Bí quyết giúp người phụ nữ ứng xử phải lẽ với chồng và gia đình chồng
Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, người phụ nữ phải đối mặt với nhiều mối quan hệ khác nhau như chồng, mẹ chồng, anh chị em chồng, v.v. Đây không đơn giản là quan hệ giữa người với người, mà thực sự là một bài kiểm tra cho sự khéo léo của người phụ nữ.
Nếu nàng dâu cư xử thấu tình đạt lý, thì quan hệ gia đình sẽ hòa thuận và êm ấm. Còn nếu sơ sẩy một chút thì có thể làm tổn thương đến người khác, thậm chí rạn nứt tình cảm gia đình. Vậy nên đối mặt với những quan hệ này như thế nào đây? Ban Chiêu đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá nào? Chúng ta hay cũng xem cuốn sách “Nữ giới” của bà.
Quan hệ vợ – chồng
Đầu tiên, khi một người phụ nữ bước vào cuộc hôn nhân, điều đầu tiên cô phải đối mặt là mối quan hệ với chồng mình. Trong cuốn “Nữ giới”, chương hai “Phu phụ” nói: “Phu phụ chi đạo, tham phối âm dương, thông đạt thần minh, tín thiên địa chi hoằng nghĩa, nhân luân chi đại tiết dã.”
Ý tứ là: Đạo nghĩa vợ chồng là sự phối hợp âm-dương, cảm ứng thần minh, vì vạn sự vạn vật đều có âm và dương, bao gồm cả quan hệ giữa nam giới và nữ giới. Đây là đạo nghĩa trong trời đất, cũng là đạo lớn trong quan hệ nhân luân. Theo văn hoá truyền thống, quan hệ giữa người với người được chia thành năm loại, gọi là ngũ luân. Xếp thứ nhất là quan hệ vợ chồng, bởi vì có vợ chồng thì mới có cha con, huynh đệ, bằng hữu, quân thần. Vì vậy, trong chương đầu tiên của cuốn “Thi kinh” cũng giảng về quan hệ vợ chồng, nam nữ.
Việc kết hôn là phải có một âm một dương, một nam một nữ, mà không phải là hai nam hoặc hai nữ. Nhưng hiện nay, khi một số quốc gia và khu vực đã hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới, đã gặp phải nhiều phản đối từ công chúng. Những người phản đối cho rằng, các tôn giáo đều giảng một nam một nữ mới có thể kết hợp thành gia đình, còn “Hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới” là đi ngược lại với ý chỉ của Thần minh.
Điều này cũng kéo theo một số hệ lụy khác. Ví dụ, ở Trung Quốc, có rất nhiều người đồng tính dưới áp lực của xã hội, đã phải tìm người khác giới để kết hôn. Nhưng điều này đã tạo thành tổn thương nghiêm trọng đến các cô gái.
Một trường hợp nổi tiếng là, vào năm 2012, La Hồng Linh, một cô giáo người Thành Đô, Tứ Xuyên, bất ngờ phát hiện chồng mình đã giấu giếm bản thân là người đồng tính và kết hôn với cô. Sau khi nhận ra bản thân bị lừa dối, cô đã tự tử bằng cách nhảy lầu từ tầng 13. Vụ việc đã gây rúng động dư luận và được nhiều kênh truyền thông đưa tin. Cô La đã từng đăng bài viết lên mạng cầu cứu: “Xin hỏi làm thế nào để hoà hợp trong hôn nhân?” Cô chia sẻ, chồng cô thường xuyên về nhà muộn, ngày nào cũng đi tập thể hình, không quan tâm hỏi han gì đến cô. Khi cô chia sẻ về tình huống của bản thân, nhiều người đã mạnh dạn bình luận, kiến nghị cô tìm hiểu xem người chồng có phải là người đồng tính hay không. Ban đầu cô còn không tin, cho đến khi cô phát hiện tin nhắn trò chuyện của chồng với một người đàn ông khác. Sau đó, chồng cô đích thân mở miệng thừa nhận: “Xin lỗi em! Anh đã lừa em! Anh nói dối em là vì để che giấu giới tính của mình.”
