BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Các quan chức Nam Phi làm thân với chính phủ TT Biden khi căng thẳng leo thang do mối bang giao của Nam Phi với Trung Quốc và Nga
JOHANNESBURG, Nam Phi — Từ ngày 28/04, những quan chức cao cấp của chính phủ Nam Phi đã đến Hoa Thịnh Đốn để cố gắng ngăn chặn chính phủ Tổng thống (TT) Biden và các nghị sĩ Quốc hội trừng phạt nước này do mối bang giao ngày càng thân thiết với Trung Quốc, Nga, và các cường quốc đối đầu với Hoa Kỳ.
Phái đoàn này do cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Cyril Ramaphosa, ông Sydney Mufamadi dẫn đầu. Ông Mufamadi cũng là một thành viên hàng đầu của Đảng Hội nghị Dân tộc Phi Châu (African National Congress, ANC).
Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh có các mối lo ngại rằng việc Nam Phi vẫn tiếp tục từ chối lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraine đang đe dọa các mối quan hệ về kinh tế và chính trị của Nam Phi với Hoa Kỳ.
Trung Quốc và Liên Xô cũ đã hậu thuẫn cho cuộc chiến có vũ trang chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Đảng Hội nghị Dân tộc Phi Châu, và phong trào giải phóng lâu đời nhất của châu Phi này đã tuyên bố rằng những lý do như vậy là đủ để duy trì một “tình hữu nghị bền chặt” với Bắc Kinh và Moscow, “bất kể giá nào.”
Ông Chris Isike, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Pretoria, nói với The Epoch Times, “Cái giá đó có thể đến nhanh hơn nhiều so với những gì mà Đảng Hội nghị Dân tộc Phi Châu mong đợi, dưới hình thức Hoa Kỳ loại trừ Nam Phi khỏi AGOA.”
AGOA là Đạo luật Phát triển và Cơ hội Phi Châu của chính phủ Hoa Kỳ, được cựu Tổng thống Bill Clinton ký vào năm 2000. Đạo luật này cho phép các quốc gia Phi Châu ủng hộ những giá trị mà Hoa Thịnh Đốn xem là quan trọng, như dân chủ và nhân quyền, được tiếp cận với thị trường Hoa Kỳ mà không cần chịu thuế hoặc hạn ngạch cho một danh mục dài các sản phẩm.
Theo cổng thông tin trực tuyến AGOA của chính phủ Hoa Kỳ, trong năm 2022, Nam Phi đã xuất cảng hàng hóa trị giá 60 tỷ rands (gần 3.5 tỷ USD) sang Hoa Kỳ theo diện AGOA.
Ông Peter Fabricius, một chuyên gia độc lập về quan hệ quốc tế đang sinh sống tại Johannesburg, nói với The Epoch Times, “AGOA rất có lợi cho Nam Phi, đặc biệt là cho các nhà sản xuất xe hơi và lĩnh vực nông nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi xuất cảng rất nhiều xe hơi và trái cây, rau củ tươi sang Hoa Kỳ.”
“Việc là một thành viên trong AGOA cũng mang ý nghĩa biểu tượng, vì điều đó tạo niềm tin cho các quốc gia và nhà đầu tư khác đến kinh doanh với Nam Phi.”
Phát ngôn viên của Tổng thống Ramaphosa, ông Vincent Magwenya, nói với The Epoch Times rằng AGOA “chỉ là một phần” trong nhiệm vụ của phái đoàn tổng thống này tại Hoa Thịnh Đốn.
Ông Magwenya cho hay, “Rất nhiều trong số những cuộc thảo luận đã diễn ra vào cuối tuần này là các vấn đề còn đang dang dở xuất phát từ cuộc gặp giữa Tổng thống Ramaphosa và Tổng thống Biden tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng 09/2022.”
Ông Magwenya cho biết một trong những vấn đề này là việc Hoa Thịnh Đốn đề nghị giúp đỡ Nam Phi trong cuộc chiến chống lại quân nổi dậy liên minh với Nhà nước Hồi giáo ở các nước láng giềng Mozambique và Cộng hòa Dân chủ Congo; một vấn đề khác là sự bất đồng về lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Zimbabwe và việc Hoa Kỳ tăng thuế nhập cảng thép của Nam Phi.
