Cựu giáo viên đến từ Hoa Lục: Trẻ em cũng là nạn nhân của cuộc bức hại Pháp Luân Công
Tại một cuộc tập hợp nhằm tưởng niệm tròn 24 năm cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Auckland, New Zealand, hôm 15/07, một cô giáo dạy tiểu học khi còn ở Trung Quốc đã lên tiếng phơi bày cảnh ngộ của các gia đình, đặc biệt là trẻ em, và các hành vi ngược đãi như thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Bà Quách Tùng (Guo Song) đã từng giảng dạy tại một trường tiểu học ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh trong hơn 30 năm. Để tránh bị chính quyền bức hại thêm, gần đây, bà đã đào thoát khỏi Trung Quốc để đến New Zealand.
Hôm 07/05, bà Quách đã bị công an Trung Quốc bắt giữ vì bảo vệ em trai mình là ông Quách Hoằng (Guo Hong). Ông Quách đã tố cáo một quan chức địa phương nhận hối lộ. Ông đã bị công an tra tấn, và đến nay vẫn còn bị giam giữ. Về phần bà Quách, trong 24 giờ bị giam giữ, bà đã bị buộc cởi hết quần áo để khám xét và bị tra khảo trong khi bị trói vào ghế. Sau khi được trả tự do, bà đào thoát sang New Zealand một tháng sau đó.
Pháp Luân Công
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức dựa trên ba nguyên tắc cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, số lượng học viên lúc đó ước tính lên tới 70 triệu đến 100 triệu người.
Lo sợ điều này gây ra mối đe dọa đối với sự kiểm soát độc tài của mình, chế độ cộng sản đã phát động một chiến dịch sâu rộng nhằm xóa sổ môn tu luyện này bắt đầu từ ngày 20/07/1999, và chiến dịch này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và các cơ sở khác. Bên trong các cơ sở này, các học viên bị tra tấn và đối mặt với nguy cơ bị sát hại để lấy nội tạng.
Người mẹ của bé gái 8 tuổi bị bắt
Bà Quách rất thương yêu học sinh của mình. Bà nhớ lại ĐCSTQ đã khiến mái ấm của một em học sinh của bà tan nát như thế nào.
Bà nói tại cuộc tập hợp, “Đó là hồi năm 2000. Một bé gái 8 tuổi ở lớp tôi chạy vào lớp và xà vào vòng tay tôi khóc nức nở… Tôi hay tin rằng công an đã bắt giữ mẹ em.”
Bà Quách quyết định sau giờ học ngày hôm đó sẽ đến thăm gia đình bé gái. Bà được biết tin rằng mẹ của bé gái đã bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công, và công an đã đến nhà họ lục soát. Gia đình họ mất bình tĩnh không biết phải làm sao.
Bà Quách kể lại rằng cha của bé gái cho biết anh ấy sẽ phải ly dị vợ. Công an bảo anh hãy ly hôn để cắt đứt mối quan hệ với một học viên Pháp Luân Công và để tránh bị xã hội lên án. Bà Quách đã thấy kinh hãi biết bao khi biết rằng một người phụ nữ vô hại và không phạm tội lại phải ngồi tù và bị chia lìa khỏi gia đình vì đức tin của mình.
Các màn tra tấn tại trại lao động Mã Tam Gia
Mẹ của em học sinh này đã bị đưa đến Trại lao động Mã Tam Gia ở ngoại ô Thẩm Dương. Sau khi tan học, cô bé này thường đến gặp bà Quách để kể cho bà nghe rằng bé nhớ mẹ nhiều như thế nào. Điều làm bà lo lắng nữa là có một em học sinh khác trong lớp của bà cũng có mẹ bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công.
Hơn hai năm sau, bà Quách gặp mẹ của bé gái vừa được thả khỏi trại giam. Bà Quách không tiết lộ tên của người phụ nữ này vì bà muốn bảo vệ danh tính của cô ấy, sợ cô ấy bị trả thù. Chồng cô đã ly dị cô và cấm cô gặp con gái. Điều mà cô có thể làm là đợi bên ngoài trường học, mong có thể nhìn thấy con gái.
Bà Quách mô tả rằng mẹ của bé gái trông hốc hác nhưng có nụ cười nhân hậu. Người phụ nữ này kể cho bà Quách nghe rằng khi vào tù, những học viên Pháp Luân Công và chính bản thân cô đã phải chịu hành hạ như thế nào.
Bà Quách nhớ lại: “Cô ấy nói với tôi rằng công an đã ép buộc các học viên Pháp Luân Công lên án người sáng lập môn tu luyện, Đại sư Lý Hồng Chí, và phỉ báng Pháp Luân Công. Họ bị ép buộc phải từ bỏ đức tin của mình và viết những bản tuyến bố từ bỏ tu luyện. Nếu không làm như vậy, họ sẽ không được cho ăn uống và còn phải làm việc liên tục nhiều giờ từ 6 giờ sáng đến nửa đêm mà không được nghỉ ngơi.”
