Cuộc cạnh tranh khốc liệt về AI và công nghệ lượng tử dẫn đến những lo ngại nghiêm trọng về an ninh
Thế giới có thể chứng kiến sự kiện gọi là ‘Q-Day’ (ngày điện toán lượng tử giải mã được mọi dữ liệu mã hóa trên Internet) ngay sau năm 2025.
Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ lượng tử đã thay đổi hoàn toàn kỷ nguyên hiện đại của chúng ta. Nhiều quốc gia đang cạnh tranh để có được những đột phá nhằm áp dụng hai công nghệ này trong quân sự, mã hóa thông tin liên lạc, và nền kinh tế mở rộng hơn. Tuy nhiên, những công nghệ tiến bộ nhanh chóng như vậy cũng đi kèm với những rủi ro và lo ngại đáng kể.
Cho đến nay, hầu hết các thông tin liên lạc đều được mã hóa trên một quy mô lớn bằng Hạ tầng Khóa Công khai (PKI) được phát minh vào những năm 1970. Ví dụ: mật khẩu thường được sử dụng cho trương mục thư điện tử, ngân hàng trực tuyến, và nền tảng nhắn tin an toàn đều dựa vào hệ thống này để bảo vệ mã hóa. Sẽ phải mất hàng ngàn năm để một siêu máy điện toán có thể phá được những mật khẩu bằng kiểu mã hóa này. Đây là lý do tại sao PKI rất quan trọng trong việc đảm bảo thông tin liên lạc cho hầu hết các chính phủ.
Máy điện toán lượng tử vẫn chưa được đưa vào sử dụng trong thực tế, và tính ổn định của máy điện toán lượng tử vẫn là vấn đề lớn so với máy điện toán thông thường. Nguyên nhân là vì máy điện toán lượng tử có kích thước rất lớn, không chính xác, tiêu thụ lượng một mức năng lượng vô cùng cao, yêu cầu nhiệt độ cực thấp để hoạt động và đặc biệt nhạy cảm với môi trường. Hiện tại, AI dựa vào vi mạch bán dẫn, máy điện toán, và dữ liệu lớn hiện có để tăng sức mạnh số học, tuy nhiên điều này vẫn còn hạn chế.
Dự đoán về ‘Q-Day’
Rất có thể máy điện toán lượng tử, siêu trí tuệ nhân tạo (ASI), trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI), hoặc các sản phẩm mới kết hợp lượng tử và AI sẽ bẻ khóa mật mã của PKI, điều đó đồng nghĩa với việc máy điện toán lượng tử và AI có thể đột phá sự bất ổn hoặc hạn chế của chính mình.
Phản ứng trước việc này, hồi năm 2023, công ty an ninh mạng Quantum Defen5e (QD5) của Canada đã đưa ra dự đoán và cảnh báo đáng lo ngại cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Họ nói rằng thế giới có thể chứng kiến sự kiện gọi là “Q-Day” ngay sau năm 2025, khiến phương pháp mã hóa hiện tại hoàn toàn vô dụng.
Ông Tilo Kunz, phó chủ tịch của công ty, cho biết các nỗ lực toàn cầu đang được tiến hành nhằm thu thập dữ liệu để giải mã các tin nhắn bị chặn lại sau “Q-Day.” Ông cảnh báo rằng tất cả nội dung được gửi qua các mạng công cộng hiện đang gặp rủi ro.
Giải mã các hoạt động chặn như vậy tương tự như dự án Venona năm 1943. Dự án này là do chính phủ Hoa Kỳ khởi xướng nhằm giải mã bí mật liên lạc của các đối thủ trong Đệ nhị Thế chiến. Việc này cũng được sử dụng để giải mã hơn 2,900 bức điện và tin nhắn bí mật do Liên Xô gửi, để phát hiện sự xâm nhập của Liên Xô vào Dự án Manhattan và các mạng lưới gián điệp khác.
Ngoài ra, ông Kunz muốn nêu rõ rằng các kế hoạch quân sự dài hạn và việc thu thập thông tin tình báo sẽ bị lộ với các quốc gia thù địch và quyền sở hữu trí tuệ của các tập đoàn có nguy cơ bị đánh cắp. Những bí mật trong cuộc sống mọi người và thậm chí cả mật khẩu ngân hàng của họ sẽ bị lộ.
