Đức tìm cách khôi phục sự hiện diện ngoại giao và thương mại của EU ở châu Phi
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã hồi sinh nỗ lực nhằm gấp rút gây dựng lại sự hiện diện ngoại giao và thương mại đang dần suy yếu của EU ở châu Phi, trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga tại một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới.
Trong chuyến thăm chính thức kéo dài từ ngày 04 đến ngày 07/05 của Thủ tướng Scholz tới Ethiopia và Kenya — lần thứ hai ông tới lục địa này trong vòng chưa đầy một năm kể từ khi nhậm chức — ông đã đưa ra lời đề nghị để Liên minh Phi Châu (AU) gia nhập G20, cũng như thảo luận về hợp tác kinh tế và các thách thức toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.
Nhưng do xảy đến trong bối cảnh xung đột đang diễn ra gay gắt ở Sudan và Ukraine — và sau cuộc chiến kéo dài hai năm ở Ethiopia — chuyến thăm của thủ tướng Đức đã làm dấy lên các đánh giá khác nhau từ giới phê bình.
Bà Teniola Tayo, Nghiên cứu viên về Chính sách Thương mại tại Viện Nghiên cứu Chính sách Phi Châu (APRI) ở Berlin, cho rằng chuyến thăm này là “quá ít và quá muộn màng” đối với ông Scholz, người xem đây là cơ hội để đính chính tuyên truyền của Nga — vốn biện minh cho cuộc chiến của họ với Ukraine như là kết quả của sự mở rộng nhiệt thành từ phía NATO.
Theo nhà phân tích chính sách này, nguyên nhân cho nhận định kể trên là diễn ngôn công khai của người dân Phi Châu phần lớn đã không còn nói về cuộc chiến ở Ukraine nữa.
“Đã có những cuộc khủng hoảng khác ở châu Phi, chẳng hạn như cuộc xung đột thu hút nhiều sự chú ý hơn đang diễn ra ở Sudan,” bà Teniola nói với The Epoch Times qua một ứng dụng nhắn tin.
“Cũng có thể còn nhiều cách hiệu quả hơn để đính chính một số tin giả tồn tại trong không gian công cộng ở châu Phi, vì các nhà lãnh đạo mà ông Scholz nói chuyện cùng nhiều khả năng đã biết tình huống thực tế và không dễ chịu ảnh hưởng từ những luận điệu hùng biện phổ biến.”
Theo ông Paul Nantulya, Phụ tá Nghiên cứu và là Chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Phi Châu (ACSS) thuộc Đại học Quốc phòng (NDU), chuyến thăm của ông Scholz không phải là không liên quan đến “sự tái can dự chiến lược” của châu Âu với châu Phi do mối lo ngại lan rộng về việc châu Âu ngày càng không quan tâm đến lục địa này.
Ông Nantulya nói với The Epoch Times rằng châu Âu đã can dự vào châu Phi trong nhiều thập niên và luôn là đối tác “chiến lược” và “có giá trị nhất” của lục địa này từ rất lâu trước khi Trung Quốc trỗi dậy trên lục địa này vào những năm 2000 theo khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC).
“Chuyến thăm cũng được thúc đẩy bởi mong muốn thể hiện cam kết của Đức trong việc nâng cao tiếng nói của châu Phi trong các vấn đề quốc tế — đặc biệt là lời kêu gọi cho một ghế thường trực của châu Phi trong G-20, chắc chắn sẽ gây được tiếng vang với các nước Phi Châu vì đó là điều mà họ vẫn luôn tranh đấu để đạt được kể từ khi ký kết bản Đồng thuận Ezulwini vào năm 2005, vốn là văn kiện nêu rõ quan điểm của châu Phi về cải tổ hệ thống quốc tế,” ông Nantulya nhận xét với The Epoch Times qua thư điện tử.
Một ghế trong G20 sẽ giúp một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới này có tiếng nói lớn hơn về các vấn đề trọng yếu như biến đổi khí hậu.
Ông Nantulya giải thích, việc lựa chọn Ethiopia trong vai trò ghế đại diện của AU, và Kenya với tư cách là một trong những thành viên có ảnh hưởng nhất của AU chắc chắn là được thông báo do sự thúc đẩy của Đức cho một vị trí có ảnh hưởng hơn trong các vấn đề quốc tế dành cho châu Phi.
“Các quốc gia Phi Châu có xu hướng phản đối sự thống trị của các cường quốc Tây Âu và Hoa Kỳ trong các mối bang giao quốc tế và do đó đôi khi ủng hộ Nga và Trung Quốc, những nước mà họ tin rằng đang tạo ra một thách thức — bất kể thách thức đó có là gì.”
Đồng thời, các quốc gia Phi Châu đa phần xem Nga hậu Xô Viết là “nước kế thừa” Liên Xô, nhà nước từ lâu đã ủng hộ cuộc tranh đấu giành độc lập ở châu Phi và cuộc chiến chống lại sự cai trị của một nhóm thiểu số người da trắng ở Nam Phi cũng như chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và Namibia.
