TT Biden thừa nhận có ‘những trục trặc’ trong Đạo luật Giảm Lạm Phát sau cuộc gặp với TT Macron
Đáp lại những lời chỉ trích thẳng thừng từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về Đạo luật Giảm Lạm Phát, Tổng thống Joe Biden thừa nhận rằng luật thuế và khí hậu trị giá 740 tỷ USD này có “những trục trặc” nhưng đã bảo vệ luật này sau khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Oval Office hôm 01/12.
“Hoa Kỳ không đưa ra lời xin lỗi, và tôi không đưa ra lời xin lỗi nào, vì tôi đã viết nó, để ban hành,” Tổng thống Biden nói trong một cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Macron. “Nhưng có những trường hợp khi quý vị viết một bộ luật đồ sộ, thì hiển nhiên là sẽ có những trục trặc trong đó, và cần phải dung hòa những sự thay đổi.”
Tòa Bạch Ốc đã thúc đẩy cuộc gặp này như một cơ hội để Hoa Kỳ và Pháp thể hiện mối bang giao chặt chẽ giữa hai nước cũng như củng cố sự đồng thuận giữa hai quốc gia về cuộc chiến ở Ukraine, cạnh tranh với Trung Quốc, và biến đổi khí hậu cùng các vấn đề toàn cầu khác.
Tổng thống Macron đã bày tỏ sự không hài lòng của ông về một phần của Đạo luật Giảm Lạm Phát, trong đó bao gồm các khoản tín thuế lớn đối với xe điện do các nhà sản xuất Hoa Kỳ sản xuất.
Agence France-Presse đưa tin, trong các cuộc thảo luận kín tại Tòa Bạch Ốc, phái viên Pháp đã vạch ra những phản đối của họ đối với Đạo luật Giảm Lạm Phát.
“Câu hỏi thực sự mà chúng ta phải tự hỏi mình là loại toàn cầu hóa nào đang ở phía trước?” Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói với kênh truyền hình France 3 trước cuộc gặp. “Đã đến lúc Âu Châu ưu tiên sản xuất của Âu Châu. Tất cả các quốc gia Âu Châu phải hiểu rằng ngày nay trước những quyết định này của Mỹ, chúng ta phải học cách bảo vệ và phòng thủ tốt hơn các lợi ích kinh tế của mình.”
Tại Đại sứ quán Pháp ở Hoa Thịnh Đốn hôm 01/12, Tổng thống Macron đã đề cập đến Đạo luật Giảm Lạm Phát và Đạo luật CHIPS. Đạo luật Giảm Lạm Phát, bao gồm một loạt các chính sách, cung cấp khoảng 400 tỷ USD hỗ trợ cho ngành năng lượng xanh ở Hoa Kỳ, trong khi Đạo luật CHIPS thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ.
Ông Macron nói: “Những lựa chọn được đưa ra, những mục tiêu mà tôi cũng có chung — đặc biệt là [Đạo luật Giảm Lạm Phát] hoặc Đạo luật CHIPS — là những lựa chọn sẽ chia rẽ phương Tây vì chúng tạo ra sự khác biệt như vậy giữa Hoa Kỳ và Âu Châu.”
“Những lựa chọn này chỉ có thể hiệu quả nếu có sự phối hợp giữa chúng ta.”
Sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Biden, Tổng thống Macron nói với các phóng viên: “Chúng tôi muốn thành công cùng nhau, chứ không phải là chống lại nhau. Đây là kết quả cuộc thảo luận của chúng tôi sáng nay, và đây chính xác là triết lý mà tôi chia sẻ và là triết lý mà chúng ta cần.”
Tổng thống Biden cho biết ông sẽ tiếp tục hợp tác với Pháp và các quốc gia Âu Châu khác để giải quyết các vấn đề liên quan đến Đạo luật Giảm Lạm Phát.
