Dạy trẻ lối sống tối giản như người lớn
Tác giả Mollie chia sẻ 8 bài học về lối sống tối giản mà cô cho rằng rất quan trọng trong dạy dỗ con cái. Đó là những bài học giúp các con chuẩn bị cho cuộc sống trong thế giới hiện đại ngập tràn lựa chọn, coi trọng hiệu quả, bận rộn và luôn có những tác động không ngừng này.
“Con chán quá. … Không có gì để làm ở nhà! Mình có thể xem TV không mẹ?” Con gái 6 tuổi của tôi, Sophie than vãn.
Về nhiều mặt, con gái tôi không khác biệt so với hầu hết những đứa trẻ cùng tuổi.
Con gái tôi tìm kiếm sự hài lòng ngay lập tức. Cô bé muốn được vui thích liên tục và trở nên buồn chán khi đồ chơi của cô bé trở nên nhàm chán. Cô bé nhìn thấy những gì những đứa trẻ khác có và mong muốn nhiều hơn, vào một số ngày, cô bé có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”.
Trẻ em luôn quan sát những gì chúng ta làm, vì vậy trở thành tấm gương cho các bé là một việc làm quan trọng. Và khi những đứa trẻ của chúng ta chuyển qua giai đoạn chập chững biết đi và bước sang giai đoạn trưởng thành hơn, chúng ta thấy mình bị thách thức với cách nuôi dạy con cái trong thế giới hiện đại ngập tràn lựa chọn, coi trọng hiệu quả, bận rộn và luôn có những tác động không ngừng này.
Mike chồng tôi và tôi có lý tưởng riêng về lối sống tối giản. Nhưng chúng tôi cũng mong muốn chia sẻ những thói quen và giá trị này với con cái của mình — tất nhiên là theo cách phù hợp với lứa tuổi.
Dưới đây là 8 bài học về lối sống tối giản mà chúng tôi cho rằng chúng quan trọng trong dạy dỗ con cái của mình. Có thể phải mất nhiều năm để bọn trẻ tiếp thu hoàn toàn những bài học này, nhưng chúng tôi hy vọng những bài học này sẽ giúp bọn trẻ có một cuộc sống rộng lượng hơn và có định hướng hơn.
Chỉ vì con sở hữu thứ gì đó không có nghĩa là con cần phải giữ nó mãi mãi
Trong suốt một năm, các con của chúng tôi trải qua những giai đoạn yêu thích đồ chơi khác nhau. Trong vòng vài tháng, món đồ chơi yêu thích sẽ được thay thế, có thể là một chiếc xe tải hoặc một con búp bê đặc biệt nào đó. Việc dạy bọn trẻ chỉ giữ những gì chúng thực sự sử dụng và chơi đùa cho phép các con không giữ quá chặt “những thứ của mình”.
Giống như việc chúng tôi thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, chúng tôi cũng dạy bọn trẻ đánh giá những thứ của chúng. Nếu thứ gì đó có thể được sửa chữa, thì hãy sửa chữa nó. Nếu không, đã đến lúc bỏ nó đi thì nên bỏ nó đi thôi. Nếu một món đồ chơi đặc biệt không còn được chơi, thì ai khác có thể hưởng lợi từ nó?
Nhiều lựa chọn hơn không phải lúc nào cũng có nghĩa là vui hơn
Quá nhiều sự lựa chọn sẽ dẫn đến tâm lý mệt mỏi khi ra quyết định và quá choáng ngợp khi khi đến lúc phải dọn dẹp. Việc này cũng có thể dẫn đến tâm lý thiếu vắng lòng biết ơn. Tâm thái này có thể khiến con cái chúng ta – hoặc chính chúng ta – không hài lòng với những điều tốt đẹp trong cuộc sống của chúng ta.
Để giúp bọn trẻ thực hành bài học này, chúng tôi sử dụng thùng trữ đồ chơi xoay vòng. Cứ sau vài tháng, chúng tôi để đồ chơi vào thùng này để hạn chế số lượng lựa chọn của các con cùng một thời điểm. Sau một vài tháng, chúng tôi đưa những đồ chơi đó trở lại và đồng thời để những đồ chơi khác vào thùng. Bất kỳ món đồ chơi nào không được tụi nhỏ động tới khi chúng tôi đưa trở lại sẽ được đem tặng. Đó là cách để cho bọn trẻ chia sẻ những món đồ chơi mà chúng từng yêu thích.
Buồn chán một chút cũng tốt
Tác giả Jodi Musoff, chuyên gia giáo dục tại Viện tư duy trẻ em, cho biết, “Buồn chán không phải là vấn đề bởi vì các giải pháp sáng tạo và những trò chơi tưởng tượng sẽ từ buồn chán mà sinh ra. Sự buồn chán cũng giúp trẻ phát triển các chiến lược lập kế hoạch, kỹ năng giải quyết vấn đề, tính linh hoạt và kỹ năng tổ chức — những khả năng chính mà những đứa trẻ có cuộc sống thường được sắp xếp tốt có thể thiếu”.
Trong những buổi chiều yên tĩnh của bọn trẻ, chúng tôi đưa cho bọn trẻ rất nhiều vật liệu để chúng thỏa sức sáng tạo — lego, đồ chơi xếp hình nam châm, băng dính (bao gồm cả băng washi trang trí,) keo dán, mẩu giấy, hạt cườm, sequins, sơn và bút chì màu. Những gì bọn trẻ tạo ra với một tâm trí cởi mở và các vật liệu ít được sắp xếp thật đáng kinh ngạc.
