Chuyên gia: Lực lượng Mũ nồi xanh Hoa Kỳ hiện diện ở quần đảo ngoài khơi Đài Loan, tín hiệu của việc mở rộng hợp tác quân sự
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan xác nhận hôm thứ Năm tuần trước rằng các nhân viên của Lực lượng Đặc nhiệm của Lục quân Hoa Kỳ đang huấn luyện quân đội Đài Loan trên các đảo Kim Môn và Bành Hồ.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính (Chiu Kuo-cheng), trong một diễn biến chiến lược gần đây từ Eo biển Đài Loan, các lực lượng Hoa Kỳ hiện đang đồn trú trên các đảo Kim Môn và Bành Hồ ở tuyến đầu của Đài Loan.
Hồi thứ Năm tuần trước, hãng thông tấn quốc gia CNA của Đài Loan đưa tin rằng hôm 14/03, tại Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của cơ quan lập pháp Đài Loan, trước khi trình bày một báo cáo về hoạt động quân sự của Trung Quốc, ông Khâu đã trao đổi với báo chí và khẳng định rằng lực lượng Mũ nồi xanh (Green Berets) của Lục quân Hoa Kỳ đóng quân thường trực tại các trung tâm chỉ huy đổ bộ của Lục quân Đài Loan ở Kim Môn và Bành Hồ.
Các chuyên gia gọi sự hiện diện của Lực lượng Đặc nhiệm này là sự mở rộng hợp tác quân sự giữa các đồng minh truyền thống — Hoa Kỳ và Đài Loan — và cho biết diễn biến này cho thấy lực lượng Hoa Kỳ hiện diện ở tiền tuyến của Đài Loan ít nhiều là thường trực, và cuối cùng Hoa Kỳ đã thực hiện những gì cần thiết để ngăn Đài Loan khỏi sự cô lập mang tính chiến lược.
“Giới truyền thông đưa tin rằng Lục quân Hoa Kỳ [Lực lượng Đặc nhiệm] đã xuất hiện trên các hòn đảo xa xôi, cho thấy phạm vi hợp tác quân sự giữa Đài Loan và Hoa Kỳ đã dần mở rộng từ hợp tác trên biển và trên không đến các chiến dịch trên bộ tại các hòn đảo ngoài khơi,” ông Thẩm Minh Thất (Ming-Shih Shen), Giám đốc Nghiên cứu An ninh Quốc gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Bắc, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử.
Kim Môn chỉ cách Trung Quốc hơn một dặm (khoảng 1.6 km) ở điểm hẹp nhất, trong khi quần đảo Bành Hồ cách Đài Loan khoảng 30 dặm (khoảng 48 km) về phía Tây. Cả hai hòn đảo xa xôi này tạo thành một tuyến đường quan trọng của Đài Loan với Trung Quốc.
Ông Satoru Nagao, một thành viên không thường trực tại Viện Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times rằng sự hiện diện thường trực của lực lượng Hoa Kỳ trên các đảo tiền tuyến của Đài Loan sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc tấn công các đảo này.
“Tình hình gần đây cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực tấn công đảo Kim Môn. Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã hiện đại hóa lực lượng quân sự của mình với tốc độ nhanh chóng và cán cân quân sự đã thay đổi. Vì vậy, một điều khả dĩ thực sự là Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan bằng cách sử dụng lực lượng quân sự nếu họ có thể giành chiến thắng,” ông Nagao nhận định.
Các nhà quan sát về Trung Quốc lưu ý rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cần một “thành tựu danh dự” có thể hợp pháp hóa nhiệm kỳ thứ tư của ông trước năm 2028. Đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia, kể cả người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ mới được xác nhận gần đây, Đô đốc Samuel Paparo và Giám đốc CIA William Burns, đã cảnh báo về một cuộc xâm lược Đài Loan sắp xảy ra.
Vị đô đốc này nói tại một hội nghị thượng đỉnh Bộ Quốc phòng hồi tháng Hai rằng các hành động của Trung Quốc đang “nâng ngưỡng cảnh báo” lên đến mức Trung Quốc có thể nhanh chóng tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ từ các cuộc tập trận quân sự.