Mẹ của bé gái nói với bà Quách rằng các học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn và đánh đập dã man nếu chống cự: “Công an trói các học viên Pháp Luân Công vào một tấm gỗ có đục lỗ, tay chân thì bị kéo căng. Họ đặt một cái xô bên dưới lỗ để hứng phân và nước tiểu. Người ta bị trói như vậy trong nhiều ngày. Cuối cùng, thân thể của người đó sẽ không thể hoạt động được nữa.”
Bà Quách nói rằng bà nhận thấy sự chân thành và chính trực của các học viên Pháp Luân Công, điều này hoàn toàn trái ngược với cách mà các hãng truyền thông nhà nước của ĐCSTQ miêu tả họ. Mẹ của bé gái nói với bà Quách rằng không ai có thể ép buộc cô từ bỏ đức tin cho dù cuộc bức hại tàn khốc như thế nào.
Trại lao động Mã Tam Gia là một trại lao động cải tạo khét tiếng. Các học viên Pháp Luân Công tại đây phải chịu nhiều hình thức tra tấn, như bị giật điện vào bộ phận sinh dục nữ. Bộ phim tài liệu “Bức thư từ Mã Tam Gia,” phát hành năm 2018, đã phơi bày những hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Vũ khí hóa hệ thống giáo dục
Bà Quách cho biết ĐCSTQ đã biến hệ thống giáo dục thành một loại vũ khí và lợi dụng như một công cụ tuyên truyền để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Chương trình giảng dạy của Trung Quốc bôi nhọ Pháp Luân Công một cách có hệ thống và miệt thị nhân phẩm của các học viên để khiến công chúng quay ra căm ghét môn tu luyện này.
Là một nhà giáo, bà Quách cảm thấy mình phải phân biệt đúng sai và dạy dỗ học sinh theo lương tâm của mình.
Bà nói: “Mặc dù tôi không biết nhiều về Pháp Luân Công khi tình cờ xem những tuyên truyền như vậy, nhưng tôi đã chọn không giảng dạy [tài liệu sách giáo khoa phỉ báng Pháp Luân Công] hoặc chỉ là nói với các em rằng đức tin không phải là điều xấu và những người có đức tin là người tốt. Tôi thấy mừng vì tôi đang dạy học sinh tiểu học; chứ nếu tôi dạy như thế trong một lớp cấp hai, thì tôi có thể bị học sinh trình báo.”
Bitter Winter, một tạp chí về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc, đưa tin rằng chế độ cộng sản sử dụng các video và hối lộ bằng tiền để khiến trẻ em trình báo về người thân hoặc hàng xóm ủng hộ các đức tin tôn giáo.
Thu hoạch nội tạng
Tại cuộc biểu tình, bà Quách đã đề cập đến một bệnh viện ở Tô Gia Đồn có dính líu đến hoạt động kinh doanh thu hoạch nội tạng béo bở của Đảng Cộng sản Trung Quốc — một Tòa án Luận tội Trung Quốc đã phát hiện ra rằng các học viên Pháp Luân Công có thể là nguồn cung cấp nội tạng chính.
Bà Quách đã biết về nạn thu hoạch nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công tại bệnh viện Tô Gia Đồn qua các báo cáo trực tuyến khi bà dùng phần mềm VPN vượt qua sự kiểm duyệt Internet của Trung Quốc (hay còn gọi là “vạn lý tường lửa”). Bà nhớ lại một trải nghiệm kỳ lạ khi đi chung với một người bạn đến bệnh viện.
Bà Quách kể rằng bệnh viện đó là một cơ sở lớn chuyên điều trị chứng huyết khối, và không có nhiều khoa như các bệnh viện khác. Nhiều khu vực của tòa nhà bệnh viện bị hạn chế không cho công chúng vào, và bà mô tả bầu không khí ở đó giống như có ma và tà ác.
The Epoch Times trước đó đã đưa tin rằng hai nhân chứng, trong đó có một cựu y tá của Bệnh viện Huyết khối tỉnh Liêu Ninh, đã làm chứng tại Hoa Kỳ rằng bệnh viện này đang giam giữ các học viên Pháp Luân Công, thu hoạch nội tạng của họ để bán và sau đó thiêu xác họ. Điều này đã dẫn đến nhiều cuộc điều tra quốc tế về nạn thu hoạch nội tạng có hệ thống của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc.
Bà Quách nói rằng cha mẹ của bạn bà đã bị công an bắt đi vì tu luyện Pháp Luân Công. Vì vậy, khi bà đọc các báo cáo về bệnh viện Tô Gia Đồn và hoạt động thu hoạch nội tạng sống của bệnh viện này, bà tin rằng những điều như vậy có thể xảy ra ở Trung Quốc.
Bà Quách cũng nói rằng sự tra tấn và áp bức mà ĐCSTQ áp dụng cho các học viên Pháp Luân Công cũng được áp dụng cho những người dân khác chỉ trích chế độ. Hồi năm 2015, em trai bà đã trình báo âm mưu nhận hối lộ hàng triệu USD của một quan chức chính quyền địa phương. Kết quả là, ông đã bị bắt, tra tấn, và hiện vẫn bị giam giữ.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times