Nội dung do AI tạo ra làm lu mờ khả năng sáng tạo và đe dọa sự khéo léo của con người
Chuyên gia sáng tạo cho biết, ‘Đó là một thứ ngoài hành tinh. Điều đó không nên tồn tại.’
Lĩnh vực sản xuất video và sáng tác âm nhạc là dấu hiệu xác nhận sự sáng tạo và trí tuệ của nhân loại, thể hiện sự cống hiến và đổi mới của những người sáng tạo ra chúng. Tuy nhiên, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo đặt ra một mối đe dọa đối với đặc quyền độc nhất này của nhân loại.
Sự ra đời của các công nghệ AI như Sora, Suno, và Voice Engine báo trước một kỷ nguyên đầy tranh cãi cho những người làm trong lĩnh vực sáng tạo. Một số chuyên gia sáng tạo đã bày tỏ lo ngại, gọi những tiến bộ này là công nghệ “ngoài hành tinh” và cho rằng chúng không nên tìm được chỗ đứng trong xã hội loài người.
Hôm 15/02/2024, OpenAI đã công bố một số video do AI tạo ra thông qua Sora, gây ra những phản ứng trái chiều trong cộng đồng sáng tạo. Những người lo ngại về việc AI sẽ thay thế vai trò của con người đã sớm đưa ra những cảnh báo trước về công bố đầu tiên này.
Đi xa hơn nữa, vào ngày 25/03/2024, OpenAI đã phát hành một loạt nội dung thứ hai do Sora tạo ra. Những video này thể hiện khả năng nâng cao trong việc tạo ra các chuỗi cảnh đẹp như mơ với sự mạch lạc về mặt logic, như đã thấy trong các tác phẩm của Paul Trillo, một nghệ sĩ, nhà văn, và đạo diễn được Rolling Stone và The New Yorker tôn vinh.
Tương tự, ông Nik Kleverov, một giám đốc sáng tạo tại một công ty được đề cử giải Emmy nổi tiếng với công việc kể chuyện thương hiệu và thiết kế chuyển động, đã tận dụng Sora để sản xuất nội dung thương mại. Kết quả bắt chước một cách gây ấn tượng các kỹ thuật quảng cáo truyền thống của phương Tây, làm dấy lên các cuộc đàm luận về sự nổi lên tiềm tàng của “Sorawood” và tương lai của Hollywood.
Ban lãnh đạo của OpenAI, bao gồm tổng giám đốc Sam Altman và giám đốc vận hành Brad Lightcap, đã tích cực quảng bá Sora tới những người lãnh đạo ngành làm phim, đề xuất tích hợp sản phẩm này vào quy trình sản xuất. Hành động này, cùng với việc các nhà làm phim và hãng phim ngày càng phụ thuộc vào AI, đã khiến các đạo diễn, diễn viên lồng tiếng và nhà biên kịch lo sợ bị mất việc.
Mối lo ngại lên đến đỉnh điểm trong cuộc đình công hồi năm ngoái của các nhà biên kịch và diễn viên Hollywood, do AI ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các khâu sản xuất và hậu quả là việc làm bị cắt giảm. Cuộc đình công chỉ kết thúc sau khi Hiệp hội Nhà văn Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận với Liên minh Nhà sản xuất Phim Điện ảnh và Truyền hình, làm nổi bật sự bất an sâu sắc về an ninh việc làm trong ngành.
‘Đó là một thứ ngoài hành tinh. Điều đó không nên tồn tại’
Sự xuất hiện của AI trong sáng tạo âm nhạc không phải là điều mới lạ, nhưng Suno đã đánh dấu một sự thay đổi chấn động, trở thành thế giới âm nhạc tương đương với quy mô của ChatGPT. Khả năng sản xuất âm nhạc của Suno đã thách thức những tác phẩm được chế tác tỉ mỉ của các nhà sản xuất âm nhạc truyền thống.
Suno cho phép những người chưa có kinh nghiệm âm nhạc trước đó có thể tạo ra những bài hát hoàn chỉnh và có giai điệu trong vòng vài phút. Quá trình này bao gồm việc viết lời bài hát với sự trợ giúp của ChatGPT, ghi danh một trương mục miễn phí trên Suno, và cung cấp lời bài hát cho Suno.
Suno chủ yếu sử dụng mô hình Bark để tạo giai điệu giọng hát, trong khi mô hình Chirp lo phần âm nhạc và hiệu ứng âm thanh. Suno có thể tạo các bài hát dựa trên mô tả của người dùng về thể loại, tiêu đề, và lời bài hát, tự động phân tích các từ khóa, nhịp điệu, âm sắc, và phong cách cần thiết trong suốt quá trình sản xuất.
Tính linh hoạt của công cụ này mở rộng đến việc tạo ra các bản nhạc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Hoa, với các phong cách từ rock, jazz cho đến rap.
Khả năng của Suno đã làm dấy lên cuộc thảo luận rộng rãi trên các nền tảng như Reddit, trong đó người dùng chia sẻ kinh nghiệm trêu chọc bạn bè bằng việc dùng các bài hát do AI tạo ra.
Ông Brian Hiatt, một nhà văn cấp cao của Rolling Stone, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh KCRW vào cuối tháng 3/2024. Khi đến thăm văn phòng của Suno ở Cambridge, Massachusetts, ông đã nhập cụm từ “bản solo acoustic dòng nhạc blues ở vùng đồng bằng Mississippi về một AI buồn bã,” chương trình đã tạo ra một bài hát có tựa đề “Soul Of The Machine” trong vòng 15 giây.
