Đại sứ quán Trung Quốc thừa nhận nỗ lực cản trở các buổi biểu diễn Shen Yun ở Nam Hàn
Dân biểu Hoa Kỳ Malliotakis nói: “Chúng tôi không đánh giá cao việc một vũ đoàn Mỹ không được phép biểu diễn ở đó vì áp lực từ Trung Quốc cộng sản.”
Trong nhiều năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ngấm ngầm gây áp lực lên các rạp hát ở Nam Hàn và trên toàn thế giới để những địa điểm này không đón tiếp Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun có trụ sở tại New York đến biểu diễn.
Giờ đây, một quan chức cộng sản Trung Quốc đã chính thức lên tiếng thừa nhận rằng chính quyền này đang tích cực cố gắng cản trở công ty Hoa Kỳ này đến biểu diễn tại Nam Hàn.
Ông Trương Gia Phàm (Zhang Jiafan), nhân viên quan hệ công chúng của Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul, nói với hãng thông tấn NTD của The Epoch Times: “Đại sứ quán Trung Quốc đã thông báo cho phía Nam Hàn về lập trường của Trung Quốc đối với chương trình biểu diễn Shen Yun.”
“Chúng tôi đã nói với họ rằng việc Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun … nộp hồ sơ yêu cầu cấp giấy phép để biểu diễn tại một nhà hát Nam Hàn là bất hợp pháp. Đây là quan điểm của chúng tôi.”
Đây là lần hiếm hoi mà chính quyền Trung Quốc thừa nhận về chiến dịch cưỡng ép để nghiêng cán cân chính sách theo hướng có lợi cho mình cũng như thừa nhận về mức độ ảnh hưởng của họ trong việc trấn áp các công ty — ngay cả trên đất ngoại quốc.
Có trụ sở tại New York, sứ mệnh của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun là giới thiệu 5,000 năm di sản Trung Hoa thông qua âm nhạc và múa cổ điển. Năm nào tám công ty của họ cũng đều đi lưu diễn vòng quanh thế giới tại các nhà hát hàng đầu như Trung tâm Lincoln ở New York, Nhà hát Opera của Trung tâm Kennedy ở Hoa Thịnh Đốn, và Palais des Congrès ở Paris.
Shen Yun đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch không ngừng nghỉ kéo dài gần hai thập niên của ĐCSTQ. Đảng này đã thực hiện các cuộc điện thoại, gửi thư từ, đích thân viếng thăm, và sử dụng các phương pháp khác để làm gián đoạn các buổi biểu diễn của Shen Yun.
Shen Yun bị cấm biểu diễn ở Trung Quốc vì chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật này khắc họa văn hóa cổ điển Trung Hoa và những nỗ lực của Đảng Cộng sản nhằm phá hủy nền văn hóa đó, bao gồm cả việc đàn áp những người có đức tin như các học viên Pháp Luân Công.
Quan chức Đại sứ quán Trung Quốc kể trên khẳng định rằng các quan chức Trung Quốc “chưa bao giờ đe dọa” các tổ chức và quan chức chính phủ Nam Hàn, đồng thời khẳng định, “Chúng tôi chỉ nói với họ sự thật mà họ không biết.”
Các tài liệu mà The Epoch Times thu được cũng đã làm sáng tỏ các chiến thuật cưỡng ép của Bắc Kinh.
Những chiến thuật này thường bao gồm những lời đe dọa đối với các rạp hát từ đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Hàn, mô tả những hậu quả về tài chính và ngoại giao nếu họ quyết định để Shen Yun thuê rạp diễn.
Trong một trường hợp, Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Incheon của Nam Hàn đã từ chối hồ sơ đề nghị lưu diễn năm 2023 của Shen Yun vì lo ngại mối bang giao với Trung Quốc có thể bị tổn hại, theo các nhà tổ chức địa phương.
Đại sứ quán Trung Quốc cũng đã viết thư cho đài truyền hình quốc gia Korean Broadcasting System (KBS) để yêu cầu họ không cho Shen Yun biểu diễn tại KBS Hall, một nhà hát tại Seoul.
Trong một cuộc chiến tại tòa án vào năm 2016, sau khi KBS chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc và hủy hợp đồng với Shen Yun, lúc đầu tòa án đã đứng về phía ban tổ chức chương trình. Tuy nhiên, chỉ 48 giờ trước buổi biểu diễn dự kiến, họ đã đảo ngược phán quyết này, lập luận về viễn cảnh KBS không thể phát sóng nội dung của họ ở Trung Quốc và các tổn thất tài chính có thể xảy ra. Kết quả là công ty đã phải hoàn trả toàn bộ vé.
