Gói viện trợ trị giá 8 tỷ USD của Liên minh Âu Châu dành cho Ai Cập gây tranh cãi
Một phần của thỏa thuận này là nhằm ngăn chặn dòng người di cư sang châu Âu nhưng các tổ chức giám sát cho rằng thỏa thuận này đã coi nhẹ tiểu sử và hành vi áp bức nhân quyền của chính phủ Tổng thống El-Sisi.
YAOUNDE, Cameroon — Liên minh Âu Châu đã bảo vệ mạnh mẽ một hành động gần đây của mình khi cung cấp tài chính cho Ai Cập để đổi lấy việc hạn chế hoạt động di cư.
Đã có nhiều chỉ trích cho rằng việc làm này vi phạm luật nhân đạo.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times, Cơ quan Phát ngôn của Ủy ban Liên minh Âu Châu (SPP) đã khẳng định lại mong muốn của khối 27 quốc gia này trong việc nâng cao mối quan hệ với Ai Cập lên mức “đối tác chiến lược và toàn diện” trên mọi lĩnh vực, đồng thời xây dựng mối quan hệ dựa trên Thỏa thuận Hiệp hội 2004 và Ưu tiên Đối tác 2022.
Vào cuối tháng trước (03/2024), các nhà lãnh đạo EU đã ký một thỏa thuận trị giá 7.4 tỷ Euro (8 tỷ USD) với Ai Cập nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế đang suy thoái của quốc gia Bắc Phi này cũng như ngăn chặn dòng người di cư sang châu Âu.
Thỏa thuận mối quan hệ đối tác chiến lược EU-Ai Cập trong 3 năm này sẽ bao gồm các khoản vay ưu đãi trị giá 5.45 tỷ USD để trợ giúp thay đổi kinh tế, 1.96 tỷ USD để trợ giúp đầu tư từ khu vực tư nhân và 654 triệu USD tiền tài trợ, bao gồm 218 triệu USD để quản lý hoạt động di cư.
SPP nói với The Epoch Times qua một thư điện tử: “Di cư là một hiện tượng toàn cầu phải được giải quyết với sự hợp tác của các quốc gia nơi xuất phát, quốc gia quá cảnh, và quốc gia nơi đích đến, đồng thời việc này phải được quản lý với sự tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế.”
“Điều này hoàn toàn phù hợp với Hiệp ước về Di cư và Tị nạn của EU, mà hiệp ước này vốn kêu gọi phát triển mối quan hệ đối tác di cư để giải quyết hiện tượng này.”
Thư điện tử viết: “Với mối quan hệ đối tác này, EU có mục tiêu là trợ giúp Ai Cập và người dân nước này giải quyết các cuộc khủng hoảng khác nhau mà nước này đang phải đối mặt, bảo vệ sự thịnh vượng và ổn định chung cũng như đồng hành cùng sự phát triển kinh tế xã hội và cải tổ kinh tế vĩ mô của Ai Cập.”
EU đã ký các hiệp ước tương tự với Mauritania, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác kể từ năm 2016 khi khối liên minh này tìm cách giảm số lượng người đến đây một cách không chính quy.
Giống như các thỏa thuận trước đó, các nhóm nhân quyền đã chỉ trích mạnh mẽ hiệp ước mới nhất này là phớt lờ luật nhân đạo.
Bà Emily O’Reilly, một nhà giám sát nhân quyền của Liên minh Âu Châu, đã nêu ra mối lo ngại lớn đầu tiên. Bà khẳng định các hiệp định hợp tác như vậy phải tính đến vấn đề nhân quyền đồng thời nêu rõ biện pháp khắc phục trong trường hợp xảy ra vi phạm.
Bà O’Reilly nói trong bài diễn văn trước ủy ban điều hành EU, nơi giải quyết các thỏa thuận tương tự: “Bởi vì nếu không thì dường như tiền đang được trao đi mà không có điều kiện nào, nhưng chuyện gì diễn ra tiếp theo thì lại có vẻ không rõ ràng.”
Bà Emily Wigens, giám đốc EU của tổ chức vận động quốc tế ONE Campaign về hành động nhằm chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực, cũng có cùng quan điểm.
Bà Wigens mô tả gói viện trợ của EU dành cho Ai Cập là “sự tiếp nối đáng tiếc” của một xu hướng đáng lo ngại là EU thỏa hiệp các giá trị cốt lõi của mình để đạt được lợi ích chính trị ngắn hạn.
