Đừng để các khoản chi tiêu dành cho con khiến bạn kiệt quệ
Những lựa chọn của tôi hôm nay đến từ thư điện tử của những bà mẹ đang đối diện với các tình huống tiến thoái lưỡng nan khác nhau, nhưng lại giống nhau ở chỗ họ muốn dành những điều tốt nhất cho con của mình.
Gửi cô Mary: Tốn kém nhất trong ngân sách nhất của tôi là các khoản chi cho các hoạt động năng khiếu cho bốn đứa con. Tôi muốn tạo niềm vui sống cho các con bằng cách trao nhiều cơ hội để chúng được thử những môn thể thao và những sở thích khác nhau.
Hiện tại, các con đang theo học tại một trường tư thục rất chú trọng năng lực học thuật. Mỗi cháu đều tham gia lớp học dương cầm. Những cháu trai thì học võ karate, còn cháu gái thì học múa ballet. Các con cũng tham gia tập những môn thể thao, cũng như học diễn kịch ở trường, không có môn nào nêu trên là miễn phí cả. Gia đình chúng tôi chỉ có một nguồn thu nhập, tôi thì ở nhà với các con. Tài chính của chúng tôi rất eo hẹp, và cuối cùng chúng tôi đã sử dụng thẻ tín dụng để trang trải trong tháng. Điều này nghe sẽ đơn giản nếu tôi cho con học ở trường công lập và ngưng mọi lớp học thêm, nhưng như vậy thì sẽ có cảm giác tội lỗi của một người mẹ nói KHÔNG. Tôi muốn những điều tốt nhất cho các con của mình. Cô có lời khuyên nào cho tôi không? — Độc giả Tricia, New York.
Gửi cô Tricia: Định nghĩa của cảm giác tội lỗi là “sự hối hận bởi cảm giác mình có trách nhiệm về hành vi phạm tội nào đó.” Cô không phạm tội gì cả, vì thế đừng nghĩ những điều này là tội lỗi. Cô rất có thể đang sợ rằng nếu không cho các con nhiều trải nghiệm và cơ hội, cô đang thất bại trong vai trò làm cha mẹ.
Các chuyên gia nói với chúng tôi rằng thật không tốt khi trẻ em bị dồn ép quá mức bởi nhiều sự kiện hoặc các hoạt động. Cô có thể đẩy các con đến bờ vực tuyệt vọng khi cho chúng tham gia quá mức vào các môn thể thao, âm nhạc, võ karate, khiêu vũ và các môn học thuật cùng một lúc. Lâm vào cảnh nợ nần có thể làm điều này thậm chí còn rối rắm hơn. Món quà tốt nhất mà cha mẹ có thể tặng con cái là chuẩn bị tốt cho chính họ lúc nghỉ hưu và những năm cuối cuộc đời, để họ không bao giờ trở thành gánh nặng cho con mình.
Hai mươi năm sau, giá trị của cô với vai trò là cha mẹ sẽ không được đo lường bằng số lượng hoạt động mà các con tham gia, điểm thi SAT, hay những chiếc cúp của các con. Điều đó sẽ được đo lường bằng chiều sâu trong tính cách của các con, những giá trị các con trân quý và những phương cách các con sống cuộc đời của mình. Đối với trường học, cô đừng bao giờ cho rằng một giáo viên — trường công hay trường tư, trường phi tôn giáo hay trường Cơ Đốc giáo — có thể thay thế vai trò cha mẹ khi truyền dạy những giá trị cho các con.
Tôi có lời khuyên rằng cô hãy để cho mỗi cháu được lựa chọn một hoạt động và bảo đảm rằng các con có nhiều thời gian rảnh để chỉ là trẻ em thôi. Đối với trường học, cô đã tham khảo các trường bán công thông qua hệ thống trường công lập chưa? Có rất nhiều lựa chọn tốt ngoài kia. Không quan trọng là các con ghi danh học ở đâu, tôi khuyến khích cô nên kề cạnh các con để có thể biết được mọi thứ đang diễn ra và những gì được dạy cho chúng.
Cảm ơn đã viết thư cho tôi. Rất vui khi nghe tin từ cô.
Cô Mary thân mến: Con gái tôi đã đính hôn với một người đàn ông không chịu tìm việc làm. Cậu ấy 23 tuổi và còn sống chung nhà với cha mẹ. Con gái tôi trả hết những chi phi lúc hẹn hò, trả tiền mua xe hơi, và bảo hiểm. Cậu ấy ngủ đến chiều, chơi trò chơi điện tử cả ngày, và chờ con gái tôi đến rước. Con gái tôi mong muốn tôi chi trả cho đám cưới của cháu. Tôi nói với cháu rằng tôi sẽ không chi ra dù chỉ một xu cho đám cưới của người đàn ông không chịu đi làm. Cô nghĩ sao về điều này? — Độc giả Kendra, tiểu bang Illinois
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times