Ông Nantulya cho biết, “Những ký ức này đã khắc sâu trong tư duy và thái độ chính trị của người dân Phi Châu thời hiện đại và không nên bị xem nhẹ. Điều này giải thích một phần hành vi bỏ phiếu của các quốc gia Phi Châu tại Liên Hiệp Quốc khi nói đến các cuộc bỏ phiếu liên quan đến Nga và việc nước này một lần nữa xâm lược Ukraine.”
Nhà nghiên cứu này gợi ý rằng lối thoát duy nhất là các quốc gia ở châu Phi, châu Âu, và Hoa Kỳ phải có “một cuộc đối thoại cởi mở và thẳng thắn về những bất bình trong lịch sử và thời đương đại của họ cũng như khẳng định những bất bình đó là có thực.”
Trong lúc dừng chân tại Ethiopia, Thủ tướng Đức đã gặp Thủ tướng Abiy Ahmed và lãnh đạo lâm thời của vùng Tigray, ông Gatchew Reda, và thảo luận về tiến trình bảo đảm hòa bình sau cuộc chiến tranh kéo dài hai năm đã tước đi sinh mạng của ít nhất 600,000 người.
Ông cũng gặp Chủ tịch Ủy ban Liên minh Phi Châu Moussa Faki Mahamat và thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Sudan, hợp tác kinh tế, và những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Khi ở Kenya, ông Scholz đã thảo luận về quan hệ thương mại và cách chấm dứt xung đột đang diễn ra ở Sudan, cũng như câu chuyện thành công của Kenya về sử dụng năng lượng tái tạo với Tổng thống William Ruto.
Ông Scholz cũng đã đến thăm nhà máy địa nhiệt lớn nhất châu Phi, tại hồ Naivasha, trong Thung lũng Tách giãn Lớn (Great Rift Valley) có hoạt động địa chất, là chìa khóa cho kế hoạch sản xuất hydro xanh của Kenya.
Ông nói: “Chúng tôi không có bất kỳ khu vực núi lửa nào như thế này ở Đức, nhưng chúng tôi có nhiều khu vực và địa hình có tiềm năng về năng lượng địa nhiệt.”
“Đó cũng là thứ mà chúng tôi có thể sử dụng ở Đức, và chúng tôi sẽ làm như vậy. Bởi vì có rất nhiều tiềm năng trong cách sản xuất năng lượng thân thiện với khí hậu này. Năng lượng địa nhiệt có thể thực hiện được ở nhiều nơi ở Đức hơn là người ta nghĩ ngày nay.”
Đối tác tốt hơn Trung Quốc
Chính phủ ở Berlin tin rằng châu Âu có thể trở thành đối tác tốt hơn cho châu Phi so với Trung Quốc. Kenya và Ethiopia là một trong những nước nhận các khoản vay lớn nhất từ Trung Quốc cho lục địa này.
Trong số các khoản vay đó có một khoản tài trợ cho dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của Kenya kể từ khi nước này giành được độc lập — một tuyến đường sắt nối giữa Nairobi và Mombasa. Dự án này đã gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn kể từ đó.
Trong các cuộc hội đàm ở Ethiopia và Kenya, ông Scholz đã thảo luận về thách thức giảm nợ và vai trò của Trung Quốc trong những nỗ lực đó.
Châu Phi là thành phần khu vực lớn nhất trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá 1 ngàn tỷ USD gây tranh cãi của Trung Quốc nhằm thiết lập lại thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã thu hút phản ứng dữ dội từ các nhà lãnh đạo châu Phi, những người cho rằng BRI đang tạo ra một vấn đề nợ không bền vững trong khi biến người dân Phi Châu thành nô lệ.
Vai trò của Trung Quốc trong tư cách là bên cho vay chính đối với nhiều quốc gia đang phát triển đang ngày càng trở thành một phần của cuộc cạnh tranh chiến lược rộng lớn hơn của nước này với Hoa Kỳ nhằm giành ảnh hưởng trên toàn cầu.
Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ đều đã đề nghị các giải pháp thay thế BRI của riêng mình, nhưng cả hai kế hoạch này đều dựa vào các bên cho vay tư nhân khiến triển vọng của các kế hoạch trở nên không chắc chắn.
Đức và các quốc gia Âu Châu khác đang ngày càng xem Bắc Kinh như một đối thủ cạnh tranh chiến lược và các quốc gia này đang chật vật để giảm sự phụ thuộc kinh tế của mình vào Trung Quốc — một bài học rút ra từ việc họ phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga.
Ông Tibor Nagy, cựu trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề Phi Châu đã gợi ý với The Epoch Times rằng Đức “quan tâm nhiều hơn” đến việc mở rộng quan hệ kinh tế với châu Phi, đặc biệt là các khoáng sản chiến lược — do ngành công nghiệp xe hơi lớn của nước này.
Ông nói: “Đó là lĩnh vực mà họ có thể xung đột với Trung Quốc — quốc gia mà như chúng ta đều biết, có quyền kiểm soát đối với hầu hết các khoáng sản chiến lược cần thiết cho việc sản xuất xe điện (EV).”
