Đức quốc hữu hóa đại tập đoàn khí đốt để ngăn chặn sự sụp đổ của ngành năng lượng
Hôm 21/09, Đức đã quốc hữu hóa Uniper, công ty tiện ích và là nhà nhập cảng khí đốt tự nhiên lớn nhất của nước này, trong một hành động nhằm giữ cho ngành năng lượng trong nước tồn tại và ngăn chặn sự sụp đổ của ngành năng lượng.
Chính phủ Berlin trước đó đã cung cấp gói cứu trợ tăng vốn cho nhà nhập cảng khí đốt lớn nhất của họ hồi tháng Bảy với khoản vay cứu trợ trị giá 14.95 tỷ USD, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng diễn ra trên toàn thế giới do cuộc chiến ở Ukraine.
Chính phủ Đức hiện sẽ mua 56% cổ phần mà tập đoàn Fortum của Phần Lan nắm giữ với giá 501 triệu USD.
Theo trang web của Uniper, thương vụ này sẽ bơm khoảng 7.9 tỷ USD vào công ty thông qua việc tăng vốn lên 1.68 USD/cổ phiếu.
Fortum thông báo trong một tuyên bố, “Kể từ khi gói bình ổn cho Uniper được đồng ý vào tháng Bảy, tình hình của Uniper đã xấu đi nhanh chóng và đáng kể; vậy nên, các biện pháp mới để giải quyết tình hình đã được thông qua.”
Ngân hàng nhà nước KfW của Đức, vốn đã cung cấp một mức tín dụng trị giá 12.84 tỷ USD, sẽ cung cấp thêm tài chính cho Uniper, tùy theo nhu cầu thanh khoản của họ cho đến khi thỏa thuận được ký kết.
Theo Bloomberg, gói giải cứu này sẽ tiêu tốn của chính phủ tổng cộng khoảng 29 tỷ USD.
Hành động này sẽ trao cho chính phủ cơ hội kiểm soát 98.5% cổ phần trong công ty tiện ích lớn nhất Đức.
“Thỏa thuận về gói ổn định sửa đổi: chính phủ liên bang mua lại ~99% cổ phần của Uniper,” công ty này viết trong một tweet.
“Chính phủ liên bang, Uniper, và Fortum hôm nay đã đồng ý về việc sửa đổi gói các biện pháp được công bố vào ngày 22/07/2022.”
Hậu quả của sự phụ thuộc năng lượng
Công ty này đã phải đối mặt với các vấn đề tài chính vài tháng trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, khi họ vay 9.8 tỷ USD hồi tháng Một để chi trả cho các lệnh gọi ký quỹ.
Công ty có trụ sở tại Dusseldorf này đã thua lỗ 8.4 tỷ USD liên quan đến khí đốt trong tổng số 11.8 tỷ USD tiền lỗ trong năm nay, sau khi giá các nguồn năng lượng thay thế tăng vọt.
“Thỏa thuận hôm nay cung cấp sự rõ ràng về cơ cấu sở hữu, cho phép chúng tôi tiếp tục kinh doanh và hoàn thành vai trò của mình với tư cách là nhà cung cấp năng lượng quan trọng cho hệ thống,” Giám đốc điều hành Uniper Klaus-Dieter Maubach cho biết hôm 21/09. “Điều này bảo đảm cung cấp năng lượng cho các công ty, tiện ích thành phố, và người tiêu dùng.”
Theo Bloomberg, khoản lỗ của Uniper có thể sẽ vượt 17.7 tỷ USD trong năm nay.
Uniper sẽ tổ chức một cuộc họp cổ đông khẩn cấp vào quý 4 để cho ra phiên bản cuối cùng của thỏa thuận này, sau đó sẽ đệ đơn xin chấp thuận của Ủy ban Âu Châu để có thể tiến hành.
Công ty tiện ích này hiện sẽ giữ lại các tài sản thủy điện và hạt nhân của Thụy Điển, cho phép Fortum lần đầu tiên có quyền từ chối cho đến cuối năm 2026 nếu những tài sản đó được đưa ra bán.
Fortum sẽ rút cổ phần kiểm soát của mình tại Uniper trong quý này, và sẽ được giải phóng khỏi dòng bảo lãnh trị giá 3.95 tỷ USD, đồng thời khoản vay cổ đông 3.95 tỷ USD của họ cho công ty tiện ích Đức sẽ được Berlin hoàn trả đầy đủ đến cuối năm nay sau khi thỏa thuận được hoàn tất.
Ông Markus Rauramo, Giám đốc điều hành Fortum cho biết: “Trong hoàn cảnh hiện tại của thị trường năng lượng Âu Châu cũng như nhận thức được mức độ nghiêm trọng về tình hình của Uniper, việc thoái vốn của Uniper là bước đi đúng đắn, không chỉ đối với Uniper mà còn đối với Fortum.”
Ông Rauromo nói, “Vai trò của khí đốt ở Âu Châu về căn bản đã thay đổi kể từ khi Nga tấn công Ukraine, và triển vọng đối với danh mục đầu tư nhiều vào khí đốt cũng vậy. Kết quả là, lập luận của việc kinh doanh kiểu một nhóm tích hợp không còn khả thi nữa.”
Khí đốt của Nga và các biện pháp trừng phạt của phương Tây
Uniper đang đứng trên bờ vực phá sản sau khi Nga cắt giảm mạnh dòng khí đốt sang Âu Châu do các lệnh trừng phạt của phương Tây, khiến giá năng lượng tăng vọt.
Ông Maubach nói với CNBC hồi đầu tháng Chín rằng: “Những gì chúng tôi thấy trên thị trường bán buôn cao gấp 20 lần mức giá mà chúng tôi thấy cách đây hai năm.”
Việc mất đi nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Âu Châu trong mùa đông cần sưởi ấm đang gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng và giá cả tăng trên khắp châu lục, đưa các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu vào tình trạng hoảng loạn.
Hồi đầu tháng này (09/2022), công ty năng lượng của Nga, Gazprom, đã đình chỉ các dòng khí đốt đến Âu Châu qua đường ống Nord Stream 1, điều này đã đẩy công ty tiện ích của Đức vào bờ vực phá sản.
Đại tập đoàn năng lượng của Nga cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt đang ngăn cản công ty này vận hành đường ống một cách hiệu quả, vậy nên đường ống này sẽ được cho ngừng hoạt động để bảo trì vô thời hạn.
Đức, giống như phần lớn Âu Châu, hiện đang nỗ lực kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu nhằm đảo ngược chính sách năng lượng kéo dài hàng thập niên khiến nước này phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Quyết định ngừng vận chuyển khí đốt của Gazprom được đưa ra ngay sau khi các quốc gia G-7, bao gồm cả Đức, ủng hộ kế hoạch đề nghị giới hạn 15% đối với giá dầu của Nga để giảm sự phụ thuộc.
Nội các của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết họ quyết tâm bảo đảm sự tồn tại của các công ty tiện ích trong suốt mùa đông, vì cuộc khủng hoảng năng lượng có thể trở nên tồi tệ hơn khi nhiệt độ giảm và hiện đang đàm phán để giành quyền kiểm soát hai nhà cung cấp khí đốt còn lại của mình.
Các gia đình và doanh nghiệp trong toàn khối, đặc biệt là ở Đức, đã đang đối mặt với tình trạng phá sản trước mùa đông.
Các chính phủ ở Âu Châu đã chi hàng trăm tỷ dollar trong khoản chi tiêu công để cứu vãn cuộc khủng hoảng này.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times