đó có nghĩa là chính phủ không tăng doanh thu thuế đó. Về căn bản, họ đang tăng chi tiêu và điều đó sẽ làm cho vấn đề thậm chí còn tồi tệ hơn. Về mặt tài khóa, đây không phải là lúc để làm điều đó.”
Đạo luật Giảm Lạm Phát trị giá 700 tỷ USD đã được các thành viên Đảng Dân Chủ Hạ viện thông qua hôm 12/08 trong một cuộc bỏ phiếu sít sao theo quan điểm đảng phái với kết quả 220-207. Dự luật sẽ được chuyển đến bàn của Tổng thống Joe Biden để được phê chuẩn lần cuối. Thượng viện đã thông qua dự luật hôm 07/08 bằng quy trình điều chỉnh ngân sách, vốn cho phép đa số quá bán thay vì ngưỡng 60 phiếu bầu cần thiết để tránh quy trình tranh luận không giới hạn (filibuster).
Trong cuộc tranh luận tại Hạ viện, Thành viên cao cấp của Ủy ban Ngân sách Jason Smith (Cộng Hòa-Missouri) đã chỉ ra rằng dự luật đang được thông qua vào thời điểm lạm phát, vốn đã tăng 13.7% kể từ khi ông Biden lên nắm quyền, đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm và lương thực tế của người dân Mỹ đã giảm 4.5%.
Ông Smith nói, “Chúng ta có đang ở đây để tranh luận về làm cách nào để giảm bớt sự đau khổ đó không? Không. Chúng ta ở đây để tranh luận về thứ mà Đảng Dân Chủ gọi là ‘Đạo luật Giảm Lạm Phát’ — mà tất cả mọi người từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội đến 230 nhà kinh tế khác nhau, [và thậm chí cả] Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) đã nói sẽ không làm giảm lạm phát.”
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.