Bà Wigens nói với The Epoch Times trong một thư điện tử: “Những thỏa thuận này, cùng với việc sửa đổi ngân sách 7 năm gần đây của EU, đánh dấu một bước ngoặt cho chương trình ‘Châu Âu toàn cầu’ (Global Europe)”
Bà nói: “Việc để các đối tác quốc tế của khối phải gánh chịu các chi phí cho các ưu tiên nội bộ như di cư là thiển cận và có nguy cơ làm tổn hại đến uy tín và sự phù hợp của EU trong một thế giới ngày càng cạnh tranh.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã chỉ trích thỏa thuận “trả tiền để kiểm soát hoạt động di cư” mới nhất này với Ai Cập, nói rằng thỏa thuận này như đang “trao phần thưởng cho nhà lãnh đạo chuyên quyền của Ai Cập” — Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi.
Đồng thuận với quan điểm này, Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Âu Châu đừng đồng lõa với những vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Ai Cập.
Tuy nhiên, cơ quan phát ngôn của EU đã phản bác lại, và tuyên bố rằng nhân quyền vẫn là “ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ của chúng tôi với Ai Cập.”
SPP viết cho The Epoch Times trong thư điện tử: “Chúng tôi luôn nói rõ với các đối tác Ai Cập rằng việc cải thiện tình hình nhân quyền ở Ai Cập sẽ tác động tích cực đến mối quan hệ song phương giữa chúng tôi.”
“Hơn nữa, các vấn đề nhân quyền sẽ được nêu ra một cách có hệ thống ở mọi cấp độ và diễn đàn, được sử dụng làm chuẩn mực cho các cam kết nhân quyền quốc tế cũng như các mục tiêu đã tuyên bố của Ai Cập trong Chiến lược Nhân quyền Quốc gia.”
Chỉ một tuần sau thỏa thuận mang tính bước ngoặt này giữa EU và Ai Cập, một nhóm gồm 27 tổ chức phi chính phủ quốc tế — trong số đó có Diễn đàn Nhân quyền Ai Cập (EHRF), Người Tị nạn Quốc tế, Người tị nạn Quốc tế và Cơ quan Hành động vì Quyền Phụ nữ Sudan (SUWRA) — đã buộc tội chính phủ Ai Cập vì đã bắt bớ và giam giữ những người Sudan tị nạn và xin tị nạn trong điều kiện vô nhân đạo, đưa họ ra xét xử đầy bất công, cũng như ép buộc trao trả họ về lại Sudan một cách vi phạm hiến pháp Ai Cập và các nghĩa vụ quốc tế.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hiệp Quốc, Ai Cập hiện đang tiếp đón 9 triệu người tị nạn và người di cư (khoảng 10% trong tổng số khoảng 106 triệu người), trong đó có 4 triệu người từ Sudan và 1.5 triệu người Syria.
Ai Cập là một trong những điểm trung chuyển chính của người di cư từ Bắc Phi tới châu Âu và đang nhanh chóng trở thành quốc gia trung chuyển cho những người di cư từ quốc tế mong muốn đến được các điểm khởi hành ven biển để đến châu Âu với các biện pháp tuần tra biển kém hiệu quả hơn, đơn cử như Libya.
Cairo đã nhiều lần nói rằng họ xứng đáng được công nhận vì đã ngăn chặn phần lớn tình trạng di cư bất thường từ bờ biển phía bắc kể từ năm 2016.
Các đảo Crete và Gavdos của Hy Lạp đã chứng kiến lượng người nhập cư tăng mạnh trong những tháng gần đây — chủ yếu đến từ Ai Cập, Bangladesh, và Pakistan — làm dấy lên lo ngại về tuyến đường buôn lậu mới ở Địa Trung Hải.
EU cũng phải đối mặt với sự gia tăng số lượng người di cư đến qua Biển Địa Trung Hải trong năm 2023 sau khi tạm lắng vào năm 2022. Các quan chức EU bày tỏ lo ngại con số này sẽ tăng trở lại vào năm 2024.
Sáu trụ cột của thỏa thuận EU-Ai Cập
Gói tài chính và đầu tư trị giá 8 tỷ USD có sáu lĩnh vực là “mối quan tâm chung” đối với EU và Ai Cập: Đối thoại chính trị chuyên sâu, ổn định kinh tế vĩ mô, đầu tư và thương mại bền vững, di cư và di chuyển, an ninh, và phát triển nguồn nhân lực.
