Cuộc bầu cử ở Đài Loan có ý nghĩa thế nào đối với mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc?
Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn Đảng Dân Chúng Đài Loan (TPP) hoặc Quốc Dân Đảng (KMT) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Đài Loan sắp tới, dự kiến diễn ra vào ngày 13/01/2024. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) đương nhiệm được kỳ vọng là sẽ tiếp tục nắm giữ quyền tổng thống và duy trì chính sách độc lập với Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy mối bang giao bền chặt với Hoa Kỳ.
Trong cuộc họp hồi tháng Mười Một, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã truyền đạt cho Tổng thống Joe Biden rằng Đài Loan là vấn đề quan trọng nhất trong bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc. Văn phòng Sự vụ Đài Loan của ĐCSTQ đã miêu tả tiến trình bầu cử sắp tới ở Đài Loan là một quyết định giữa “hòa bình và chiến tranh, thịnh vượng và suy tàn.” Mặc dù tuyên bố này được hiểu là một lời đe dọa mang tính ẩn dụ, nhưng thực sự chính xác là kết quả của cuộc bầu cử này sẽ định hình liên hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc, ảnh hưởng đến mối bang giao giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh, đồng thời mang đến nhiều hệ quả cho an ninh và kinh tế toàn cầu.
Cuộc bầu cử ở Đài Loan về căn bản là một cuộc trưng cầu dân ý đại diện cho mong muốn của người dân Đài Loan, xem họ sẽ chọn hợp nhất với Trung Quốc hay chọn duy trì độc lập và củng cố bang giao với Hoa Kỳ. Đảng Dân chủ Tiến bộ, đảng cầm quyền đương nhiệm, sẽ phải đối đầu với hai đảng đối lập lớn là Quốc Dân Đảng và Đảng Dân Chúng Đài Loan. Khi nói đến chủ quyền của Đài Loan, không đảng nào quyết đoán như Đảng Dân chủ Tiến bộ, và đặc biệt, Quốc Dân Đảng còn nghiêng về việc thúc đẩy mối bang giao mật thiết hơn với Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Ứng cử viên phó tổng thống của Đảng Dân chủ Tiến bộ là bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), vốn từng theo học tại trường Cao đẳng Oberlin và trường Đại học Columbia. Dưới sự quản lý của chính phủ đương nhiệm, bà Tiêu từng là đặc phái viên của Đài Loan tại Hoa Kỳ. Ủng hộ mối bang giao chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, bà đã bị Bắc Kinh xếp vào danh sách những người người theo chủ nghĩa ly khai.
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Tiến bộ là ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te, hay William Lai). Được xem là người có quan điểm chống ĐCSTQ, ông đã dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận. ĐCSTQ đã gọi ông Lại là kẻ gây rối vì ông từ chối chấp nhận bản “đồng thuận” năm 1992, vốn có thể biến Đài Loan trở thành một phần của Trung Quốc. Ông một mực bác bỏ “nguyên tắc Một Trung Quốc,” tuyên bố rằng việc chấp nhận nguyên tắc đó sẽ dẫn đến việc Đài Loan mất chủ quyền. Ông cũng cho biết ông không tin vào lời hứa của Bắc Kinh về việc duy trì hòa bình hay hiện trạng của Đài Loan.
Ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je), cựu thị trưởng Đài Bắc và cũng là người sáng lập Đảng Dân Chúng Đài Loan, đứng ở vị trí thứ hai trong nhiều cuộc thăm dò. Ông ủng hộ lý thuyết “hai nhà nước” đối với liên hệ Đài Loan–Trung Quốc.
Đề cập đến lịch sử văn hóa chung của hai đất nước, ông Kha nhấn mạnh rằng hai nước nên có một “mối liên hệ đặc biệt.” Hơn nữa, ông tin rằng cuộc tranh luận kéo dài hàng thập niên về nền độc lập của Đài Loan đã khiến đất nước này rơi vào tình trạng trì trệ. Trong các video TikTok của mình, ông lặp lại tuyên truyền của ĐCSTQ rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ không tiếp tục ủng hộ Đài Bắc. Theo sự chỉ đạo của Bắc Kinh, phe đối lập đã cảnh báo rằng nếu ông Lại đắc cử, tình hình kinh tế và an ninh của Đài Loan sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, nhiều người Đài Loan xem cả Quốc Dân Đảng lẫn Đảng Dân Chúng Đài Loan là hai mối nguy đối với nền dân chủ.
Với tương lai đang bị đe dọa của mối quan hệ hai bờ eo biển, không có gì đáng ngạc nhiên khi ĐCSTQ can thiệp vào các cuộc bầu cử. Chính quyền Trung Quốc đang lan truyền thông tin sai lệch về việc Hoa Kỳ từ bỏ cam kết bảo vệ Đài Loan của mình, cũng như rao giảng luận điệu rằng phần lớn người dân Đài Loan không còn muốn độc lập khỏi Trung Quốc nữa.