Ứng phó với Q-Day, trong nhiều năm nay, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (NIST) và các tổ chức khác đã kêu gọi các công ty công cộng và tư nhân áp dụng Mật mã Hậu Lượng tử (PQC) như một kỹ thuật mới để thiết lập mã hóa khóa công khai nhằm bảo vệ tính bảo mật của thông tin liên lạc. Trong một bản ghi nhớ hồi tháng 05/2023, chính phủ Tổng thống Biden cho biết rằng các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ dự kiến sẽ ban hành một tiêu chuẩn mới cho mật mã hậu lượng tử vào nửa đầu năm 2024.
Năm 2022, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính rằng 20 tỷ thiết bị trên toàn thế giới sẽ cần được nâng cấp hoặc thay thế trong 20 năm tới để đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật lượng tử.
Cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong các lĩnh vực AI và lượng tử
Hoa Kỳ và nhà cầm quyền Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt trong các lĩnh vực quân sự, AI, và ứng dụng lượng tử, trong đó mỗi nước đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Ngoài ra, Liên minh Âu Châu , Canada, và Nhật Bản đã khởi xướng các chương trình trong cả hai lĩnh vực này và đang đầu tư số tiền lớn cũng như nhân tài.
Hiện tại, điểm mạnh của Trung Quốc về AI là nước này có lượng dữ liệu lớn lớn nhất thế giới, nhưng điểm yếu của nước này là thiếu sự giúp đỡ của các đại công ty công nghệ về vi mạch điện tử dùng cho AI có sức mạnh điện toán tốt hơn. Kết quả là, Trung Quốc đã dùng cách trộm cắp và các phương pháp bất chính khác để giành quyền truy cập vào dữ liệu của nhiều người nhằm thực hiện các tham vọng bành trướng của mình.
Hồi tháng 12/2023, ông Christopher Wray, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI), đã nêu lên việc Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ AI, công nghệ lượng tử, robot, và công nghệ sinh học từ các quốc gia khác thông qua tin tặc, gián điệp thương mại, và các cách thức khác, đồng thời ông nói rằng Trung Quốc đã sử dụng các cách thức này để nâng cao khả năng của chính họ nhằm đạt được các mục tiêu.
ĐCSTQ cũng đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực lượng tử. Báo cáo tháng 04/2023 của công ty tư vấn quản trị McKinsey ước tính rằng Trung Quốc đã phân bổ 15.3 tỷ USD tài trợ cho nghiên cứu lượng tử, so với 8.4 tỷ USD của Liên minh Âu Châu, và 3.7 tỷ USD của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trang web Quantum Insider cho rằng khoản đầu tư của ĐCSTQ có thể dao động từ 4 tỷ USD đến 17 tỷ USD.
Hồi tháng 08/2023, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đề ra các quy định cho các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào điện toán lượng tử, chất bán dẫn, và AI để ngăn chặn chính phủ và các tập đoàn Hoa Kỳ đầu tư vào các lĩnh vực này ở Trung Quốc.
Ngoài ra, hồi tháng 10/2023, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh kêu gọi thiết lập một tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật AI. Các tiêu chuẩn này sẽ được sử dụng để bảo vệ quyền riêng tư của người Mỹ, thúc đẩy sự công bằng và dân quyền, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và nhân viên, thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh, nâng cao vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên toàn thế giới và các nội dung khác.
Hiện tại, lợi thế của Hoa Kỳ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và lượng tử nằm ở sự trợ giúp của nhiều công ty công nghệ cao như IBM, Quantinuum, Google, Intel, IonQ, và Microsoft, đưa Hoa Kỳ vượt xa Trung Quốc về phần mềm, phần cứng, và vi mạch bán dẫn.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng bị kìm hãm bởi các ràng buộc về đạo đức và pháp lý trong việc thu thập dữ liệu, điều này đã trở thành điểm yếu của nước này, vì sự phát triển của trí tuệ nhân tạo không chỉ đòi hỏi những vi mạch điện tử tốt hơn với sức mạnh tính toán tốt hơn mà còn cần nhiều dữ liệu hơn cho tiến trình đào tạo nhằm tăng năng lực của mạng lưới thần kinh và tốc độ hoạt động [của AI].