Cô La Hồng Linh đau đớn, thống khổ, không ngờ người mà cô hết mực tin tưởng giao phó cả đời, lại lừa dối ngay từ phút ban đầu. Cô đã để lại di ngôn cuối cùng trên Weibo rằng: “Tôi quá mệt mỏi với thế giới này rồi. Vậy hãy để mọi thứ kết thúc đi!” Sau đó cô quay người nhảy lầu tự sát.
Cô La Hồng Linh chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của các cuộc hôn nhân đồng tính. Sau khi vụ việc xảy ra, người ta phát hiện nhiều đồng tính nam cũng đang tìm cách kết hôn với phụ nữ để che đậy giới tính thật của mình. Vợ của những đồng tính nam được gọi là “đồng thê”. Theo một cuộc khảo sát năm 2015, cả nước Trung Quốc có 16 triệu người trở thành “đồng thê”. Họ sống trong những gia đình không có tình yêu thương và quan tâm chăm sóc, 80% trong số đó đã bị mắc bệnh trầm cảm. Vì vậy, trước khi quyết định kết hôn với một ai đó, các cô gái nên tìm hiểu thật kỹ xem đối phương có phải là người mình nên chọn lựa gửi gắm cuộc đời hay không. Một số phương tiện truyền thông cũng đã liệt kê một số câu hỏi nên hỏi trước khi kết hôn, bao gồm:
- Bạn có hoàn toàn hiểu hết hoàn cảnh thực tế của đối phương hay không, bao gồm cả xu hướng tình dục và có xu hướng bạo lực gia đình hay không, v.v.
- Hai người đã trao đổi tường tận về tiền sử bệnh tật của đôi bên hay chưa, bao gồm cả bệnh liên quan đến thể chất và tinh thần.
- Cha mẹ hai nhà có đồng ý hay không. Nếu còn bên nào chưa chấp thuận, thì cần phá bỏ những rào cản ấy ra sao?
- Vấn đề tài chính: Hai bên có thống nhất được phương thức quản lý tiền bạc sau khi kết hôn hay không.
- Hai bên có muốn sinh con không? Nếu có, đã xây dựng kế hoạch cụ thể chưa, bao gồm mô hình giáo dục con trẻ, v.v.
- Điều không thể tha thứ nhất trong hôn nhân là gì, phải làm gì nếu những tình huống này xảy ra.
Nếu hai bên đã trả lời hết những câu hỏi này trước khi kết hôn, thì có thể giảm thiểu những rủi ro trong cuộc sống vợ chồng sau này. Tuy nhiên, nhiều người nhận ra rằng lý tưởng và hiện thực cách nhau quá xa. Sau khi chung sống, hết việc này đến việc khác khiến họ không hài lòng, như thể bị vây hãm trong chiếc lồng sắt của hôn nhân, không thể hóa giải được. Rất nhiều vấn đề trong hôn nhân sẽ phản ánh ra ở xã hội và tạo thành ảnh hưởng tương đối lớn. Vậy, khi cảm thấy thất vọng và phiền muộn trong hôn nhân, bạn nên làm thế nào để khuây khỏa tinh thần?
Trong văn hóa phương Đông có một danh từ gọi là “Định mệnh”, cho rằng mọi thứ đều có duyên cớ, còn duyên số giữa vợ chồng là do ông Trời sắp đặt. Ngay từ khi chúng ta sinh ra, đã định sẵn ai sẽ là bố mẹ, anh chị em, sau đó ai sẽ trở thành bạn bè, đồng nghiệp của chúng ta. Tất cả họ như những nhân vật trong chiếc đèn kéo quân liên tục xoay quanh chúng ta, và đó cũng là duyên phận mà chúng ta dù tốn bao nhiêu công sức cũng không nắm bắt được trong tầm tay. Duyên vợ chồng đa số là do tích luỹ từ kiếp trước, là bạn có ân tình với người kia, hoặc đối phương có ân tình với bạn, đời này gặp nhau để đòi hoặc trả nợ nhau mà thôi.