Tổng Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Đài Loan — ông Thái Minh Ngạn (Tsai Ming-yen) đã cáo buộc Bắc Kinh đang tiến hành “một cuộc chiến không khói súng” nhắm vào Đài Loan. Ngoài ra, Bắc Kinh còn sử dụng các chiến thuật hăm dọa, với các cuộc xâm nhập quân sự thường xuyên hơn vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.
Bất chấp tuyên truyền của ĐCSTQ, Hoa Kỳ vẫn không hề tỏ ra là họ có ý định bỏ rơi Đài Loan. Dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump và dưới thời Tổng thống Biden tiếp sau đó, Hoa Kỳ vẫn không ngừng tăng cường trợ giúp về quân sự và ngoại giao cho quốc đảo này. Các chuyến thăm cấp cao, chẳng hạn như chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cùng với việc tăng cường viện trợ quốc phòng cũng như việc sử dụng quyền lực của tổng thống để đẩy nhanh việc chuyển giao các loại vũ khí tân tiến cho Đài Loan, đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Đáp lại, Hải quân và Không quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngày càng trở nên hung hãn ở Eo biển Đài Loan.
Mặc dù Đài Loan có thể là tác nhân gây ra bầu không khí chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc chiến đó sẽ không xảy ra vì cả hai bên đều có quá nhiều thứ để mất. Để xâm chiếm Đài Loan, Bắc Kinh sẽ phải tiến hành phong tỏa, điều này sẽ làm gián đoạn hoạt động vận tải toàn cầu nhưng cũng sẽ cô lập Trung Quốc. Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt, và nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng đình trệ.
Nhìn vào cuộc chiến Nga-Ukraine, một số người suy đoán rằng các biện pháp trừng phạt dường như chẳng hiệu quả gì vì nền kinh tế Nga vẫn đứng vững, ngay cả khi bấp bênh hơn trước. Tuy nhiên, lý do Nga vượt qua được là do Bắc Kinh đang né tránh các lệnh trừng phạt và bảo lãnh cho Moscow. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc phải chịu các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt tương tự thì không có quốc gia nào đủ giàu có để làm điều tương tự cho Trung Quốc. Ngoài ra, các quốc gia trong Nhóm Bảy đại cường quốc (G-7) sẽ không có ý định làm như vậy. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc sẽ toàn diện và hiệu quả hơn.
Một cuộc chiến tranh cũng sẽ tàn phá nền kinh tế Đài Loan vì 40% hàng xuất cảng của hòn đảo này được xuất sang Trung Quốc. Việc Bắc Kinh phát động một cuộc chiến nhằm cản trở các mối quan hệ thương mại này sẽ là một ví dụ điển hình về việc giết chết con ngỗng đẻ trứng vàng. Một đòn giáng trực tiếp vào Trung Quốc sẽ là một sự mất mát cho mặt hàng xuất cảng có giá trị nhất của Đài Loan — chất bán dẫn.
ĐCSTQ muốn thấy Quốc Dân Đảng giành chiến thắng, nhưng điều này vô cùng khó xảy ra vì Quốc Dân Đảng nhận được rất ít sự ủng hộ, đặc biệt là từ giới trẻ. Đảng Dân Chúng Đài Loan đang thu hút sự ủng hộ nhiều hơn từ các cử tri trẻ vì tình trạng suy thoái kinh tế đang diễn ra của hòn đảo này đã dẫn đến việc nhiều người trẻ tuổi phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp hoặc làm việc nhiều giờ với mức lương thấp, chưa kể mức giá địa ốc cao ngất ngưởng khiến họ không thể chuyển ra ngoài sống tự lập hoặc kết hôn.
Do đó, giữa hai đảng đối lập, Đảng Dân Chúng Đài Loan dự kiến sẽ thu hút phần lớn là cử tri trẻ tuổi, đổi lại Quốc Dân Đảng có thể sẽ nhận được sự ủng hộ từ các cử tri lớn tuổi. Trừ khi có sự hình thành của một liên minh đối lập, nếu không thì ông Lại Thanh Đức của Đảng Dân chủ Tiến bộ sẽ được xem là người dẫn đầu với khả năng thành công cao nhất.
Nếu Đảng Dân chủ Tiến bộ chiến thắng, điều này sẽ gửi tín hiệu tới ĐCSTQ rằng người dân Đài Loan không mong muốn trở thành một phần của Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn chưa cho thấy phản ứng rõ ràng nhưng có khả năng sẽ bao gồm việc đưa ra những tuyên bố đầy giận dữ, kèm theo các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn và hành động quấy rối ở Eo biển Đài Loan.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times