Từ ngày 07-10/09/2023, 140 nghệ sĩ múa đến từ Bắc Mỹ, châu Âu, và châu Á sẽ cùng nhau tranh tài trong Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế NTD lần thứ 10.
Cuộc thi này bắt đầu tổ chức từ năm 2007, đã trở thành một sân khấu đáng chú ý trên toàn thế giới để các nghệ sĩ vũ đạo Trung Hoa cổ điển có thể hoàn thiện bản thân — và là nơi họ hy vọng có thể học được một kỹ thuật hiếm có, từng bị thất truyền.
Việc đề cao văn hóa Trung Hoa truyền thống, đích thực trong loại hình nghệ thuật mà cuộc thi này tìm cách đánh giá là một thành tựu không hề nhỏ — nền văn hóa mà hơn 100 nghệ sĩ cùng nhau hồi sinh này là nền văn hóa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tìm cách xóa sổ trong nhiều thập niên qua các chiến dịch đàn áp tàn bạo như Đại Cách mạng Văn hóa.
Từ gốc rễ, ĐCSTQ tìm cách đẩy nhân loại rời xa các vị thần, và họ đã làm như vậy bằng việc phá hủy nền văn hóa truyền thống. Trong vòng chưa đến 100 năm, ĐCSTQ đã có thể phá hủy gần như toàn bộ thành quả của nền văn minh 5,000 năm. Tuy nhiên cuộc thi diễn ra vào năm nay ở Purchase, New York, là bằng chứng cho thấy sẽ luôn có người nhớ đến nền văn hóa và lịch sử này, đồng thời truyền dạy những bài học và giá trị đó cho con cháu, cho học trò của họ xuyên suốt các thời đại.
Cuộc thi vũ đạo NTD là một phần trong chuỗi các sự kiện do Đài truyền hình NTD tổ chức để đề cao văn hóa truyền thống.
Năm nay, một tuyệt kỹ hàng nghìn năm tuổi là “thân đới thủ” (thân dẫn động tay) sẽ được biểu diễn trọn vẹn, cùng với một số người đi tiên phong trong việc hồi sinh kỹ thuật này có mặt trong ban giám khảo. Các nghệ sĩ múa đến từ khắp nơi trên thế giới để tận mắt chứng kiến tuyệt kỹ này được biểu diễn.
Cô Lin Yujen đến từ Đài Loan là một trong số các nghệ sĩ múa tham gia. Cô nói với Đài truyền hình NTD rằng cô đã muốn tham gia cuộc thi từ năm 2021, nhưng vì đại dịch nên không thể đến New York. Khi biết cuộc thi sẽ được tổ chức lần nữa, cô quyết tâm phải tham dự lần này.
“Tôi thật sự ước rằng mình có thể học được kỹ thuật cổ xưa, đã thất truyền là “thân đới thủ” (thân dẫn động tay) và “khố đới thối” (hông dẫn động chân). Cô chia sẻ. “Tôi muốn tận mắt chứng kiến cách những nghệ sĩ múa Shen Yun sử dụng các phương pháp này.”
Đỉnh cao của các kỹ thuật múa
Kỹ pháp vũ đạo “thân đới thủ” (shen dai shou) diễn giải theo nghĩa đen là “thân dẫn động tay.” Một số người gọi đó là kỹ năng, kỹ thuật, hoặc phương pháp múa, nhưng thuật ngữ này đã có từ ngàn xưa, và mục đích của kỹ thuật này là để kéo dài động tác của nghệ sĩ múa cũng như khuếch đại uy lực biểu đạt của họ. Kỹ thuật này không chỉ giới hạn trong vũ đạo Trung Hoa cổ điển — việc tìm kiếm phương pháp để kéo dài hình thể và tăng khả năng biểu đạt đã dẫn đến việc sử dụng giày mũi nhọn (pointe shoe) trong các đoàn múa ballet và vũ đạo, giúp mang lại lợi thế cho các diễn viên múa tráng kiện.
Đó là điều mà nhiều người trong cộng đồng múa gọi là “tuyệt kỹ của vũ đạo.”