Ông Greg Scarlatoiu, giám đốc điều hành Ủy ban Nhân quyền Bắc Hàn, cho rằng vụ việc nói trên thể hiện năng lực của Bắc Kinh trong việc lợi dụng các mối quan hệ đầu tư để gây ảnh hưởng ở Nam Hàn.
“Đây là một hành động khá trực tiếp, trắng trợn, thô lỗ, không đúng thủ tục ngoại giao, và ở mức thấp nhất là can thiệp vào các quyền và quyền tự do căn bản được quy định trong hiến pháp Nam Hàn,” ông nói với NTD. “Vì sao vậy? Là bởi vì Trung Quốc có lợi thế.”
Ông Scarlatoiu cho biết, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Hàn cả về xuất cảng lẫn nhập cảng và Bắc Kinh đã tận dụng tối đa lợi thế của mình.
‘Cuộc chiến văn hóa’
Dân biểu Nicole Malliotakis (Cộng Hòa-New York) cho biết, chính quyền Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với những nỗ lực gây ảnh hưởng trên trường quốc tế và “bắt nạt các quốc gia khác,” dù là thông qua Liên Hiệp Quốc, các khoản vay cho các quốc gia nhỏ hơn, các chương trình ngôn ngữ do nhà nước tài trợ tại các trường đại học Hoa Kỳ, hay các đồn công an chìm ở New York.
Bà cho biết bà không ngạc nhiên khi nhà cầm quyền này “bắt đầu sử dụng chiến dịch gây áp lực để đối phó với cả những rạp diễn chia sẻ cùng nền văn hóa truyền thống Trung Hoa — đặc biệt là khi nền văn hóa này được xem là văn hóa truyền thống Trung Hoa trước chủ nghĩa cộng sản.”
“Tôi không ngạc nhiên khi thấy ĐCSTQ đang làm mọi cách có thể để đàn áp quyền tự do biểu đạt và biểu diễn, chỉ vì chương trình biểu diễn đó không phù hợp với luận điệu của họ,” bà Malliotakis nói với NTD. “Mỗi lần như vậy chúng ta đều phải tiếp tục thách thức họ.”
Bà Tara O, một phụ tá nghiên cứu tại Viện Hudson chuyên nghiên cứu về hệ thống chính trị và kinh tế của Nam Hàn, đã gọi chiến dịch can thiệp của Trung Quốc là “một cuộc chiến văn hóa khác.”
Bà nói với NTD: “Họ đang ngăn cản nền văn hóa này để người Nam Hàn không thể thưởng thức.”
Bà O cho biết, nỗi sợ hãi của Bắc Kinh đối với Shen Yun bắt nguồn từ tham vọng kiểm soát của họ.
Bà nói rằng chính quyền Trung Quốc “muốn tự khẳng định mình là thế lực có thẩm quyền hợp pháp đối với toàn bộ Trung Quốc.”
Nhưng bằng cách thể hiện “văn hóa trước khi có ĐCSTQ,” Shen Yun cho thấy “một nhà cầm quyền khác có thể quản trị Trung quốc, chứ không [nhất định phải] là ĐCSTQ — và tôi cho rằng họ lo ngại điều đó,” bà O nói.
Bà Malliotakis, người đã gặp Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol trong chuyến thăm Nam Hàn hồi tháng Tám, cho biết bà có cảm giác các nhà lãnh đạo nước này “chắc chắn đang tìm kiếm cơ hội để bớt phụ thuộc hơn vào Trung Quốc và hợp tác nhiều hơn với Hoa Kỳ.”
Bà cho biết, giống như Nam Hàn, Hoa Kỳ đã “phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc cộng sản về một số phương diện, và chúng tôi đang tìm cách thay đổi điều đó.”
Với tư cách là một thành viên của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, nơi làm việc về các chính sách liên quan đến đàm phán thương mại, bà Malliotakis nói rằng bà muốn truyền tải thông điệp tới các quan chức Nam Hàn rằng “chúng tôi không đánh giá cao việc một vũ đoàn Mỹ không được phép biểu diễn ở đó vì áp lực từ Trung Quốc cộng sản.”
Bà hy vọng các quan chức Nam Hàn sẽ “khắc phục tình hình này” để đưa Shen Yun ra rạp.
Bản tin có sự đóng góp của Steve Lance và Iris Tao của NTD
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times