Hồi tháng trước, ông Burns nói với CBS rằng theo tình báo Hoa Kỳ, ông Tập đã ra lệnh cho quân đội Trung Quốc sẵn sàng cho cuộc xâm lược Đài Loan vào năm 2027.
Tuy nhiên, theo ông Nagao, sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ ở Kim Môn và Bành Hồ đã làm thay đổi cán cân.
Ông Nagao cho rằng, trong bối cảnh địa chính trị này, việc ông Khâu xác nhận với giới truyền thông rằng lực lượng Hoa Kỳ đang ở gần bờ biển Trung Quốc cũng được tính toán đúng thời điểm về mặt chiến thuật.
“Thông tin bị rò rỉ này cho thấy rằng cuộc tấn công của Trung Quốc vào Kim Môn có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh Hoa Kỳ-Trung Quốc. Có thể phía Đài Loan [muốn] răn đe Trung Quốc bằng cách tiết lộ tin tức này,” ông Nagao nói.
Thiết lập năng lực quân sự
Ông Khâu cho biết lực lượng Hoa Kỳ trên quần đảo này đang tham gia huấn luyện và tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên với các lực lượng đặc nhiệm của Đài Loan. Ông cho biết, cuộc trao đổi quân sự này bao gồm việc quan sát lẫn nhau, tìm hiểu điểm mạnh và cải thiện điểm yếu.
Theo truyền thông Đài Loan, ông Khâu cho biết, quân đội Đài Loan “có thể có một số điểm mù cũng như thiếu sót và do đó, điều quan trọng là phải liên lạc với những người thân thiện với chúng ta, cho dù họ là đội, nhóm hay quốc gia.”
Ông Grant Newsham, Đại tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã về hưu và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng việc liên lạc hàng ngày với Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ sẽ có tác dụng hữu ích đối với năng lực quân sự của Đài Loan.
“Và đừng quên tác động tâm lý của việc Đài Loan (cả quân đội và dân sự của nước này) khi lực lượng Hoa Kỳ cuối cùng đối xử với họ như những người bằng hữu. Điều đó củng cố tinh thần — và cũng mang lại một số nội dung thực tế cho những lời hứa trợ giúp của Hoa Kỳ — nghe có vẻ trống rỗng, và đã tồn tại trong một thời gian dài,” ông Newsham, tác giả cuốn sách vừa ra mắt có nhan đề “When China Attacks: A Warning to America” (“Khi Trung Quốc tấn công: Lời cảnh báo đến Mỹ quốc”), nhận định.
“Lực lượng Đặc nhiệm có phải là một kiểu ‘dây truyền tín hiệu’ không? Có lẽ vậy,” ông nói.
Lực lượng Đặc nhiệm của Lục quân Hoa Kỳ này, còn được gọi là Mũ nồi xanh, là lực lượng tác chiến đặc biệt hàng đầu của Mỹ — họ là những chuyên gia về chiến tranh phi quy ước, chống khủng bố, phòng thủ trên đất địch, trinh sát, hành động trực tiếp, giải cứu con tin, và các nhiệm vụ chiến lược khác.
Tuy nhiên, theo ông Nagao, lực lượng này không nhằm mục đích tấn công quân sự chống lại Trung Quốc.
Vai trò của Mũ nồi xanh ở Đài Loan không phải là chiến đấu. “Vai trò chính của họ là trợ giúp lực lượng vũ trang địa phương huấn luyện và tổ chức thật tốt. Trong trường hợp này, họ đang huấn luyện lực lượng phòng thủ của Đài Loan,” ông Nagao cho biết và nói thêm rằng sự hiện diện của Mũ nồi xanh không phải là sự can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ.
Ông Khâu cho rằng sự hiện diện của Mũ nồi xanh còn cho thấy Đài Loan coi trọng tầm quan trọng của các chiến dịch đặc biệt bằng hành động động trên bộ, một tầm quan trọng vốn đang tăng lên hàng ngày.