Quá phụ thuộc
Ông Kevin Jessip, chủ tịch của Liên minh Chiến lược Toàn cầu (GSA), có cùng quan điểm. Ông cho biết thêm rằng với những căng thẳng leo thang đến đỉnh điểm khi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nóng lên vì vấn đề Eo biển Đài Loan — và nóng lên về mặt địa chính trị do cuộc chiến của Nga với Ukraine — Đức hiện thấy mình “rất phụ thuộc” Trung Quốc trong hợp tác kinh tế liên quan đến các vấn đề khác nhau như an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.
“Đức không phải là quốc gia duy nhất nhận thấy mình quá phụ thuộc vào Trung Quốc,” ông Jessip nói với The Epoch Times trong một thư điện tử.
Ông nói: “Chuyến đi của Thủ tướng Scholz đầy tranh cãi.”
“Bất chấp sự phản đối từ nhiều người trong nội các và liên minh cầm quyền của mình, ông ấy đã thông qua một thỏa thuận gây tranh cãi cho phép công ty vận tải biển thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc COSCO mua gần 25% các bến cảng của Hamburg để tiếp tục mở rộng chuỗi cung ứng của các cảng thế giới do Trung Quốc kiểm soát trên toàn cầu.”
Ông Jessip phàn nàn về việc châu Phi, trong nhiều trường hợp, thất bại trong việc thể hiện “trách nhiệm giải trình” và “minh bạch” với một số quỹ của châu Âu và Hoa Kỳ, vốn được phân bổ cho nhu cầu của các nhóm người cụ thể.
Ông nói, “Trong loạt Hội nghị Bình đẳng cho Châu Phi do Đại học Liberty ở Hoa Kỳ tổ chức mới đây — có sự tham dự của các tổng thống, phó tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng tài chính, các doanh nghiệp, và các nghị sĩ — giờ đây đã có những lời kêu gọi thay thế Trung Quốc vì BRI chỉ gây ra một gánh nặng nợ mới và không bền vững, đang được sử dụng để đổi lấy quyền khai thác khoáng sản và các tài sản quốc gia khác của các quốc gia.”
“Liên minh Âu Châu sẽ nỗ lực đầu tư vào châu Phi, mặc dù ông Scholz đã đi một mình và không liên kết với các đối tác EU khác.”
Tận dụng cả phương Đông lẫn phương Tây
Cả nhà phân tích châu Phi Teniola Tayo và nhà nghiên cứu Paul Nantulya đều đồng ý rằng châu Phi có thể đạt được những thành tựu đáng kể nếu các nhà lãnh đạo của lục địa này có thể điều hướng giữa sự cạnh tranh của các cường quốc bên ngoài một cách khôn ngoan, với quyết tâm tối đa hóa lợi ích cho các quốc gia của họ.
Bà Teniola khuyên: “Các quốc gia Phi Châu không nên chọn đối tác này mà bỏ qua đối tác khác, mà nên điều hướng một cách chiến lược các nhóm lợi ích khác nhau trong khi tận dụng cơ hội cho nhu cầu của chính họ.”
Bà nói với The Epoch Times: “Có những điều mà phía Trung Quốc làm tốt, còn các quốc gia phương Tây thì phải chật vật mới làm được.”
“Ví dụ, người Trung Quốc thường có tốc độ khai triển nhanh hơn trong việc thi công các dự án. Ngược lại, các đối tác phương Tây yêu cầu các biện pháp trách nhiệm giải trình mạnh mẽ hơn và tài trợ nhiều hơn cho phát triển hướng tới cắt giảm các lĩnh vực xã hội ở các nước Phi Châu.”
“Các đối tác phương Tây cũng rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi xanh của châu Phi, với tư cách là nguồn cung cấp kiến thức chuyên môn và tài trợ cho khí hậu.”
Ông Nantulya nhớ lại, trước khi Trung Quốc tiến hành khai triển BRI, tài trợ cho cơ sở hạ tầng về cơ bản là “không có”, nhưng nhu cầu đối với loại tài trợ này là “rất cao.”
Ông nói, BRI của Trung Quốc do đó đã “buộc” châu Âu, Nhật Bản, và Hoa Kỳ phải thông qua các gói tài trợ cơ sở hạ tầng của riêng họ.
“Đây là một điều tốt cho châu Phi vì điều này làm giàu các lựa chọn cũng như nâng cao vị thế cho lục địa này, đồng thời huy động thêm nguồn tài chính để thu hẹp khoảng cách rất lớn về cơ sở hạ tầng là 100 tỷ USD mỗi năm.”
“Không một đối tác đơn lẻ nào có thể thu hẹp khoảng cách đó, vì vậy có rất nhiều cơ hội cho các quốc gia Phi Châu và khu vực tư nhân đàm phán các thỏa thuận về các cơ chế khác nhau hiện đang áp dụng.”
Ông Nantulya nói rằng Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản cũng đã “suy nghĩ lại” về các chương trình giáo dục, chuyên nghiệp hóa, và phát triển nguồn nhân lực của họ ở châu Phi trước những gói viện trợ rất lớn của Trung Quốc kể từ những năm 2000.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times