Cử tri Đài Loan vừa mới chứng minh cho ông Tập thấy rằng ông ta không hề quan trọng
Bài viết nguyên gốc được Viện Gatestone phát hành
Kết quả bầu cử đã được ấn định. Cử tri Đài Loan đã đứng lên phản đối Trung Quốc cùng hết thảy những lời khiêu chiến của nước này trong những tuần gần đây.
Hôm thứ Bảy (13/01), Phó Tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) của Đảng Dân chủ Tiến bộ (hay Đảng Dân Tiến, DPP) đã đắc cử tổng thống trong cuộc chạy đua tay ba với tỷ lệ phiếu ủng hộ đạt 40.1%. Bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), đại diện mới đây của Đài Bắc tại Hoa Thịnh Đốn, được bầu làm phó tổng thống.
Thị trưởng thành phố Tân Bắc Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih), thuộc phe đối lập Quốc Dân Đảng có tỷ lệ phiếu ủng hộ là 33.5%, và ông Kha Văn Triết của Đảng Nhân dân Đài Loan mới thành lập gần đây đứng thứ ba với tỷ lệ ủng hộ là 26.5%.
Cuộc bầu cử lần này đã đi vào sử sách, bởi lẽ đây là lần đầu tiên kể từ năm 1996, năm đầu tiên hòn đảo này tổ chức cuộc bầu cử tổng thống dân chủ, một đảng đã giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ ba liên tiếp.
Trước đây, DPP, hay còn gọi là đảng cầm quyền, và Quốc Dân Đảng hay KMT, đã thay nhau đảm nhận nhiệm kỳ tổng thống tám năm một lần.
Chiến dịch tranh cử của ông Lại đã gặp khó khăn cách đây vài tuần khi các cử tri bày tỏ sự không hài lòng với cách quản lý của DPP về các vấn đề ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người dân. Sau đó, Bắc Kinh quyết định nhảy vào can thiệp, gọi phó tổng thống Lại là “người theo chủ nghĩa ly khai” và “kẻ hủy diệt hòa bình.” Kết quả là, cử tri gốc Đài Loan bắt đầu tập trung vào đặc trưng riêng về sắc tộc của họ và mối đe dọa từ Trung Quốc.
DPP “Xanh Lá” đại diện cho những người tự nhận mình là “người Đài Loan.” Luôn có hơn 60% trong số 23.5 triệu người trên hòn đảo này tự nhận mình là “Người Đài Loan Bản địa” — một số cuộc thăm dò cho thấy trên 80% — trong khi về mặt tổng thể có không tới 5% nói rằng họ là “Người Trung Quốc Bản địa.”
Quốc Dân Đảng “Xanh Dương” của ông Hầu đã rút về Đài Loan vào năm 1949 khi đảng này thua trong cuộc Nội chiến Trung Quốc và được xem là đảng của người Hoa trên đảo. Nhiều người vẫn xem họ là quân xâm lược, đặc biệt là sau sự kiện “Khủng bố Trắng” tàn bạo của Quốc Dân Đảng, một chiến dịch kéo dài bốn mươi năm nhắm vào người Đài Loan bản địa.
Bắc Kinh tuyên bố rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và hiện nay họ ủng hộ Quốc Dân Đảng, bởi vì, trên thực tế, mục tiêu sáp nhập hòn đảo này một cách hòa bình của Trung Quốc chỉ có thể thành hiện thực khi và chỉ khi người dân Đài Loan tin rằng họ có chung cội nguồn với những người ở “đại lục.”
Những lời lẽ khiêu chiến của Bắc Kinh — một quan chức cao cấp của Trung Quốc đã tuyên bố trong tháng này rằng cuộc bầu cử ở Đài Loan đưa ra sự lựa chọn giữa “hòa bình và chiến tranh” — chỉ để nhắc nhở cử tri rằng, mặc dù không hài lòng với DPP, nhưng đảng cầm quyền này vẫn là sự lựa chọn tốt nhất trong việc giúp Đài Loan duy trì trạng thái tách biệt với Trung Quốc. Người Đài Loan, đặc biệt là sau khi chứng kiến cách Bắc Kinh đè nén Hồng Kông trong bốn năm qua, không muốn hòn đảo này nằm dưới sự cai trị của chế độ Trung Quốc.