Ông Khâu lưu ý rằng trong khái niệm của Hoa Kỳ về tác chiến đa miền, việc có lực lượng du kích hoặc lực lượng tác chiến đặc biệt đằng sau phòng tuyến của kẻ thù là rất quan trọng. “Ngoài các hoạt động trên đảo ngoài khơi, cho dù đó là chiến tranh du kích trên biển, chiến tranh du kích đô thị, chiến tranh du kích trên núi, v.v., [các hoạt động này] đều cần sự trợ giúp và huấn luyện của các lực lượng tác chiến đặc biệt.”
Ông Newsham nói rằng các đội Lực lượng Đặc nhiệm cỡ nhỏ đã huấn luyện với lực lượng Đài Loan trong nhiều năm, nhưng không phải ở mức quy mô và đều đặn như thế này — cũng như không phải ở Kim Môn và các đảo ngoài khơi khác.
“Các đơn vị Lục quân Đài Loan đang huấn luyện ở Michigan với các đơn vị Vệ binh Quốc gia của Lục quân Hoa Kỳ. Và đó có lẽ là một cuộc huấn luyện lớn hơn Lực lượng Đặc nhiệm ở Kim Môn,” ông nói.
Phá vỡ thế cô lập của Đài Loan
Theo các chuyên gia, sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ tại các đảo tiền tuyến có ảnh hưởng đến sự hiện diện của Đài Loan trên tiền tuyến địa chính trị toàn cầu, và do đó có lợi ích chiến lược.
Ông Newsham nói: “Thật mừng khi thấy người Mỹ cuối cùng cũng đang làm những gì cần thiết để đưa Đài Loan thoát khỏi 40 năm cô lập khi nói đến sự can dự quân sự giữa hai quân đội.” Ông cho rằng tình huống đặc biệt của Đài Loan “khiến lực lượng Đài Loan rơi vào tình trạng chênh lệch thời gian và họ không phát triển được những năng lực cần thiết mà một quân đội hiện đại cần phải có.”
Ông nói thêm, vấn đề không phải là liệu Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ có căn cứ ở Kim Môn hay không, mà là họ có sự hiện diện trên đảo ít nhiều liên tục.
Tuy nhiên, do Hoa Kỳ chưa chính thức công bố sự hiện diện của Mũ nồi xanh ở Kim Môn và Bành Hồ nên ông Nagao gọi đây là một “chiến dịch ngầm.” Ông nhấn mạnh rằng sự hiện diện ở mức độ thấp cho thấy sự nhạy cảm trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan.
“Hoa Kỳ tôn trọng [chính sách] ‘Một Trung Quốc,’ đó là Đài Loan là một phần của Trung Quốc,” ông Nagao nói, mặc dù chính sách này là chính sách của Trung Quốc, không phải chính sách của Hoa Kỳ. Vì vậy, “chính phủ Hoa Kỳ không muốn quảng bá sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ tại Đài Loan như một sự can thiệp chính thức [vào] cuộc xung đột Trung Quốc-Đài Loan này.”
Ông Nagao cho rằng, ngoài mục tiêu bảo vệ Đài Loan, Hoa Kỳ cũng cần Đài Loan như một phần trong chiến lược chống lại Trung Quốc. Đài Loan nằm ở vị trí chiến lược lân cận các thành phố ven biển của Trung Quốc và cũng là lợi ích kinh tế cốt lõi của Trung Quốc.
Ông nói: “Hoa Kỳ cần tôn trọng quan điểm của Trung Quốc để tránh leo thang, nhưng Hoa Kỳ phải bảo vệ Đài Loan.” Tiết lộ sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Đài Loan thông qua truyền thông thay vì thông qua tuyên bố của chính phủ sẽ gửi đi một “thông điệp cân bằng.”
Ông Khâu cho rằng thông qua việc huấn luyện hợp tác với Hoa Kỳ, Đài Loan có thể hiểu được xu hướng quốc tế và các ưu tiên phát triển của các hoạt động chung, mà điều này rất quan trọng để cải thiện khái niệm và văn hóa huấn luyện của quân đội Đài Loan.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times