WEF và những mối nguy hiểm của một nền kinh tế tuần hoàn
Gần đây, giới tinh hoa Davos đang thúc đẩy ý tưởng về một nền kinh tế mới, một nền kinh tế có tính chất tuần hoàn. Vậy chúng ta có nên lo lắng không?
Như chính trị gia người Anh David Cameron đã khẳng định một cách nổi tiếng: “Nền kinh tế là khởi đầu và kết thúc của mọi thứ.”
Theo nhiều cách, kiểm soát nền kinh tế chính là kiểm soát thế giới.
Mặc dù không có chính phủ hay tổ chức nào kiểm soát nền kinh tế thế giới nhưng vẫn có một số nhân tố có ảnh hưởng lớn giúp định hình nền kinh tế này.
Một trong những nhân tố chính, như nhiều độc giả đã biết, là Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Gần đây, giới tinh hoa Davos đã thúc đẩy ý tưởng về một nền kinh tế mới, một nền kinh tế có tính chất tuần hoàn. Vậy chúng ta có nên lo lắng không?
Một số người có thể nói rằng nền kinh tế tuần hoàn là một “nghị trình”. Theo một báo cáo được WEF và Accenture xuất bản gần đây thì đúng là như thế. Các tác giả của báo cáo nêu rõ đây là một “nghị trình” và các chỉ thị phải “đến từ cấp trên.” Nền kinh tế tuần hoàn là phản đề của nền kinh tế ngày nay — hay như các tác giả của báo cáo đã gọi — “nền kinh tế tuyến tính.”
Chúng ta được biết: “Việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tuần hoàn là một đòn bẩy quan trọng để các tổ chức đạt được các cam kết về khí hậu và đạt mức phát thải ròng bằng không.”
Để giảm lượng phát thải khí nhà kính, WEF và Accenture đề nghị “thay đổi cách hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ.” Họ nói thêm rằng tính tuần hoàn “đóng vai trò quan trọng trong việc này.”
Báo cáo tiếp tục nêu rõ rằng mô hình “khai thác-sản xuất-vứt bỏ” (take-make-waste) hiện tại, vốn “khai thác và tiêu tốn nhiều tài nguyên”, phải được thay thế. Chìa khóa để thay thế mô hình hiện tại liên quan đến việc đưa “tính tuần hoàn vào quá trình ra quyết định trong suốt chuỗi giá trị.” Nói cách khác, đây là một cách tiếp cận từ trên xuống, được quản lý một phần nhờ những người theo chủ nghĩa toàn cầu vốn không được công chúng bầu chọn. Nếu nền dân chủ đích thực được quyết định dựa trên cách tiếp cận từ dưới lên [người dân bầu ra lãnh đạo], thì sẽ có người tự hỏi, chúng ta nên nghĩ gì về báo cáo gần đây này?
Các tác giả lưu ý: “Quá trình chuyển đổi mang tính hệ thống này đòi hỏi các công ty áp dụng tính tuần hoàn ở tất cả các cấp và chức năng trong toàn tổ chức. Bắt đầu từ cấp cao nhất, cần có sự quản trị, lãnh đạo và trách nhiệm giải trình rõ ràng.”
Mục tiêu ở đây là gì? Kinh tế tuần hoàn dường như gắn liền với ý tưởng rằng tất cả các sản phẩm đều trở thành dịch vụ, trong đó những người trên đỉnh xã hội duy trì quyền sở hữu những sản phẩm mà những người dân bình thường chỉ có thể thuê. Hãy nhớ rằng, cách đây không lâu, WEF đã nói: “Quý Vị Sẽ Không Sở Hữu Gì Cả. Và Quý Vị Sẽ Hạnh Phúc.”
Hồi tháng Tám năm nay, ông Sean Mowbray của WEF đã thảo luận về cách nền kinh tế tuần hoàn có thể giải quyết tình trạng “tiêu thụ quá mức tràn lan”, “biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, và ô nhiễm đất, không khí, cùng đại dương.”
Ông gợi ý rằng cuộc khủng hoảng này đòi hỏi có “các chu kỳ sản xuất bền vững” để “giảm sử dụng tài nguyên cũng như lãng phí và tác hại đến hệ sinh thái.”
