Giải nhiệt ngày hè với thức uống từ cây cỏ
Xu hướng tự làm nước giải nhiệt tự nhiên từ cây cỏ hiện nay đang rất được ưa chuộng, đặc biệt là trong những ngày hè, khi mà nhu cầu nước của cơ thể gia tăng rất lớn…
Từ xa xưa, nước mía, râu ngô, đỗ đen v.v.. đã là các thức uống thanh nhiệt kinh điển. Đây là những đồ uống thanh nhiệt bổ dưỡng và an toàn trong ngày hè, đặc biệt là đối với những ai có thể chất“thiên nhiệt”.
Nước dừa
Theo Đông Y, nước dừa thuộc tính âm, có tác dụng giải nhiệt, làm mát, làm mềm yếu gân cơ và hạ huyết áp. Nước dừa vì vậy đã trở thành lựa chọn của nhiều người để giải nhiệt và đặc biệt là trong các công cuộc làm đẹp da, kể cả từ khi các bé chưa ra đời. Nước dừa cũng là thức uống hoàn hảo giúp bổ sung điện giải và nước ngay sau khi luyện tập.
Bạn chỉ cần mua một quả dừa, đổ nước dừa ra cốc, rồi nạo chút cơm dừa non vào, sau đó bổ sung ít đường và đá lạnh là một món giải khát vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng đã sẵn sàng. Khi uống nước dừa, tránh uống vào buổi tối và dùng với nước đá, bởi ba yếu tố âm cộng lại (nước dừa, nước đá, ban đêm) thì lợi bất cập hại.
Nước chanh tươi
Nước chanh luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu nếu bạn muốn giải nhiệt ngày hè. Quả chanh có vị chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, chống nôn, sát trùng, sáng mắt, chữa ho, lợi tiêu hóa. Bởi vậy đây là loại quả có khả năng giải khát rất tốt.
Bên cạnh đó chanh còn có tác dụng giải độc gan, vitamin C trong chanh có thể làm giảm các vết thâm, đốm trên da, cải thiện các nếp nhăn, đồng thời tăng cường sức đề kháng. Chanh có thể kết hợp với mật ong, bạn có thể vắt lấy nước nửa quả chanh tươi, 1-2 thìa cà phê mật ong, pha với một cốc nước ấm để uống vào buổi sáng.
Tuy nhiên, chanh có vị chua và tính axit. Người bị dạ dày, đường ruột nếu dùng chanh tươi do thì có thể loét dạ dày ở mức nhẹ hoặc nặng. Trong trường hợp này, nước chanh tươi pha loãng sẽ làm giảm mạnh axít, nên cũng ít kích ứng dạ dày.
Nước sắn dây
Nhắc đến các loại nước uống làm mát cơ thể, thì chúng ta không thể nào bỏ qua nước sắn dây. Theo Đông Y, đây là loại củ có tính bình, vị ngọt mát, được sử dụng để giải khát, chữa mụn nhọt, sốt lỵ… Do đó, vào những ngày nắng nóng, bạn nên thường xuyên uống nước sắn dây. Chúng sẽ giúp thanh lọc, giải độc cho cơ thể của bạn.
Ngoài ra, sắn dây còn có tác dụng chống co giật, hạ sốt, tăng cường nhu động dạ dày ruột, làm giãn mạch vành, chống loạn nhịp tim, hạ huyết áp và làm giảm nồng độ đường huyết.
Tuy nhiên theo như Đông Y thì hàn tính của sắn dây khá mạnh, do vậy trẻ em nên dùng sắn dây chín và không nên sử dụng quá nhiều để tránh tình trạng lạnh bụng, tiêu chảy.
Nước mía
Nước mía là một sự lựa chọn không thể bỏ qua trong những ngày hè. Với vị ngọt thơm, dễ uống, nước mía được biết đến với nhiều công dụng khác nhau. Theo Đông Y, mía vị ngọt, tính lạnh, bổ phế, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, sinh tân nhuận táo, lợi liệu, tiêu trừ mệt mỏi, trợ giúp tiêu hoá.
Tuy nhiên cần lưu ý mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh tiểu đường không nên dùng nhiều.
Nước râu ngô
Từ lâu, dân gian đã biết sử dụng râu ngô nấu nước uống để lợi tiểu, điều trị cao huyết áp, viêm bàng quang, sỏi thận, viêm túi mật, viêm gan gây cản trở bài tiết mật, thấp khớp, viêm khớp, tiểu đường, cao huyết áp. Chưa hết, với đặc điểm là có vị ngọt, tính bình nên khi nấu nước uống hàng ngày cũng mang lại tác dụng giải nhiệt rất tốt.
Nước đỗ đen
Theo y học cổ truyền, đỗ đen có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm đẹp da. Ngoài ra đỗ đen có thể chữa được nhiều chứng bệnh khác nữa như lở loét, làm sáng mắt, chữa mụn nhọt, sốt, cảm nắng, say nắng.
Đậu đen có thể đun sôi lấy nước uống. Hoặc để tiện hơn, bạn có thể rang đỗ đen cho thơm, sau đó bỏ vào lọ kín dùng dần. Khi uống chỉ cần cho đỗ đen đã rang vào ấm, đổ nước sôi vào và hãm như hãm chè.
Những thức uống tự nhiên vừa an toàn, đơn giản và bổ dưỡng chắc chắn sẽ là lựa chọn yêu thích của mọi nhà trong mùa nóng. Tuy đây là đồ uống tự nhiên nhưng đều có tính hàn nên khi sử dụng chúng ta cũng cần lưu ý một vài điểm.
Đại Hải thực hiện