Khi cô Teresa Đỗ bước vào khu vực quan thuế tại Phi trường Quốc tế O’Hare của Chicago, cô không bao giờ nghĩ rằng sẽ phải đối mặt với cùng một loại tuyên truyền thù hận mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để bức hại các tín đồ tôn giáo.
Thậm chí đáng lo ngại hơn là lời tuyên truyền này lại phát xuất ra từ một nhân viên làm việc trong Cục Quan thuế Hoa Kỳ. Các nhân viên quan thuế này đều được Cục Quan thuế và Bảo vệ Biên giới, vốn là một cơ quan liên bang trực thuộc Bộ An ninh Nội địa, tuyển dụng.
Người nhân viên này nói tiếng Hoa với giọng đại lục, điều này để lại cho cô ấn tượng là anh ta sinh ra ở Trung Quốc. Anh này nói với các đồng nghiệp trong cơ quan của mình rằng cô Đỗ, một công dân sinh ra ở Hoa Kỳ và quê ở Texas, là “bất hợp pháp” dựa trên tín ngưỡng của cô.
Cô Đỗ là một nhân sự đảm trách vị trí quản lý tour lưu diễn cho công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun (Shen Yun Performing Arts) có trụ sở tại New York, công ty có tám đoàn nghệ thuật mỗi năm đều đi lưu diễn ở rất nhiều địa điểm vòng quanh thế giới. Đoàn của cô Đỗ vừa trở về Mỹ quốc từ một chuyến lưu diễn ở châu Âu để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn kế tiếp ở Rosemont, Illinois.
“Họ theo Pháp Luân Công. Họ làm chính trị. Họ là bất hợp pháp,” nhân viên quan thuế này nói với các đồng nghiệp đứng quanh đó, ý nói đến cô Đỗ và các nghệ sĩ trong đoàn của cô, cô Đỗ kể lại với The Epoch Times. Cô cho biết anh ta đã lặp lại câu nói đó nhiều lần, tạo ra một bầu không khí thù địch.
Nhiều nghệ sĩ biểu diễn của Shen Yun thực hành Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị đàn áp nghiêm trọng ở Trung Quốc Cộng sản. Ở đó, các học viên Pháp Luân Công phải chịu cảnh cưỡng bức lao động, tra tấn, và thậm chí bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng vì kiên định vào đức tin của họ. “Làm chính trị” là một cụm từ tuyên truyền mà chính quyền cộng sản Trung Quốc thường sử dụng để công kích Pháp Luân Công và bất kỳ người bất đồng chính kiến nào khác mà đảng này nhắm đến để đàn áp.
Nghe những lời nói như vậy được thốt ra trên đất Hoa Kỳ khiến cô Đỗ cảm thấy rất chấn động. Trải nghiệm này khiến cô rơi nước mắt.
Cô Đỗ nói rằng trong khi kiểm tra sổ thông hành Hoa Kỳ của cô, người nhân viên này đã nói với cô bằng tiếng Trung. Cô cảm thấy không thoải mái, và cuối cùng cô đã chuyển sang nói tiếng Anh.
Sau đó, người nhân viên này hỏi, “Cô có nhận tài trợ từ Pháp Luân Công không?” Sau khi cô Đỗ từ chối trả lời câu hỏi, anh ta cho phép cô thông quan.
“Tôi là một công dân Mỹ, và tôi được sinh ra ở Mỹ. … Tôi đang trở về quê hương của mình,” cô nói. Nhưng “tôi cảm thấy như mình đang bị tấn công bằng lời nói và lăng mạ bằng lời nói.”
Dân biểu Brian Babin (Cộng Hòa-Texas), một nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tại tiểu bang quê nhà của cô Đỗ, đã bày tỏ sự hoài nghi khi nghe về trải nghiệm của cô Đỗ và kêu gọi mở một “cuộc điều tra kỹ lưỡng” về vấn đề này.
“Sự việc này xảy ra ở Hoa Kỳ mà lại phát xuất từ một nhân viên Mỹ là hoàn toàn không thể tha thứ được,” ông nói với tờ The Epoch Times, và nói thêm rằng “nhân viên quan thuế này phải bị sa thải ngay lập tức” nếu lời khiếu nại nói trên là xác đáng.
