Con trẻ chính là tấm gương phản chiếu hành vi của cha mẹ
Để hiểu rõ hơn về bản thân, bạn nghĩ rằng việc soi mình thật kỹ trong gương, hoặc hỏi ý kiến của các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè có thể sẽ hữu ích. Nhưng nếu bạn đang là cha mẹ, đáp án mà bạn đang tìm kiếm có thể được tìm thấy ngay ở đứa con của bạn, chúng chính là tấm gương phản chiếu hành vi của bạn.
Mỗi bậc phụ huynh đều đã từng kinh qua những khoảnh khắc thú vị – hoặc đáng báo động – khi những đứa con của họ thể hiện lại những cách hành xử hoặc lời bỡn cợt của chính họ. Dường như trẻ em có một khả năng kì diệu để trở thành những tấm gương phản chiếu. Chúng có thể phản ánh lại những bất an sâu thẳm nhất, những thói quen, quan niệm và đặc điểm tính cách của cha mẹ chúng.
Nhìn thấy mình trong con trẻ có thể vừa thú vị, vừa thương mến, cũng có thể vừa bực bội, hay lại ngượng ngùng xấu hổ. Hơn tất cả, chúng đều mang đến [cho bạn] thông điệp nào đấy.
Một cách có thể cải thiện hoà khí trong gia đình và cả mức độ nhận thức về bản thân của bạn chính là nhìn ra được một hiện tượng rằng con của bạn chính là tấm gương phản ánh các đặc điểm mà bạn cần nhận ra ở bản thân mình. Khi con trẻ làm như thế, bạn sẽ có thể nhận ra rằng bạn đã dành cho chúng nhiều sự bao dung, trân trọng hơn và có được cho mình những cái nhìn thấu tỏ hơn về bản thân.
Có thể dễ dàng nhận thấy những phương diện tích cực mà con bạn hoàn toàn giống như bạn. Chẳng hạn như con gái bạn sở hữu sự lanh trí của bạn một cách khó giải thích, hay con trai bạn lại sở hữu khả năng thiên bẩm của bạn trong việc chiều lòng người khác. Tuy nhiên, chính những nét tính cách không tốt mà những đứa trẻ được thừa hưởng từ bạn có thể rất có ích cho bạn một khi bạn chứng kiến điều ấy.
Những cơn bộc phát
Lần tới đây khi bạn đối diện với những cơn bộc phát từ con mình, hãy thử điềm tĩnh quan sát và hiểu điều gì mang lại [cho con] sự khó chịu đó. Hãy tự hỏi mình rằng thứ gì đã khiến con bạn làm phiền bạn, hay liệu cách mà con bạn đang phải chống chọi có giống với bạn không. Bạn có thể bất ngờ với mức độ thấu hiểu của mình khi bạn dừng lại để ngẫm về bản thân, và khi dạy bảo con trẻ, bạn cũng có thể hướng đến việc cải thiện bản thân hơn nữa.
Những thói quen xấu
Khi con bạn lớn lên, chúng cũng sẽ dần hình thành nên những thói quen – có tốt, có xấu. Đặc biệt khi bạn nhận ra những thói quen xấu, hãy nhìn lại mình xem liệu bạn cũng có đang ôm giữ thói quen đó hay không. Có lẽ chúng đang chây lười làm bài tập, chúng không dọn dẹp hoặc cách hành xử của chúng cần được dạy dỗ thêm. Bạn có thể thấy sẽ có ích khi chia sẻ với con bạn rằng chính bạn cũng đang phải khổ sở vượt qua thói quen này và bạn vẫn đang cố gắng cải thiện [bản thân mình].
Những nỗi đau về tinh thần
Khi con của bạn đang trải qua nỗi đau về tinh thần, chúng cần sự hỗ trợ và thấu hiểu, cũng như được hướng dẫn cách tự mình vượt qua và lấy lại sự tự chủ. Hãy tự nhìn vào bản thân khi con của bạn đang trong trạng thái cảm xúc này hay cảm xúc khác, điều này có thể giúp bạn đồng cảm với chúng, cũng như cho bạn một cái nhìn về những vấn đề về cảm xúc của chính mình.
Những cư xử không thể chấp nhận được
Khi con bạn bước ra thế giới, chắc chắn chúng sẽ phạm sai lầm, sẽ hành động và cư xử theo cách mà bạn cho là không thể chấp nhận được. Cũng chính tại điểm đó, bạn cũng sẽ thoáng thấy bóng hình của mình [trong đó]. Cách mà con trẻ phản ánh ra có thể sẽ không mấy dễ chịu, nhưng khi nhận ra mặt tiêu cực cũng như tích cực của điều này, bạn sẽ tự nhận thức được chính mình và có một hiểu biết sâu sắc hơn về cách hướng dẫn con cái của bạn.
Barbara Danza là một bà mẹ hai con, có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, yêu biển và có trái tim thuần khiết. Bài viết của cô thường đi sâu vào những thách thức và cơ hội nuôi dạy con cái trong thời hiện đại. Đặc biệt là những chủ đề liên quan đến lựa chọn giáo dục trong gia đình, sự nhận thức mới về sự đơn thuần của trẻ nhỏ, lợi ích của việc du lịch gia đình và tầm quan trọng của lối sống gia đình trong xã hội ngày nay.