Con rể nghèo lâm bệnh bị cha mẹ vợ ruồng bỏ, vợ thề sống chết không tái giá
Thế sự vô thường, biến hóa khó lường. Và trong cuộc sống vô thường này, có một số điều là bất biến, phẩm đức của con người chính là điều quan trọng nhất trong số đó. Phẩm đức có thể giúp con người đạt được điều gì? Rất nhiều người muốn cầu thứ này thứ nọ, tuy nhiên nếu tích được đức dày thì không cầu mà tự đắc.
Vào thời nhà Minh, ở vùng Côn Sơn tỉnh Giang Tô có một người lái thuyền họ Dương, ông có một người bạn thân họ Kim. Về sau người bạn thân này qua đời, để lại một người con trai tên là Kim Tam mới 17-18 tuổi, gia cảnh nghèo khó khiến Kim Tam sắp trở thành ăn mày.
Lão Dương thấy vậy không đành lòng, bèn đưa Kim Tam lên thuyền của mình nuôi dưỡng. Thời gian trôi qua, vợ chồng lão Dương thấy Kim Tam rất chăm chỉ, bởi vậy càng yêu mến cậu hơn. Lão Dương không có con trai, chỉ có một cô con gái trạc tuổi Kim Tam, thế là ông nhận Kim Tam làm con rể. Sau khi kết hôn hơn một năm, vợ của Kim Tam sinh được một bé gái, nhưng cháu vừa tròn một tuổi thì không may bị bệnh và chết yểu. Kim Tam vì thương tâm quá độ mà sinh bệnh, thân thể ngày càng ốm yếu, tính mệnh đang đứng bên bờ nguy hiểm. Lúc này vợ chồng lão Dương mới sinh ý hối hận, suốt ngày không ngừng trách mắng Kim Tam.
Một hôm, thuyền của họ đang đi trên sông lớn, lão Dương thấy phía trước có một hòn đảo hoang, bèn cho thuyền đỗ lại rồi nói với Kim Tam: “Trên thuyền không còn củi để nấu cơm, con đi lên đảo nhặt ít cành cây khô về đây đi.”
Kim Tam gắng gượng kéo thân thể yếu ớt vì bệnh đi lên bờ. Vừa chờ Kim Tam đi xa, lão Dương liền giương buồm lái thuyền đi mất.
Khi Kim Tam cõng một bó củi trở về bên bờ thì đã không còn nhìn thấy bóng dáng con thuyền đâu, cậu hiểu ra là nhà họ Dương cố ý bỏ rơi mình trên đảo hoang này, vì thế nghẹn ngào gào khóc to. Kim Tam thầm nghĩ, thân thể mình đang bệnh tật, lại gặp phải hoàn cảnh tuyệt vọng như thế này, chi bằng chết đi cho rồi. Khi đang định nhảy xuống sông tự vẫn thì anh chợt nghĩ lại: Làm sao mà biết được trên đảo này không có người? Hay là đi xem thử một chút, biết đâu còn có cơ hội được cứu. Thế là anh quay đầu đi hướng về phía rừng cây.
Đi mãi, đi mãi, chợt Kim Tam phát hiện một chỗ kín đáo, nơi này xếp từng hàng từng hàng binh khí như kiếm, kích, giáo mác, khiên thuẫn, giống như là đang bảo vệ cho thứ gì đó. Kim Tam hết sức kinh ngạc, vội vàng trốn vào một bên, đồng thời lén quan sát xung quanh. Qua thời gian rất lâu, không những không thấy có người, mà cũng không nghe được âm thanh gì, Kim Tam bèn từ từ đi ra xem xét. Quả thực nơi này âm u tĩnh mịch, không có một bóng người, chỉ có tám cái rương lớn được đậy kín rất chắc chắn, không biết bên trong đựng vật gì.
Kim Tam hiểu rằng, đây là tang vật do bọn giặc cướp cướp được, tạm thời cất giấu ở nơi đây. Thế là Kim Tam chuyển những binh khí kia đến giấu kín ở trong khe kín, rồi trở lại bên bờ sông chờ đợi. Không lâu sau, quả nhiên trời không phụ người có tâm, có một con thuyền đi ngang qua, Kim Tam vẫy tay gọi thuyền, người trên thuyền nhìn thấy liền cho thuyền cập bờ. Kim Tam nói: “Tôi có mang theo một ít hành lý, ở nơi này chờ bạn của tôi. Xem ra bạn của tôi sẽ không tới rồi, xin các vị đưa tôi rời khỏi nơi này được không?”
