Không có quyền riêng tư tuyệt đối: Các giám đốc an ninh Úc kêu gọi các đại công ty công nghệ làm chậm lại việc khai triển mã hóa
Cơ quan chấp pháp Úc đã tăng cường các hành động chống chủ nghĩa cực đoan trực tuyến sau hai vụ đâm người ở Sydney.
Người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa và là ủy viên hội đồng cảnh sát của Úc sẽ kêu gọi các đại công ty công nghệ làm chậm lại việc khai triển mã hóa tân tiến hơn, khuyến khích các công ty công nghệ giúp chống lại chủ nghĩa cực đoan trực tuyến.
Trong bài diễn văn sắp tới tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Canberra, ông Mike Burgess, tổng giám đốc Tổ chức Tình báo và An ninh Úc (ASIO, tương đương với FBI của Hoa Kỳ), sẽ cảnh báo rằng việc mã hóa đầu cuối toàn diện trên các ứng dụng nhắn tin gây cản cho trở việc điều tra tội phạm.
Nhiều ứng dụng và trang web nhắn tin, như WhatsApp, Signal, và ProtonMail, sử dụng mã hóa để bảo vệ thông tin được gửi từ người dùng này tới người dùng khác — bao gồm việc mã hóa dữ liệu, gửi đi, và sau đó được bên ủy quyền giải mã dữ liệu khi nhận được.
‘Mã hóa là vô trách nhiệm’
Ông Burgess sẽ không kêu gọi chấm dứt khai triển mã hóa, mà là sẽ kêu gọi các đại công ty công nghệ làm chậm việc này lại.
“Nếu mối đe dọa, bằng chứng, biện pháp bảo vệ, và sự giám sát đủ mạnh để chúng tôi có được lệnh bắt giữ, thì những điều vừa liệt kê cũng đủ mạnh để các công ty giúp chúng tôi thực hiện lệnh bắt giữ đó. Để khiến cho việc mã hóa trở nên có trách nhiệm,” ông Burgess sẽ nói, theo các bình luận mà AAP thu thập được trước khi bài diễn văn chính thức được đưa ra.
“Nếu không có sự trợ giúp của họ trong những trường hợp rất hạn chế và được kiểm soát chặt chẽ, thì việc mã hóa sẽ là vô trách nhiệm. Trên thực tế, việc mã hóa vô trách nhiệm cũng giống như xây dựng một căn cứ an toàn cho những kẻ khủng bố và gián điệp, một nơi an toàn để họ có thể âm mưu và trù tính kế hoạch.”
“Hãy tưởng tượng rằng có một khu vực trong thành phố mà những kẻ cực đoan bạo lực có thể tụ tập một cách kín đáo và không bị trừng phạt. Hãy tưởng tượng rằng họ sử dụng không gian an toàn này để thảo luận về chủ nghĩa khủng bố và phá hoại, phỉ báng người Hồi Giáo, người Do Thái, người da màu, và cộng đồng LGBTQIA+. Và hãy tưởng tượng cơ quan an ninh và cảnh sát bị chặn không vào được khu đó để điều tra và ứng phó.”
Vị tổng giám đốc này cũng sẽ tiết lộ rằng nhiều mạng lưới cực đoan được cho là đang sử dụng các dịch vụ được mã hóa.
Ông sẽ cho biết, “Họ sử dụng một nền tảng trò chuyện được mã hóa để liên lạc với những kẻ cực đoan ở ngoại quốc, chia sẻ những lời tuyên truyền độc hại, đăng các mẹo tự chế tạo vũ khí, và thảo luận về cách kích động một cuộc chiến chủng tộc.”
“Việc có quyền truy cập hợp pháp và có mục tiêu vào các thông tin liên lạc cực đoan sẽ có ảnh hưởng và hiệu quả hơn nhiều, sẽ cho chúng tôi có thể giám sát hoạt động của họ theo thời gian thực.”
Trong khi đó, Ủy viên Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) Reece Kershaw sẽ cáo buộc rằng các nền tảng truyền thông mạng xã hội “không cho phép sự đốt cháy xã hội (social combustion) bị dập tắt.”
Ông sẽ nói: “Thay vì dập tắt than hồng trên nền tảng của họ, sự dửng dưng và thách thức của những công ty công nghệ đang đổ thêm dầu vào lửa.”
“Nếu chúng ta xem xét tin giả và thông tin sai lệch từ hai vụ việc gây chấn động ở Sydney trong tháng này (04/2024), và cách mà sự đốt cháy xã hội đó được truyền bá ra khắp thế giới, thì chúng ta sẽ thấy hậu quả của sự dửng dưng và thách thức đó.”