Mặc dù vậy, với sự giúp đỡ của các nhà đổi mới công nghệ khu vực tư nhân, phòng thí nghiệm của chính phủ, nhà nghiên cứu ở các trường đại học, và các nước đồng minh, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực lượng tử và trí tuệ nhân tạo, nhưng không nên đánh giá thấp mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra cho Hoa Kỳ và thế giới.
Điện toán lượng tử và tích hợp trí tuệ nhân tạo
Một mặt, sự xuất hiện của AI và điện toán lượng tử gây hứng thú cho nhiều người do những cơ hội kinh doanh to lớn mà hai công nghệ này mang lại, những dự đoán rằng hai công nghệ này sẽ nhanh hơn và chính xác hơn, cũng như những giải pháp cho nhiều vấn đề khó giải quyết trước đó của nhân loại. Mặt khác, cũng có những mối nguy hiểm tiềm tàng phía trước. Hai công nghệ này có thể mang đến nhiều vấn đề và thách thức mới cho xã hội nhân loại mà không thể giải quyết dễ dàng hoặc thậm chí có thể dự đoán được ở giai đoạn này.
Lý do là vì trí tuệ nhân tạo hiện nay dựa vào vi mạch bán dẫn và thuật toán chạy trên máy điện toán truyền thống. Những máy điện toán này là hệ nhị phân, yêu cầu thông tin được xử lý thành bit 1 hoặc bit 0, dẫn đến những hạn chế về tốc độ và hiệu suất tính toán.
Mặt khác, máy điện toán lượng tử thì sử dụng “các bit lượng tử” để xử lý nên có thể là bất kỳ con số nào, và những số này có thể được xử lý đồng thời, mang lại một tốc độ tính toán cao hơn hàng trăm triệu lần so với các siêu máy điện toán hiện nay. Tuy nhiên, phần cứng điện toán lượng tử dễ gặp “nhiễu,” ví dụ như sự dao động của từ trường Trái đất hoặc các tín hiệu điện từ khác.
Khi các máy điện toán lượng tử được kết hợp với AI để tạo thành “trí tuệ nhân tạo lượng tử,” thì những thiếu sót trước đây có thể được khắc phục, và khi đó AI có thể vượt qua những hạn chế về phần cứng và số học trước đây. Khi đó AI có thể sẽ không cần phải dành nhiều thời gian hơn để tự đào tạo nữa. Việc này có thể mang lại những đột phá trong lĩnh vực machine learning (*) và các thuật toán.
Sự xuất hiện của “trí tuệ nhân tạo lượng tử” chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi độ phức tạp của lượng tử, dẫn đến sự suy giảm đáng kể về tính minh bạch và khả năng diễn giải các thuật toán AI, có thể tạo ra những thứ mà con người không thể hiểu được, thậm chí vụt ra khỏi kiểm soát của con người, tạo ra các sự kiện gây nguy hiểm cho sự an toàn của con người. Những vấn đề này đã khiến một số người lo lắng.
Kỹ sư điện toán người Nhật Kiyohara Jin nói với The Epoch Times: “Nếu quý vị so sánh AI với lửa thì điện toán lượng tử chính là oxy. Nếu cả hai được kết hợp với nhau, chúng có thể đóng vai trò thúc đẩy sự hủy diệt của nhân loại, đặc biệt là AI do một số người phát triển đi ngược lại đạo đức nhân loại và nếu AI được điện toán lượng tử trợ giúp thêm, thì việc này sẽ đẩy nhanh nguy cơ con người bị thay thế hoàn toàn.”
Kỹ sư điện tử Nhật Bản Lý Tế Tâm (Li Jixin) nói với The Epoch Times: “Ý tưởng này rất hay nếu được con người ứng dụng vào thực tế. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi mới và tích cực về mọi mặt trong đời sống nhân loại, nhưng đủ loại rủi ro, khủng hoảng không lường trước được sẽ nối tiếp nhau ập đến. Khi con người phát triển những công nghệ không thể được kiểm soát toàn diện thì đó sẽ là thời điểm nguy hiểm nhất đối với toàn thể nhân loại.”
Ghi chú của dịch giả:
Bản tin có sự đóng góp của Kane Zhang và Ellen Wan
Minh Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times