Người xưa có câu: “Phu phụ thị tiền duyên, thiện duyên ác duyên, vô duyên bất hợp.” (Tạm dịch: Vợ chồng là bởi tiền duyên, có thể là thiện duyên hoặc ác duyên; không có duyên không thể hợp lại.)
Lại có người nói, kiếp trước 500 lần ngoái đầu nhìn lại mới đổi được kiếp này một lần gặp thoáng qua. Cổ ngữ có câu “Tu mười năm mới được chung thuyền, tu trăm năm mới nên duyên vợ chồng”.
Kiếp này có duyên thành vợ chồng, là do mối quan hệ trong tiền kiếp mới thành. Vì thế, dù duyên này là tốt hay xấu, đều là duyên phận, chỉ người có duyên với nhau mới có thể kết thành vợ chồng. Những người không có duyên với nhau, dù muốn nắm tay nhau cũng không thể chứ đừng nói tới kết thành phu thê.
Nếu đã không hể thoát khỏi số phận, tại sao chúng ta không học cách trân quý, nghĩ cách đối mặt và hóa giải những vấn đề của nhau. Có người nói, quan hệ thân mật cũng là một kiểu tu hành, vì nhiều khi có thể cư xử rất tốt, rất đúng mực với người ngoài, nhưng trước mặt những người thân thiết thường bộc lộ ra nhiều khuyết điểm. Thậm chí, càng ở gần nhau, hàng ngày chạm mặt, càng dễ sinh ra mâu thuẫn. Cũng giống như hai cái cây, nếu chúng ở xa nhau, người ngoài nhìn vào chẳng khác đang gì đang ngắm cảnh. Nếu chúng đặt gần nhau, bạn sẽ phát hiện rằng, rễ của chúng đang đan xen vào nhau, vì để hấp thụ nhiều nước và dinh dưỡng, không gian sinh tồn, chúng đã cuốn vào nhau dưới lớp đất vô hình.
Cũng giống như vợ chồng, hai người tranh giành nhau từng lời ăn tiếng nói, quản lý tài sản, v.v. Những thứ này đều là trong nội bộ gia đình, làm sao để giải quyết ổn thoả và không làm rạn nứt tình cảm vợ chồng?
Một trận gió thổi qua, những chiếc lá đung đưa và hoà quyện vào nhau, chẳng khác gì cặp vợ chồng. Ở trước mặt người ngoài, hai người đã không còn là một cá thể đơn độc, mà đã gắn chặt vào nhau, có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu, người này bị ảnh hưởng thì cũng liên đới tới người kia, thậm chí tổn thất đến cả gia đình.
Vì vậy, hai vợ chồng nếu muốn được đối phương tôn trọng, yêu thương, tương kính như tân, thì cần phải đặt nhiều công phu vào trong đó. Làm thế nào để hiểu bản thân, hiểu đối phương, hiểu cho nhau? Làm thể nào để bồi dưỡng tình yêu đối với bản thân và đối với người khác? Vì vậy, nhiều người nói rằng, quan hệ thân mật trong hôn nhân chính là quá trình tu luyện.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều cô gái là con một, được cha mẹ nâng niu như viên ngọc quý trong tay. Nhưng trong hôn nhân, một gia đình cần người phụ nữ chín chắn, trưởng thành để chăm lo gia đình. Lúc ấy, vai trò của họ đã hoàn toàn khác. Trong “Nữ giới” có viết: “Phu bất hiền tắc vô dĩ ngự phụ, phụ bất hiền tắc vô dĩ sự phu.” Ý tứ là, người chồng nếu như không có phẩm hạnh hiền đức, không thể làm chỗ dựa tinh thần cho người vợ, thì rất khó có được sự tôn trọng từ vợ, tôn ti trật tự trong nhà ắt lộn xộn. Còn người vợ nếu như không hiền hậu, ngày ngày chỉ biết trang điểm, dạo phố, mua sắm, không chịu làm cơm, không chăm lo cho gia đình, khi người chồng gặp chuyện rắc rối, sa sút tinh thần, cũng không quan tâm, hỏi han giúp đỡ, thì đã không làm trọn đạo nghĩa của người vợ.