Về vấn đề di cư, cơ quan phát ngôn giải thích, EU và Ai Cập sẽ hợp tác theo “cách toàn diện”, tập trung giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư bất hợp pháp, bảo vệ, chống đưa lậu người di cư và buôn bán người, tăng cường quản lý biên giới, và bảo đảm nhân phẩm cùng sự hồi hương và tái hòa nhập bền vững cũng như con đường hợp pháp.
Cơ quan phát ngôn của Ủy ban EU nêu chi tiết hơn: “Ủy ban — thay mặt EU — và chính phủ Ai Cập sẽ thống nhất về một loạt biện pháp cải tổ cấu trúc cụ thể, được xác định trong hai Biên bản ghi nhớ, một cho mỗi hoạt động trong số hai hoạt động đó.
Gói viện trợ ‘lẽ ra phải có từ lâu’
Trong khi đó, trên khắp Ai Cập, các nhà hoạt động chính trị và nhà phân tích đã mô tả gói hỗ trợ gần đây của EU là đáng ra phải có từ lâu, đồng thời bày tỏ mong muốn xem gói này sẽ tác động đến người tị nạn, người di cư và nước sở tại của họ như thế nào.
Ông Ibrahim El Nattar, Phó Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Kinh tế Xã hội Ả Rập Phi Châu (AACSED) cho biết thỏa thuận này có khả năng “hỗ trợ sự ổn định” trong toàn khu vực thông qua công việc chung về kiểm soát nhập cư.
Ông El Nattar nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Không có chỗ cho những lời chỉ trích đối với một nỗ lực [cao quý] như vậy.”
Đại sứ, Tiến sĩ Mohamed Abd El Ghaphar, chủ tịch Ủy ban Toàn cầu Phong trào Liên Châu Phi tại các nước Bắc Phi và thế giới Ả Rập, cho biết thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Ai Cập và EU — sau các thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ, Nga, và Trung Quốc — là một “bước quan trọng” sẽ giúp giải quyết “một số khía cạnh của vấn đề di cư.”
Ông Ghaphar nói với The Epoch Times qua điện thoại: “Người di cư ở Ai Cập sống tự do ở các thành phố khác nhau trong cộng đồng dân cư và được hưởng các dịch vụ và dịch vụ hỗ trợ giống như người bản xứ trong các lĩnh vực như việc làm, trợ cấp tài chính, học tập, học bổng, chăm sóc sức khỏe.”
“Sự hiện diện của họ gây quá tải cho các vấn đề an ninh, kinh tế, và xã hội của Ai Cập. Chúng tôi cần phải hạn chế họ, cũng như hạn chế giới trẻ đầy tham vọng của chúng tôi nhập cư bất hợp pháp qua biên giới hoặc vượt biển đến châu Âu, nơi có các nhà nước phúc lợi gần nhất,” ông nói.
Về phần mình, ông Mohamed Zayed, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Kinh tế Xã hội Ả Rập Phi Châu (AACSED) và Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế (ICLEG), cho biết cái giá phải trả cho thỏa thuận hợp tác chung mới giữa châu Âu và Ai Cập sẽ chẳng là gì so với cái giá phải trả nếu không có “sự hợp tác tài chính và chính trị kịp thời, thông minh và mạnh mẽ như vậy.”
“Chủ tịch EU — cùng với các nhà lãnh đạo của Bỉ, Ý, Áo, Cyprus, và Hy Lạp — hiểu rõ tác động của việc không hành động chung với Ai Cập nhằm trấn áp và kiểm soát tác động tiêu cực rõ ràng của những người di cư mà số lượng của họ đã tăng lên rất nhiều trong những năm gần đây do các cuộc xung đột khu vực, phần lớn xuất phát từ một số nhà hoạch định chính sách phương Tây hiện đang làm việc tại Tòa Bạch Ốc và những nơi khác,” ông Zayed nói với The Epoch Times trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại.
Ông cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu và các đối tác tài chính khác đều hiểu tầm quan trọng và ý nghĩa của việc không thiết lập một nỗ lực chung trên mọi phương diện (an ninh chính trị, kinh tế, và chiến lược).
Tuệ Minh lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times