“Chúng ta không bao giờ nên cho phép CHND Trung Hoa — một trong những quốc gia áp bức nhất hành tinh — gây ảnh hưởng đến chính phủ liên bang của chúng ta,” ông nói, sử dụng từ tên viết tắt của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
The Epoch Times đã liên lạc với Cục Quan thuế và Bảo vệ Biên giới (CBP) với các câu hỏi liên quan đến hành vi bị cáo buộc của nhân viên này. Một phát ngôn viên của cơ quan này nói với The Epoch Times rằng “CBP nghiêm cấm đánh giá tiểu sử dựa trên cơ sở chủng tộc hoặc tôn giáo.”
Khi được hỏi về các bình luận của ông Babin, phát ngôn viên này nói rằng “CBP trả lời trực tiếp các thành viên của Quốc hội thông qua các kênh thích hợp.” Người phát ngôn viên này đã không trả lời một câu hỏi liệu cơ quan này có đang tiến hành cuộc điều tra của riêng mình về vụ việc hay không.
‘Gọi tất cả họ quay lại’
Cô Đỗ nói rằng người nhân viên nói tiếng Hoa này đã từ chối cho cô đứng gần đó để chờ các nghệ sĩ khác trong nhóm của cô — mặc dù là người quản lý tour lưu diễn, nhưng cô cũng đảm trách khâu chuẩn bị hậu cần và dịch thuật khi cần thiết.
“Thôi, đừng gọi tôi là ‘ông, ông, ông’ nữa. Tôi biết tôi đang làm gì. Cô không được phép đến đây,” anh ta vừa nói vừa rời khỏi chỗ ngồi và “bắt đầu tiến gần” tới cô, cô Đỗ kể lại.
“Tôi đã hơi sợ một chút. Anh ấy đã thực sự hung hăng với tôi,” cô nói. “Tôi thực sự có cảm giác như là anh ta đang chuẩn bị động thủ với tôi.”
Cô Đỗ cho biết ngay cả sau khi đoàn đã đi qua cửa quan thuế dù bị chậm trễ, hai nhân viên quan thuế đã ngăn họ lại tại lối ra, nói rằng họ có thể không để cho đoàn diễn này đi vì việc nhập cảnh Hoa Kỳ của nhóm người này “có thể là bất hợp pháp.”
Trong khi đó, người nhân viên nói tiếng Hoa kia đã đề nghị một nhân viên giám sát “gọi tất cả họ quay trở lại.” Người nhân viên giám sát đã gạt bỏ nói điều đó là không cần thiết và cho đoàn đi qua sau khi hỏi một số câu ngắn gọn.
Những lo ngại về sự thâm nhập của ĐCSTQ
Việc nhắm mục tiêu vào các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc trên đất Hoa Kỳ từ lâu đã là mối quan tâm của các nhà lập pháp và các cơ quan chấp pháp Hoa Kỳ.
Mới năm ngoái, các đặc vụ FBI đã bắt giữ hai người bị nghi ngờ là đặc vụ Trung Quốc và buộc tội họ âm mưu hối lộ một quan chức công quyền hàng chục ngàn dollar trong một kế hoạch nhắm vào các học viên Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ.
Theo các hồ sơ tòa án được tiết lộ hôm 26/05, ông Trần Quân (John Chen), một công dân Hoa Kỳ 70 tuổi sinh ra ở Trung Quốc, và ông Lâm Phong (Lin Feng), 43 tuổi, một công dân Trung Quốc, đã cố gắng “thao túng Chương trình Người tố giác của IRS, thông qua hối lộ và lừa dối,” nhằm tước bỏ trạng thái được miễn thuế của một tổ chức do các học viên Pháp Luân Công điều hành và quản lý.
Thông tin họ gửi cho IRS là “trên bề mặt là không đầy đủ và chứa đựng những lời tương tự như tuyên truyền mà Chính phủ CHND Trung Hoa sử dụng để biện minh cho sự đàn áp và sách nhiễu các thành viên Pháp Luân Công,” theo đơn khiếu nại.