Tiêu tiền không phải lúc nào cũng là giải pháp
Bài học này là một bài học khó, ngay cả đối với người đã trưởng thành như tôi. Xã hội dạy chúng ta rằng khi quần áo và đồ chơi không còn mang lại cho chúng ta niềm vui, chúng ta nên mua một cái gì đó mới mẻ để thỏa mãn ham muốn.
Tuy nhiên, chúng tôi đang cố gắng dạy con sáng tạo với những gì chúng tôi đang sở hữu hoặc cho phép bản thân làm trong một thời gian nếu có thể.
Hạn chế mua sắm bốc đồng bằng cách thực hiện quy tắc 48 giờ là một thói quen hữu ích mà chúng tôi đã bắt đầu, kể cả những lần bọn trẻ sử dụng tiền tiết kiệm trong heo đất của chúng.
Những thói quen lành mạnh tạo ra nhịp điệu cuộc sống lành mạnh
Khi bọn trẻ biết mình phải làm gì, chúng sẽ cảm thấy an toàn và chắc chắn hơn. Các công việc hàng ngày tạo nên thời khóa biểu cho bọn trẻ. Trong gia đình chúng tôi, đó là một số công việc nhà phù hợp với lứa tuổi giúp bọn trẻ rèn luyện tính độc lập và khuyến khích tinh thần chịu trách nhiệm; chẳng hạn như dọn dẹp giường ngủ, dọn dẹp bàn ăn hoặc thực hiện tốt thời gian yên tĩnh buổi chiều.
Sắp xếp đồ đạc ngăn nắp
Hướng dẫn con cái chúng ta rằng mọi vật dụng đều có chỗ của mình. Khuyến khích các con tự dọn dẹp là một cách đơn giản để giảm bớt nhiều thứ lộn xộn từ đồ chơi, quần áo bẩn và giày dép. Khi chúng tôi đặt mỗi đồ vật ở một vị trí hợp lý, thực tế, bọn trẻ sẽ hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng hơn nhiều.
Một chiến lược đã giúp các con của chúng tôi trong bài học này là tạo ra “Thùng rác” của chúng tôi.
Đó là một chiếc thùng vải trong phòng khách, nơi đồ chơi, giày dép và các vật dụng khác rơi vãi trên sàn nhà được đặt vào bất kỳ lúc nào (khi tôi hoặc Mike đi ngang qua và nhận thấy sàn nhà lộn xộn, chúng tôi chỉ đơn giản là ném các món đồ đó vào ‘Thùng rác’ để sau đó các con sẽ cất đúng chỗ).
Không phải lúc nào chúng tôi cũng yêu cầu bọn trẻ dọn dẹp sàn nhà, nhưng vào cuối ngày, ‘Thùng rác’ sẽ được dọn sạch và mọi vật dụng được đưa trở lại vị trí của chúng.
Hãy bằng lòng với những gì mình đang có
Lòng biết ơn là điều mà nhiều bậc cha mẹ cố gắng dạy dỗ cho con cái của họ, nhưng ngay cả người lớn cũng rất khó khăn để thực hành lòng biết ơn. Thiếu biết ơn là một trong những lý do chính khiến chúng ta tiếp tục mong muốn nhiều hơn và nhiều hơn nữa.
Gần đây, chúng tôi đã nhận được catalog đồ chơi Giáng sinh của Amazon qua thư, và không ngạc nhiên khi các con tôi bắt đầu đi vòng quanh và chỉ ra mọi thứ chúng nghĩ chúng phải có. Căn phòng đầy đồ chơi hiện tại không thể sánh được với cảm giác ham muốn vô tận mà tạp chí này mang tới.
May mắn thay, những khoảnh khắc như thế này cho phép chúng tôi trò chuyện với bọn trẻ về nhu cầu và mong muốn, về lòng biết ơn những gì chúng ta đang sở hữu và tìm thấy sự bằng lòng.
Hãy sống với một trái tim rộng lượng
Có lẽ điều quan trọng nhất của những bài học này là dạy cho bọn trẻ của chúng ta cách sống với một trái tim rộng lượng.
Chúng ta đang sống trong một xã hội “lấy cái tôi cá nhân làm trung tâm”, nơi mà quyền lợi và tham vọng bản thân là động lực.
Để phân lập cách sống này và tạo dựng nền tảng cho một cuộc sống thăng hoa, chúng tôi khuyến khích con cái biết quan tâm tới nhu cầu của người khác. Thông qua bài học này, chúng tôi hy vọng các con sẽ có thái độ sống khoáng đạt khi chúng trưởng thành.
Chúng tôi thường xuyên quyên góp đồ chơi và quần áo không còn sử dụng nữa — đó là điều không cần bàn cãi khi sở hữu ít hơn và giảm bớt các lựa chọn cho con cái chúng tôi. Trong vài năm qua, chúng tôi đã tìm cách để con mình có thể chia sẻ thời gian và quà tặng của mình với những người khác.
Bọn trẻ thích đến thăm những người hàng xóm cao tuổi, làm thiệp cho các thành viên trong gia đình, tặng những thứ đặc biệt “của chúng” cho anh em họ, và quyên góp thực phẩm cho cửa hàng thực phẩm địa phương. Đây là những việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa về phương diện quan tâm đến người khác.
Đây là một số bài học mà chúng tôi đã cố gắng truyền đạt cho con cái của mình. Bọn trẻ sẽ phải tự mình bước đi trong hành trình và chọn cách sống khi trưởng thành, nhưng chúng tôi nhận thấy giá trị to lớn của những thói quen giúp các con chuẩn bị cho cuộc sống trong thế giới hiện đại này.
Bảo Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times