“Không có nguyên tắc căn bản nào — chưa bao giờ có ý định, khi tôi viết luật — tôi chưa bao giờ có ý định loại trừ những người đang hợp tác với chúng ta. Đó không phải là mục đích,” ông Biden nói. “Mục đích của đạo luật này là để bảo đảm rằng chúng ta không còn trong hoàn cảnh khi có đại dịch ở Á châu và cố gắng quyết định xem họ có ngừng bán các vi mạch điện toán cho chúng ta nữa hay không. Chúng ta đã phát minh ra những thứ chết tiệt này, quý vị biết đấy. Vì vậy dù sao đi nữa, nhưng quan điểm của tôi là, chúng ta đã trở lại kinh doanh. Âu Châu đã trở lại kinh doanh, và chúng tôi sẽ tiếp tục tạo ra các công việc sản xuất ở Mỹ, nhưng không gây thiệt hại cho Âu Châu.”
“Có rất nhiều thứ chúng ta có thể giải quyết, nhưng bản chất là chúng ta sẽ bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục, và đúng như tôi hy vọng Âu Châu sẽ có thể tiếp tục, không phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của bất kỳ ai khác,” Tổng thống Biden nói thêm. “Chúng ta có chuỗi cung ứng của riêng mình. Và chúng ta chia sẻ chuỗi cung ứng đó với Âu Châu và tất cả các đồng minh của chúng ta. Và trên thực tế, họ sẽ có cơ hội để làm điều tương tự.”
Đây là chuyến thăm cấp quốc gia đầu tiên của Tổng thống Macron tới Tòa Bạch Ốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Biden. Ông Macron đi cùng phu nhân Brigitte. Cặp đôi xuất hiện lần đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc vào năm 2018 khi ông Donald Trump làm tổng thống.
Vào sáng hôm 01/12, gia đình Tổng thống Macron đã bước lên Bãi cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc để tham dự một buổi lễ tiếp đón chính thức.
Họ được chào đón bởi hàng ngàn người, bao gồm cả các quan chức Pháp và Hoa Kỳ. Chương trình có phần chơi quốc ca của cả hai quốc gia, nghi lễ quân đội, 21 phát đại bác chào mừng, duyệt binh, và các phần bình luận của cả hai nhà lãnh đạo.
Mối quan hệ giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Macron bắt đầu căng thẳng hồi tháng 09/2021, khi Tổng thống Macron triệu hồi đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ trong thời gian ngắn sau khi chính phủ Tổng thống Biden công bố thỏa thuận bán tàu ngầm hạt nhân cho Úc. Thỏa thuận này đã khiến hợp đồng quốc phòng trị giá hàng tỷ USD của Pháp để bán tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel bị hủy bỏ.
Tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Biden và Tổng thống Macron đã thể hiện quan điểm thống nhất về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine nhưng đưa ra những câu trả lời khác nhau về mức độ sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Biden “không có kế hoạch ngay lập tức” để liên lạc với ông Putin, nhưng sẽ nói chuyện với nhà lãnh đạo Nga nếu ông ấy muốn chấm dứt giao tranh.
“Ông ấy đã tính toán sai mọi thứ,” Tổng thống Biden nói về Tổng thống Putin. “Và câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để ông ấy thoát khỏi hoàn cảnh [mà ông ấy] đang mắc phải?”
“Tôi đã sẵn sàng, nếu ông ấy sẵn sàng nói chuyện, để tìm hiểu xem ông ấy sẵn sàng làm gì, nhưng tôi sẽ chỉ làm điều đó khi có sự tham khảo ý kiến của các đồng minh NATO của mình,” Tổng thống Biden nói thêm. “Tôi sẽ không làm điều đó một mình.”
Tổng thống Macron nói với các phóng viên rằng khi Ukraine thiết lập các điều kiện cho một thỏa thuận hòa bình, ông sẵn sàng nói chuyện với ông Putin.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Good Morning America” (“Chào Buổi Sáng Nước Mỹ”) của đài ABC, tổng thống Pháp cho biết ông dự định sẽ nói chuyện với Tổng thống Putin trong những ngày tới.
Ông Macron cho biết, sự hỗ trợ của Hoa Kỳ “là rất quan trọng, không chỉ đối với người Ukraine mà còn đối với sự ổn định của thế giới chúng ta ngày nay. Bởi vì nếu chúng ta cho rằng chúng ta có thể từ bỏ Ukraine và từ bỏ việc tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc này, thì điều đó có nghĩa là không thể có sự ổn định trên thế giới này.”