Tỷ lệ cách biệt của ông Lại hôm thứ Bảy lớn hơn so với tỷ lệ trong các cuộc thăm dò được công bố ngay trước khi thời gian tạm dừng bỏ phiếu kéo dài mười ngày có hiệu lực. Ông có thể cảm ơn ông Mã Anh Cửu của Quốc Dân Đảng vì đã giúp ông tăng khoảng cách dẫn đầu còn mỏng manh trong những ngày trước cuộc bỏ phiếu. Ông Mã, một cựu tổng thống của Đài Loan, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 10/01 với Deutsche Welle về căn bản đã ủng hộ việc quy thuận Bắc Kinh và nói với người dân Đài Loan rằng họ có thể tin tưởng ông Tập Cận Bình.
“Việc chọn thời điểm như vậy thật là điều không may cho chiến dịch của ông Hầu,” ông Mã Chuẩn Uy (Ma Chun-wei) đến từ Đại học Đạm Giang ở thành phố Tân Bắc nói với tờ Straits Times của Singapore. “Nếu ông Mã [Anh Cửu] nói những gì ông ấy đã nói hai tháng trước, thì bây giờ mọi người có thể đã bỏ qua. Nhưng việc nói những điều này chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử có thể sẽ khiến [đảng này] phải trả cái giá là mất đi các cử tri trung lập quan trọng của mình.”
Ông Mã Anh Cửu, đảm nhiệm chức tổng thống từ năm 2008 đến năm 2016, chắc chắn đã ghi điểm với 1.6% cử tri muốn hợp nhất lập tức với Trung Quốc, mà không phải là bất kỳ người nào khác.
Cựu Tổng thống Mã, người từng vận động tranh cử cho ông Hầu, đã không được mời tham dự sự kiện vận động tranh cử quan trọng nhất của Quốc Dân Đảng, một cuộc vận động được tổ chức một ngày trước cuộc bầu cử ở thành phố Tân Bắc.
Bằng cách không mời ông Mã, ông Hầu đang cố gắng trấn an cử tri rằng ông sẽ không bán đứng Đài Loan cho Trung Quốc. Thông điệp của ông trong suốt chiến dịch này là ông là người có khả năng tốt nhất trong việc đối phó với Trung Quốc và duy trì nền dân chủ của hòn đảo.
Thật không may cho Quốc Dân Đảng, bởi vì họ phải thu hút cả người Hoa ở Đài Loan, khối cử tri cốt lõi của đảng này, lẫn người Đài Loan bản địa, những người đang bắt đầu chi phối nền chính trị và có những khát vọng khác với người Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình lúc này hẳn đang rất tức giận. Trong thông điệp Năm Mới 2024, ông đưa ra tín hiệu rằng ông sẽ sớm sáp nhập Đài Loan. “Trung Quốc nhất định sẽ thống nhất, và toàn bộ người Trung Quốc ở cả hai bên bờ Eo biển Đài Loan phải đồng lòng chung sức, cùng nhau chia sẻ sự vinh quang vĩ đại trong công cuộc phục hưng dân tộc Trung Hoa,” lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố trong một đoạn văn dường như là để như liệt kê những gì sẽ xảy ra trong năm nay.
Trung Quốc đã quá tự tin về tầm ảnh hưởng của mình. “Tôi nghĩ người dân ở đây đã quen với những mối đe dọa không hồi kết đến từ Trung Quốc,” ông Dương Anh Dục (Bob Yang), một giáo sư đã về hưu và là cựu chủ tịch Hiệp hội Công vụ cho Người Đài Loan tại Mỹ quốc, một tổ chức thân Đài Loan, nói với Viện Gatestone. “Dường như họ đang đối phó với chuyện này một cách rất bình tĩnh và dễ dàng.”
Như ông Dương, hiện đang ở Đài Loan sau khi vận động cho các ứng cử viên thuộc đảng DPP, nói với chúng tôi rằng các mối đe dọa từ Trung Quốc đang dần trở nên không còn có nghĩa lý gì. Một dân tộc tự do, sống chỉ cách nhà nước Trung Quốc đầy hiểm họa hơn một trăm dặm, sẽ không chịu để mình bị dọa nạt như vậy.
Người Đài Loan nghe thấy những lời đe dọa của ông Tập Cận Bình, càng trở nên ương ngạnh hơn, và giờ đây họ đã chứng minh cho ông Tập thấy là ông ta không hề quan trọng như những gì ông ta tưởng tượng.
Người dân trên hòn đảo Đài Loan nhỏ bé này không hề sợ đất nước Trung Quốc rộng lớn. Họ là nguồn cảm hứng tự do cho mọi người trên thế giới này.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times