Lạm phát giá thực phẩm đạt mức cao nhất trong 43 năm bất chấp thông điệp lạm phát ‘bằng 0’ của TT Biden
Trong khi tốc độ lạm phát hàng năm ở Hoa Kỳ giảm nhẹ vào tháng Bảy, thì việc đi sâu hơn vào các con số cho thấy một số danh mục vốn gây khó khăn cho người Mỹ hàng ngày đặc biệt là hầu bao của họ đã tăng vọt, với giá thực phẩm tăng lên mức cao nhất kể từ Năm 1979.
Cục Thống kê Lao động (BLS) đã báo cáo hôm 10/08 rằng tốc độ lạm phát chính, được phản ánh trong Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) đã giảm từ mức đỉnh gần đây là 9.1% trong tháng Sáu xuống còn 8.5% trong tháng Bảy.
Con số lạm phát CPI hàng tháng ở mức 0%, có nghĩa là tốc độ tăng giá chung không thay đổi trong khoảng thời gian từ tháng Sáu đến tháng Bảy, khiến Tổng thống Joe Biden khoe chiến thắng nói rằng “nền kinh tế có lạm phát 0% trong tháng Bảy.”
Đảng Cộng Hòa và một số nhà kinh tế phản đối thông điệp của Tòa Bạch Ốc về lạm phát “bằng 0” bằng cách lập luận rằng ông Biden đã lựa chọn dữ liệu theo cách tập trung vào tốc độ tăng trưởng hàng tháng là 0%, trong khi bỏ qua tỷ lệ lạm phát hàng năm — có xu hướng là con số được báo cáo phổ biến hơn — vẫn ở mức hết sức cao là 8.5%.
Ông Jeffrey Tucker, chủ tịch Viện nghiên cứu Brownstone và là người viết chuyên mục cho The Epoch Times: “Đó là một thủ thuật toán học không có thật. Đây là sự thay đổi chỉ số tổng thể trong một tháng. Nhìn chung, điều đó có nghĩa là sự sụt giảm lớn trong nhiên liệu dầu và xăng (sau những đợt tăng hàng tháng lớn trước đó) đã lấn át sự gia tăng lớn ở mọi lĩnh vực khác.”
Nhưng dù tốc độ lạm phát 8.5% hàng năm thực sự là một sự chậm lại so với tháng trước, một số danh mục mà BLS sử dụng để tính toán chỉ số giá đã tăng vọt, với một thước đo chính đạt mức cao nhất trong nhiều thập niên.
Chỉ số thực phẩm tại nhà, đại diện cho thực phẩm được mua ở những nơi như cửa hàng thực phẩm để tiêu thụ tại nhà, tăng 13.1% hàng năm, đây là tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 03/1979.
Nhà phân tích tài chính Greg McBride, Giám đốc tài chính của Bankrate, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua thư điện tử: “Người tiêu dùng đã bớt căng thẳng tại trạm xăng, nhưng không phải ở cửa hàng thực phẩm. Giá thực phẩm, và đặc biệt là chi phí cho thực phẩm tại nhà, tiếp tục tăng cao, tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 43 năm.”
Tính theo tháng hoặc hàng năm, lạm phát giá lương thực tăng vọt
Một số thực phẩm mua để tiêu thụ tại nhà tăng mạnh nhất qua từng năm bao gồm bột mì (+22.7%), thịt gà (+17.6%), sữa (+15.6%), bánh mì (+13.7%) và trứng (+38%).
Và mặc dù tăng trưởng chỉ số CPI chung hàng tháng ở mức 0.0%, phần lớn các mặt hàng thực phẩm tại nhà tạo nên chỉ số này cũng có mức tăng so với tháng, bao gồm khoai tây (+4.6%), cà phê (+2.7%), bơ đậu phộng (+3.5%), thịt gà (+1.4%) và trứng (+4.3%).