Trong cộng đồng vũ đạo Trung Hoa cổ điển, kỹ pháp “thân đới thủ” thường được đề cập như một nguyên tắc nền tảng, một trình độ đỉnh cao, nhưng điều này không được dạy rõ ràng như một kỹ thuật trong suốt hàng ngàn năm.
Mãi cho đến vài năm trước, khi Giám đốc Nghệ thuật của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun truyền thụ tuyệt kỹ này cho các nghệ sĩ múa trong đoàn, “thân đới thủ” mới được tái hiện một cách nghiêm túc.
Kể từ đó, các nghệ sĩ múa của đoàn Shen Yun tìm ra cách để vận dụng nó, cách dạy, và hiện đã soạn ra phương pháp giảng dạy một cách có hệ thống, đưa kỹ năng này thành những nguyên tắc cơ bản của vũ đạo, đồng thời sáng tạo phong cách và phương pháp sư phạm của riêng mình. Đó không còn là “năng khiếu” hay “cảm giác” mà một nghệ sĩ múa có thể trội hơn nghệ sĩ khác; phương pháp sư phạm nguyên bản sẽ bảo đảm rằng kỹ thuật này có thể được truyền lại qua nhiều thế hệ một cách nguyên vẹn. Ngày nay, các nghệ sĩ múa của Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, một ngôi trường chuyển tiếp cho Shen Yun – có trụ sở tại New York, đang được đào tạo theo phương pháp này ngay từ những lớp đầu tiên.
Giám đốc Nghệ thuật còn truyền dạy thêm kỹ thuật “khố đới thối” hay gọi là “hông dẫn động chân,” cho các nghệ sĩ của đoàn. Kỹ thuật hoàn toàn mới này, kết hợp với “thân đới thủ,” làm thay đổi toàn bộ các tiết mục biểu diễn trên sân khấu của Shen Yun. Khán giả đã nhận thấy sức mạnh biểu đạt của kỹ thuật này trong những năm gần đây mà không thể mô tả chính xác về sự thay đổi đó, trong khi giới vũ đạo đã lưu tâm đến sự hồi sinh của tuyệt kỹ thất truyền này.
“Kỹ thuật này hữu ích trong mọi phương diện của vũ đạo,” anh Lý Bảo Viên (William Li), nghệ sĩ múa chính lâu năm của Shen Yun kiêm giám khảo của cuộc thi năm nay, chia sẻ với Đài truyền hình NTD. “Các động tác của bạn trở nên đẹp hơn bởi vì nó được kéo dài hơn, và gần như trở nên dễ di chuyển hơn. Bạn cảm thấy duyên dáng hơn, linh hoạt hơn, và bạn sẽ có khoảng không rộng lớn cho mình khi bạn đang múa. Vậy nên, khán giả sẽ thực sự nhận ra điểm khác biệt này, tôi nghĩ vậy.”
“Tôi nghĩ đó là điều quan trọng đối với vũ đạo Trung Hoa cổ điển,” anh nói.
Những yếu tố cần thiết
Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển bao gồm bốn yếu tố chính: thân pháp, thân vận, kỹ thuật nhào lộn, và kỹ thuật múa.
Mặc dù kỹ thuật là tối quan trọng, nhưng các chuyên gia và ban giám khảo của cuộc thi nói rằng sự hiểu biết về văn hóa truyền thống Trung Quốc là điều thiết yếu trong vũ đạo Trung Hoa cổ điển.
“Điều cần thiết đối với một nghệ sĩ múa là bạn có thể dùng cơ thể để biểu đạt cảm xúc nội tâm thông qua kỹ thuật [múa] … vì vậy đó là một tiêu chuẩn rất cao,” bà Trương Minh Huệ, chuyên gia vũ đạo Trung Hoa cổ điển, hiện đang là giảng viên tại Shen Yun, đồng thời cũng là một trong những giám khảo của cuộc thi năm nay, chia sẻ với Đài truyền hình NTD.
“Để thể hiện tốt vũ đạo Trung Hoa cổ điển, người nghệ sĩ phải yêu thích và nỗ lực nâng cao hiểu biết của mình về văn hóa Trung Quốc.”