Ông Macron cam kết tăng cường hỗ trợ quân sự, kinh tế, và nhân đạo cho Ukraine từ Pháp.
Tổng thống Biden đã mở đầu cuộc họp báo chung bằng cách gọi Pháp là “đồng minh lâu đời nhất” và “đối tác không thể lay chuyển” của Mỹ, đồng thời lưu ý rằng “ông Emmanuel cũng đã trở thành một người bạn, đồng thời là Tổng thống tại đất nước vĩ đại đó.”
Bài diễn văn khai mạc của Tổng thống Macron đã ca ngợi Tổng thống Biden vì đã tôn trọng các cam kết trong chiến dịch tranh cử liên quan đến các vấn đề quốc tế.
Tổng thống Macron nói, “Chúng tôi có thể hợp tác lại với ngài.”
“Tôi chỉ có thể nói với ngài một lần nữa rằng chúng tôi hài lòng như thế nào với những lựa chọn rất phù hợp với lịch sử và các cam kết trong chiến dịch tranh cử của ngài.” Tổng thống Macron nói thêm. “Việc ngài quay trở lại với những thách thức quốc tế như sức khỏe và khí hậu — đó thực sự là một Thỏa thuận Mới.”
Ông Macron kêu gọi các đồng minh “một lần nữa trở thành đồng đội” khi cuộc chiến Ukraine tiếp diễn.
Trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp, ông Biden và ông Macron đã đề ra “tầm nhìn chung nhằm làm vững mạnh an ninh và gia tăng thịnh vượng trên toàn thế giới, chống biến đổi khí hậu, xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn trước những tác động của biến đổi khí hậu, và thúc đẩy các giá trị dân chủ.”
“Tầm nhìn này được xây dựng trên niềm tin chung rằng Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác Âu Châu của Hoa Kỳ có thể đối mặt tốt hơn với những thách thức lớn nhất của chúng ta và cùng nhau tận dụng những cơ hội hứa hẹn nhất của chúng ta. Điều này bao gồm giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, đầu tư vào công nghệ, và xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong các lĩnh vực chiến lược như y tế, vi mạch bán dẫn, và khoáng sản trọng yếu, cũng như tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng giữa chúng ta.”
Các nhà lãnh đạo đã viết rằng họ “lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine của Nga và nhấn mạnh rằng việc cố ý nhắm mục tiêu vào thường dân và cơ sở hạ tầng dân sự cấu thành tội ác chiến tranh mà các thủ phạm phải chịu trách nhiệm.”
Khi Đảng Cộng Hòa chuẩn bị giành lại quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 01/2023 và lãnh đạo Đảng Cộng Hòa kiêm Chủ tịch Hạ viện tiềm năng Kevin McCarthy đã nói rằng các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa sẽ không “viết một tấm chi phiếu khống” cho Ukraine, Tổng thống Biden và Tổng thống Macron thừa nhận rằng những thách thức đang chờ đợi liên quan đến việc tiếp tục ủng hộ Ukraine.
“Những gì đang bị đe dọa ở Ukraine không phải chỉ ở rất xa đây, ở một quốc gia nhỏ ở đâu đó ở Âu Châu,” Tổng thống Macron nói. “Mà là về các giá trị của chúng ta. Và về các nguyên tắc của chúng ta. Hai quốc gia chúng ta là gia đình trong cuộc đấu tranh cho tự do.”
Tổng thống Biden và Tổng thống Macron cũng cam kết “tiếp tục phối hợp giải quyết những lo ngại của chúng ta về thách thức của Trung Quốc đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm tôn trọng nhân quyền và hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu quan trọng như biến đổi khí hậu.”
Hồi tháng 11, Tổng thống Macron đã gây lo ngại trong một diễn văn tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok khi ông mô tả Mỹ và Trung Quốc là “hai con voi lớn” sắp tạo ra “một vấn đề lớn cho phần còn lại của khu rừng” và kêu gọi một trật tự thế giới duy nhất.
Tổng thống Macron giải thích rằng Pháp là một lực lượng đối trọng trong cuộc đấu tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trong diễn văn này Tổng thống Macron nói: “Chúng ta đang ở trong rừng và chúng ta có hai con voi lớn, đang cố gắng ngày càng trở nên bồn chồn hơn.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times