Ông Musk giữ vững lập trường trước chính phủ Úc
Bình luận của ông Kershaw được đưa ra trong bối cảnh giữa tỷ phú công nghệ Elon Musk và chính phủ Úc đang diễn ra một cuộc khẩu chiến và sắp tới là một cuộc tranh tụng đang chờ giải quyết.
Ông Musk đã từ chối tuân thủ một lệnh của Ủy viên An toàn Điện tử (eSafety) Julie Inman Grant yêu cầu xóa bỏ tất cả nội dung trên toàn cầu liên quan đến vụ đâm một giám mục Cơ Đốc Giáo người Assyria ở phía tây Sydney. Chính phủ Úc xem vụ hành hung này là một “vụ khủng bố” và họ cũng đổ lỗi rằng mạng xã hội X đã khiến chủ nghĩa cấp tiến bừng lên.
X đã xóa nội dung này ở Úc nhưng lại đã do dự trước quan điểm xóa nội dung trên toàn cầu vì cho rằng một yêu cầu như vậy là vượt quá thẩm quyền của chính phủ sở tại.
Tuy nhiên, hôm 22/04, Tòa án Liên bang đã ban hành một lệnh cấm kéo dài hai ngày đối với nền tảng mạng xã hội X về việc xóa nội dung liên quan trên toàn cầu.
Trong khi đó, các chính trị gia Úc đã đưa ra những lời lẽ gay gắt đối với doanh nhân công nghệ và người sáng lập Tesla.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết vào hôm 23/04, “Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để bắt giữ tỷ phú ngạo mạn này, kẻ cho rằng mình không chỉ đứng trên luật pháp mà còn đứng cao hơn những khuôn phép thông thường.”
“Những gì ủy viên An toàn Điện tử đang làm là thực hiện công việc của mình để bảo vệ lợi ích của người Úc.”
Cảnh sát Liên bang Úc: ‘Không có quyền riêng tư tuyệt đối’
Trong khi đó, ông Kershaw sẽ nói rằng các đại công ty công nghệ nên hạn chế chuyển sang mã hóa đầu cuối “cho đến khi họ có thể bảo đảm rằng công nghệ của mình bảo vệ chống lại tội phạm trực tuyến, thay vì cho phép điều đó.”
Ông Kershaw sẽ nói: “Chúng tôi thừa nhận vai trò của các công nghệ như mã hóa đầu cuối trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư, và an ninh mạng, nhưng không có quyền riêng tư tuyệt đối.”
“Mọi người có quyền riêng tư giống như họ có quyền không bị tổn hại. Mọi người mong muốn quyền riêng tư của họ được bảo vệ cũng như họ mong đợi cảnh sát thực hiện nhiệm vụ một khi tội ác xảy ra với họ, hoặc với người thân yêu. Họ cũng kỳ vọng về khả năng ứng phó và đưa những kẻ phạm tội ra trước hệ thống tư pháp.”
Trước đó, ông Andy Yen, tổng giám đốc của Proton, cho biết ông sẽ không tuân thủ bất kỳ hành động nào nhằm phá vỡ mã hóa của người dùng.
“Với các đề nghị An toàn Điện tử hiện tại, Internet mà chúng ta biết đang phải đối mặt với một mối đe dọa thực sự. Các tiêu chuẩn được đề nghị sẽ buộc các dịch vụ trực tuyến — bất kể những dịch vụ này có được mã hóa đầu cuối hay không — phải truy cập, thu thập, và đọc các cuộc trò chuyện riêng tư của người dùng,” ông từng nói với The Epoch Times.
Hơn nữa, các tập đoàn tội phạm có tổ chức sử dụng các nền tảng cụ thể, như nền tảng nguồn mở Tor, nằm ngoài phạm vi hoạt động của các đại công ty công nghệ như Meta, Google, và X. Việc này làm dấy lên thêm các câu hỏi về phạm vi và mục đích của việc chấp pháp.
Úc hợp tác quốc tế
Bộ trưởng Truyền thông Michelle Rowland cho biết chính phủ Úc đang làm việc với các cơ quan quản lý và chính quyền ở các quốc gia khác để giải quyết vấn đề các nền tảng mã hóa đang được sử dụng cho chủ nghĩa cực đoan.
Bà nói với đài phát thanh ABC: “Các cơ quan an ninh quốc gia Úc lo ngại sâu sắc về việc có các công cụ thích hợp để làm việc nhằm giữ an toàn cho người dân.”
Minh Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times