Quan hệ mẹ chồng – nàng dâu
Phương diện thứ hai khi bước vào cuộc sống hôn nhân, người phụ nữ phải đối mặt với mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Ngoài chồng ra thì một người quan trọng khác trong quan hệ hôn nhân là mẹ chồng. Có rất nhiều cuộc hôn nhân không có được hạnh phúc là vì xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu.
Chương sáu “Khúc tòng” trong sách “Nữ giới” viết: “Phu tuy vân ái, cữu cô vân phi, thử sở vị dĩ nghĩa tự phá giả dã. Nhiên tắc cữu cô chi tâm nại hà, cố mạc thượng dữ khúc tòng hĩ.”
Ý tứ là nói vợ chồng dù rất yêu thương nhau, nhưng nếu không được cha mẹ chồng chấp thuận thì gia đình ấy sẽ không thể hòa thuận thực sự. Vậy, nếu muốn nhận được tình yêu thương từ cha mẹ chồng, thì cần phải làm được “khúc tòng” (nhún nhường, thuận theo). Nghĩa là, người phụ nữ có thể phân bua rõ ràng đúng sai với chồng mình, nhưng không thể tranh luận quá nhiều về phải trái, thiệt hơn với mẹ chồng. Có những chuyện trong lòng không đồng thuận, nhưng cũng không nên tranh luận thái quá, mà cần phải bao dung, vì mẹ chồng dù sao cũng đã lớn tuổi, họ có những quan niệm cố hữu từ rất nhiều năm trước, sớm đã ăn sâu vào tiềm thức và khó lòng thay đổi một sớm một chiều.
Từ ngàn đời nay, mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu là yếu tố cốt lõi đảm bảo sự hoà thuận trong gia đình. Khi con dâu bước chân vào nhà chồng, thay thế mẹ chồng trở thành nữ chủ nhân trong gia đình, điều này thường gây ra nhiều bức xúc giữa hai bên. Trong đám cưới cổ truyền cần làm một sự tình, đó là mẹ chồng sẽ giao việc quản lý gia đình cho con dâu, từ đó nàng dâu mới sẽ trở thành nữ chủ nhân của gia đình, lo toan mọi việc trong nhà, nhưng con dâu vẫn rất mực kính trọng mẹ chồng. Còn đám cưới hiện đại không có lễ giáo như vậy, nếu hai thế hệ chung sống với nhau, mẹ chồng nàng dâu không nhường nhịn nhau thì sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn không đáng có. Con dâu cần phải quán xuyến việc nhà, nhưng mẹ chồng mấy chục năm nay đã quen với công việc này rồi, giờ nếu phải nghe theo người khác, thì khó tránh khỏi hụt hẫng. Nếu hiểu tâm trạng của mẹ chồng, con dâu nên biết biết ơn mẹ chồng đã vất vả bao nhiêu năm, xin thêm lời khuyên từ bà, để bà cảm nhận được sự kính trọng từ nàng dâu, v.v. Có như vậy gia đình mới thêm êm ấm, hoà thuận.
Quan hệ nàng dâu – anh chị em chồng
Phương diện thứ ba là mối quan hệ với anh chị em chồng. Ngoài chồng và mẹ chồng, một mối quan hệ quan trọng khác trong gia đình là anh chị em chồng, sống hoà thuận với họ cũng là điều vô cùng cần thiết. Trong “Nữ giới” căn dặn: “Phu thúc muội giả, thể địch nhi phân tôn, ân sơ nhi nghĩa thân. Nhược thục viên khiêm thuận chi nhân, tắc năng y nghĩa dĩ đốc hảo, sùng ân dĩ kết thụ.”
Ý tứ là nói, anh chồng, chị dâu, em chồng, tuy không cùng huyết thống với mình nhưng đều đã là người một nhà, lúc ban đầu ân tình chưa thể sâu đậm, nhưng vì đạo nghĩa mà chung sống thân ái với nhau. Nếu là người phụ nữ hiền thục, khiêm tốn thì có thể theo đạo nghĩa mà xây dựng quan hệ chan hòa, thương yêu các anh chị em của chồng như người thân trong nhà.
Lâm Phương Vũ biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