Giải pháp của WEF cho tình trạng thiếu lương thực toàn cầu: Thịt, côn trùng, và thực vật nuôi cấy trong phòng thí nghiệm
Trong một bài báo phát hành hôm 17/01, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết biến đổi khí hậu và dân số bùng nổ của Trái Đất đang khiến an ninh dinh dưỡng của nhiều quốc gia lâm nguy. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn lạc quan, đưa ra các giải pháp về chế độ ăn uống như các lựa chọn thay thế cho thịt làm từ thực vật, các loại côn trùng, và “thịt được nuôi cấy trực tiếp từ tế bào động vật.”
Theo tạp chí khoa học Nature Food, các hệ thống thực phẩm toàn cầu là nguyên nhân gây ra 34% lượng khí thải nhà kính vào năm 2015. Kết hợp điều này với số lượng người trên hành tinh ngày càng tăng, với tổng dân số đã vượt quá tám tỷ người, WEF nhấn mạnh rằng “chúng ta rất cần các công nghệ và phương pháp bền vững để cải thiện hệ thống lương thực hiện tại và sử dụng đất cho nông nghiệp.”
Tổ chức này đã cảnh báo rằng chúng ta đã đạt đến điểm tới hạn trong “các giới hạn của hành tinh” và cốt lõi của vấn đề nằm ở “sở thích ăn uống của chúng ta đối với thực phẩm làm từ gia súc chăn nuôi.” Công nghệ sinh học — một phạm trù rộng lớn bao hàm từ sửa đổi DNA đến vaccine trong chăn nuôi — có thể là giải pháp.
Lời khuyên của WEF về việc ngừng tiêu thụ thịt đã vấp phải sự phản đối gay gắt của nhiều người ở Hoa Kỳ.
Dân biểu Mike Flood (Cộng Hoà-Nebraska) đã viết trong một dòng tweet hôm 19/01: “Những người theo chủ nghĩa toàn cầu lại làm thế nữa rồi.”
“Nếu WEF muốn tìm hiểu cách cung cấp thức ăn cho nhiều người hiệu quả hơn,” ông Flood nói thêm, “thì họ nên đến thăm Nebraska, nơi những những người thực hiện công việc này có thể cho họ thấy việc ấy đã được thực hiện như thế nào.”
Ngoài thực vật, WEF đang xem xét công nghệ sinh học như một giải pháp tiềm năng.
WEF lập luận rằng con người đã thao túng thiên nhiên để mang lại lợi ích cho mình trong suốt lịch sử, nhân giống một số loài thực vật và động vật để chọn lọc những đặc điểm mong muốn. Những tiến bộ như chỉnh sửa gene chỉ đơn giản là lần lặp lại mới nhất của quá trình này.
Một công ty được đề cập đến trong bài báo này, BIOMILQ, đã phát triển “sữa dành cho trẻ sơ sinh được phát triển trong phòng thí nghiệm đầu tiên có nguồn gốc từ tế bào tuyến vú.” Theo trang web của công ty này, các tế bào tuyến vú được đặt trong “một môi trường vi mô tái tạo các điều kiện tương tự như ở vú”, trong đó các tế bào tự sắp xếp thành một cấu trúc cho phép tạo sữa.
BIOMILQ do nữ giới làm chủ và bảo đảm sữa được “nuôi cấy trong điều kiện an toàn.”
Thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm
Roslin Tech là một công ty công nghệ sinh học khởi nghiệp được WEF đề cập và đang làm việc để phát triển một loại thịt trong phòng thí nghiệm có thể ăn được. Có trụ sở tại Edinburgh, Scotland, công ty này đã phát triển một công nghệ để “tái lập trình” tế bào của động vật thành tế bào gốc đa năng — loại tế bào có thể tái tạo và có khả năng “tạo ra tất cả các tế bào của các mô thân thể.”
Sau khi nhận được 13.6 triệu USD trong vòng gọi vốn series A hồi tháng Mười Một năm ngoái (2022), cơ sở khởi nghiệp này tuyên bố đang sản xuất và hiện đang phân phối sản phẩm của mình ở Bắc Mỹ, Âu Châu, và Á Châu, mặc dù không phải tới những người tiêu dùng bán lẻ. Các tỷ phú Bill Gates và Richard Branson cũng đều đã đầu tư vào nhiều công ty nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm.
Từng một thời rất đắt tiền, phương thức thay thế đối với việc sản xuất thịt này đã trở nên rẻ hơn đáng kể. Ví dụ, năm 2013, chiếc bánh mì kẹp đầu tiên có nhân làm từ thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có giá hơn 210,000 USD để sản xuất. Sản phẩm này đã giảm giá xuống còn ít hơn 10 USD hồi năm 2019.