Người trên thuyền đồng ý, đồng thời giúp Kim Tam mang tám cái rương lớn lên thuyền. Khi thuyền đi đến vùng Nghi Chân, Kim Tam xuống thuyền rồi tìm một quán trọ ở lại. Sau đó, anh cạy mở ra các rương, vừa mở ra thì thấy bên trong đều là vàng bạc châu báu sáng lóa. Thế là Kim Tam lấy ra một ít vàng bạc châu báu bán đi, từ cuộc sống thay đổi, về sau thu mua đầy tớ và thê thiếp.
Một hôm, Kim Tam đi dạo đến bờ sông, chợt thấy thuyền của nhà họ Dương cũng thả neo cập bến nơi này. Kim Tam đã từng sinh sống nhiều năm trên thuyền này, làm sao có thể không nhận ra được? Có điều anh tạm thời không làm kinh động đến người trên thuyền, mà trước tiên phái người đi thuê chiếc thuyền này, nói là muốn tới Tương Dương buôn bán. Sau đó, Kim Tam mua lượng lớn hàng hóa, xếp đầy trên thuyền và chuẩn bị xuất phát.
Thì ra khi vợ chồng lão Dương bỏ rơi Kim Tam, người con gái của họ không hề hay biết chuyện gì đã xảy ra. Về sau nàng biết chồng mình không trở về được nữa, thật sự là khóc đến chết đi sống lại, song lúc đó bất lực không thể làm gì. Nàng không thể nào quên được tình cảm vợ chồng giữa nàng và Kim Tam. Khi bị cha mẹ ép buộc chọn người khác làm chồng, nàng thề sống chết không chịu.
Ngày hôm đó khi Kim Tam lên thuyền, người trên thuyền tôn trọng khách hàng lớn nên không dám ngẩng đầu lên nhìn khách, chỉ có cô con gái nhà họ Dương len lén nhìn một cái. Đột nhiên nàng sợ ngây người. Nàng nói với mẹ rằng: “Dáng vẻ của người khách này rất giống với Kim Tam chồng của con.” Bà mẹ thấy vậy bèn mắng: “Không nên nói hồ đồ. Thấy đàn ông còn không biết xấu hổ. Cái thằng Kim Tam kia, bây giờ còn không biết đã chết ở nơi nào rồi.” Bị mẹ mắng, cô con gái không dám hé môi nói gì nữa.
Kim Tam nhìn qua vợ mình một cái, giả vờ như không biết, lại nói với người lái thuyền một câu: “Sao ông không đi đến đuôi thuyền lấy cái nón bố rách đội lên?” Câu nói này vốn là khi Kim Tam nghèo túng mới bước lên con thuyền này, người chủ thuyền đã nói với cậu một câu như vậy. Vợ của Kim Tam vừa nghe liền hiểu ngay, bèn chạy ra gặp lại chồng mình. Hai người ôm nhau khóc lóc một hồi, tiếp đó lại cười vui vẻ giống như lúc còn ân ái trước đây. Lúc này vợ chồng lão Dương cũng đi ra. Ông bà vừa vui mừng lại vừa hổ thẹn, cả hai quỳ xuống trước mặt con rể cầu xin tha thứ. Kim Tam cũng không so đo, đưa hai người về nhà của mình, từ đó cả nhà đoàn viên.
Không lâu sau, vào tháng Giêng mùa xuân năm Chính Đức thứ 6 thời Minh Vũ Tông, hai tên cướp khét tiếng là Lưu Lục (tên thật là Lưu Sủng) và Lưu Thất (tên thật là Lưu Thần) tập hợp lôi kéo người gây loạn làm phản ở Bá Châu. Chúng tấn công huyện An Túc, đánh cướp nhà tù để giải cứu tên đồng bọn Tề Ngạn Danh đang bị giam bên trong. Lúc ấy dân nghèo lại hưởng ứng, khoảng chừng trong 10 ngày, loạn dân tụ tập mấy ngàn người, cướp bóc vùng ven huyện Nam Châu.
Kim Tam bỏ tiền ra chiêu mộ binh sĩ, từ quận khác tiến đến Hồ Công, đánh thẳng vào sào huyệt Lang Sơn, bắt thủ lĩnh, đánh dẹp bình định quân nổi loạn. Lập nên công lớn, Kim Tam được phong Vũ Kỵ Úy, vợ của anh cũng theo chồng được thụ phong.
Cổ Dung biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