Cơ quan phòng chống tội phạm Anh: Việc các nền tảng mạng xã hội mã hóa đầu cuối gây rủi ro cho người dùng
Người đứng đầu NCA cùng hơn 30 người đứng đầu các cơ quan cảnh sát châu Âu khác đã kêu gọi tạm dừng việc mã hóa đầu cuối.
Tổng giám đốc Graeme Biggar của Cơ quan Phòng chống Tội phạm Quốc gia Vương quốc Anh (gọi tắt là NCA) đã cùng với hơn 30 người đứng đầu các cơ quan cảnh sát châu Âu kêu gọi các chính phủ thực hiện các biện pháp để tạm dừng việc khai triển mã hóa đầu cuối.
Ông Biggar cho biết: “Mã hóa có thể mang lại lợi ích to lớn, bảo vệ người dùng khỏi nhiều loại tội phạm. Nhưng việc khai triển mã hóa đầu cuối một cách lỗ mãng và ngày càng phổ biến trong khi không sự suy xét đầy đủ về an toàn công cộng của các công ty công nghệ lớn đang khiến người dùng gặp rủi ro.”
Sau cuộc họp ở London, 32 người đứng đầu các cơ quan cảnh sát châu Âu đã đồng ý đề ra một tuyên bố bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc” về cách mã hóa đầu cuối đang được các đại công ty công nghệ khai triển.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các công ty công nghệ như Meta tiến hành kế hoạch khai triển mã hóa đầu cuối trên nền tảng của họ.
Ông Biggar cho biết: “Họ không thể bảo vệ khách hàng của mình vì họ không còn có thể nhìn thấy hành vi bất hợp pháp trên hệ thống của chính họ. Việc lạm dụng trẻ em không dừng lại chỉ vì các công ty lựa chọn ngừng phát giác ra việc này.”
Cả ông Biggar và giám đốc điều hành Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) Catherine De Bolle đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các công ty công nghệ tiếp tục cho phép lực lượng chấp pháp truy cập vào dữ liệu để điều tra và ngăn chặn tội phạm.
Họ cũng muốn các hệ điều hành, thiết bị, và ứng dụng được “an toàn từ khâu thiết kế.”
NCA cho biết họ lo ngại công nghệ mã hóa đầu cuối sẽ được tội phạm sử dụng liên quan đến hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, buôn người, buôn lậu ma túy, khủng bố, và sát nhân theo hợp đồng.
Ông Biggar cho biết: “Những thay đổi này cũng khiến chúng tôi gặp khó khăn hơn trong việc điều tra những hành vi phạm tội nghiêm trọng và bảo vệ công chúng, vì các công ty ít có khả năng hành động theo lệnh bắt giữ và cung cấp cho chúng tôi dữ liệu về các nghi phạm.”
‘Quyền riêng tư và an toàn công cộng không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau’
Ông nói thêm, “Quyền riêng tư và an toàn công cộng không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau. Cần phải tìm ra các giải pháp mang lại cả hai điều đó. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm bảo đảm rằng những người tìm cách lạm dụng các nền tảng này đều được tìm ra và bắt giữ, đồng thời các nền tảng trở nên an toàn hơn chứ không phải kém đi. Chúng ta không thể để mình mù lòa trước tội ác.”
Bà De Bolle cho biết, “Nhà của chúng ta đang trở nên nguy hiểm hơn đường phố khi tội phạm trực tuyến ngày càng gia tăng. Để giữ cho xã hội và mọi người được an toàn, chúng ta cần bảo mật môi trường kỹ thuật số này.”
Bà nói thêm, “Các công ty công nghệ có trách nhiệm xã hội để phát triển một môi trường an toàn hơn, nơi các lực lượng chấp pháp và tư pháp có thể thực hiện công việc của họ. Nếu cảnh sát mất khả năng thu thập bằng chứng, xã hội của chúng ta sẽ không thể bảo vệ người dân khỏi trở thành nạn nhân của tội phạm.”
NCA và lực lượng cảnh sát Vương quốc Anh cho biết mỗi tháng có khoảng 1,200 trẻ em được bảo vệ và 800 nghi phạm bị bắt giữ do các công ty mạng xã hội chủ động báo cáo các trường hợp nghi ngờ lạm dụng tình dục trẻ em.
NCA cho biết 92% thông tin do Facebook và 85% thông tin do Instagram báo trước cho cảnh sát Anh như vậy sẽ bị chặn vì khai triển mã hóa đầu cuối.
NCA cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm 21/04, “Một ví dụ về những điều sẽ bị mất là một tài liệu buộc tội dài 200 trang gần đây về một vụ tống tiền quốc tế, trong đó xác định nhiều tài khoản nghi ngờ là những phụ nữ lôi kéo các thanh niên ở Anh quốc và hải ngoại chia sẻ những hình ảnh và video không đứng đắn về bản thân họ, nhằm mục đích tống tiền họ.”
Lực lượng chấp pháp ngày càng lo ngại vì mã hóa đầu cuối có thể ẩn đi thông tin nhiều đến mức ngay cả công ty chịu trách nhiệm truyền tải tin nhắn cũng không thể truy cập được.
Dữ liệu từ các công ty công nghệ dẫn đến 327 vụ bắt giữ
NCA cho biết: “Nhờ một luồng dữ liệu do các công ty công nghệ cung cấp để đáp ứng các lệnh bắt giữ, NCA đã có được thông tin tình báo dẫn đến 327 vụ bắt giữ, thu giữ 3.5 tấn ma túy loại A, thu hồi 4.8 triệu bảng Anh, xác định 29 mối đe dọa tính mạng chưa được biết đến trước đây và hơn 100 mối đe dọa gây tổn hại khác từ tháng Một đến tháng Ba năm 2024.”
Trong những năm gần đây, hai mạng điện thoại mã hóa được sử dụng chủ yếu bởi tội phạm có tổ chức—EncroChat và Sky ECC—đã bị cơ quan chấp pháp ở Pháp đóng cửa vì cả hai đều sử dụng máy chủ OVH cỡ lớn ở Roubaix, gần Lille.
Tháng Mười Một năm ngoái, chính phủ Anh đã lặng lẽ hủy bỏ kế hoạch cấm các thiết bị mã hóa.
Ông Tim Weiss, giám đốc điều hành của DigitalBankVault.com có trụ sở tại London, đã hoan nghênh quyết định này. Theo ông không chỉ tội phạm mới sử dụng mã hóa.
Minh Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times