Chúng ta có thể sẽ thấy những sản phẩm này sớm ra mắt trên thị trường.
Ví dụ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) gần đây đã phê chuẩn sản phẩm thực phẩm nuôi cấy tế bào đầu tiên, đặc biệt là thịt gà được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Khi phê chuẩn vào tháng 11/2022, FDA đã xác định rằng thực phẩm này là an toàn thông qua một loạt thử nghiệm về thời hạn sử dụng, giá trị dinh dưỡng, và phương pháp biến đổi gene.
Đề cập đến những lo ngại về các tác động di truyền không lường trước được, cơ quan này cho biết các rủi ro là “thấp ở mức chấp nhận được và được hiểu rõ” và các tác dụng phụ nghiêm trọng vẫn chưa xuất hiện trong 20 năm nghiên cứu chỉnh sửa gene vừa qua.
WEF ca ngợi quyết định của FDA vì đã “mở đường cho một chế độ ăn uống mới thân thiện với môi trường.” Ngược lại, tổ chức này chỉ trích cách tiếp cận của Liên minh Âu Châu (EU) là quá thận trọng.
WEF cho biết: “Bất chấp mối quan tâm của công chúng cũng như số công ty mới nổi ngày càng tăng trong lĩnh vực này, quy trình cấp phép trước khi đưa ra thị trường kéo dài đã dẫn đến tình trạng không có công ty nào nộp đơn yêu cầu phê chuẩn các sản phẩm thịt nuôi cấy ở Âu Châu.”
Một phát ngôn viên của Cơ quan An toàn Thực phẩm Âu Châu (ESFA) đã bác bỏ những tuyên bố này, nói rằng các công ty thịt nuôi cấy có thể đăng ký thông qua chương trình thực phẩm mới của họ — chương trình này đã nhận được sự quan tâm đáng kể từ các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, ESFA chưa nhận được đơn đăng ký nào cho các sản phẩm thịt nuôi cấy tại thời điểm soạn thảo bản tin này.
EU giới hạn số lượng thực phẩm biến đổi gene có thể được nhập cảng và sản xuất trong khối. Nhiều sản phẩm nông nghiệp do Mỹ sản xuất bị cấm ở EU do các chất phụ gia được sử dụng trong đó.
Côn trùng
Côn trùng là một giải pháp thay thế cho vật nuôi khác mà WEF đã thúc đẩy một cách nổi tiếng.
Trong một bài báo phát hành hồi tháng Hai năm ngoái (2022), với nhan đề “Năm Lý Do Tại Sao Ăn Côn Trùng Có Thể Làm Giảm Biến Đổi Khí Hậu” (“Five Reasons Why Eating Insects Could Reduce Climate Change”), tổ chức này đã đưa ra lập luận rằng sâu bọ nên được sử dụng để thay thế protein động vật truyền thống do dấu vết sinh thái vừa phải hơn của chúng. Bài báo cũng quảng bá hàm lượng protein cao của một số loài bọ — cụ thể là sâu bướm — mà một nghiên cứu cho thấy vượt quá hàm lượng protein của gia súc.
Dẫn lời ông Amrou Awaysheh, giáo sư quản lý và vận hành chuỗi cung ứng tại Trường Kinh doanh Kelley thuộc Đại học Indiana, WEF lập luận rằng nồng độ protein đậm đặc hơn được tìm thấy trong sâu bướm có thể là cần thiết để duy trì dân số ngày càng tăng của thế giới.
“Đến năm 2050, trái đất sẽ có gần 10 tỷ người. Nhu cầu về protein sẽ vượt quá khả năng cung cấp của chúng ta.”
Một số nhà bảo vệ môi trường đã chỉ trích WEF vì đề nghị các giải pháp ngông cuồng cho biến đổi khí hậu, trong khi nhiều người tham dự thuộc giới tinh hoa của WEF từ chối hạn chế lượng khí thải carbon của chính họ.
“Âu Châu đang trải qua những ngày tháng Một ấm áp nhất từng được ghi nhận, và các cộng đồng trên khắp thế giới đang phải vật lộn với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do khủng hoảng khí hậu gây ra,” nhà vận động Hòa Bình Xanh (Greenpeace) Klara Maria Schenk cho biết trong một tuyên bố hôm 13/01. “Trong khi đó, những người giàu có và quyền lực đổ xô đến Davos trên những chiếc phi cơ phản lực tư nhân cực độ ô nhiễm, bất bình đẳng về mặt xã hội để thảo luận về khí hậu và bất bình đẳng đằng sau những cánh cửa đóng kín.”
Trọng Khiêm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times