Ban đầu không tin rằng AI có thể tạo ra những bài hát cộng hưởng về cảm xúc, [nhưng sau đó] ông Hiatt đã rất ngạc nhiên trước tác phẩm này. Ông giải thích việc chọn nhạc blues ở vùng đồng bằng Mississippi là vì “loại nhạc này mang hơi hướng con người,” điều mà ông tin rằng Suno không thể bắt chước được.
“Tôi vẫn nổi da gà khi nghe bài này đó vì đó là một thứ ngoài hành tinh. Điều đó không nên tồn tại,” ông nói.
Những lời phê bình về Suno cho thấy sản phẩm của AI vẫn thiếu chiều sâu cảm xúc và tính chân thực mà các nhà soạn nhạc mang đến cho âm nhạc. Các nhà phê bình chỉ ra rằng âm nhạc do AI tạo ra có nhịp điệu và chuyển đổi hợp âm đôi khi vụng về, cho thấy khoảng cách giữa AI và khả năng sáng tạo của con người.
Ông Lý Thế Tâm (Lee Ji-Shin), một kỹ sư điện người Nhật, nêu lên mối lo ngại về quan hệ mật thiết rộng lớn hơn của AI trong ngành sản xuất âm nhạc, chỉ ra rằng mặc dù các bài hát do AI tạo ra cải thiện hiệu quả sản xuất và giảm chi phí thời gian, nhưng những tác phẩm này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp ở những người hành nghề chuyên nghiệp.
Ông cảnh báo về một tương lai lúc mà AI không chỉ có thể sắp xếp hợp lý việc sản xuất âm nhạc mà còn có thể thay thế bản chất văn hóa và cảm xúc của âm nhạc do con người tạo ra, gợi ý một sự thay đổi văn hóa sâu sắc hướng tới các bối cảnh sáng tạo do AI chi phối.
Chiến dịch thông tin sai lệch do AI điều khiển
Trong một tiến bộ đáng chú ý, OpenAI đã công bố thử nghiệm Voice Engine vào cuối tháng 03/2024, một công cụ có khả năng tạo ra lời nói mới từ mẫu giọng nói chỉ 15 giây của một người, mang lại sự cộng hưởng về cảm xúc và sống động như thật. Công cụ này có thể dịch giọng nói của một người sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, duy trì phong cách đặt trọng âm và phát âm độc đáo trên nhiều dải âm đa dạng.
Đáng chú ý là, OpenAI đã thể hiện khả năng điều chỉnh giọng nói bằng Anh ngữ sang nhiều ngôn ngữ, bao gồm một ví dụ minh họa về việc dịch Anh ngữ “kiểu Trump” sang các ngôn ngữ như tiếng Hoa và tiếng Pháp, cùng nhiều ngôn ngữ khác.
Nền tảng này thực thi các nguyên tắc để ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích, chẳng hạn như mạo danh mà không có sự đồng ý và yêu cầu các giọng nói phải được khai báo là do AI tạo ra. Ngoài ra, OpenAI đã áp dụng hình mờ (watermark) cho các clip âm thanh để bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc và giám sát việc sử dụng.
Tuy nhiên, việc tạo ra giọng nói giống con người thông qua AI tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh thông tin sai lệch. OpenAI đã thừa nhận những mối nguy hiểm này, đặc biệt là trong những giai đoạn nhạy cảm như năm bầu cử, và đang tìm kiếm nhận xét từ nhiều bên liên quan trong chính phủ, truyền thông, và xã hội dân sự để giải quyết những thách thức này.
Bất chấp sự bảo đảm và các biện pháp phòng ngừa của OpenAI, những lo ngại về khả năng sử dụng sai mục đích của Voice Engine vẫn tồn tại. Công nghệ này làm dấy lên mối lo ngại về các chiến dịch thông tin sai lệch phức tạp và khó phân biệt hơn, điển hình là các vụ việc trước đây về nội dung do AI tạo ra xuyên tạc các nhân vật của công chúng, chẳng hạn như sử dụng giọng nói của ông Biden để thúc giục bỏ phiếu và phổ biến các video cũng như hình ảnh ông Trump nói những điều mà ông ấy chưa bao giờ lên tiếng.
Tiềm năng của AI trong việc khuếch đại thông tin sai lệch và tạo ra các video deepfake về cơ bản có thể làm suy yếu lòng tin của công chúng và tính liêm chính của các cuộc bầu cử. Và sự tinh vi của công nghệ như vậy có thể nâng cao đáng kể độ tin cậy và sự phổ biến của thông tin sai lệch.
Cuộc tranh luận này vượt ra ngoài những rủi ro trước mắt của thông tin sai lệch để chứa đựng những mối quan tâm hiện hữu rộng lớn hơn.
Ông Gia Cát Minh Dương, một nhà văn độc lập và cộng tác viên của The Epoch Times, đã coi sự phát triển nhanh chóng của AI không chỉ đơn thuần là vấn đề việc làm mà còn là một mối đe dọa hiện hữu sâu sắc, gợi ý một câu chuyện trong đó AI đại diện cho một dạng ảnh hưởng của người ngoài hành tinh có ý định thay thế trí thông minh và khả năng sáng tạo của con người.
Quan điểm của tác giả này phản ánh những lo lắng sâu sắc về vai trò và quỹ đạo của AI trong xã hội nhân loại, coi bước nhảy vọt về công nghệ không chỉ là một tiến bộ mà còn là một thách thức đối với chính thực tế về bản sắc và sự sáng tạo của con người.
Bản tin có sự đóng góp của Ellen Wan và Kane Zhang
Minh Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times