Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển NTD: 81 thí sinh lọt vào bán kết
Hôm 08/09, tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Purchase College ở tiểu bang New York, Hoa Kỳ, cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế của NTD lần thứ 10 đã bước vào ngày thứ hai. Sau màn trình diễn ấn tượng của nhóm thiếu niên trong ngày đầu tiên vòng sơ khảo, các thí sinh của nhóm thanh niên đã thể hiện kỹ năng thành thục hơn. Thông qua vũ đạo, họ biểu đạt nội hàm văn hóa và nghệ thuật, kế thừa văn hóa truyền thống ‘bác đại tinh thâm’.
Trải qua một ngày tranh tài gay cấn, 28 thí sinh nữ thanh niên và 22 thí sinh nam thanh niên đã lọt vào vòng bán kết. Ngoài ra, còn có thêm 31 thí sinh thiếu niên được chọn trong ngày đầu tiên. Tổng cộng có 81 thí sinh đã lọt vào vòng bán kết.
Cuộc thi lần này thu hút nhiều diễn viên vũ đạo Trung Hoa cổ điển chuyên nghiệp và xuất sắc tham gia. Các thí sinh trên sân khấu đều tài năng. Cách biểu đạt và hiểu biết sâu sắc của họ đã chạm đến trái tim khán giả.
Mức độ tranh tài cao giữa các thí sinh: Nghệ thuật là không có giới hạn
Trong suốt cuộc thi, trên sân khấu có những lúc cao trào và hưng phấn. Dưới khán đài, thỉnh thoảng vang lên những tiếng “ồ” thán phục từ khán giả.
Cô Hoàng Minh Tuệ (Huang Minghui), thí sinh trong nhóm nữ thanh niên, cho biết mỗi thí sinh đều có những ưu thế và thể trạng khác nhau. Theo cô, mọi người có thể nhận thấy mỗi thí sinh sẽ giỏi ở điểm nào, dù là thân vận, thân pháp, hay kỹ xảo đều thể hiện ra trên sân khấu. “Những động tác nào đẹp mắt, cách cảm nhận âm nhạc và cách thể hiện cảm xúc, đều khác nhau,” cô nói.
Anh Quách Tân Vũ (Guo Xinyu), thí sinh trong nhóm nam thanh niên, cho biết vũ đạo Trung Hoa cổ điển không hề đơn giản. Ngoài yêu cầu có sự tu dưỡng về văn hóa và nghệ thuật, thì kỹ thuật, tư tưởng, ngôn hành đều phải ngay chính. Nếu không, muốn giả vờ là một người giỏi trên sân khấu thì thực sự rất khó làm được.
“Người xưa nói rằng, nghệ thuật là không có giới hạn. Dù thành tựu nghệ thuật của quý vị có cao đến đâu, quý vị cũng cần không ngừng học hỏi. Bởi vì có quá nhiều thứ cần phải hoàn thiện, ví như kiến thức vũ đạo cơ bản, liễu giải văn hóa truyền thống … Và còn có việc đề cao lên cảnh giới cao hơn,” anh Quách Tân Vũ nói.
Cô Hoàng Duyệt (Huang Yue) là thí sinh trong nhóm nữ thanh niên. Đây là lần thứ 3 cô tham gia Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế do NTD tổ chức. Trong hai lần thi trước, cô Hoàng đã xuất sắc đạt Giải vàng. Cô chia sẻ cảm nhận về cuộc thi: “So với cuộc thi trước, tôi cảm thấy trình độ của các thí sinh ngày càng tốt hơn. Mức độ tranh tài mỗi năm càng cao hơn.”
“Tôi cảm thấy các thí sinh chỉ cần lọt vào trận chung kết của cuộc thi này là đã rất xuất sắc rồi. Bởi vì họ thực sự rất lợi hại. Trình độ của mỗi người thực sự rất tốt,” cô Hoàng Duyệt nói.
Anh Tiêu Đại Vệ (Xiao David), thí sinh nhóm nam thanh niên từng nhiều lần tham gia các cuộc thi của NTD cũng cho biết: “Mỗi lần tham gia, tôi học hỏi được rất nhiều điều từ các thí sinh khác. Trình độ chung của các thí sinh năm nay cao hơn. Chỉ cần xem cuộc thi là cảm nhận rõ. Điều này đã truyền cảm hứng và giúp tôi đột phá lên tầng thứ cao hơn.”
Tham gia Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa cổ điển và kế thừa văn hóa truyền thống
Giám khảo Lý Bảo Viên (William Li) cho biết: “Vũ đạo Trung Hoa cổ điển có lịch sử năm ngàn năm, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trải qua các triều đại, vũ đạo Trung Hoa cổ điển đã được truyền thừa từ cung đình và trong dân gian. Trong khoảng thời gian lâu dài ấy, nền vũ đạo này đã hấp thụ tinh hoa của lịch sử và văn hóa Trung Hoa. Những gì quý vị nhìn thấy trên sân khấu hôm nay chính là sự tích lũy của toàn bộ lịch sử và văn hóa.”
Cô Chiêm Cẩn Chân (Zhan Jin Zhen), thí sinh nhóm nữ thanh niên đến từ Đài Loan, cho rằng thực hiện các động tác vũ đạo Trung Hoa cổ điển không phải là một việc dễ dàng. Cô nói: “Các động tác của vũ đạo Trung Hoa cổ điển đòi hỏi quý vị phải rèn luyện sự linh hoạt của cơ thể, kéo căng gân cốt sẽ rất đau. Quý vị cũng cần phải rèn luyện thể lực, rất vất vả. Ngay cả khi cơ thể đáp ứng được yêu cầu thì quý vị cũng phải có đủ kỹ xảo và phải am hiểu nội hàm văn hóa, còn phải học tập thân vận.”