Về mặt bản chất, theo ông Mowbray, nền kinh tế tuần hoàn xoay quanh ba chữ R: giảm thiểu (reduce), tái sử dụng (reuse), và tái chế (recycle) vật liệu. Ông cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn “nhằm mục đích loại bỏ chất thải và ô nhiễm, tái tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu cũng như tái tạo thiên nhiên.”
Mặc dù thiên nhiên cần được bảo vệ, và ý tưởng về lãng phí tài nguyên không phải là một điều gì đó cần phải bàn cãi, nhưng người ta không khỏi cảm thấy hãi hùng khi đọc những lời của ông Mowbray. Đó là những đề cập liên tục đến “biến đổi khí hậu” và “khử carbon” cũng như những lời kêu gọi thay đổi mạnh mẽ các hoạt động nông nghiệp bằng những câu văn không chủ ngữ, có phần khiển trách.
Chúng ta được cho biết rằng việc giữ chất thải ở mức tối thiểu là điều bắt buộc. Tuy nhiên, người ta sẽ thắc mắc, ai có quyền quy định chất thải bao nhiêu là quá nhiều? Và ai có quyền quyết định điều gì tạo ra chất thải và điều gì tạo ra tác hại?
Hãy lấy thịt làm ví dụ. Với nhiều độc giả, tôi chắc chắn rằng việc tiêu thụ thịt gà, thịt heo, và thịt bò có một vị trí quan trọng trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, trong kinh tế tuần hoàn, thịt có thể không còn chỗ đứng nữa. Suy cho cùng, thịt thật lãng phí và có hại cho môi trường, các chuyên gia cho biết. Họ đề xướng rằng thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, được ước tính có lượng phát thải carbon lớn hơn đáng kể so với thịt bò được giết mổ thông thường, là một giải pháp thay thế khả thi. Nếu WEF thành công, thì chẳng bao lâu nữa tất cả chúng ta sẽ ăn những thứ sâu bọ được nuôi trong phòng thí nghiệm.
Tình trạng xác định chính xác vấn đề nhưng lại đưa ra những giải pháp hoàn toàn không hợp lý đang ngày càng trở nên phổ biến. Chủ nghĩa tư bản ở hình thức hiện tại là mang tính hủy diệt. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội hẳn phải là câu trả lời. Phương pháp canh tác truyền thống có hại nên chắc thịt nuôi trong phòng thí nghiệm chính là giải pháp. Hoa Kỳ đã từng rất phân biệt chủng tộc nên giờ phải bồi thường tài chính. Và những lý lẽ kiểu như vậy.
Tuy nhiên, WEF khẳng định rằng kinh tế tuần hoàn, vốn gắn liền với ý tưởng bất hảo về công lý xã hội, là một giải pháp thay thế khả thi cho mô hình hiện tại. Theo những người ra quyết định ở Davos, kinh tế tuần hoàn thể hiện “sự thay đổi mang tính địa chấn trong cách chúng ta khái niệm hóa toàn bộ vòng đời của một sản phẩm, được thiết kế để mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp cùng xã hội và môi trường.”
“Sự thay đổi mang tính địa chấn” này có thể liên quan đến việc giám sát chặt chẽ hơn đối với các hành động và hành vi của chúng ta, chẳng hạn như việc giới thiệu giấy thông hành carbon. Một báo cáo mới của công ty du lịch Intrepid Travel thảo luận về việc áp dụng khái niệm “hạn mức carbon cá nhân” vào năm 2040.
Tòa Bạch Ốc dường như hoàn toàn cam kết với quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Đầu năm nay, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Tòa Bạch Ốc đã tổ chức một hội nghị bàn tròn được làm ra để thảo luận về những cách thức mà các đổi mới khác nhau của nền kinh tế tuần hoàn có thể đóng góp cho “các mục tiêu khử carbon và phát thải bằng 0.”
Một lần nữa, mặc dù môi trường cần được bảo vệ và sự lãng phí không bao giờ được khuyến khích, nhưng người ta tự hỏi những người dân bình thường sẽ có bao nhiêu quyền quyết định trong nền kinh tế tuần hoàn. Tôi đồ rằng, với “nghị trình” theo kiểu áp đặt từ trên xuống như vậy, thì họ sẽ có rất ít quyền.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times