Ông Magwenya nói, “Tôi muốn nhấn mạnh rằng phái đoàn của chúng tôi không đến Hoa Thịnh Đốn vì Tổng thống Ramaphosa lo sợ chúng tôi sẽ mất tư cách thành viên trong AGOA.”
Tuy nhiên, ông Fabricius cho biết rằng ông Ramaphosa sẽ không gửi một phái đoàn đặc biệt tới Hoa Thịnh Đốn nếu ông không lo lắng về điều gì đó có thể đe dọa đến mối bang giao Hoa Kỳ-Nam Phi trong tương lai.
Các quan chức cao cấp của ANC nói với The Epoch Times rằng chuyến công du của chính phủ Nam Phi đến Điện Capitol Hoa Kỳ đã không được “sắp đặt trước” và là “bất thường.”
Ông Fabricius nói rằng Pretoria rõ ràng có lý do để lo ngại, vì các thành viên quyền lực của Quốc hội Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng “muốn Nam Phi phải đối mặt với một số hậu quả” vì sự ủng hộ “liên tục và phi lý” của Nam Phi đối với các chế độ như Trung Quốc, Nga, và Iran.
Ông Fabricius nói, “Rõ ràng là ở Hoa Kỳ có rất nhiều người không hài lòng về chính sách của chúng tôi, đặc biệt là đối với Nga. Có cảm tưởng rằng từ một chính sách không liên kết, chúng tôi đã trở thành một đồng minh kiên định của Nga.”
“Cái gọi là lập trường trung lập của chúng tôi trong cuộc chiến ở Ukraine trước đây được người Mỹ chấp nhận một cách không tình nguyện, nhưng việc chính phủ của chúng tôi hiện rõ ràng đang nghiêng dần về phía Moscow và những đồng minh nổi bật khác của họ, đặc biệt là Trung Quốc, đang bị lên án ở Hoa Kỳ.”
Từ khi ANC không bỏ phiếu lên án cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 03/2022, thì mối bang giao giữa ANC và Hoa Thịnh Đốn đã trở nên căng thẳng.
ANC đã khăng khăng cho rằng họ là “không liên kết” và “trung lập” trong xung đột này, nhưng nhiều hành động của họ cho thấy sự ủng hộ ngầm cho Điện Kremlin. Ngoài ra, kể từ khi cuộc xung đột này bắt đầu, ông Putin đã vài lần gửi đến ANC lời mời cá nhân để đến thăm Moscow.
Ông Ramaphosa cũng đã mời lãnh đạo Nga đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên của các quốc gia khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) vào tháng Tám, bất chấp lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với ông Putin.
ICC đã ban hành một lệnh bắt giữ ông Putin vì các cáo buộc về tội ác chiến tranh.
Là một thành viên của ICC, Nam Phi sẽ bị buộc phải bắt giữ ông nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của nước này. Nhưng chính phủ nước này đã tuyên bố rằng họ không có ý định làm vậy, và lãnh đạo Nga vẫn sẽ được chào đón (tại Nam Phi).
Diễn đàn AGOA, một sự kiện thường niên có sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ các quốc gia thành viên Phi Châu cùng các quan chức thương mại cao cấp và các nghị sĩ Quốc hội của Hoa Kỳ, dự kiến sẽ được tổ chức tại Nam Phi vào tháng Chín, chỉ vài tuần sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Sự trùng hợp về thời gian như vậy là “đầy rủi ro” cho chính phủ Hoa Kỳ, theo ông Isike.
Ông nói, “Nếu ông Putin đến thăm Nam Phi mà không bị bắt giữ, và được xem như một anh hùng ở đây giống như trước đây, rồi tiếp theo người Mỹ đến… Chà, từ ngoài nhìn vào trông sẽ không tốt lắm cho họ.”
“Họ có thể sẽ phải chịu các hậu quả chính trị tại quê nhà nếu họ bị nhìn thấy đang tỏ ra thân thiện với một chính phủ vừa tổ chức một bữa đại tiệc với một trong những địch thủ lớn của họ.”
Pretoria cũng cho phép các tàu Nga bị trừng phạt neo đậu tại các cảng Nam Phi và gần đây đã đứng ra tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với các lực lượng hải quân của Trung Quốc và Nga. Tiếp đó, Nam Phi đã từ chối tham gia vào các cuộc tập trận “Cutlass Express” do Hoa Kỳ dẫn đầu trên bờ biển phía Đông và phía Tây của châu Phi.
