Đã 22 năm rồi, liệu Hoa Kỳ đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công lớn tiếp theo chưa?
Nếu vụ tấn công 11/09 xảy ra thêm một lần nữa, thì có lẽ sẽ xảy ra dưới một dạng thức khác. Hoa Kỳ đã phát triển, và địch thủ của chúng ta cũng vậy.
Cách đây 22 năm, khi các vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất xảy ra trên đất Hoa Kỳ, mọi thông tin liên lạc đã bị đình trệ. Các tháp di động đã bị phá hủy, và thiết bị chuyển mạch cho điện thoại cố định cũng vậy. Mọi người xếp thành những hàng dài bên ngoài các bốt điện thoại trả tiền ở thành phố New York, hy vọng có thể liên lạc được với người thân yêu của mình.
Ngày hôm nay, cơ sở hạ tầng của Mỹ quốc đã phát triển đủ mạnh để vượt qua được các cuộc tấn công tương tự như sự kiện 11/09, nhưng vẫn có những lỗ hổng mới.
“Hãy tưởng tượng điều gì có thể xảy ra nếu như ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] tấn công mạng lưới [điện] của chúng ta,” Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Cathy McMorris Rodgers (Cộng Hòa-Washington) hỏi, đề cập đến mạng lưới điện, trong một phiên điều trần hồi tháng Bảy.
Nữ nghị sĩ này đã đặt câu hỏi dựa trên một báo cáo trước đó (pdf) của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, trong đó xác định Trung Quốc “gần như chắc chắn có khả năng” tiến hành các cuộc tấn công mạng có thể làm gián đoạn các dịch vụ cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ.
Bà Rodgers nói thêm, “Họ có thể ngắt nguồn điện của các cơ sở an ninh quốc gia trọng yếu, như các căn cứ quân sự; họ có thể chặn đứng nguồn điện cấp cho bệnh viện, gây mất điện trên diện rộng, và ngăn các nguồn năng lượng quan trọng đến được với những người có nhu cầu nhất.”
Phiên điều trần nói trên diễn ra chỉ một tuần sau khi các tin tặc Trung Quốc xâm nhập vào trương mục thư điện tử của một nhóm các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ, bao gồm cả Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo. Cơ quan của bà đã hạn chế quyền tiếp cận của ĐCSTQ vào thiết bị và công nghệ bán dẫn tiên tiến — một cửa ngõ quan trọng dẫn tới tham vọng thống trị toàn cầu của lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình — bằng một loạt các biện pháp kiểm soát xuất cảng.
Chiến tranh ngoài không gian và chiến tranh trên Trái Đất
Vụ tấn công ngày 11/09 là một thí dụ về chiến tranh không theo quy ước. Trước đó, Hoa Kỳ đã cân nhắc đến việc bảo vệ [đất nước] khỏi các cuộc xâm lược từ bên ngoài biên giới, chẳng hạn như một quả bom hoặc hỏa tiễn hạt nhân, ông Antonio Graceffo, một nhà phân tích về Trung Quốc và là một cộng tác viên của Epoch Times, cho biết. Thay vào đó, sự kiện 11/09 tiết lộ rằng các mối đe dọa gây nguy hiểm đến tính mạng có thể được tiến hành ở bên trong đất nước, ông nói thêm.
Trong khi các mặt trận phòng thủ mới có thể đang bắt đầu dựa trên các cuộc tấn công mạng, trí tuệ nhân tạo, và các phương tiện khác mà có thể “gây ra sự hỗn loạn và tàn phá toàn diện ở Hoa Kỳ,” ông nói rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã cho thế giới thấy nguy cơ xảy ra chiến tranh thông thường (hay chiến tranh quy ước) không hề có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ông Graceffo nói với The Epoch Times: “Mọi người luôn nghĩ một khi chúng ta bắt đầu có chiến tranh ngoài không gian, thì sẽ không có chiến tranh trên Trái Đất. Ồ, không, sẽ có cả hai, và chúng ta phải chuẩn bị cho cả hai. Và điều đó là vô cùng đắt đỏ.”
Ngay sau ngày 11/09, Hoa Kỳ đã phát động một “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu,” hay GWOT, trong đó có hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Tổng thống Barack Obama chính thức bỏ tên gọi GWOT vào tháng 05/2013. Chiến tranh Iraq kết thúc vào tháng 10/2011, và quân đội Hoa Kỳ đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan hồi tháng 08/2021.
Khi Hoa Kỳ chú tâm vào chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo, cũng là thời gian Nga lấy lại được sức mạnh của mình và Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy.
Ông Graceffo nói rằng Hoa Kỳ đã “bị phân tâm” khỏi góc độ an ninh, đồng thời nói thêm rằng nước này phải theo dõi ba đầu mối: Trung Quốc và Nga, chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo, Iran và Bắc Hàn.
