IMF cảnh báo lãi suất cao kéo dài, kêu gọi thắt chặt tài khóa để kiềm chế lạm phát
Trong một tuyên bố gần đây sau khi đánh giá toàn diện các chính sách của Hoa Kỳ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhấn mạnh Hoa Kỳ cần duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài để kiềm chế lạm phát.
Ngoài ra, IMF kêu gọi Hoa Thịnh Đốn áp dụng các biện pháp tài khóa chặt chẽ hơn để giải quyết khoản nợ liên bang ngày càng tăng của đất nước này.
Mặc dù nền kinh tế Hoa Kỳ thể hiện khả năng phục hồi khi áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt hơn, nhưng IMF lưu ý rằng lạm phát đã chứng tỏ là dai dẳng hơn so với dự đoán ban đầu.
Đánh giá của IMF, được gọi là đánh giá “Điều IV”, bao gồm dự báo tăng trưởng 1.7% cho cả năm 2023, vượt một chút so với ước tính trước đó của tổ chức này là 1.6% hồi tháng Tư. So sánh giữa các quý, mức tăng trưởng dự kiến sẽ giảm 1.2% trong quý 4.
IMF dự đoán rằng lãi suất quỹ liên bang sẽ đạt mức cao nhất trong năm nay ở mức 5.4%, vượt quá mức lãi suất danh nghĩa 5.25% của Fed, trước khi giảm dần xuống 4.9% vào năm 2024.
Tuyên bố hôm 26/05 của IMF cho biết: “Mặc dù cả lạm phát PCE cốt lõi và lạm phát toàn phần dự kiến sẽ giảm trong suốt năm 2023, nhưng chúng được dự đoán sẽ vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang trong suốt hai năm tới.”
“Với một tỷ lệ lớn các khoản nợ của gia đình và doanh nghiệp đã ký hợp đồng với thời hạn tương đối dài và lãi suất cố định, tiêu dùng gia đình và đầu tư của doanh nghiệp đã chứng tỏ ít nhạy cảm hơn với lãi suất so với các chu kỳ thắt chặt tiền tệ trước đây.”
Tổ chức quốc tế trên cảnh báo rằng, vì những yếu tố này, chính sách tiền tệ có thể cần phải thắt chặt hơn so với mức hạn chế hiện nay.
“Điều này tạo ra một rủi ro nghiêm trọng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ phải tăng lãi suất chính sách nhiều hơn đáng kể so với mức dự kiến hiện tại để đưa lạm phát trở lại mức 2%.”
Trong một cuộc họp báo hôm 26/05, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với chính phủ Hoa Kỳ là giải quyết các khoản thâm hụt của mình, đặc biệt là bằng cách thực hiện các khoản doanh thu từ thuế cao hơn.
“Chúng ta thực hiện điều chỉnh này càng sớm thì càng tốt,” bà nói. “Điều quan trọng cần lưu ý là việc điều chỉnh tài khóa có thể được thực hiện phần lớn ở giai đoạn đầu, hành động này sẽ trợ giúp Cục Dự trữ Liên bang trong nỗ lực chống lạm phát.”
Bà Georgieva đã bày tỏ hy vọng rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ tìm ra một giải pháp kịp thời cho cuộc khủng hoảng mức trần nợ đang diễn ra, đồng thời cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của một vụ vỡ nợ thảm khốc sẽ làm gián đoạn thêm nền kinh tế toàn cầu.
“Thị trường Công khố phiếu Hoa Kỳ đóng vai trò là một lực lượng ổn định quan trọng đối với hệ thống tài chính toàn cầu,” giám đốc IMF cho biết, và nhấn mạnh rằng nhiều nền kinh tế hiện đang bị thu hẹp. “Nếu chiếc mỏ neo này gặp vấn đề, thì nền kinh tế thế giới — con tàu chở tất cả chúng ta — sẽ phải đối mặt với rất nhiều trở ngại.”
Bà đã kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ, thúc giục họ đưa ra một cách tiếp cận thay thế để quản lý nợ giúp loại bỏ sự cần thiết phải vượt mức trần nợ hàng năm.
Trọng Khiêm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times