Trong vũ đạo Trung Hoa cổ điển, nghệ sĩ múa thường phải hóa thân vào một nhân vật, cho dù đó là nhân vật lịch sử nổi tiếng, một ý tưởng không tên xoay quanh nhân vật của một thời kỳ nhất định, hoặc một tư tưởng văn hóa nhất định. Loại hình nghệ thuật này đòi hỏi người nghệ sĩ phải thể hiện trọn vẹn điều mà họ khắc họa thông qua từng ánh mắt và cử chỉ. Và trên hết, vũ đạo là ngôn ngữ hình thể.
“Chúng tôi không phải vận động viên thể dục hay nhào lộn. Vũ đạo được tạo ra là để khắc họa các nhân vật — nghĩa là, chỉ khi một nghệ sĩ múa vừa có sự tu dưỡng [đạo đức] cao vừa có kỹ thuật điêu luyện, thì họ mới có thể đạt đến sự cân bằng giữa [yếu tố] mạnh mẽ và mềm mại trong tiết mục của mình,” bà Trương nói.
Anh Lý chia sẻ rằng trong cuộc thi này, các nghệ sĩ múa sẽ được đánh giá cả về phần trọng tâm câu chuyện lẫn trọng tâm kỹ thuật với các động tác khó. Anh nói thêm rằng dù ở phần thi nào, thì vũ đạo Trung Hoa cổ điển vẫn là bộ môn nghệ thuật mà cảm xúc nội tâm dẫn dắt chuyển động bên ngoài.
“Mỗi động tác cần chứa đựng rất nhiều cảm xúc đằng sau. Đó là điều cốt lõi của vũ đạo Trung Hoa cổ điển — sự biểu đạt nội tâm,” anh cho hay. Chúng tôi gọi đó là “thân vận” (身韻, shen yun) trong Hoa ngữ — quý vị đừng nhầm lẫn với từ “Shen Yun” (神韻) trong tên của công ty nghệ thuật biểu diễn này, nghĩa là “vẻ đẹp của những vị Thần đang múa.”
“Mỗi động tác đơn lẻ đều mang theo cảm xúc của bạn. Và hơn thế nữa, động tác đó gần như phản ánh bạn là người như thế nào. Vì vậy, tiêu chuẩn đạo đức của bạn trong cuộc sống thường ngày, cách bạn suy nghĩ, trải nghiệm sống của bạn — tất cả điều này sẽ phản ánh trong ‘thân vận’ và các động tác vũ đạo của bạn.”
Anh Trần Bá Duy (Roy Chen), nghệ sĩ múa chính của Shen Yun và từng hai lần đạt Giải Vàng tại Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế NTD, muốn bày tỏ những lời khích lệ đến các thí sinh dự thi năm nay.
“Khi nhìn lại, tôi thấy mình đã có nhiều tiến bộ vượt trội trong âm nhạc, diễn xuất, thân pháp vũ đạo, và kỹ thuật khi tham dự các cuộc thi trước đây,” anh nói.
Anh cũng có vài lời khuyên dành cho khán giả rằng: quý vị đừng lo lắng nếu mình không am tường về vũ đạo Trung Hoa cổ điển. Khi nói đến kỹ thuật, thì người nghệ sĩ múa trông có cao quý không, họ thực hiện các động tác có mang cảm giác khoáng đạt không? Họ có loạng choạng khi tiếp đất sau cú nhảy hoặc lật người không? Bạn sẽ dễ dàng nói được rằng liệu nghệ sĩ múa ấy biểu diễn có tốt hay không.
Khi nói về thân vận, thì liệu nghệ sĩ múa có thể hóa thân trọn vẹn vào nhân vật không, có để cảm xúc nội tâm dẫn dắt cơ thể của họ chuyển động không, điều này thậm chí còn dễ thấy hơn nữa, anh chia sẻ.
“Nói một cách rõ ràng, nếu tiết mục đó khiến bạn buồn ngủ, thì [nghĩa là] họ làm chưa đạt,” anh bày tỏ. “Nói cách khác, nếu họ thực sự dùng cảm xúc nội tâm dẫn dắt các động tác của mình, thì bạn sẽ bị cuốn hút vào tiết mục đó. Bạn sẽ bước vào thế giới nội tâm của nghệ sĩ đó.”