Điều mà giám khảo Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển NTD đang tìm kiếm
Một cuộc phỏng vấn với vị giám khảo của cuộc thi
Khi Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế lần thứ 10 của NTD sắp diễn ra, đài truyền hình NTD đã có cơ hội phỏng vấn bà Trương Minh Huệ, một trong những giám khảo của cuộc thi uy tín này.
“Một nghệ sĩ múa phải có khả năng biểu đạt thông qua nghệ thuật của mình,” bà Trương nói với NTD.
Và đối với một nghệ sĩ múa vũ đạo Trung Hoa cổ điển, họ đang kể những câu chuyện về lịch sử và con người.
Bà Trương chia sẻ sự hiểu biết của mình rằng vũ đạo Trung Hoa cổ điển “được tạo ra để khắc họa con người.”
“Chúng tôi đang tìm kiếm những bức chân dung sống động về con người. Điều này rất quan trọng,” bà Trương nói như một lời khuyên dành cho các thí sinh. Bà không chỉ tìm kiếm những kỹ thuật điêu luyện.
“Kỹ thuật được nhìn thấy trong môn thể dục dụng cụ hoặc nhào lộn là rất ấn tượng nhưng kỹ thuật đó không truyền tải một câu chuyện. Vì vậy, nếu một nghệ sĩ múa có thể kết hợp sự biểu cảm và cá tính riêng vào kỹ thuật của mình, thì nghĩa là họ đang khắc họa một con người.”
Tiếp theo, để có được kỹ thuật tốt về vũ đạo Trung Hoa cổ điển, các nghệ sĩ múa phải yêu thích văn hóa Trung Hoa. Chỉ khi có hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa này, thì các nghệ sĩ mới có thể đắm mình vào những vai diễn của họ được.
“Khi các nghệ sĩ nâng cao hiểu biết của họ về vũ đạo Trung Hoa cổ điển, thì kỹ thuật của họ cũng sẽ tự nhiên cải thiện. Và khi các nghệ sĩ thấu hiểu được vũ đạo, họ sẽ có thể hoàn toàn phó thác bản thân mình cho vũ đạo đó.”
Một phần của kỹ thuật này là hơi thở, điều rất quan trọng trong vũ đạo Trung Hoa cổ điển. Bà Trương đề cập đến việc thở bằng cơ thể và cách điều đó tác động trực tiếp đến tính biểu đạt của vũ đạo. Không có hơi thở, vũ đạo sẽ thiếu đi phong vận và phong vị. “Cách mà một thí sinh kết hợp hơi thở vào các động tác của họ sẽ là điều mà tôi mong chờ,” bà cho biết.
Tuy nhiên, ngay cả khi có kỹ thuật điêu luyện và khả năng kiểm soát hơi thở tuyệt vời, bà Trương chia sẻ rằng một nghệ sĩ múa vẫn chưa hoàn thiện nếu không có ý chí mạnh mẽ để hoàn thiện bản thân trong việc làm người.
Là người từng giảng dạy tại Học viện Múa Bắc Kinh, bà thấy những sinh viên có tiến bộ nhanh chóng trong học tập là vì họ đã giữ cho tâm trí mình gọn gàng và cởi mở. Cũng có những sinh viên cảm thấy khó để bắt chước đúng các động tác của giáo viên vì họ có xu hướng thêm sở thích cá nhân của mình vào vũ đạo.
Những khác biệt này dường như khó nắm bắt nhưng chúng hết sức quan trọng khi so sánh giữa các nghệ sĩ múa với nhau.
Bà Trương khuyến khích các nghệ sĩ múa, những người khao khát muốn hoàn thiện bản thân hãy đến và dự thi. “Sẽ có những người chiến thắng và những người không chiến thắng, nhưng thông qua cuộc thi này, tất cả mọi người đều sẽ tiến bộ.”
Với việc cuộc thi vũ đạo của đài truyền hình NTD là một sự kiện định kỳ, bà Trương nhận thấy chất lượng của các thí sinh đã được đề cao qua từng năm.
Bà Trương muốn tất cả các thí sinh hiểu rằng miễn là họ khổ luyện, chắc chắn họ sẽ có thể hoàn thiện.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times