Một Trung Quốc đang suy thoái kinh tế có thể trở nên nguy hiểm hơn
“Dù chính quyền ở Trung Quốc và Nga mạnh hơn nhiều về kinh tế, sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, và có các mục tiêu rộng hơn là mở rộng lãnh thổ dẫn đến quyền bá chủ toàn cầu, nhưng người ta vẫn cho rằng họ là những chế độ khủng bố,” ông Anders Corr, nhà sáng lập Corr Analytics và là chủ biên của Tạp chí Rủi ro Chính trị, nói với The Epoch Times. Ông Corr cũng là cộng tác viên của Epoch Times.
Với tình trạng suy thoái kinh tế hiện tại của Trung Quốc, người ta lo ngại rằng ĐCSTQ có thể viện đến biện pháp gây hấn địa chính trị toàn cầu để đánh lạc hướng dư luận khỏi cuộc khủng hoảng trong nước và thay thế sự thịnh vượng với tư cách là tính hợp pháp cho sự cai trị của họ bằng chủ nghĩa dân tộc.
Các vấn đề về cơ cấu của nền kinh tế Trung Quốc chiếm vị trí trung tâm sau một quá trình phục hồi mờ nhạt kể từ khi ông Tập chấm dứt biện pháp kiểm soát zero-COVID đối với xã hội hồi tháng Mười Hai (2022). Niềm tin của người tiêu dùng đã giảm sút khi cả hai nguồn động lực chính trong tăng trưởng kinh tế – lĩnh vực địa ốc và xuất cảng – đều đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp ngoại quốc đang ở mức thấp nhất trong 26 năm ở mức 4.9 tỷ USD trong quý hai năm nay so với mức cao nhất mọi thời đại là 334 tỷ USD hồi năm 2021. Cuộc đột kích của ĐCSTQ vào các công ty thẩm định của Mỹ không giúp ích được gì. Ngoài ra, luật chống gián điệp mới của Trung Quốc đã đánh động đến các công ty đa quốc gia, dẫn đến việc một số công ty, trong đó có Sequoia Capital, phải rời các hoạt động của họ khỏi Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Christopher Balding trước đó nói với The Epoch Times rằng lợi tức đầu tư ở Trung Quốc giảm, cùng với lãi suất cao hơn nhiều ở Hoa Kỳ, đã khiến rủi ro khi giao dịch với ĐCSTQ trong quá trình làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc ngày càng trở nên bất hợp lý.
Kể từ tháng Tư, Trung Quốc liên tục công bố dữ liệu kinh tế thấp hơn dự kiến, và ĐCSTQ đã ngừng báo cáo tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong tháng Tám.
Ông Tập đã kêu gọi người dân Trung Quốc “bảo trì tâm nhẫn nại mang tính lịch sử.” Các quan chức của ĐCSTQ kêu gọi thanh niên Trung Quốc, đang có tỷ lệ thất nghiệp trên 20% dựa trên dữ liệu được báo cáo mới nhất, “tự nếm mùi đau khổ” hoặc rèn luyện bản thân trước những khó khăn. Những yêu cầu như vậy có thể không được các gia đình Trung Quốc chấp nhận.
Trung Quốc đã phải đối mặt với lĩnh vực địa ốc và các chính quyền địa phương nợ nần trong ít nhất một thập niên.
Tuy nhiên, ĐCSTQ đã không thực hiện lời khuyên của phương Tây về việc chuyển đổi tăng trưởng của họ sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng vì làm như vậy sẽ kéo theo những thay đổi về cơ cấu làm suy yếu khả năng nắm quyền của họ, các nhà lãnh đạo cao cấp của Nhóm Chiến lược Dài hạn (Long Term Strategy Group), một nhóm tư vấn quốc phòng có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn viết. Thay vào đó, các tác giả này lập luận rằng ĐCSTQ dường như giải quyết vấn đề kinh tế bằng cách đầu tư vào quân đội của mình.
Theo Ngân hàng Thế giới, chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ tính theo phần trăm GDP là rất thấp, chỉ cao hơn 0.4% so với mức thấp lịch sử là 3.1% trước ngày 11/09.
Trong khi dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy chi tiêu quân sự của Trung Quốc luôn ở mức dưới 2% GDP của Trung Quốc trong 20 năm qua, thì Nhóm Chiến lược Dài hạn lại cho rằng mức chi tiêu và sự phát triển quân sự của Trung Quốc không tương thích với nhau.
Các nhà lãnh đạo của nhóm này viết: “Chúng tôi ước tính rằng từ năm 2015 đến hết năm 2019, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng nhanh gần gấp đôi so với GDP chính thức của Trung Quốc về mặt thực tế.”
Ông Corr ủng hộ các liên minh mạnh mẽ hơn giữa các nền dân chủ để giải quyết mối đe dọa này “một cách toàn diện thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế, và quân sự.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times