Cô Chiêm cho biết cô đã học vũ đạo được 8, 9 năm. Cô nói rằng điều khiến cô kiên trì lâu dài, đó là: “Hy vọng có thể biểu diễn vũ đạo cổ điển thật tốt, bởi vì vũ đạo cổ điển thật tuyệt. Ngoài vẻ đẹp của nghệ thuật vũ đạo, thì nó còn có thể truyền đạt những gì quý vị mong muốn thông qua vũ đạo (chẳng hạn như giá trị quan).”
Cô lấy vở múa “Bích thủy trường thiên” (Làn nước trong xanh và bầu trời rộng lớn) mà cô chọn biểu diễn trong cuộc thi năm nay làm ví dụ. Cô hy vọng có thể kết hợp sự hiểu biết của mình về ý nghĩa của nước vào tiết mục này. Cô nói: “Tôi rất thích câu thành ngữ ‘Thượng thiện nhược thủy.’ Tôi cảm thấy nước có thể bao chứa vạn vật trên thế gian. Nó có thể tĩnh lặng êm đềm, và cũng có thể ào ạt hàng ngàn dặm như thác, vừa bồng bềnh vừa rất hùng vĩ.”
Câu “Thượng thiện nhược thủy” lần đầu tiên xuất hiện trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử thời Tiên Tần. Thượng thiện nhược thủy là chỉ người có đạo đức hoàn mỹ, giống như tính cách của nước, tưới tắm cho vạn vật mà không cầu danh lợi.
Lần này, cô Chiêm Cẩn Chân đã di chuyển từ Đài Loan đến New York để tham gia cuộc thi. Ngoài việc bản thân thụ nhận lợi ích, cô còn hy vọng thông qua cuộc thi có thể kế thừa những truyền thống tốt đẹp.
Cô Hoàng Minh Tuệ, thí sinh trong nhóm nữ thanh niên, cho biết: “Tôi thích đọc một số tác phẩm văn học cổ điển Trung Hoa. Tôi nghĩ nó sẽ hữu ích cho vũ đạo. Nghĩa là quý vị sẽ lý giải được phẩm đức “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” của người Trung Hoa cổ đại. Tôi thấy rằng vũ đạo rất chú trọng đến việc tu dưỡng nội tâm. Nếu có nhân phẩm tốt, khi quý vị biểu diễn trên sân khấu, sẽ có thể mang đến cho khán giả nguồn cảm hứng tích cực.”
Cô Hoàng Duyệt, thí sinh trong nhóm thanh niên, chia sẻ: “Nghệ thuật chân chính có thể khơi dậy thiện niệm của mọi người. Đó không chỉ là một buổi biểu diễn đơn thuần, mà còn có thể mang đến cho khán giả nguồn cảm hứng tích cực.”
Cuộc thi tái hiện các kỹ pháp đã thất truyền: “thân đới thủ” và “khố đới thối”
Trong cuộc thi lần này, ngoài việc đánh giá kỹ năng toàn diện của các thí sinh về vũ đạo Trung Hoa cổ điển, cũng như thân vận, thân pháp và diễn giải vũ đạo, còn có một tiêu chí đặc biệt để các giám khảo đánh giá các thí sinh. Đó là việc nắm vững kỹ pháp “thân đới thủ” (身帶手, thân thể dẫn cánh tay) và “khố đới thối” (胯帶腿, hông dẫn chân) trong các động tác vũ đạo.
Theo phần giới thiệu từ trang web chính thức của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun:
“Thân đới thủ là một phương pháp được các loại hình vũ đạo và nghệ thuật về tứ chi đều đang truy cầu tìm hiểu. Đó là một kỹ thuật múa mà người ta vẫn đang truy tìm từ xưa đến nay. Có người nói đến, nhưng chưa có ai biết kỹ thuật múa này – nó đã đạt tới đỉnh cao nhất về thân pháp của vũ đạo. Nhà sáng lập, Giám đốc Nghệ thuật và Sáng tạo của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, ông D.F., là người đã truyền thụ phương pháp này. Ngoài ra, trong thân pháp còn có một kỹ thuật cao hơn nữa là ‘khố đới thối’, điều mà người hiện đại thậm chí còn chưa nghe đến bao giờ – một loại kỹ thuật múa đã hoàn toàn thất truyền. Sau khi được ông D.F. truyền dạy phương pháp này, ngày nay Shen Yun lại tái hiện kỹ thuật này trước công chúng.”
Anh Tiêu Đại Vệ cho biết: “Mỗi lần tham gia cuộc thi, tôi lại có một nhận thức mới về vũ đạo Trung Hoa cổ điển.” Anh nhấn mạnh rằng cuộc thi này chủ yếu là tìm ra phương pháp chính xác của kỹ pháp “thân đới thủ” và “khố đới thối.” “Trước đây, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về kỹ pháp này trong các buổi biểu diễn, nhưng lần này tôi hy vọng có thể biểu diễn nó một cách thoải mái. Đặc biệt lần này, đạo cụ biểu diễn là một thanh kiếm. Làm thế nào để dung nhập thanh kiếm vào trong các kỹ pháp “thân đới thủ” và “khố đới thối.” Thử thách này thực sự lớn.”