“Đó là một sai lầm chiến lược,” ông Isike nói. “Điều đó chẳng có vẻ trung lập chút nào; mà trông như thể Pretoria ủng hộ Moscow và Bắc Kinh hơn là Hoa Thịnh Đốn, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi một số người Mỹ đang mất kiên nhẫn với Nam Phi.”
Ông Fabricius nói rằng những người “không hài lòng” với Nam Phi “chủ yếu” là các thành viên Đảng Cộng Hòa. “Chính phủ Đảng Dân Chủ cũng hơi bực tức. Nhưng ông Biden có xu hướng tương đối cảm thông,” ông nói.
Các dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ đã soạn thảo một nghị quyết lên án mối bang giao gắn bó của Nam Phi với Trung Quốc và Nga đồng thời kêu gọi chính phủ TT Biden đánh giá lại mối bang giao của họ với chính phủ ANC và đặc biệt là những lợi ích mà Nam Phi đạt được từ AGOA.
Ông Isike cho rằng ông không nghĩ Hoa Thịnh Đốn sẽ liều lĩnh khiến một quốc gia Phi Châu quan trọng bị đẩy về phe Nga-Trung hơn nữa bằng cách loại bỏ nước này khỏi AGOA, từ đó tước đoạt nghiêm trọng khả năng kinh doanh của Nam Phi tại Hoa Kỳ.
“Nếu Nam Phi không thể kiếm tiền tại Hoa Kỳ, thì họ có thể đến nơi nào khác? Thì đâu là lựa chọn tốt nhất tiếp theo đây? Vâng, đó chính là Trung Quốc,” ông nói. “Ít nhất nếu người Mỹ để Nam Phi ở lại AGOA, thì họ vẫn còn một loại ảnh hưởng nào đó đối với nước này.”
Ông cũng chỉ ra rằng ANC đang làm điều mà không có quốc gia phương Tây nào có thể làm được: thường xuyên gặp gỡ chính phủ Nga tại Moscow.
Ông Isike nói: “Nam Phi có một lợi thế mà có thể có lợi cho Hoa Kỳ, đó là Nam Phi có khả năng đàm phán với Nga và giúp giải quyết cuộc xung đột này theo cam kết của Nam Phi về một giải pháp hòa bình.”
“Thực chất, Nam Phi có các mối liên kết với Ukraine và Nga và tôi nghĩ rằng điều đó cung cấp cơ hội giúp Hoa Kỳ có một mối liên kết để giúp giải quyết xung đột này, dù là gián tiếp đến mức độ nào.”
Ông Magwenya cho biết ông Ramaphosa thường xuyên liên lạc với ông Biden và các quan chức cao cấp khác của Hoa Kỳ.
Ông “[Không ai] nhất quyết trừng phạt chúng tôi vì bất cứ điều gì chúng tôi đã làm hoặc chưa làm.”
“Tổng thống Biden đánh giá cao việc Tổng thống Ramaphosa có một kết nối mở với Tổng thống Putin và Tổng thống [Ukraine] Zelensky.”
Ông Magwenya cho biết các quan chức chính phủ Nam Phi đang thường xuyên đến Moscow với nhiều mục đích, bao gồm kêu gọi ông Putin hành động vì một “kết thúc hòa bình” cho cuộc xung đột này.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga vẫn tiếp tục khẳng định rằng ông sẽ đạt được một chiến thắng quân sự tại Ukraine.
Ông Isike nói: “Nam Phi cần nhận định thận trọng về mối bang giao của họ với Nga từ một quan điểm về lợi ích quốc gia, từ một quan điểm về kinh tế.”
“Ai đang mang lại lợi ích cho nước này? Chính châu Âu và Hoa Kỳ đang mang lại lợi ích cho nước này. Năm 2021, một năm vô cùng khó khăn cho giao thương toàn cầu do đại dịch, Mỹ và Nam Phi đã có 21 tỷ USD mậu dịch. Nam Phi xuất cảng một ít trái cây và rau củ sang Nga, nhưng nước này rất ít nhập cảng từ Nga. Nga hầu như chẳng đóng góp gì cho nền kinh tế nước này.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times