Chi phí nhà ở cũng tăng theo cả kỳ hạn hàng năm và hàng tháng, tăng 5.7% so với năm ngoái và 0.6% so với tháng.
Các chuyên gia cho rằng bản chất tụt hậu của thành phần nhà ở của chỉ số giá có nghĩa là áp lực lạm phát có thể sẽ ở mức cao trong ít nhất vài tháng nữa.
Ông McBride cho biết: “Chi phí nhà ở vẫn đang tăng với tốc độ chóng mặt và chiếm 40% mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi. Đặc biệt, sự thay đổi trong giá thuê nhà, có xu hướng kéo theo sự gia tăng giá nhà, vì vậy chúng ta có thể kỳ vọng sẽ thấy chi phí tiếp tục cao hơn trong nhiều tháng tới đây là yếu tố cấu thành lớn nhất của chỉ số lạm phát.”
Cái gọi là thước đo lạm phát CPI “cốt lõi”, không bao gồm thực phẩm và năng lượng và được coi là thước đo tốt hơn về áp lực giá cơ bản, không thay đổi trong tháng Bảy ở mức 5.9% đối với hàng năm và tăng 0.3% đối với hàng tháng.
Thực tế là CPI cốt lõi tăng trong tháng cho thấy lạm phát có thể tồn tại lâu hơn và duy trì áp lực đối với Fed trong việc tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ, bất chấp chứng khoán và các tài sản rủi ro khác khôi phục sau số liệu lạm phát tương đối nhẹ nhàng hôm thứ Tư.
‘Còn rất nhiều việc phải làm’
Bình luận về tình hình lạm phát hôm thứ Tư là Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly, người đã tìm cách xoa dịu kỳ vọng của thị trường rằng Fed có thể sớm xoay chuyển khỏi các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
“Có tin tốt về dữ liệu hàng tháng rằng người tiêu dùng và doanh nghiệp đang được hỗ trợ, nhưng lạm phát vẫn ở mức quá cao và không gần với mục tiêu ổn định giá cả của chúng tôi,” bà Daly nói với Financial Times, cùng các quan chức Fed đưa ra tuyên bố công khai đẩy lùi sự lạc quan của thị trường về việc tăng lãi suất ít hơn hoặc thấp hơn trong tương lai.
Bà Daly đề cập đến sự gia tăng trong số liệu giá cốt lõi, dẫn đầu bởi sự gia tăng lạm phát dịch vụ, mà theo bà có rất ít dấu hiệu giảm bớt.
Bà nói với hãng tin: “Đây là lý do tại sao chúng tôi không muốn tuyên bố chiến thắng về lạm phát sắp giảm. Còn rất nhiều việc phải làm.”
Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis Neel Kashkari cho biết hôm thứ Tư rằng Fed sẽ nâng lãi suất chuẩn thêm 1.5 điểm phần trăm nữa trong năm nay và hơn thế nữa vào năm 2023, nói với Hội nghị Ý tưởng Aspen rằng ngân hàng trung ương quyết tâm đè bẹp lạm phát ngay cả khi việc đó gây ra suy thoái.
Ông Kashkari nói với những người tham dự hội nghị, Fed còn “rất lâu, lâu nữa mới có thể tuyên bố chiến thắng” mặc dù có tin “đáng mừng” trong báo cáo CPI rằng lạm phát có thể đã hạ nhiệt phần nào.
Ông Kashkari thừa nhận rằng việc Fed tăng lãi suất mạnh có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái, nhưng đó là một rủi ro đáng để đưa mức giá giảm xuống.
Trong khi nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp và đáp ứng định nghĩa không chính thức đến từ kinh nghiệm cho một cuộc suy thoái, sự xuống dốc này vẫn chưa được chính thức tuyên bố là suy thoái bởi ủy ban các nhà kinh tế tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, đóng vai trò là trọng tài chính thức trong các tuyên bố về suy thoái.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’